Chú rể “Tây” thích thú với văn hóa chụp ảnh cưới ở Việt Nam
- 07/11/2016
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- chú rể Tây, chụp ảnh cưới, Editor picks, văn hóa, văn hóa chụp ảnh cưới, Việt Nam
(#wanderlusttips) Trên cồn cát ở Mũi Né, Jon Myers mỉm cười hôn nhẹ lên trán vị hôn thê của anh trước những ánh đèn flash lóe lên. Dù là một doanh nhân đến từ Mỹ nhưng Jon thấy mình như một ngôi sao điện ảnh đang đóng một bộ phim tình cảm vậy. Những khung cảnh lãng mạn tương tự khi chụp ảnh cưới đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam nhưng lại là một điều hết sức mới mẻ với anh.
[rpi]
“Nếu tôi không lấy một cô gái Việt Nam, hẳn là tôi sẽ chẳng bao giờ có trải nghiệm độc đáo này”, Jon Myers bày tỏ sự thích thú của mình. Không chỉ Jon mà các chàng rể “Tây” khác đều bất ngờ và thích thú khi các cô vợ Việt Nam chia sẻ về ý tưởng chụp ảnh trước ngày cưới theo văn hóa của người Việt, điều này hoàn toàn lạ lẫm ở các nước phương Tây.
Khác biệt thú vị
Đến từ Ý, Marco Servetto cho biết ở châu Âu, cô dâu chú rể chỉ chụp ảnh cưới vào ngày cưới tại nhà thờ sau nghi lễ hoặc tại bữa tiệc sau đó. Không ai nghĩ đến việc chụp ảnh cưới trước và ở một nơi khác. Khi vợ tôi nói về điều đó, tôi cảm thấy hơi kỳ và thắc mắc: “Tại sao người Việt lại muốn chụp ảnh cưới khi đám cưới chưa diễn ra và họ chưa phải là vợ chồng chính thức?”.
Nhưng sau khi được vợ giải thích, Marco hiểu rằng chụp ảnh trước khi cưới đã trở thành một phần không thể thiếu của đám cưới Việt Nam hiện đại. Đối với nhiều phụ nữ, thậm chí đó còn là giấc mơ ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của họ trong trang phục cô dâu. Nhiều người còn nghiên cứu và lên kế hoạch kỹ lưỡng cho một album cưới để đời. “Mặc dù điều này thật kỳ lạ trong văn hóa của tôi nhưng đó lại là một sự khác biệt thú vị. Tôi yêu một người phụ nữ Việt và tôn trọng cô ấy nên tôi cũng tôn trọng văn hóa của cô ấy và muốn làm cho cô ấy vui”, anh chia sẻ.
Khác với Marco, Antonio Pudney đến từ Úc và Sean Lawlor đến từ Anh hứng thú với văn hóa chụp ảnh cưới của người Việt vì họ thấy điều này rất… hợp lý. Theo họ, ở nhiều nước phương Tây, vì ảnh cưới được chụp vào ngày cưới là lúc cô dâu chú rể rất mệt, khó có thể có những shoot hình đẹp. Ngoài ra, vì ảnh cưới thường chụp tại nhà thờ nên giống nhau một cách đơn điệu. “Lúc nào cũng là cô dâu, chú rể đứng trước nhà thờ hoặc cạnh đài phun nước. Rồi đến cô dâu, chú rể đứng cùng bố mẹ cạnh đài phun nước. Và tiếp tục là cô dâu chú rể với bố mẹ, cô, dì, chú, bác, anh chị em họ… cạnh đài phun nước”, Sean với giọng điệu hài hước cho biết.
Thế nên, theo họ, dành thời gian chụp ảnh trước khi cưới là một ý tưởng tuyệt vời khi các cặp đôi có thời gian chuẩn bị kỹ càng, với sự giúp đỡ của người khác và đi đến những nơi có cảnh đẹp tạo nên những khung hình kỷ niệm tuyệt vời nhất.
