Ăn chay để giữ lòng hướng thiện
- 13/08/2018
- ẨM THỰC THẾ GIỚI, E.MAGAZINE
- ăn chay, Editor picks, Hồi giáo, Phật giáo, Ramadan, đạo Do Thái, đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Phật
[Wanderlust Tips tháng 8/2018] Các tôn giáo ra đời không chỉ để định hình niềm tin và hành vi ứng xử, mà còn để khuyến khích nhân rộng lòng nhân ái, khoan dung nơi con người. Mà trong đó, việc ăn chay, không sát sinh, không gây nên các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và các loài sinh vật khác chính là một trong số các ví dụ điển hình.
[rpi]
HỒI GIÁO
Theo lời răn dạy của kinh Qur’an, người theo đạo Hồi có những luật lệ rất phức tạp và nghiêm khắc trong việc ăn uống để đảm bảo tính nhân đạo trong việc tiêu thụ thịt động vật, giữ gìn sự trong sạch và nuôi dưỡng tâm hồn.
Người Hồi giáo không được phép ăn thịt động vật đã chết trước khi giết mổ hoặc giết mổ nhưng chưa được cầu nguyện. Từ Allah (nghĩa là Chúa trời) phải được người mổ thịt nói trước khi mổ. Dụng cụ giết mổ phải được mài sắc bén để đảm bảo tính nhân đạo, ít gây ra đau đớn. Ngoài ra, động vật phải được cho ăn ở chế độ tự nhiên, không chứa các sản phẩm làm từ động vật khác.
Bên cạnh đó, các loài động vật và sản phẩm động vật bị cấm theo Đạo Hồi là: lợn, chó và những gì được làm hay chiết xuất ra từ chúng; Động vật có móng vuốt và răng nanh như sư tử, hổ, gấu, rắn, khỉ; Động vật gây hại như chuột, rết, bọ cạp; Động vật được coi là bẩn như chấy, ruồi, giòi; Động vật lưỡng cư như ếch, cá sấu… Những động vật và sản phẩm từ động vật được cho là hợp pháp bao gồm: Sữa (từ bò, cừu, lạc đà và dê); Mật ong; Cá; Rau tươi hoặc hoa quả khô; Rau, đậu và các loại hạt; Các loại ngũ cốc… Động vật như bò, cừu, dê, hươu, nai, gà, chim, vịt… cũng được coi là thực phẩm hợp pháp, song chúng phải được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo để phù hợp cho tiêu thụ.
Một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo phải kể tới tháng lễ Ramadan – tháng thứ 9 của lịch Ả Rập. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc kể từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Một ngày lễ Ramadan được bắt đầu bằng một bữa ăn nhẹ Suhoor lúc rạng đông, và sau đó là thưởng thức bữa “xả chay” Iftar khi mặt trời lặn, và kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày bằng việc tắm nước lá thơm.
DO THÁI GIÁO
Khi nhắc đến ăn chay theo đạo Do Thái không thể không nhắc đến Kosher, luật lệ ăn uống cho người Do Thái chính thống. Kosher trong tiếng Do Thái có nghĩa là “phù hợp”, trái với Kosher là Treif – thực phẩm không phù hợp với luật lệ Do Thái. Người Do Thái quan niệm rằng, sự sống của mỗi sinh vật đều quý giá bởi chúng đều có linh hồn, do vậy việc giết mổ động vật được dùng làm thực phẩm Kosher phải được tiến hành theo các nguyên tắc nghiêm ngặt đảm bảo tính nhân đạo và mang lại ít đau đớn cho loài vật. Các loại thịt thú Kosher đều phải qua một cơ quan giám sát, chứng nhận và đóng tem.
Theo luật Kosher thì người theo đạo chính thống chỉ ăn những loài động vật có móng chẻ, nhai lại như gia súc, cừu, dê, nai, bò rừng,… Và cũng chỉ được ăn vùng phía trước của con thú, không ăn phần thịt phía sau, ví dụ: bò chỉ được ăn phần thịt bả vai; sườn; thịt cơ hoành/bụng trước/nạm/gầu; không ăn thăn trên, thịt bụng, thăn ngoài, và mông; không được ăn uống máu nội tạng động vật, gia cầm. Lợn và thỏ là các loài bị cấm. Người theo đạo Do Thái cũng chỉ được sử dụng sữa và pho mát của những con thú Kosher (bò, dê, cừu). Trái của cây chưa qua 3 tuổi thì không được ăn, cũng không được ép nước uống hoặc sử dụng làm nguyên liệu chế biến các món ăn.
