Chiếc bánh Baguette trong tim người Pháp

Baguette hay ta vẫn thường gọi với tên bánh mì Pháp có gì khiến người dân quốc gia châu Âu đó mê mẩn, coi trọng đến vậy. Làm từ bột mì, nước rồi lên men, liệu bạn có tò mò về câu chuyện đằng sau chiếc baguette không?

[rpi]

Mọi người vẫn thường nói câu này: “Người Pháp luôn đi bộ với bánh baguette kẹp trong nách”. Nghe buồn cười vậy nhưng đây lại là hình ảnh phổ biến, một nét văn hóa đặc trưng của riêng quốc gia này. Toàn bộ tinh hoa và cả sự tỉ mỉ, tài tình của người đầu bếp Pháp đều dồn cả vào chiếc bánh mì đó, để món bánh trở thành một thói quen của người dân và rồi phổ biến ở khắp mọi nơi từ châu Âu, châu Á tới cả những miền đất xa xôi.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Chiếc bánh Baguette trong tim người Pháp

Quay ngược thời gian trở về quá khứ, khi chiếc baguette được làm ra chỉ phục vụ cho giới quý tộc thưởng thức. Mọi thứ sẽ chẳng có gì thay đổi cho đến năm 1789, nạn đói kém xảy ra khắp mọi nơi buộc vua Napoleon ra lệnh điều chỉnh công thức, biến bánh mì trở thành món ăn bình dân phù hợp với cả tầng lớp thấp trong xã hội, đưa nước Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn. Không chỉ vậy, những chiếc baguette còn phải tuân theo công thức nhất định, hình dáng thống nhất thể hiện sự bình đẳng trong xã hội.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Chiếc bánh Baguette trong tim người Pháp

Người dân Pháp vô cùng tự hào với từng chiếc bánh baguette, bạn có thể nhận ra qua cách họ nói về món ăn này với vẻ nghiêm túc nhưng cũng hào hứng không ngừng. Thậm chí, quốc gia này còn tạo ra một bộ luật riêng cho bánh mì, cụ thể:

  • Mọi cửa hàng đều phải dùng loại bột tươi, không mua bột làm sẵn.
  • Mỗi chiếc bánh baguette có trọng lượng từ 250 – 300g, dài 55 – 65cm.
  • Không sử dụng thêm các loại phụ gia ngoại trừ muối, bột, men và nước.
  • Thậm chí, bộ luật còn khắt khe qui định một thợ làm bánh mì baguette Pháp đóng cửa hàng không có sự cho phép của cơ quan chức trách sẽ phải chịu phạt.
Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Chiếc bánh Baguette trong tim người Pháp

Kể từ năm 1994 đến nay, thành phố Paris vẫn duy trì tổ chức một giải Grand Prix thường niên vào tháng 4 thu hút đông đảo thợ làm bánh trên khắp thế giới, nhằm tìm ra chiếc baguette ngon nhất. Vào năm 2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã viết hẳn một bức thư tiến cử với UNESCO công nhận baguette là Di sản văn hóa thế giới.

Với mọi du khách dù đến Pháp lần đầu hay đã ghé thăm nhiều lần đều không ngăn được bản thân ngưng hào hứng thưởng thức baguette. Có thể nói, bánh mì xuất hiện “tràn lan” trong mọi bữa ăn của người Pháp. Họ thức dậy sớm, tìm đến hàng quán bên đường nhâm nhi tách cà phê và cắn một miếng bánh mới ra lò giòn rụm, nóng hổi phết thêm chút bơ hay mứt dâu. Rồi bữa trưa, người Pháp lại ăn bánh mì với xúc xích, phô mai và cả thịt xông khói. Bữa tối thịnh soạn của họ gây ấn tượng với các loại thịt, món súp nóng hổi chấm cùng bánh mì giòn thơm được làm tỉ mỉ dưới đôi tay tài năng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Chiếc bánh Baguette trong tim người Pháp

Theo khảo sát của BCC, người dân Pháp tiêu thụ 320 chiếc baguette mỗi giây đủ để chứng minh tình yêu với món ăn này của họ không hề giảm đi dẫu bao năm qua đi. Nếu yêu thích nền ẩm thực Pháp tinh tế bạn sẽ phải công nhận nỗ lực của Hiệp hội làm bánh Pháp khi mở ra những chiến dịch khuyến khích người dân của mình ăn nhiều bánh mì hơn nữa, với khẩu hiệu thật bắt tai: “Coucou, tu as pris le pain?” (Tạm dịch: “Xin chào, bạn đã ăn bánh baguette chưa?”

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Chiếc bánh Baguette trong tim người Pháp
Ảnh: Internet

Có dịp tới thăm nước Pháp, bạn nhất định phải nếm vị bánh baguette trong cửa hiệu truyền thống để cảm nhận niềm đam mê ẩm thực của con người nơi đây nhé!

Wanderlust Tips | Cinet