Trải nghiệm mới mẻ
Trên thực tế, để có được một album cưới đẹp đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và cả “kỹ năng”, như các chàng rể “Tây” này đã khám phá.
Đầu tiên là tìm một nhiếp ảnh gia giỏi, sau đó tới địa điểm chụp ảnh cưới. “Cả hai điều này không hề dễ dàng vì ở Việt Nam có hàng trăm nhiếp ảnh gia và rất nhiều cảnh đẹp khắp nơi, thật khó để lựa chọn”, Antonio cho biết.
Sau khi tham khảo thông tin, kinh nghiệm của bạn bè, đồng nghiệp, Antonio và vợ chọn Đà Lạt, thành phố cao nguyên với khí hậu trong lành, muôn hoa khoe sắc, thung lũng đầy nắng và những đồi thông ngút ngàn khiến người ta thực sự chỉ muốn yêu nhau khi đến đây. Vợ chồng anh đã trót “phải lòng” thành phố xinh đẹp này và quyết định chuyển đến đây sống sau khi thực hiện album cưới mỹ mãn.
Cũng như vợ chồng Antonio, vợ chồng Jon mất nhiều thời gian đắn đo chọn địa điểm chụp ảnh cưới do cả hai đều thích biển mà biển Việt Nam từ Bắc tới Nam đều có những nét đẹp riêng. Cuối cùng cặp đôi chọn Mũi Né, nơi ngoài biển xanh, cát trắng, nắng vàng, những cồn cát êm đềm và làng chài yên bình, rất lý tưởng cho những khuôn hình lãng mạn.
Trong khi đó, ở ngay thủ đô đông đúc, hối hả, vợ chồng Sean lại tìm thấy những góc phố duyên dáng nơi có thể kể câu chuyện tình yêu của hai người bằng những bức ảnh ngọt ngào như phố cổ, cầu Long Biên, nhà hát Lớn, nhà thờ Lớn, bãi đá sông Hồng…
Gần đây, nhiều phim trường dành cho dịch vụ chụp ảnh cưới nở rộ với khung cảnh đa dạng như kiến trúc châu Âu, La Mã, Nhật Bản, biển nhân tạo, cánh đồng hoa… như phim trường Smiley Ville ở Đông Anh, phim trường Lavender Park, hay thảo nguyên hoa Long Biên… được rất nhiều bạn trẻ ưa thích.
Hầu hết các chàng rể “Tây” cũng ấn tượng với trang phục chụp hình. Họ rất thích thú khi nhìn thấy cô dâu xinh đẹp của mình rực rỡ trong những bộ váy khác nhau. Khác với ảnh chụp đúng vào ngày cưới ở nước họ, thời gian cho bộ ảnh cưới theo “phong cách Việt” thường kéo dài ít nhất một ngày nên cô dâu có thể thay đổi trang phục. Và hình ảnh đẹp nhất trong mắt các chàng chính là chiếc áo dài truyền thống thể hiện nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Sau khi tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, giờ là lúc hai nhân vật chính bắt đầu “diễn” bộ phim tình yêu của mình.
“Bạn sẽ trở thành trung tâm vũ trụ khi mọi người xung quanh đều nhìn bạn. Vì vậy, nếu bạn là một người nhút nhát hoặc không thể tự nhiên trước máy ảnh thì trước đó nên tập luyện trước gương nếu không bạn sẽ bị ‘cắt’ và ‘diễn’ nhiều lần”, lời khuyên của Sean dành cho các chú rể. Lúc đầu tôi đã cảm thấy rất mất tự nhiên và chóng mặt trước sự chỉ đạo của đội ngũ chụp ảnh. Họ liên tục bảo tôi: “Nhìn vào cô dâu, bây giờ hướng lên trời, nhìn lại cô dâu lần nữa, rồi, nhìn vào cái cây, được rồi, các bạn yêu nhau, tốt. Tôi thấy mình bắt đầu giống robot”, anh mỉm cười nhớ lại.
