Các bộ tộc từ chối tiếp xúc với nền văn minh hiện đại
Nhiều bộ tộc tồn tại ở các châu lục muốn sống tách biệt khỏi nhân loại, bất chấp con người hiện đại có muốn liên hệ với họ ra sao. Thành viên của các bộ lạc này vẫn duy trì các tập quán đã không còn tồn tại ở những nơi khác trên thế giới.
[rpi]
Người Sentinel ở quần đảo Andaman, Ấn Độ được cho là bộ tộc hung dữ nhất thế giới. Hơn 60.000 năm sống ngoài thế giới văn minh nhưng đến nay bộ tộc này vẫn từ chối liên hệ với bất cứ ai. Bộ tộc này đã bắn cung giết chết hai ngư dân có ý định tiếp cận nơi họ sống và ném đá liên tiếp vào những máy bay khảo sát. Hiện nay, chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cấm hoàn toàn việc liên hệ với bộ tộc này.
Những cư dân bộ tộc Mashco – Piro ở Peru cũng từ chối liên lạc với thế giới bên ngoài và sẵn sàng tấn công bất cứ ai muốn tiếp cận. Họ đã sống sót qua thời kỳ trồng trọt và khai thác cao su đẫm máu ở Peru cuối những năm 1800. Vì hoạt động khai thác gỗ trái phép và khai thác dầu nên bộ tộc này buộc phải rời khỏi rừng và đến các làng khác tranh giành chỗ ở.
Giống như Brazil hay Peru, có không ít bộ tộc nằm rải rác khắp New Guinea nhưng không có nhiều liên lạc với bên ngoài, do địa hình rừng núi hiểm trở. Không ít khách du lịch hay các nhà nghiên cứu tới đây đều mất tích mà không tìm được dấu vết để lại. Bộ tộc Fore ở miền đông New Guinea được đồn rằng là một trong những bộ tộc có tục ăn não người man rợ nhất thế giới.
Pintupi Nine là một bộ tộc sống chủ yếu nhờ vào việc săn bắt, hái lượm ở sa mạc Gibson, Australia. Họ chủ yếu ăn thực vật, thỏ và kỳ đà. Sau lần đầu gặp gỡ những cư dân hiện đại tại bang Western Australia vào năm 1984, tộc người Pintupi Nine biết đến một thế giới đầy đủ tiện nghi và lương thực dồi dào. Phần lớn thổ dân quyết định chuyển đến vùng thành thị, trong khi một số khác giữ nguyên nếp sống của mình.
Trên quần đảo Andaman còn có khoảng 400 cư dân của bộ tộc Jarawa được chia thành các nhóm 40-50 người sống trong các chaddha (từ họ dùng để gọi lều của mình). Cũng giống như bộ tộc Sentinel, trước đây, bộ tộc này từ chối tiếp xúc với con người. Tuy nhiên, từ thập niên 90, bộ tộc này bắt đầu liên hệ với thế giới bên ngoài. Nhưng không may, việc tiếp xúc với con người gây ra dịch sởi bùng phát đe dọa đến cuộc sống của bộ tộc.
Ở Paraguay, không hiếm những bộ tộc không được biết đến sự tồn tại. Tuy chính phủ biết người Ayoreo sống trong một làng thường di cư do nạn phá rừng, nhưng không thể liên lạc được vì các gia đình đều tránh tiếp xúc ít nhất có thể. Người Ayoreo còn giữ tập quán “chôn sống” người hấp hối, cảm nhận cái chết đang đến gần bằng cách đắp đất lên cơ thể người đó đến khi chết vì ngạt thở.
Những thông tin về người Carabayo sống ở lưu vực sông Pure vùng Amazon, Colombia không nhiều. Bộ tộc này phải chịu đựng một dịch bệnh do tiếp xúc với các nhà thám hiểm. Trong quá khứ, người Carabayo trải qua nguy hiểm từ nạn buôn nô lệ và khai thác cao su.
Bộ tộc Korubo ở Brazil không ngần ngại giết những kẻ tò mò mà không chịu làm rõ nguyên nhân vì sao tiếp xúc với họ. Lâm tặc và nhà thám hiểm từ lâu là cái gai trong mắt họ. Nhưng bộ tộc này đã chấp nhận quay phim để làm tư liệu.
Những bộ tộc khác nhau của Wayampi sống rải rác ở Guyana và Brazil. Một số bộ tộc đã chấp nhận tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau khi được phát hiện vào năm 1990 nhưng một số khác sống ẩn dật, thậm chí từ chối liên lạc với một số làng thuộc bộ tộc của họ. Những bộ tộc này được cho là những bộ tộc sống cô lập cuối cùng trên lãnh thổ Pháp.
Wonderslist | Wanderlust Tips | Cinet