Canyoning ở Đà Lạt: Chiến thắng dòng thác dữ

[Wanderlust Tips tháng 11/2018] Với những người đam mê trải nghiệm, điều duy nhất có ý nghĩa đôi khi chỉ đơn giản là được khám phá những nơi mà người khác không thể chạm tới, được nhìn mọi thứ dưới những góc độ khác biệt, không giống ai. Canyoning, hay còn gọi là hành trình đu dây vượt thác, là một hoạt động như thế. Đó là nơi cảnh đẹp, thiên nhiên hoang sơ phản chiếu qua những bọt nước trắng xóa, dữ dội, nơi mỗi người chạm được vào những giới hạn và nỗi sợ vô hình của bản thân.

[rpi]

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Canyoning ở Đà Lạt, chiến thắng dòng thác dữ - khám phá

Datanla là một trong những ngọn thác lớn nhất của Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố khoảng 5km hướng đi sân bay Liên Khương. Khác với hầu hết những con thác khác ở đây, Datanla hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài và được bao bọc bởi vách đá thẳng đứng, rừng cây um tùm, có lượng nước tương đối đều quanh năm. Khu vực thác trải dài, len theo nhiều ghềnh, vách đá, với độ cao thấp dần xuống phía hạ nguồn. Tổng cộng chia làm 7 tầng thác với địa hình đa dạng và cực kì ngoạn mục.

Đoàn chúng tôi được chia thành các nhóm nhỏ, dưới 12 người, phần lớn là khách Âu, Mỹ với độ tuổi khá trẻ. Có vài bạn đang trong quãng thời gian Gap Year (khoảng nghỉ thời gian giữa trung học và đại học). Người hướng dẫn nói tiếng Anh tốt với những khẩu lệnh đơn giản, dễ hiểu nên không gây khó khăn nhiều cho các du khách với quốc tịch khác nhau.

Nhóm được tập trung tại basecamp, bên hông lối vào khu du lịch Datanla. Tại đây mỗi người được mặc áo phao, loại chuyên dụng, bó sát thân và hầu như không có những phần thừa thãi như các loại áo phao thông thường. Người hướng dẫn làm mẫu và để chúng tôi thực hiện đeo bộ thiết bị leo thác (harness) gồm đai, móc có khoá chốt, ròng rọc. Việc hướng dẫn các kĩ thuật cơ bản sử dụng bộ harness cá nhân diễn ra khá nhanh, hầu như không ai gặp khó khăn gì trong việc làm quen và nhận biết công năng của từng món đồ trên người.

THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN: LEO VÁCH KHÔ VÀ TRƯỢT ZIPLINE

Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá ngọn thác nổi tiếng, mà theo người hướng dẫn viên nói, chưa tới 1% những du khách từng tới Datanla thực sự “chạm” vào được. Mọi thứ trở nên dễ hiểu khi đoàn đi bộ men theo những lối đi lát đá qua trung tâm khu du lịch, khoảng gần 2km với rất nhiều khách du lịch đang lững thững tản bộ. Nhiều người trở nên hiếu kì quan sát và chụp hình nhóm, mà chúng tôi đùa là giống siêu anh hùng Marvel, với đủ thứ lỉnh kỉnh lạ mắt trên người. Bỏ qua hai tầng thác đầu, chúng tôi tới khu vực thác 3. Nơi đây là giới hạn cuối cùng mà khách du lịch thông thường có thể tới với những hoạt động tham quan đơn thuần.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Canyoning ở Đà Lạt, chiến thắng dòng thác dữ - khám phá

Đó là một vách đá nửa khô, nửa ướt, hầu như dựng đứng, cao khoảng 15m. Nhìn xuống chân thác thấy bọt nước trắng xoá, ì ầm tạo thành những xoáy, vũng, chảy tiếp, tạo ra một con suối nhỏ quanh co rồi mất hút sau rặng cây. Chúng tôi được chỉ chỗ để có thể móc khoá an toàn vào những chiếc neo (hook) được đóng cố định vào vách đá. Đứng ở đây, ai cũng cảm giác rờn rợn, lạnh sống lưng, không biết do độ cao hay do hơi nước và gió.

