Cảm xúc Tết Việt
- 26/01/2017
- ĐỐI THOẠI
- du lịch, Editor picks, năm mới, người nước ngoài, tết cổ truyền, Tết Việt, đại sứ, đón tết
(#wanderlusttips) Trong khi ngày Tết dường như đang trở thành một thứ áp lực vô hình với chính người Việt, hãy cùng Wanderlust Tips khám phá cách mà đại diện các nước và vùng lãnh thổ đón Tết cổ truyền của người Việt như thế nào, có thể sẽ giúp nhắc nhở bạn về những giá trị truyền thống đang dần mai một trong nếp sống cũng như tâm hồn của chúng ta.
[rpi]
Ông K.V.Vnukov – Đại sứ Nga tại Việt Nam: “Khoảng cách xa nhưng trái tim chúng ta rất gần”
Tết Đinh Dậu này là cái Tết thứ 2 của tôi ở Việt Nam và hành trình gắn bó với Việt Nam trong cương vị một Đại sứ đã bước sang năm thứ 3. Tết đầu tiên có thể nói là ngay ở nơi làm việc bởi vì khi đó tôi mới bắt đầu sứ mệnh của mình với tư cách là Đại sứ Nga tại Việt Nam.
Đó là cái Tết vô cùng đáng nhớ đối với tôi bởi ngày mùng 2, tôi được Chủ tịch nước Việt Nam – ông Trương Tấn Sang mời đến tư dinh của ông để cùng đón năm mới. Với tôi đây là là một vinh dự lớn lao, bởi vì vào ngày đó, tôi đã là người khách nước ngoài đầu tiên của chủ nhà trong năm mới. Và theo tôi hiểu thì điều này rất có ý nghĩa đối với người Việt Nam.
Tôi đã được chứng kiến cảnh đón Tết của người Việt khắp hai miền Nam – Bắc. Cho dù đó là cành đào tươi thắm hay cây quất vàng rực, thì điều quan trọng nhất trong ngày Tết theo tôi chính là sự đoàn viên, sum họp, dù đi đâu chăng nữa Tết cũng phải “về nguồn về cội” cùng người thân đón một mùa xuân mới.
Với tôi, tuyệt vời nhất là dạo phố phường Hà Nội trong những ngày đầu năm mới, sẽ không còn tắc đường và yên tĩnh đến lạ kỳ. Nơi này một ông Đồ râu tóc bạc phơ đang cho chữ, chỗ kia một nhóm các em bé mặc áo dài truyền thống đang ầm ĩ so bì xem ai nhận được nhiều lì xì nhất. Phố xá thoang thoảng hương thơm của những món ngon truyền thống dịp Tết. Mọi người ai nấy đều vui vẻ, chúc nhau những lời tốt đẹp, trao cho nhau những món quà và đâu đâu cũng thấy hoa. Tết thật sự là một dịp rất đặc biệt!
Người ta nói rằng ngày đầu năm mới thế nào thì cả năm sẽ như vậy, do đó tôi cũng lên kế hoạch là sẽ đón năm mới vui vẻ cùng người thân, bè bạn – những người thực sự đồng điệu về tâm hồn với mình.
Tuy có khoảng cách địa lý xa xôi, khí hậu, ngôn ngữ khác biệt, song người Nga và người Việt Nam đều có chung tâm thế khi chào đón một năm mới. Người Nga cũng dọn dẹp nhà cửa, vứt bỏ những đồ cũ, trang hoàng nhà thật đẹp để đón một năm mới may mắn. Nếu ở Việt Nam trẻ con được nhận lì xì, thì trẻ nhỏ ở Nga cũng được tặng quà sau khi gửi thư cho ông già tuyết. Người dân hai nước đều đón năm mới bằng những món ăn rất ngon, giàu năng lượng. Món salad Nga rất được người Việt yêu thích cũng là một trong những món luôn hiện diện trên bàn tiệc năm mới của người Nga. Hai dân tộc chúng ta có nhiều điểm chung, như người ta nói, “khoảng cách xa nhưng trái tim lại gần”.
