Đặc sắc lễ hội Songkran Thái Lan
- 27/06/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, Songkran, Thái Lan
Lễ hội té nước Songkran là một lễ hội truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng ở Thái Lan. Lễ hội được tổ chức thường niên trên khắp cả nước với quy mô hoành tráng, thu hút đông đảo người dân cũng như du khách tham gia.
[rpi]
Nguồn gốc của lễ hội Songkran
Lễ hội Songkran bắt nguồn từ ngày sinh của Đức Phật, người Thái quan niệm rằng khoảng thời gian diễn ra lễ hội là lúc mặt trời chuyển dịch giữa các chòm sao hoàng đạo trong vũ trụ để bắt đầu một năm mới.
Vì thế, lễ hội té nước chính là ngày tết cổ truyền của người Thái, cũng giống như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Năm 1941, Hoàng gia Thái đã quy định tết Songkran sẽ được tổ chức vào ngày 13/4 (dương lịch) hàng năm.
Lễ hội Songkran Thái Lan mang tính cộng đồng nhiều hơn so với lễ tết cổ truyền ở các nước khác. Không chỉ là dịp sum họp gia, lễ hội còn là cơ hội giao lưu, kết bạn giữa người dân và khách du lịch Thái Lan. Đây cũng chính là nét đặc biệt riêng vô cùng ấn tượng của Songkran.
Đặc sắc lễ hội Songkran
Thời gian tổ chức lễ hội SongKran
Lễ hội Songkran diễn ra từ ngày 13/4 đến ngày 15/4 hằng năm. Đặc biệt, ở một số thành phố du lịch như Phuket, Pattaya, lễ hội có thể kéo dài đến 1 tuần hay 10 ngày.
Lễ hội Songkran có gì?
Lễ hội Songkran là lễ hội lớn và được mong chờ nhất trong năm của người dân Thái Lan. Để có một dịp lễ hoàn hảo, các hoạt động trong lễ hội sẽ được người dân chuẩn bị rất cẩn thận và kỹ lưỡng.
Thông thường người dân Thái Lan sẽ dành 2 ngày để chuẩn bị cho lễ hội. Bắt đầu là ngày Wan Sungkharn Long – vào ngày này, người Thái Lan dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và trang hoàng lại ngôi nhà bằng đồ mới để rũ bỏ những cái cũ, chuẩn bị đón mừng năm mới.
Tiếp đó, là ngày Wan Nao, cũng giống như ngày 30 tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Vào ngày này, người dân Thái Lan sẽ chuẩn bị đồ ăn cho những ngày lễ sắp tới.
Ngoài ra, theo tập tục, người Thái Lan sẽ đi đến bờ sông và đắp những ngôi bảo tháp bằng cát để tạo nên Nghiệp tốt cho chính mình, bởi họ tin rằng, mỗi một ngôi bảo tháp tượng trưng cho lòng tôn kính Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo).
Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới. Người Thái Lan thức dậy sáng sớm và mang đồ cúng đã chuẩn bị từ hôm trước để lên chùa làm lễ. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm.
Lễ tắm Phật sẽ được tổ chức tại tất cả các ngôi chùa với sự tham gia của đông đảo Phật tử vào ngày Wan Payawan. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước.
Điều không thể thiếu trong lễ hội Songkran là nước. Khi nghi lễ tại chùa kết thúc, người dân đổ ra đường phố chính, dùng vòi bơm, xô chậu, súng phun… hay bất kỳ thức gì có thể té nước vào người nhau, với niềm tin rằng nước sẽ thanh tẩy mọi điều tiêu cực, đem đến phước lành. Người nào ướt càng nhiều ở Songkran thì càng may mắn.
Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee, trong ngày này người Thái sẽ thực hiện nghi lễ Rod Nam Dum Hua dành cho người cao tuổi. Khi đó những người nhỏ tuổi sẽ nhẹ nhàng rưới thơm lên tay những bậc lớn tuổi để cầu mong sự tha thứ và bày tỏ lòng tôn kính cũng như chúc phúc lộc.
Lưu ý khi tham gia lễ hội Songkran
Lễ hội Songkran là một trong những phong tục quan trọng nhất của người Thái. Không chỉ là dịp để gắn kết mối quan hệ với nhau giữa người Thái, mà còn là hình ảnh đẹp về Thái Lan trong mắt bạn bè quốc tế.
Những điều cấm kỵ trong lễ hội là ném nước bẩn, nước lạnh, các hỗn hợp nguy hiểm như sơn, thuốc nhuộm… lên người khác; ném nước vào người đang lái xe; dùng máy bơm áp lực lớn để phun nước; quấy rối phụ nữ nơi đông người; say xỉn nơi công cộng…
Bạn cần lưu ý chuẩn bị những dụng cụ cần thiết trước khi tham gia lễ hội như: Súng nước, kính mắt, túi chống thấm, kem chống nắng, và đặc biệt là không nên mặc đồ màu trắng đến lễ hội.
Và đừng quên nói “Sawasdee Pee Mai” – chúc mừng năm mới, thật thân thiện với tất cả mọi người nhé! Cuối cùng là sẵn sàng một tâm hồn đẹp để hòa vào không khí lễ hội Songkran đặc sắc và rộn ràng.
Wanderlust Tips | Cnet