Biến tấu món ngon với hoa quả của người Việt
Người Việt Nam đã biến tấu nên những cách thưởng thức hoa quả thành những món ăn độc đáo khiến không ít du khách nước ngoài phải ngỡ ngàng mỗi khi có dịp ghé thăm mảnh đất hình chữ S xinh đẹp.
[rpi]
Có lẽ hiếm nơi nào sở hữu một nền ẩm thực đa dạng như ở Việt Nam. Mỗi vùng miền lại có những nét văn hoá ăn uống khác nhau cùng những món đặc sản hấp dẫn du khách phương xa. Thêm nữa, tuỳ từng món mà mỗi nơi có thêm những cách thưởng thức độc đáo khác nhau, trong đó các loại hoa quả cũng không là ngoại lệ.
HOA QUẢ NƯỚNG
Cách ăn hoa quả này của người Việt được ưa chuộng ở các tỉnh miền Tây và cũng là đặc sản Nam bộ nức tiếng gần xa. Thông thường người ta sẽ dùng chuối Xiêm còn gọi là chuối sứ để chế biến món này. Sau khi cho từng trái lên bếp than nướng cho giòn lớp ngoài, khi ăn sẽ rưới thêm lớp mỡ hành hoặc nước cốt dừa mằn mặn để tăng thêm hương vị.
Ngoài chuối nướng thì sầu riêng nướng cũng được xem là một món đặc sản khá quen thuộc của ẩm thực miền Nam. Khi nướng, người ta thường để trực tiếp sầu riêng còn nguyên vỏ vào lửa than cho đến khi lớp vỏ sần sùi bên ngoài cháy xém thành màu đen. Sau đó, chỉ cần tách trái sầu riêng ra thì phần thịt màu vàng bên trong sẽ tỏa ra mùi thơm lừng rất hấp dẫn khiến bao tâm hồn ăn uống không thể kiềm lòng được.
HOA QUẢ LUỘC
Một cách ăn hoa quả của người Việt độc lạ không thể không nhắc đến chính là hoa quả luộc, mà trong số đó nổi bật nhất là món ổi luộc. Đây là món ăn có nguồn gốc từ ẩm thực Tây Bắc và sau đó dần phổ biến ở các thành phố lớn của Việt Nam. Muốn ổi luộc ngon, người ta phải chọn loại ổi thóc quả nhỏ, hơi xanh và vẫn còn chút vị chát. Để khi luộc lên thì ổi trở nên vàng óng, quả nào quả nấy toả hương thơm lừng, khi ăn cũng ngọt hơn và vị chát cũng mất hẳn.
Ngoài ra, chuối luộc cũng là món ngon gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Thông thường, loại chuối được sử dụng mang đi luộc là chuối cau hay chuối sáp với những quả chỉ nhỏ bằng ngón tay. Chuối sau khi luộc lên có màu vàng óng, khi ăn có cảm giác bùi bùi, dẻo thơm và không quá ngọt như chuối bình thường.
KẾT HỢP QUẢ CHÍN VỚI CƠM
Thêm một cách ăn hoa quả của người Việt kỳ lạ nữa là ăn hoa quả tươi cùng với cơm trắng. Ở miền Tây, việc ăn cơm trắng trộn thịt kho hay một món mặn cùng các loại hoa quả chín như xoài, dưa hấu, chuối,… không còn là chuyện lạ. Đặc biệt ở một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, người ta còn ăn cơm với bơ tươi.
Hoa quả ăn với cơm thường là hoa quả đã chín, được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi dùng với cơm trắng nóng, chan thêm nước tương hoặc nước mắm để tăng thêm hương vị đậm đà. Thông thường, người ta thường ăn xoài và chuối khi có những món mặn như thịt kho hoặc cá kho, còn dưa hấu thì hay ăn kèm với cá loại khô như khô cá, khô mực.
XÔI HOA QUẢ PHỔ BIẾN
Xôi hoa quả thực chất là một món ăn có nguồn gốc từ Thái Lan và được du nhập vào miền Tây Việt Nam trong những năm 70 bởi một người Việt gốc Thái. Từ thời điểm du nhập tới nay xôi hoa quả đã được biến tấu để hợp khẩu vị với người Việt và trở thành một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền Tây Nam Bộ. Người miền Tây vốn tính hảo ngọt, mà muốn ăn ngon thì phải sáng tạo ra muôn vàn đặc sản để thỏa mãn sở thích ấy.
Chính vì thế, những món xôi được kết hợp với hoa quả cũng sáng tạo, biến tấu đa dạng khác nhau. Xôi mít cái ngọt lịm từ hoa quả, thêm chút béo ngậy với nước cốt rồi đến xôi xoài hay xôi sầu riêng mang hương vị dẻo thơm của gạo nếp kết hợp cùng dừa và mè rang.
GỎI ĐA DẠNG CÁC MIỀN
Gỏi xoài là món ăn phổ biến ở khắp các vùng miền của Việt Nam. Với vị chua đặc trưng nên xoài có thể dễ dàng kết hợp với nhiều nguyên liệu để tạo nên những món gỏi khác nhau như gỏi xoài thịt heo, gỏi xoài tôm khô, gỏi xoài khô cá lóc, gỏi xoài ốc giác…Bên cạnh đó còn có nhiều món gỏi đặc sản của từng vùng miền như gỏi mít miền Trung, gỏi măng cụt, gỏi bưởi đặc sản Bình Dương hay gỏi cóc, gỏi bòn bon của miền Nam đều mang hương vị thơm ngon, hấp dẫn khiến cho bao thực khách phải mê mẩn mỗi khi được thưởng thức.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cinet