Trước thềm năm mới Đinh Dậu, tôi cũng xin được gửi lời chúc tới toàn thể quý bạn đọc của tạp chí Wanderlust Tips. Chúc các bạn có một năm mới nhiều niềm vui, thành công, chúc cho ngôi nhà của các bạn luôn tràn ngập tiếng cười, bình an, tình yêu và thịnh vượng.
S Novym Godom! Chúc mừng Năm Mới!
Ông Saadi Salama – Đại sứ Palestine: Học ở Việt Nam, ăn món Việt, nói tiếng Việt và lấy vợ Việt
Năm nay sẽ là cái Tết thứ 15 của tôi ở Việt Nam trong 36 năm gắn bó với đất nước xinh đẹp này. Ấn tượng của tôi về ngày Tết đó là dịp mà người Việt bỏ qua cho nhau những điều chưa hay, chưa phải trong năm cũ, để bắt đầu một năm mới vui vẻ, thuận hòa, an lành hơn. Điều đó thể hiện trong các tục lệ như tiễn ông Công, ông Táo, thả cá chép, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, trang hoàng nhà cửa. Và thật kỳ lạ là văn hóa của các bạn cũng có khá nhiều điểm tương đồng với người dân Palestine như là ăn bữa đoàn viên, hay tục lệ đi thăm họ hàng, người nhỏ tới thăm người lớn tuổi, hay cả tục lệ lì xì dịp năm mới. Cũng có những món bánh chỉ làm vào đúng dịp này, người Việt Nam thì ăn bánh chưng, còn người Palestine thì chọn bánh ngọt, với hy vọng một năm mới ngọt ngào hơn, bao dung hơn với những lỗi lầm của năm cũ. Ngày Tết của Palestine khác chút là diễn ra sau tháng nhịn ăn Ramada của người Hồi Giáo.
Lần đầu tiên đón Tết Việt như một du học sinh năm 1980 cho tới nay, trong cương vị một Đại sứ, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Nếu như năm nay tôi tiếp tục đón Tết ở Hà Nội thì sẽ vẫn tiếp nối những nếp sinh hoạt cũ như thả cá chép, đón tiếp bạn bè người thân tới ăn bữa cơm ấm cúng dịp cuối năm, trang hoàng nhà cửa rực rỡ với đào, quất, cùng nhau đi chúc Tết và lì xì con trẻ.
Có một điều đáng tiếc là Tết ngày nay ít vui vẻ, sum vầy và gắn kết hơn ngày xưa vào thời hậu chiến khi mà người dân đi làm quần quật cả năm, và những gì ngon nhất họ dành để ngày Tết mang ra trang hoàng hoặc chế biến để thưởng thức cùng nhau. Đó là ngày sum họp, đó là ngày hướng về nguồn cội. Ngày xưa, ngay từ lễ ông Công ông Táo, khắp phố phường Hà Nội nghi ngút khói tỏa ra từ những nồi bánh chưng, người ta sum vầy cùng gia đình trong 3 ngày Tết. Điều đó thật sự ấm áp.
Và mặc dù pháo đã bị cấm nhưng trong ký ức của tôi thì nghe tiếng pháo đêm giao thừa là một trải nghiệm thiêng liêng khi 90 triệu người dân cùng đồng loạt làm một việc, tâm niệm những điều tốt đẹp và tiếng pháo xua đuổi những gì không may mắn, chỉ giữ lại sự an lành cho năm mới.
Năm mới 2017, tôi hy vọng mối quan hệ du lịch giữa Việt Nam và cộng đồng các nước Hồi Giáo sẽ được cải thiện hơn. Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn từ văn hóa lịch sử đến du lịch nghỉ dưỡng biển đảo và cả du lịch giải trí đang trên đà bùng nổ. Hiện nay còn một số rào cản do sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo và ẩm thực, song tôi tin rằng năm mới 2017 Việt Nam sẽ nâng tầm chất lượng dịch vụ để đón tiếp du khách từ các quốc gia giàu có tới thăm thú.