Hướng dẫn viên nói ngắn gọn và dứt khoát: “Đây là thử thách đầu tiên, chúng ta sẽ leo vách khô, với độ cao 15m. Hãy nhớ những gì mới học, dây cáp, đai và khoá sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chỉ cần tận hưởng.”

Tôi đang suy nghĩ xem có nên lấy hết can đảm đi đầu tiên không thì cậu trai trẻ đến từ một nước Bắc Âu đã nhảy lên xin đi trước. Tôi dành thời gian quan sát cậu ấy, thấy động tác đu dây xuống vách khô có vẻ khá đơn giản. Cậu ấy được cố định một đầu cáp vào neo ở trên, đoạn cáp khác được nối vòng với harness để cậu ấy nắm lấy. Cậu tỏ ra khá chuyên nghiệp, bình tĩnh thả từ từ để điều khiển tốc độ, khoảng cách “rơi”. Tôi liếc đồng hồ, cậu bạn này chỉ mất chừng 15-20 giây để vượt qua được thử thách đầu tiên.

Dưới chân thác, một hướng dẫn viên khác đứng nửa người trong nước, làm nhiệm vụ đỡ và giúp chúng tôi tháo harness khỏi dây cáp rồi di chuyển bằng cách bơi về phía bờ bên kia.

Một sự khởi đầu khá suôn sẻ và hào hứng.

THỬ THÁCH THỨ HAI: “BAY” QUA TẦNG THÁC

Từ thác 3, chúng tôi phải đi bộ men theo con suối, với những bụi cây ken kín hai bên lối mòn. Đôi chỗ chỉ còn bùn lầy và những tảng đá nhỏ để đặt chân bước qua. Tiếng ồn từ đám đông của khu du lịch nghe nhỏ dần rồi khuất hẳn. Thật khó tin là chỗ chúng tôi đang đi chỉ cách một khu du lịch với hàng ngàn du khách vài km theo đường chim bay. Ở đây giống như là một thế giới tách biệt, hoang sơ và bí ẩn.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Canyoning ở Đà Lạt, chiến thắng dòng thác dữ - khám phá

Đi một đoạn, nghe tiếng ì ầm, nước ở đây cuộn bọt đục ngầu, phía trước là một tầng thác tiếp theo. Tầng thác này cao hơn, ước chừng 17m, hơi thoải và nhiều đoạn đá gồ ghề nhô ra, xanh mướt màu rêu. Đoạn giữa thác gập khúc và mất hút sau làn nước. Nhiệm vụ của chúng tôi là đu dây trượt dần xuống phần giữa thác đó. Từ đây, một đoạn cáp căng qua phía bên kia bờ vực của chân thác, nơi có một hướng dẫn viên khác đứng chờ sẵn.

Đoạn này, mọi người bắt đầu nếm trải cảm giác “điếc” tạm thời khi lần từng bước đi xuôi theo thân thác. Tới đoạn cần buông tay, mặc cho hướng dẫn viên và đồng đội hú hét ở trên, nhiều người vẫn trở nên lúng túng và quên béng động tác cần làm. Tôi hít một hơi sâu rồi quả quyết đi xuống để rồi bị dòng nước tung bọt vỗ thẳng vào mặt. Tôi sặc sụa dù bên tai vẫn nghe tiếng ì ầm của thác. Tới khi buông tay, tôi thấy như mình được bay một đoạn gần 20m trước khi tiếp nước. Cảm giác lúc đó thú vị và phấn khích đầy bất ngờ. Cả đám chúng tôi ai cũng cố gắng tạo tư thế sao cho khi tiếp nước phải thật ngầu. Nhưng thực tế lại quá “phũ phàng” khi hầu hết (trong đó có cả tôi) đều tiếp nước trong những tư thế khiến mọi người cười ra nước mắt. Tuy nhiên, mặc cho tiếp nước trong tư thế nào, chúng tôi cũng có một bức ảnh chụp nhóm với khung nền cực kỳ ấn tượng là con thác trắng xoá.

