Bún cua thối: Đặc sản “bốc mùi” của vùng đất Pleiku

Tuy mang đặc trưng mùi vị khá “ngây ngất” nhưng những thực khách đã thưởng thức bún cua thối đều cho rằng món ăn này có khả năng gây “nghiện” cao và nếu đã ăn một lần rồi thì khó lòng mà quên được.

[rpi]

Có nguồn gốc từ những người Bình Định di dân đến Gia Lai nhưng hiện nay bún cua thối đã trở thành một đặc sản của phố núi Pleiku.

Mùi “thum thủm” của bún cua thối xuất phát từ nước cua đồng đã được ủ lên men sau một đêm. Cua đồng sau khi rửa sạch, giã lấy nước thì được ủ cho lên mùi rồi mới mang đi nấu. Ngoài nước cua, để ngọt nước, đầu bếp còn cho thêm măng luộc. Vì hương vị đặc trưng nên món ăn rất kén thực khách, không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nêm nguyên chất và nước cua lên men.

wanderlust-tip-bun-cua-thoi-dac-san-boc-mui-cua-vung-dat-pleiku-1
Bún cua thối là món ăn không thể bỏ qua khi đến Pleiku.

Bún làm từ gạo là nguyên liệu chính ăn cùng với nước lèo cua. Nước lèo cua tuy có mùi khó chịu nhưng lại đậm đà khó quên bởi vị ngọt từ cua đồng, thêm vào đó là vô số gia vị. Dùng cùng với bún là bánh phồng tôm, tóp mỡ cháy giòn, da heo chiên giòn, hành phi dầu đậu nành, rau sống các loại. Đặc biệt, món ăn này không thể thiếu mắm nêm và ớt bằm. Do món ăn có vị tanh nên càng cay càng ngon.

wanderlust-tip-bun-cua-thoi-dac-san-boc-mui-cua-vung-dat-pleiku-2
Tóp mỡ chiên giòn ăn cùng bún cua thối.

Với bún cua thối, trước đó, dù rằng thực khách sẽ phải nhíu mày nhăn nhó vì cái mùi chẳng-giống-ai, thế nhưng chỉ đến khi nếm thử một gắp đũa các nguyên liệu từ tô bún cua thối lên môi thì vị mằn mặn, cay cay là lạ bất ngờ “phát huy” tác dụng. Cái mùi nồng nặc ấy bỗng chốc “thơm” đến nỗi khiến thực khách ghiền ngay, gắp liên hồi để hưởng trọn hương vị món bún độc đáo, lạ lẫm này.

Nếu có dịp đến Pleiku hãy tìm ngay một quán bún cua thối để thử cho “biết mùi” nhé!

Thu Hoài (TH) | Wanderlust Tips | Cinet