Ngoài những khung hình lãng mạn, có thể có một số pha hành động nguy hiểm. Như vợ chồng Marco đã được yêu cầu đứng trên một chiếc thuyền ở biển Đà Nẵng cho cảnh Jack và Rose trong phim Titanic. Nhưng chiếc thuyền có vẻ cũng đang chìm như trong phim nên họ đã không đủ can đảm làm như phim. Hay như Sean và vợ phải cố hết sức tình tứ trên một chiếc xe đạp không phanh trên cầu Long Biên giữa ban ngày khi xe máy và ô tô bấm còi inh ỏi và phóng qua. Lúc này anh Sean đã quen dần với sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia, anh có thể “nhìn cô dâu, hôn cô ấy, rồi lại nhìn chiếc cầu cũng như nhìn xa xăm vào tương lai của hai người”. Tuy nhiên lúc nhìn đại vào một khoảng không cho… tương lai, Sean trông thấy một bệnh viện gần đó. “Lúc đó, tôi đã rất hi vọng đấy không phải là tương lai gần của tôi khi tôi đang bận chụp ảnh, không chú ý được đường đi”, anh kể lại.
Theo các chàng rể “Tây”, các nhiếp ảnh gia có rất nhiều ý tưởng thú vị nhưng đôi khi quá khiên cưỡng và thiếu tự nhiên khiến cho ảnh của nhiều cặp đôi trông giống nhau. Vì thế đôi lúc họ nên để các nhân vật chính được tự nhiên cho hình ảnh “thật” hơn.
Chụp ảnh cưới cũng là cơ hội để bạn rèn luyện sức khỏe và tính kiên nhẫn, dưới cái nhìn của các chàng rể nước ngoài. “Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam khiến tôi ướt sũng trong bộ comple. Tôi và vợ tôi luôn miệng hỏi xong chưa và thường câu trả lời là ‘sắp rồi’ nhưng đến khi kết thúc tôi mới biết là “sắp” của người Việt Nam rất lâu. Lúc ấy tôi không thể cười được nữa vì cơ mặt tôi đã hoạt động hết công suất cho việc cười và tạo dáng cả ngày”, Jon nhớ lại.
Mệt mỏi nhưng mới mẻ, lãng mạn, thú vị và thậm chí một chút nguy hiểm là chia sẻ chung của các chàng rể “Tây” về trải nghiệm chụp ảnh cưới. “Thực sự thì rất xứng đáng để dành ra một ngày cho những khoảnh khắc đẹp nhất, hạnh phúc nhất trong đời mà bạn có thể lưu giữ mãi”, Antonio cho biết, “ngoài ra, đó cũng là thời gian tuyệt vời của hai người khi cùng có ý tưởng, lên kế hoạch về những thứ cả hai cùng thích để chuẩn bị cho việc chụp hình, giống như một lễ kỷ niệm nhỏ của riêng hai người trước ngày trọng đại vậy.”
Không chỉ các “diễn viên” chính mà gia đình, bạn bè cũng rất thích thú với bộ ảnh cưới của họ. Antonio cho biết những người thân của anh tỏ ra ngưỡng mộ cuốn album cưới của vợ chồng anh vì nó thể hiện tình yêu và thời gian của họ dành cho nhau. Trong khi Jon cho biết bạn bè anh đã rất ấn tượng với album cưới của anh chị vì nó khác biệt và độc đáo so với những cặp đôi khác ở đất nước họ. “Tôi nghĩ rằng tất cả các cặp đôi nên chụp ảnh cưới trước đám cưới và tôi sẽ khuyên bất cứ ai sắp kết hôn hãy có trải nghiệm đáng nhớ này”, Jon.
Jin Nguyen | Wanderlust Tips | Cinet