Tới thời điểm này thì ai cũng ướt như chuột nhưng đều cười nói hào hứng. Dĩ nhiên rồi, có phải ai cũng làm được điều chúng tôi vừa làm đâu. Có sợ chứ, có căng thẳng hồi hộp chứ, thế nhưng chúng tôi cũng vượt qua được vì… không có đường đi ngược trở lên. Chúng tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải đi xuống các tầng thác bên dưới rồi mới có thể ra ngoài sau khi kết thúc cả hành trình.

Dòng nước theo con thác đổ hút xuống phía dưới, uốn lượn sau những ghềnh đá và rặng cây, mà tại những điểm đôi khi tưởng như bị che khuất hoàn toàn thì chỉ sau một khúc quanh, cảnh quan lại mở ra kì vĩ và đẹp đẽ. Con thác vì thế cũng lớn dần theo mỗi bước chân chúng tôi đi sâu xuống. Dọc đường, có những đoạn con nước chảy êm đềm hơn, cả nhóm được phép nằm ngửa rồi thả trôi theo dòng. Nghe thì giống như “dòng sông lười” trong mấy công viên nước nhưng tôi thấy sung sướng hơn rất nhiều do nước ở đây mát lạnh và dĩ nhiên là hoàn toàn không có hoá chất. Lúc này, chiếc áo phao tỏ ra hữu ích, tất cả việc tôi cần làm chỉ là thả lỏng nhắm mắt hoặc nheo mắt nhìn những tia nắng nhảy múa qua tán cây ken đặc của núi rừng.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Canyoning ở Đà Lạt, chiến thắng dòng thác dữ - khám phá

Càng đi xuống sâu, đường trek càng trở nên khó đi và trắc trở hơn, nhưng do cảnh vật thay đổi liên tục, nên cả nhóm chúng tôi chẳng ai tỏ vẻ xuống sức hay nản lòng, thậm chí còn hào hứng hơn lúc ở trên cao.

THỬ THÁCH THỨ BA VÀ THỨ TƯ: CHIẾN THẮNG DÒNG THÁC DỮ CÙNG NỖI SỢ ĐỘ CAO

Khu vực thác 5 là đoạn thác lớn nhất, hùng vĩ và gây phấn khích nhất. Khu vực này nhìn từ trên cao xuống giống một bãi đá hộc lớn. Muốn leo xuống, từng người trong chúng tôi phải lần từng bước theo cáp được giăng sẵn để ra giữa tâm thác. Từ đó, những động tác thực hành ở thác 1 và 2 giúp chúng tôi tự tin hơn khi đu dây xuôi theo dòng nước dù cả khối nước hung bạo trên thác vỗ liên tục vào mặt. Tiếng ầm ầm của nước đổ từ độ cao 25m xuống làm tai tôi ù đặc. Tôi buộc phải quay mặt sang bên cạnh để tránh lực vỗ trực diện của dòng nước, và nhất là không để bản thân bị sặc.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Canyoning ở Đà Lạt, chiến thắng dòng thác dữ - khám phá

Vách đá ở đây trơn như bôi mỡ, chúng tôi không ai là không bị dòng nước quật ngã dúi dụi với đoạn dây neo lủng lẳng phía trên. Mắt tôi lúc đó cay xè, bên tai chỉ nghe tiếng ầm ầm của con thác. Mọi hình ảnh xung quanh đều như nhoà đi. Có người cứ vừa đu, vừa trượt úp mặt vào vách, hầu như không tiến, không lùi được, mặc cho đồng đội và hướng dẫn viên gào khản cổ động viên.