Bên cạnh đó, thức ăn thịt (basari) và thức ăn sữa (chalawi) phải được tách riêng biệt, không đụng chạm nhau, thậm chí muỗng nĩa, nồi chảo để nấu nướng hai thứ này cũng cần tách riêng, cả khi rửa chén dĩa cũng phải rửa ở hai bồn.
ĐẠO HINDU
Ăn chay theo đạo Hindu là một hình thức được tôn giáo này áp dụng từ thuở mới khai sinh. Bàn về việc chay tịnh, kinh Vệ Đà từng viết rằng: “Tất cả các sinh vật đều được coi là con cái của Thượng Đế […] Vì vậy chúng ta có thể chắc chắn rằng Thượng Đế cũng sẽ không cho phép chúng ta sát hại sinh mạng của các động vật khác, vì tất cả chúng đều là anh em của chúng ta.”
Người theo đạo Hindu vào thời cổ xưa ở Ấn Độ từng “cấm thịt”. Tương truyền rằng cháu trai của Thánh Mohammed đã từng để lại lời khuyên cho các tông đồ cấp cao của tôn giáo rằng: “Đừng biến dạ dày của các ngài trở thành những nấm mồ của động vật”. Trên thực tế, đạo Hindu ngày nay không áp dụng quá nhiều giáo lý ép buộc các tín đồ phải ăn chay, nhưng tôn giáo này cũng không khuyến khích các tín hữu của mình ăn thịt, đặc biệt là thịt bò. Bởi bò là loài vật linh thiêng trong đạo Hindu.
Nếu người đạo Hồi có tháng nhịn ăn Ramadan, thì người ăn chay theo đạo Hindu ngày nay vẫn duy trì phong tục cứ 2 tuần lại kiêng thịt 1 ngày. Khác với người đạo Hồi phải nhịn hoàn toàn từ sáng sớm mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, thì người theo đạo Hindu trong ngày chay tịnh vẫn có thể ăn được các món từ khoai tây, khoai lang và một số loại rau củ khác.
PHẬT GIÁO
Theo quan niệm của Phật giáo Bắc Tông, ăn chay là dùng những chất thanh đạm, không ăn cá thịt và kiêng cữ ngũ tân vị bao gồm: hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ, bởi đặc tính của chúng chứa nhiều chất kích thích và mùi vị cay nồng.
Theo đạo Phật có hai phương thức ăn chay là chay trường và chay kỳ. Đối với chay trường là tự nguyện suốt đời dùng chất thanh đạm, không dùng đồ ăn có nguồn gốc từ động vật. Hiện nay, ăn chay trường được chia làm 3 nhóm chính: Ăn chay trường có uống sữa và ăn trứng (trứng công nghiệp không có trống); Ăn chay trường có uống sữa nhưng không ăn trứng và ăn chay trường hoàn toàn, không đụng đến kể cả sữa và trứng.
Trong khi đó, chay kỳ là cách thức ăn chay theo những ngày nhất định trong tháng, cụ thể là: Nhị trai (mồng 1 và rằm), Tứ trai (các ngày mồng 1, 14, 15 và 30), Lục trai (các ngày 1, 8, 14, 15, 23, 30), Thập trai (các ngày mồng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30, với những tháng thiếu thì sẽ là ngày 27, 28), Nhất ngoạt trai (trong 1 tháng), Tam ngoạt trai (3 tháng: tháng giêng, tháng 5 và tháng 9). Thời gian chay kỳ đều tính theo âm lịch.
Có thể thấy, tuy có nhiều hình thức ăn chay khác nhau, song những ai đã chọn ăn chay thì đều muốn có được một tâm hồn thanh tịnh, sức khỏe tốt và có được nhiều phước lành hơn nữa trong cuộc sống.
Phương Chi | Wanderlust Tips