Bà Cecilia Piccioni – Đại sứ Ý ở Việt Nam: Du xuân Hà Nội bằng xe đạp
Tết 2017 là cái tết thứ 2 của tôi ở Việt Nam. Còn thời điểm nào tuyệt hơn là những ngày đầu năm mới để tận hưởng những con phố vắng vẻ, yên bình của Hà Nội – điều đã khiến tôi yêu thành phố này từ cái nhìn đầu tiên. Vì vậy, như năm ngoái, tôi đã lên kế hoạch du xuân bằng xe đạp quanh trung tâm thành phố vào ngày đầu tiên của năm mới. Ngày mùng 2, tôi sẽ ghé thăm làng cổ Cự Đà ở ngoại ô Hà Nội bởi tôi mê mẩn kiến trúc Việt cổ kính của ngôi làng này.
Ngoài ra, thì tôi cũng muốn được thưởng thức món miến dong và nước tương nhà làm của Việt Nam, những hương vị ẩm thực cổ truyền của đất nước các bạn. Dù có phát triển hay hiện đại thế nào thì theo tôi, thưởng thức văn hóa và ẩm thực truyền thống vẫn là cách đón năm mới tuyệt vời nhất.
Bất chấp khoảng cách địa lý, có khá nhiều nét tương đồng giữa những tập quán đón năm mới của người Việt và người Ý. Điều gây ấn tượng nhất với tôi là sự giống nhau giữa việc chuẩn bị ngày Tết ở Việt Nam và truyền thống khi đón Lễ Capodanno ở Ý. Chẳng hạn như việc cả nhà cùng nhau nấu bánh chưng đón Tết rất giống với việc người Ý chuẩn bị những món đặc biệt như tortellini in brodo, một món nhất định phải có trong mùa lễ hội ở nhiều gia đình Ý. Truyền thống này ở cả hai nước là cơ hội để cả gia đình cùng sum vầy bên nhau, từ người già đến trẻ nhỏ, trong không khí bình yên hiếm có giữa cuộc sống bận rộn và vội vã này. Tuy nhiên ngày nay, nhiều gia đình Ý lựa chọn việc ra ngoài mua, cũng giống như việc nhiều gia đình Việt Nam mua bánh chưng ở ngoài vậy. Tôi lo rằng truyền thống này sẽ dần biến mất, và tôi buồn khi nghĩ tới việc một ngày nào đó, câu chuyện truyền thuyết đằng sau chiếc bánh chưng sẽ không còn ai biết đến nữa.
Một nét văn hóa nữa của người Việt trong ngày Tết khiến tôi liên tưởng đến văn hóa của người Ý, chính là truyền thống thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo về chầu trời. Người Rome cổ đại cũng thờ tổ tiên trong bàn thờ gia đình và họ cũng từng có những ông “Táo Quân” của riêng họ, trong tiếng Ý gọi là “lari”. Có nhiều sự tương đồng giữa văn hoá hai nước và chính điều này đã hấp dẫn tôi khi đến với Việt Nam.
Năm mới 2017, tôi hy vọng Việt Nam sẽ phát huy những nỗ lực bảo tồn di sản thiên nhiên như các bạn đang làm với hang Sơn Đoòng bằng việc hạn chế du khách vào thăm – đây là hang động mà tháng 5 vừa qua tôi đã có dịp được khám phá. Với tôi, hành trình khám phá Sơn Đoòng giống như “Hành trình vào trung tâm trái đất” cuốn truyện quen thuộc với trẻ thơ và cũng là cuốn sách yêu thích thời thơ ấu của tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên khi khám phá hệ sinh thái động thực vật độc đáo và phong phú, những nhũ đá vĩ đại, những viên ngọc trai và hóa thạch hiếm có. Hành trình này đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi. Tuy vậy thì không phải di sản thiên nhiên nào cũng được bảo tồn tốt như vậy. Dù thách thức bảo tồn là rất lớn, nhưng tôi tin rằng vì sự phát triển của đất nước, của ngành du lịch, nên coi trọng việc bảo tồn để có thể phát triển bền vững. Nếu không bảo tồn các di sản, cái giá mà các thế hệ tương lai phải trả sẽ là rất đắt.