Xuống còn cách mặt nước chừng 3m, đột nhiên tôi phát hiện ra vách đã bỗng hẫng vào bên trong, không còn điểm tựa cho chân mình nữa. Tôi tự nhủ trong đầu “Thôi tiêu rồi. Chả lẽ giờ mình lại mắc kẹt ở cái mỏm đá trơn lùi này?”. Mất chừng vài giây, tôi thấy mình chỉ còn lựa chọn duy nhất là buông dây neo để thả rơi tự do xuống nước. Đoạn này thực sự ép phê và gây thót tim, nhất là với những người sợ độ cao và không biết bơi. Tôi dù bơi rất giỏi và có mặc áo phao nhưng vẫn thấy thót tim như thường.

Cái sự thử thách độ cao này ngay sau đó ít phút được lặp lại ở tầng thác tiếp theo, tầng thác thứ 6. Ở đây chỉ có một “game” duy nhất là từng người chúng tôi phải nhảy thẳng từ vách đá xuống mặt nước ở dưới. Độ cao tuỳ chọn ở mức 7m hoặc 11m. Hướng dẫn viên nói với chúng tôi ngắn gọn: “Đã nhảy là phải nhảy, không được chần chừ!”.

Nói nghe thì dễ, nhiều người chạy lấy đà rất hăng (trong đó có tôi), nhưng khi còn cách bờ vách 1 bước chân, dường như cả 2 chân đều muốn khuyụ xuống. Trong một tích tắc, sự chần chừ đó có thể phải trả giá đắt vì bờ vách ở dưới không thẳng tuột hay có nước như những thác trên mà lồi lõm, khô khốc như những cái bẫy. Bạn tưởng tượng xem, người chơi nếu không nhảy đủ xa khỏi vách, để có khoảng cách an toàn, thì rất dễ rơi hoặc vướng vào những mỏm đá như thế. Ơn trời là nhóm của tôi đều gồm những thành phần liều lĩnh và lì lợm. Đứa nào cũng hú hét thoả mãn nhảy 1-2 lần.

THỬ THÁCH CUỐI CÙNG: GIEO MÌNH XUỐNG XOÁY NƯỚC

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Canyoning ở Đà Lạt, chiến thắng dòng thác dữ - khám phá

Ở tầng thử thách cuối cùng, vách thác thứ 7, có tên gọi khá ngộ nghĩnh – vách “máy giặt”. Chúng tôi phải đu dây thả mình xuống giữa 2 vách đá hẹp, ở giữa dòng nước mạnh đổ thẳng từ độ cao 10-15m xuống một cái vũng đen sì không thấy đáy. Vấn đề là đoạn vách đủ gần để người chơi tì chân thả xuống khi còn cách mặt nước 3-4m. Khi xuống gần tới, tôi buộc phải thả dây, buông mình rơi xuống xoáy nước đen ngòm ở dưới đang cuộn trào, sủi bọt. Một ý nghĩ thú vị nảy lên trong đầu tôi là có khi nhà phát minh ra công nghệ máy giặt chắc cũng từng chơi trượt thác như tôi mới có thể tạo ra một sản phẩm đầy thực tế như vậy.

Khoảnh khắc nhảy vào giữa xoáy nước, theo dặn dò của hướng dẫn viên, tôi cố gắng thả lỏng cơ thể hoàn toàn, mặc dòng nước nuốt chửng, xoay vòng rồi “nhổ” tôi ra ngoài cái hồ bên cạnh. 2 giây rồi 3 giây trôi qua, chỉ có màu đen đặc, tiếng ù ù của nước, cảm giác hoảng sợ chưa kịp ập tới thì dòng nước đã đẩy tôi khỏi mặt nước với ánh sáng chứa chan của sự sống và những tiếng vỗ tay động viên của đồng đội.

