Chạm tới giấc mơ Bao Báp

Tôi được nghe kể về những cây Bao Báp trong các tiết học thực vật khi còn be bé năm xưa. Từ những kiến thức đầu đời ấy, chỉ cái tên “Bao Báp” cũng đủ gợi những ấn tượng mạnh mẽ về một loại cây huyền thoại hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi và niềm say mê khám phá những vùng đất đặc biệt trên thế giới trong tôi.

[rpi]

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

TÌM LẠI GIẤC MƠ THỜI THƠ ẤU

Giấc mơ Bao Báp và câu chuyện về Hoàng Tử Bé (của tác giả người Pháp Antoine De Saint-Exupéry) bị guồng quay bận rộn của cuộc sống cuốn trôi đi. Cho tới một hôm, trên tài khoản Instagram của cậu bạn người Puerto Rico đăng tải tấm hình cậu ấy đi chân trần trên một đường đất có hai hàng cây khổng lồ với địa điểm check-in là Avenue of Baobabs (Đại lộ Bao Báp). Giây phút ấy, tôi cảm thấy như có luồng điện chạy dọc người. Tôi giật mình gặp lại giấc mơ năm xưa đã bị bỏ quên về một cái hẹn được ôm thân cây khổng lồ thủ thỉ rằng: “Cây ơi, bạn thật đặc biệt, mình đã chờ ngày này từ rất lâu rồi!”

Không chần chừ gì nữa, tôi nhanh chóng tìm kiếm những thông tin về chuyến hành trình chạm tới giấc mơ Bao Báp của mình. Đại lộ Bao Báp nằm ở Morondava, Madagascar. Nếu đi từ Việt Nam, hành trình có vẻ không thể nhanh được, đồng thời không có quá nhiều lựa chọn. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, thủ đô Antananarivo sẽ là điểm đến đầu tiên tại Madagascar, rồi từ đó tôi sẽ đi tiếp để tới Morondava. Tôi đã từng thăm Ai Cập – một đất nước ở Bắc Phi nhưng tôi chưa bao giờ ghé thăm quốc gia nào ở Đông Phi. Vì thế, hành trình lần này tôi lên kế hoạch là từ TP.HCM tới Nairobi – thủ đô của Kenya, rồi tới Antananarivo – thủ đô của Madagascar và cuối cùng là tới Morondava – đích đến với những cây Bao Báp độc đáo đang vẫy gọi.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

Sau hơn 3 tiếng bay từ Nairobi, tôi đã tới được thủ đô Antananarivo. Chỉ lưu lại một đêm, sáng sớm hôm sau tôi đã lên đường hướng về vùng đất của những cây Bao Báp thần kỳ. Chiếc xe bon bon đưa tôi đi qua không biết bao nhiêu đồi dốc, làng mạc và thị trấn. Buổi chiều ngày thứ hai, tôi đã tới được địa phận của Morondava. Trời đã về chiều, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của những thân cây như có rễ mọc tua tủa ở trên. Đặc điểm cây Bao Báp vào mùa khô là không có lá và nhìn giống như mọc ngược. Đúng là Bao Báp rồi, nhưng vì còn xa quá nên cảm xúc trong tôi chưa dâng trào mạnh mẽ.

Chiếc xe vẫn lăn bánh chạy. Bất chợt tôi thấy bên đường có một cây Bao Báp đứng sừng sững một mình to đến ngỡ ngàng. Lúc này, tôi mới thực sự vỡ oà vì xúc động. Qua bao gian nan vất vả, tôi đã tận mắt thấy được cây Bao Báp to lớn đầu tiên “bằng xương bằng thịt” ngay trước mắt mình. Và thiên nhiên khoản đãi tôi bằng ánh chiều hoàng hôn thật đúng lúc. Mặt trời đỏ tròn vành vạnh đang từ từ hạ xuống. Đường rất vắng vẻ, cây Bao Báp hùng vĩ trong ánh hoàng hôn vàng óng mật ong. Đó là cảnh tượng mà tôi sẽ không bao giờ quên. Thành tựu vang dội này đã xoá đi bao mệt nhọc, xa xôi. Tuy nhiên trong buổi chiều hôm ấy, tôi chỉ có thể thấy được vài cây Bao Báp đơn lẻ dọc quốc lộ. Trời bắt đầu nhá nhem tối. Vì thế, Đại lộ Bao Báp phải để dành vào buổi sáng sớm ngày hôm sau.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

