Các loài động vật biểu tượng châu Á
- 16/09/2019
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- các nước châu Á, Linh vật, động vật biểu tượng, động vật biểu tượng cho các nước châu Á
Hầu hết các đất nước trên thế giới, đặc biệt là châu Á đều có loài động vật biểu tượng riêng, thể hiện tinh thần và văn hóa của đất nước đó.
[rpi]
TRÂU NƯỚC BÌNH DỊ TRÊN ĐỒNG QUÊ VIỆT NAM
Là một đất nước lấy sản xuất nông nghiệp là chính, không lạ gì khi hình ảnh con trâu luôn gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam. Chúng gặm cỏ trên những cánh đồng quê, đằm mình trong cái ao làng, đi qua những con đường nhỏ trong làng xóm và ở cả trong thơ ca, trong tâm thức và văn hóa của đất nước ta. Chúng tượng trưng cho bản chất hiền lành, cần cù và bất khuất. Khi đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á Sea Game 22 năm 2003, hình ảnh chú trâu vàng đã được sử dụng làm biểu tượng thể thao, thể hiện tinh thần, ý chí và nỗ lực của thể thao Việt Nam.
GẤU TRÚC THÂN THIỆN CỦA TRUNG QUỐC
Gấu trúc không chỉ là niềm tự hào của Trung Quốc mà còn là động vật được rất nhiều người trên thế giới yêu quý. Những chú gấu trúc xinh xắn này rất dễ dàng nhận biết nhờ những mảng màu đen xung quanh mắt và tứ chi, chủ yếu ăn tre và trúc. Loài vật hoang dã nhưng vô cùng hiền lành và đáng yêu này còn trở thành sứ giả ngoại giao, góp phần gắn kết tình hữu nghị giữa Trung Quốc với những quốc gia khác.
RỒNG KOMODO: NIỀM TỰ HÀO CỦA INDONESIA
Rồng Komodo thực chất là một loài thằn lằn lớn, thuộc họ Kỳ đà được tìm thấy ở đảo Komodo, Rinca, Flores, Gili Motang, và Padar của Indonesia. Và có lẽ, đây là quốc gia duy nhất sở hữu loài động vật được cho là có mối liên hệ mật thiết với khủng long đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Cũng chính vì thế mà nó đang rất được quan tâm và bảo tồn khỏi sự săn bắt của con người. Động vật biểu tượng chính là báu vật của người dân xứ sở vạn đảo góp phần truyền bá hình ảnh và văn hóa của Indonesia ra bạn bè năm châu.
CÁ CHÉP KOI HÓA RỒNG XỨ SỞ MẶT TRỜI MỌC
Cá chép Koi, còn được gọi là Nishikigoi, là một loại cá chép đã được thuần hóa và lai tạo rất phổ biến tại Nhật Bản. Cá chép Koi sống theo bầy đàn và do đó thường được nuôi trong các hòn non bộ, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Loài cá này tượng trưng cho lòng kiên trì, ước vọng của người dân và sự biến đổi, tái sinh của đất nước Nhật Bản sau bao thăng trầm của lịch sử. Cũng chính vì thế mà biểu tượng cá chép Koi luôn gắn liền hình ảnh vượt vũ môn hóa rồng.
CÔNG LAM ẤN ĐỘ RỰC SỠ SẮC MÀU
Công Lam ở Ấn Độ là động vật biểu tượng cho cái đẹp, cho sự may mắn và thịnh vượng mà nữ thần Lakshmi mang lại cho người dân Ấn Độ. Do đó, không lạ gì khi loài vật này lại trở thành quốc điểu và chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của đất nước này. Công Lam Ấn Độ lớn, có màu sắc rực rỡ và sống chủ yếu ở các vùng rừng xanh thông thoáng. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp chúng đang tìm kiếm những quả chín mọng hay ngũ cốc trên những mảnh đất canh tác. Công Lam xuất hiện nhiều trong văn hóa Ấn Độ, từ các công trình kiến trúc, thần thoại cho đến thơ ca dân gian hay thậm chí là trong triết học.
CHÚ VOI LINH THIÊNG TRONG VĂN HÓA THÁI LAN
Thái Lan từ lâu đã xem voi như là một loài vật linh thiêng của đất nước này, là biểu tượng của tôn giáo, dân tộc và hoàng gia. Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hình ảnh chú voi trắng đã xuất hiện trên quốc kỳ của Thái Lan. Đặc biệt, hằng năm, đất nước này vẫn tổ chức lễ hội voi Surin nổi tiếng, thu hút rất đông du khách. Trong lễ hội, hơn 300 chú voi sẽ tham gia các hoạt động như diễu hành, đá bóng…
HỔ MÃ LAI – HỘ MỆNH CHO NGƯỜI DÂN MALAYSIA
Hổ Mã Lai là một quần thể hổ sống ở miền Trung và Nam của bán đảo Mã Lai. Ban đầu, chúng được cho là cùng phân loài với hổ Đông Dương, nhưng sau khi làm các phân tích về DNA, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã quyết định tách riêng hổ Mã Lai với hổ Đông Dương. Hình ảnh hai con hổ được vẽ trên áo giáp của Malaysia tượng trưng cho vai trò người hộ mệnh, giúp cho đất nước vượt qua được mọi sóng gió. Trong văn hóa dân gian, hổ Mã Lai có biệt danh là “Pak Belang”, nghĩa là “quý ngài lông vằn”.
Wanderlust Tips | Cinet