Kết thúc thử thách cuối cùng cũng là khi cả nhóm đều thấm mệt và lạnh. Tưởng gian khó đã qua nhưng tôi lại sai lầm thêm lần nữa. Đoạn đường đi bộ ngược dốc trong đám cỏ lau cao ngang cằm để tới điểm xe đón mới thực sự là đau khổ. Cả đoàn lầm lũi từng bước như có tảng đá đeo chân, vừa đi vừa lết cứ như một binh đoàn bại trận tan tác trở về. Tiếng cười đùa ít hẳn đi. Sau gần 45 phút đi bộ như thế, ra tới xe chờ cũng là khi đồ đạc và quần áo của mọi người đều đã kịp khô cong. Khi vừa thấy chiếc xe ô tô chờ sẵn, cả đám vỡ oà sung sướng khi nhận ra hành trình đã thực sự kết thúc.

Chúng tôi đã khám phá một điểm rất lạ với hành trình kì thú như thế, tại một điểm du lịch không thể phổ biến hơn với hầu hết người Việt Nam. Một thế giới hoàn toàn ẩn sâu và giấu mình khỏi đám đông và những xô bồ. Riêng tôi, chắc chắn sẽ còn quay lại, sẽ muốn thêm một lần đắm mình vào những con thác hung dữ tuyệt đẹp của Datanla.

W.TIPS

wanderlust tips ICON 1

ĐỊA ĐIỂM

Khu du lịch Datanla tựa mình trên đèo Prenn – tại quốc lộ 20, thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây cách thác Prenn 8km và cách trung tâm thành phố khoảng 10km.

wanderlust tips ICON 46 2

DI CHUYỂN

Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, đi theo quốc lộ 20, rẽ xuống dốc khoảng 300m là tới khu vực thác.

wanderlust tips ICON 9

THỜI TIẾT

Đà Lạt nổi tiếng quanh năm với khí hậu mát mẻ và dễ chịu. Bạn có thể đi mùa nào cũng được nhưng thời điểm đẹp nhất vẫn là cuối mùa mưa từ tháng 11 đến cuối tháng 3. Nếu đi đến thác vào thời gian mùa mưa thì rất nguy hiểm, vì đường đi bộ xuống thác rất trơn, còn hệ thống máng trượt mưa sẽ không hoạt động được.

wanderlust tips ICON 56

CHƠI GÌ Ở KHU DU LỊCH DATANLA

Tại đây có rất nhiều trò chơi mạo hiểm như máng trượt xuyên núi, chèo thuyền kayak, trượt zipline, đu dây vượt thác…

wanderlust tips ICON 31

NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ KHI THAM GIA ĐU DÂY VƯỢT THÁC 

  • Trang phục thoải mái, dễ vận động.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của nhân viên giám sát. Không tự ý tham gia chơi khi chưa có hướng dẫn, vì có một số trò chơi mạo hiểm đòi hỏi bạn cần học kỹ năng trước khi tham gia.Không được phép đến những khu vực nguy hiểm có vòng nước xoay hay hố Tử Thần.
  • Trò chơi này đòi hỏi người có sức khỏe tốt, tinh thần vững vàng. Và bên cạnh đó, bạn cũng nên biết lượng sức mình trong từng thử thách của hành trình.

wanderlust tips ICON 8

LƯU Ý

Đã có một số sự cố đáng tiếc của các du khách xảy ra tại Khu du lịch Datanla do du lịch tự túc mà lại thiếu sự thông thạo về địa hình; hay do tham gia tour của các công ty du lịch chất lượng kém và trang bị thiếu hụt các thiết bị bảo hộ cần thiết cho khách tham gia… Bởi vậy, khi lựa chọn đặt các tour du lịch mạo hiểm tại đây, đặc biệt là đu dây vượt thác, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin và lựa chọn các công ty tour uy tín.

APN | Wanderlust Tips