CUỘC TRÌNH DIỄN VĨ ĐẠI CỦA NHỮNG CÂY BAO BÁP

Tôi có một đêm trằn trọc khó ngủ vì quá mong ngóng được đi giữa hai hàng Bao Báp khổng lồ. Dậy rất sớm, tôi rời khỏi khách sạn từ hơn 4 giờ sáng. Trời tối đen, chỉ có vệt đèn loa loá chiếu rọi từ chiếc xe chở tôi. Đường vào Đại Lộ Bao Báp hơi xóc, còn tôi thì nhấp nhỏm không yên. Sau đó, tôi bắt đầu thấy lờ mờ thân hình lực lưỡng của một, hai cây Bao Báp ven lối đi.

Khi tới đầu Đại lộ Bao Báp, xe đậu vào bãi đỗ. Tôi xuống xe, chạy băng băng ra đầu Đại lộ nhưng cũng chỉ áng chừng bởi trời còn tối lắm. Tôi cứ thế hít thở bầu không khí sương sớm mát lạnh và chờ những tia sáng đầu tiên vén bức màn của một cuộc trình diễn vĩ đại. Hơn mười phút tĩnh lặng trôi qua. Trong làn sương mong manh, mờ ảo tựa như lớp áo choàng biểu diễn lấp lánh, hai hàng “ngôi sao sân khấu” ra mắt chào khán giả: hùng vĩ và sừng sững một cách kỳ diệu. Tôi chưa từng thấy vẻ đẹp kỳ vĩ thế này bao giờ! Tôi có cảm giác như đã tìm được kho báu vô cùng quý giá và mình là một nhà thám hiểm đầy đam mê…

Đại lộ Bao Báp dài khoảng 250m với hai hàng Bao Báp khổng lồ xếp hàng ngay ngắn, có trên dưới 25 cây. Xung quanh xa xa còn có nhiều cây khác nhưng không ngay hàng thẳng lối. Tôi đi qua đi lại, đi ngang đi dọc theo Đại lộ cây như một đứa trẻ đầy hiếu kỳ lạc vào công viên kỷ Jura. Tôi chạm vào cây, tôi ôm cây, tôi vuốt ve cây. Vào mùa khô này, câu nói đùa truyền đời của tổ tiên người Madagascar (Malagasy) quả thật rất đúng: Với cây Bao Báp, Đấng Tạo Hoá đã trồng ngược, nên rễ cây ở trên đỉnh. Thấp thoáng những trái Bao Báp màu nâu nâu có lớp vỏ nhung mịn mọc xa tít trên cao càng khiến cây thêm sinh động và lạ mắt. Tôi ngắm nghía bên này bên kia và chiêm ngưỡng cây thật lâu. Đẹp quá! Tuyệt vời quá!

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

Trên thế giới có 8 loài cây bao báp nhưng đã có tới 6 loài chỉ sinh trưởng ở Madagascar. Các cây Bao Báp tùy theo năm tuổi sẽ có kích thước và độ cao khác nhau. Người dân bản địa nói với tôi rằng mỗi 10 năm thì cây mới chỉ lớn thêm khoảng 8cm. Vậy nên, chỉ những cây Bao Báp be bé thôi đã có rất nhiều năm tuổi, còn những cây khổng lồ cao khoảng 30m thì phải lên tới cả nghìn tuổi. Thậm chí có những cây Bao Báp có thể sống đến 3.000-4.000 năm tuổi. Rễ cây dài tới 50m nhưng chỉ đâm sâu khoảng 2m và chủ yếu lan rộng để thẩm thấu tốt nhất lượng nước mưa ít ỏi thấm xuống đất của vùng lục địa Phi khô nóng. Và tất cả những giọt nước quý giá đó sẽ nuôi cây và được trữ trong phần thân cây. Nếu các loại cây bình thường phần thân chỉ chứa khoảng 27% lượng nước, thì thân cây Bao Báp lại có thể chứa tới 76-79% lượng nước, một con số thật đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà gỗ của cây Bao Báp khá xốp, nên người ta thường dùng thân cây để cung cấp sợi, thuốc nhuộm và làm củi, còn vỏ cây để bện thành dây thừng.