Ông Thạch Thụy Kỳ – Trưởng đại diện văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam: Tết Việt nhắc nhớ tôi về những ngày xưa
Tôi rất hạnh phúc khi có cơ hội quý báu này để chia sẻ những trải nghiệm của riêng tôi về Tết truyền thống của Việt Nam, và cũng xin được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc dành cho những người bạn Việt Nam về tình cảm chân thành mà họ dành cho tôi kể từ khi tôi bắt đầu tới Việt Nam đầu năm 2016.
Khi tôi đến Việt Nam cũng là lúc các bạn chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Đào, quất rực rỡ trên phố nhắc tôi nhớ về những ngày xa xưa khi tôi còn là một cậu bé háo hức mỗi độ Tết về.
Cái Tết đầu tiên ở Việt Nam của tôi vô cùng ấm áp bởi sự lịch thiệp và hiếu khách mà tôi nhận được từ những người bạn Việt. Tôi đã được ăn những bữa cỗ Tết sum vầy với gia đình họ, thậm chí còn được họ đưa tới trước bàn thờ tổ tiên của gia đình để tỏ lòng thành kính. Tôi đã rất cảm động vì dù là người ngoại quốc nhưng tôi đã được đối đãi như người anh em thân thiết trong gia đình.
Tôi được chứng kiến những người mẹ, người vợ và con trẻ trong gia đình cùng chuẩn bị Tết quây quần, cùng trò chuyện vui vẻ. Không khí đầm ấm sum vầy bao phủ. Tôi nhận ra rằng chính gốc rễ tinh thần đoàn kết đã giúp người Việt Nam chinh phục mọi trở ngại, khi con người yêu thương và gắn bó với nhau từ gia đình tới xã hội. Tôi không hề ngạc nhiên mà lấy làm thích thú khi được chứng kiến những điều này, và điều đó khiến cái Tết của gia đình tôi trở nên phong phú vô cùng.
Việt Nam và Đài Loan có rất nhiều điểm tương đồng. Và một trong số đó chính là việc dành trọn ngày Tết với gia đình, những người thân yêu nhất. Tôi thường thấy vợ mình chuẩn bị những món ăn ngon lành nhất để đón bọn trẻ về quây quần trong vòng tay của gia đình vào những ngày này.
Tôi cũng vô cùng ấn tượng với thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam. Tết năm ngoái, chúng tôi đã có một chuyến du ngoạn tới vịnh Hạ Long. Chuyến đi thật sự thú vị khiến chúng tôi nhớ mãi tới tận bây giờ. Năm nay tôi dự định sẽ tới Đà Nẵng – Hội An, nơi mà bạn bè của gia đình tôi luôn hết lời ca ngợi. Chúng tôi đang rất háo hức mong đợi kỳ nghỉ này.
Đài Loan cũng như Việt Nam, trong hai thập kỷ qua cách đón Tết cổ truyền đã thay đổi rất nhiều. Dịch vụ sẵn có ngay cả trong những ngày Tết, và các gia đình không phải tất bật chuẩn bị đồ ăn ngày Tết như xưa. Nhiều gia đình chọn cách đi ăn ở nhà hàng hoặc dùng bữa ở khách sạn trong dịp Tết. Điều này khiến cho phụ nữ có vẻ mong chờ Tết hơn. Nhiều người thảnh thơi có thể đi du lịch hoặc đơn giản là tụ họp bạn bè. Ở Đài Loan thì những truyền thống ngày Tết cổ truyền mới chỉ trong giai đoạn tượng hình. Tôi thích sự thay đổi khi mà người trẻ chú trọng hơn tới nhu cầu cá nhân của bản thân họ. Chỉ khi họ thực sự hài lòng và thoải mái thì họ mới có thể phát huy tinh thần sẻ chia và hy sinh vì người khác, một cách tự nguyện và vui vẻ.
Tôi cũng mong là chúng ta đủ tỉnh táo để đón nhận những truyền thống mới, đủ dũng khí để tạm biệt những nề nếp cũ, từ đó xây dựng một xã hội phát triển hơn bởi lớp trẻ trưởng thành và hạnh phúc.
Hồng Nhung | Wanderlust Tips | Cinet