Ca Huế, nét đẹp Cố đô

Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015. Đến mảnh đất cố đô thơ mộng, nhất định phải thử một lần được lênh đênh trên thuyền rồng ngắm sông Hương về đêm và chìm đắm trong làn điệu ca Huế đầy cảm xúc.

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Ca Huế là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất cố đô Huế, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nét độc đáo của ca Huế là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc bác học và dân ca, sự chặt chẽ trong cấu trúc giữa thanh nhạc và nhạc khí để truyền tải nét đẹp xứ Huế một cách nhẹ nhàng tới người nghe.

Nguồn gốc của ca Huế

Vào thế kỷ thứ XVII, ca Huế là thú vui tao nhã của dòng dõi hoàng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn và đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Ban đầu bộ môn nghệ thuật này phát sinh trong cung đình, sau đó được lan tỏa và hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, từ đó tạo nên bản sắc địa phương rõ nét.

Ngày nay, cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Nét đặc sắc riêng của ca Huế

Ca Huế là 1 thể loại nhạc cung đình với lịch sử lâu đời và hệ thống bài bản vô cùng phong phú, gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo 2 điệu thức lớn là điệu Nam và điệu Bắc. Điệu Bắc mang âm điệu vui tươi, trang trọng, còn điệu Nam lại đầy cảm xúc với những âm điệu buồn, ai oán, nỉ non.

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật, giáo dục. Mang tính bác học, ca Huế cũng từng đóng vai trò quốc nhạc và được sử dụng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam.

Ca Huế trên sông Hương

Trước đây, ca Huế trên sông Hương là hoạt động nghệ thuật được các hoàng thân và quan chức trong cung đình yêu thích. Sau quá trình lưu giữ, phát triển, loại hình hoạt động nghệ thuật này dần trở nên phổ biến đối với người dân mảnh đất cố đô Huế.

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Vì thế bên cạnh nhu cầu thăm thú thưởng ngoạn những đền đài, lăng tẩm, đến Huế, du khách còn được thưởng thức những câu ca mượt mà, sâu lắng, làm say đắm lòng người ngay giữa sông Hương dịu dàng.

Khi thành phố Huế ngập trong ánh đèn, đủ màu sắc, cũng là lúc những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng sông Hương để bắt đầu cho đêm ca Huế đầy hứng khởi.

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Ban nhạc trên thuyền tuy không đông nhưng đầy đủ các loại dụng cụ âm nhạc dân tộc như bầu, nhị, nguyệt. Phách được giữ nhịp bởi các ca sĩ. Mở đầu cho đêm ca Huế trên sông Hương là 4 nhạc khúc Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ. Tiếp đến là những điệu hò Huế đối đáp và tân nhạc Huế đặc săc.

Sự kết hợp hài hòa giữa giọng hát trầm bổng và âm điệu du dương của dàn nhạc cụ truyền thống trong không gian thanh tịnh sẽ đưa du khách về một Huế xưa đầy mộng mơ với những nét đẹp quá khứ của một thời vàng son đã khép lại.

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Lênh đênh trên chiếc thuyền rồng trong tiếng ca Huế, du khách còn được thả đèn hoa đăng khi thuyền trôi đến bến Vân Lâu, đây là một phong tục có từ lâu đời ở Huế. Người Huế thả đèn hoa đăng trên sông Hương để cầu an cho mọi người.

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Ngày nay, ngoài những bản nhạc truyền thống, các nhạc công còn chơi cả những bản nhạc nước ngoài, khiến buổi đêm trên sông Hương càng trở nên đặc sắc. Đây là một nét mới trong việc tổ chức ca Huế trên sông Hương, đặc biệt thu hút các du khách quốc tế, giúp họ thêm yêu mến các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.

Ca Huế, nét đẹp cố đô | Wanderlust Tips

Ca Huế là một nghệ thuật văn hóa đặc trưng của Huế, người dân nơi đây luôn trân trọng giữ gìn và phát triển ca Huế như một di sản vô giá sau biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Nếu ghé thăm Huế xinh đẹp thì đừng bỏ lỡ trải nghiệm nghe ca Huế trên sông Hương nhé.

Wanderlust Tips | Cnet