Tôi còn quay lại Đại lộ Bao Báp thêm một lần nữa để ngắm hoàng hôn. Vùng Morondava có khá nhiều cây Bao Báp, tuy nhiên, chỉ ở khu vực này hiện nay là có những cây Bao Báp lớn xếp hàng tạo thành cảnh quan đẹp mắt như Đại lộ Bao Báp. Chính vì thế, Đại lộ Bao Báp là viên ngọc ẩn mình đang gây được sự chú ý, trở thành “điểm đến mới của năm” và thu hút ngày càng đông những người yêu du lịch, mê khám phá những điều phi thường tới thăm. Trải nghiệm đón bình minh và hoàng hôn trên Đại lộ Bao Báp là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc hành trình dài hơi ghé thăm 60 quốc gia của tôi. Còn bạn, bạn có sẵn sàng vượt một chặng đường dài để chiêm ngưỡng món quà rộng lượng của thiên nhiên này không?

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

W.TIPS

wanderlust tips ICON 14

THỊ THỰC DU LỊCH

Madagascar áp dụng hình thức cấp thị thực du lịch tại điểm đến cho người mang hộ chiếu Việt Nam. Phí thị thực du lịch cho 30 ngày lưu trú khoảng 37USD (~860.000đ).

wanderlust tips ICON 27 3

DI CHUYỂN

Có nhiều cách di chuyển từ Việt Nam đến Madagascar, xong tôi lựa chọn bay từ TP.HCM (Việt Nam) tới Nairobi (Kenya), rồi lại bay tiếp tới Antananarivo (Madagascar).

Từ thủ đô Antananarivo tới Morondava nơi có Đại lộ Bao Báp, tôi có hai lựa chọn chính: một là bay nội địa, chuyến bay kéo dài 1 tiếng; hoặc đi bằng ô tô theo đường bộ, một chiều sẽ mất 2 ngày và 1 đêm. Nếu đi road trip, đường không quá xấu nhưng ngoằn nghèo, đồi dốc lên xuống, lại không có đèn điện dọc đường. Khoảng cách 660km giữa Antananarivo và Morondava trong điều kiện như trên sẽ là khá xa. Đó chính là lí do mà một chiều di chuyển buộc phải chia thành hai ngày và một đêm. Phổ biến nhất là ngày đầu tiên với chặng Antananarivo – Antsirabe (170km) và ngày tiếp theo với chặng Antsirabe – Morondava (490km), chiều về cũng tương tự như vậy. Các thị trấn của Madagascar còn sơ sài và cách xa nhau, cộng thêm địa hình đường xá không cho phép xe chạy với tốc độ lớn, như vậy việc chia chặng nghỉ tại Antsirabe là hợp lý. Ngoài ra, với mong mỏi được nhìn ngắm nhiều hơn thiên nhiên và cuộc sống thường ngày của người dân Madagascar, tôi quyết định thuê xe có người lái đi theo đường bộ.

wanderlust tips ICON 4 3

THỜI ĐIỂM LÝ TƯỞNG

Madagascar có khí hậu cận nhiệt đới, mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên lựa chọn khoảng thời gian mùa đông cũng là mùa khô, thời tiết sẽ ổn định hơn, tránh các trận mưa bão thất thường.

Mùa đông từ tháng 5 tới tháng 10, lúc này đường xá khô ráo, trời trong xanh, hoàng hôn và bình mình rõ ràng. Đây cũng là thời điểm cây Bao Báp cành trụi, không có lá và có thể có trái. Khu Đại lộ Bao Bá là đường đất, mùa này lại không có mưa nên chỉ bụi và không có bùn. Hồ nước bên hông Đại Lộ lúc này cạn khô, có thể đi lại thoải mái trong lòng hồ cạn. Vào tháng 9, bình minh rất đẹp nhìn từ phía hồ nước. Tuy nhiên, hoàng hôn trong tháng 9 xuống bị lệch đôi chút, từ hồ nước nhìn ngang Đại lộ thì mặt trời xuống dịch hẳn về bên trái Đại lộ (trên nóc mấy căn nhà và các lùm cây) chứ không ngay chính hàng Bao Báp.

Mùa hè từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau. Lúc này đường tại Đại lộ Bao Báp có thể có bùn lấm lem trong những ngày mưa. Cây Bao Báp mùa này xanh lá. Khu vực hồ cạnh đó có nước, du khách có thể tận dụng để chụp những hình ảnh phản chiếu ấn tượng. Đặc biệt, đây là khoảng thời gian hoàng hôn rất đẹp, mặt trời lặn xuống chính giữa hàng cây Bao Báp.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

wanderlust tips ICON 58

LỰA CHỌN TRANG PHỤC

Hãy chọn áo quần có màu nổi, mảng màu lớn. Thêm phụ kiện là những chiếc mũ nón chất liệu gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là mũ nón đan bàng sợi cọ Raffia đặc trưng của vùng Madagascar mà bạn có thể mua trong các cửa hàng dọc đường.

Nếu muốn giống người bản địa, bạn có thể ghé vào các hàng bán thúng đội đầu. Ngoài những chiếc thúng thì cửa hàng còn bán cả vòng cải xếp tròn là dụng cụ đệm giữa thúng và đầu. Với đầy đủ dụng cụ cần thiết, bạn sẽ có “khả năng diệu kỳ” đội thúng thả tay chạy băng băng như người bản địa.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

wanderlust tips ICON 37

BÍ KÍP CHỤP HÌNH ĐẠI LỘ BAO BÁP VÀO MÙA KHÔ

Để chụp khoảnh khắc bình minh, bạn nên tới đây từ 5h sáng. Lúc này trời còn sương mù nhưng cả Đại lộ vắng vẻ, ít người. Khoảng 6h15, mặt trời bắt đầu nhô lên phía hồ nước (cạn), hắt ánh sáng vào hàng Bao Báp, lúc này đứng từ phía hồ chụp ngang vào hàng Bao Báp là đẹp nhất, ánh sáng thuận chiều và không ngược nắng. Khoảng 7h30, ánh nắng đã khá rõ, tuy nhiên, thật không may vì khung cảnh đẹp nhất là từ chiều đầu vào của đại lộ hất xuống dưới đã bị ngược nắng. Vì vậy, thời gian để tác nghiệp chụp hình đẹp nhất là từ khoảng 5h15 tới 7h15 sáng. Khi trời sáng hẳn, các du khách và người dân tới đây đông hơn khiến khung cảnh bị lộn xộn và lố nhố người.

Để chụp hoàng hôn, bạn nên tới Đại lộ Bao Báp từ 6h chiều. Tuy nhiên, thời điểm này thường khá đông người, bao gồm cả du khách và người dân bản địa nên tương đối khó để có hình chụp đi giữa hai hàng Bao Báp đẹp.

wanderlust tips ICON 68 3

ẨM THỰC

Hãy ăn thử trái Bao Báp nhưng đừng ăn quá nhiều vì hàm lượng vitamin cao trong trái Bao Báp có thể khiến dạ dày bạn khó chịu. Trái màu nâu, có kích thước tương đối to, trung bình bằng quả dưa lê to. Ở ngoài, trái có một lớp vỏ cứng, bên ngoài mịn như nhung. Người Malagasy dùng một cục gỗ cứng để đập. Họ có thể dùng tượng gỗ cây Bao Báp (đồ lưu niệm) để đập trái. Trong lớp vỏ cứng là phần màu trắng nhưng chỉ có phần thịt bao quanh các hột là nên ăn hoặc làm nước giải khát. Một trái có nhiều hột, hương vị giống trái xay, quả me nhưng nhạt hơn. Người Malagasy ở vùng Morondava rất thích trái Bao Báp. Họ mua bán trái Bao Báp khá phổ biến ngoài chợ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Chạm tới giấc mơ Bao Báp - điểm đến

wanderlust tips ICON 1 3

CÁC ĐIỂM THAM QUAN KHÁC

Gần Đại Lộ Bao Báp có một điểm thăm quan khác cũng thú vị không kém. Đó là Bao Báp Tình Nhân (Baobab Lovers) gồm hai cây Bao Báp lớn mọc ôm xoắn vào nhau rất tình tứ.

Bên cạnh đó, trên đường từ Antananarivo tới Morondava, bạn có thể ghé hồ Tritriva – hồ trên miệng một núi lửa đã tắt gần thành phố Antsirabe.

Trải nghiệm ngắm nhìn vượn cáo (Lemur) cũng rất thú vị. Đây là loại động vật đặc trưng có nguồn gốc từ Madagascar, được bảo tồn trong các công viên quốc gia hoặc khu bảo tồn tư nhân.

Dương Thanh Tú | Wanderlust Tips