Đại lễ Phật đản Vesak tại các quốc gia châu Á (Phần 1)

Phật tử trên khắp Việt Nam vừa tưng từng tổ chức Ngày lễ Phật đản với nhiều hoạt động ý nghĩa. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều đất nước theo Phật giáo ở châu Á cũng rất coi trọng ngày lễ này và tổ chức rất long trọng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về lễ Phật đản hay Vesak qua bài viết dưới đây.

[rpi]

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đại lễ Phật đản Vesak tại các quốc gia châu Á

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày 15/4 (rằm tháng tư) Âm lịch năm 624 TCN (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 Âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông). Nơi sinh của Ngài tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Chính vì vậy mà Lễ Phật đản là lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật hàng năm.

Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Tư, hầu hết những nước có Phật giáo đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, lễ Phật đản vào 15/4 đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca – Phật đản.

Tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp – lễ Vesak (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). Ngày Phật đản hay là lễ Vesak, Tam Hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau, tùy theo từng quốc gia.

LỄ VESAK TẠI 3 NƯỚC: ẤN ĐỘ, NEPAL, SRI LANKA

Tại Ấn Độ, Nepal và các nước láng giềng Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ Vesak nguyên thủy được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha của lịch Phật giáo và lịch Hindu. Lễ hội được gọi là “Phật Purnima” với Purnima nghĩa là ngày trăng tròn trong tiếng Phạn. Hay còn được gọi là “Phật Jayanti” với Jayanti có nghĩa là sinh nhật ở Nepal và trong tiếng Hindi. Gần đây, tại các nước Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, lễ Vesak chính được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đại lễ Phật đản Vesak tại các quốc gia châu Á

Tại Ấn Độ, lễ Vesak được tổ chức ở nhiều nơi như Sikkim, Ladakh, Arunachal Pradesh, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), khu vực tại Bắc Bengal như Kalimpong, Darjeeling, và Kurseong, và Maharashtra (nơi có 73% của tổng số tín đồ Phật giáo Ấn Độ),… Trong dịp này, các Phật tử đi đến Tịnh Xá và ở lại lâu hơn các ngày thường, nghe toàn bộ kinh Phật giáo. Họ mặc trang phục thông thường là màu trắng tinh khiết và ăn chay. Mọi người cũng thường ăn Kheer – một loại cháo ngọt để nhớ lại câu chuyện của Sujata – cô gái trẻ đã dâng Ngài một bát cháo sữa.

Lễ Vesak ở Nepal được tổ chức rộng rãi trên khắp cả nước, chủ yếu là tại Lumbini (Lâm-tì-ni) – nơi sinh của Đức Phật. Lễ này cũng được tổ chức lớn tại ngôi chùa linh thiêng Swayambhu (Chùa Khỉ). Chùa Swayambhu có cánh cửa chính chỉ được mở vào ngày lễ này. Tại Nepal, Đức Phật được tôn thờ bởi tất cả các nhóm tôn giáo, do đó “Phật Jayanti” được đánh dấu bằng một ngày nghỉ lễ quốc gia. Người ta tặng thực phẩm và quần áo cho những người nghèo. Bệnh cạnh đó, người ta còn cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tu viện và trường học – nơi Phật giáo được dạy và thực hành.

Tại Sri Lanka, Phật giáo là quốc giáo. Thời gian lễ hội Vesak, người dân được nghỉ lễ. Ngoài những buổi lễ tụng kinh và cầu nguyện mang tính tôn giáo, lễ hội Vesak còn có nhiều chương trình mang tính lễ hội dân gian.

Người dân thường mặc áo trắng và đi đến đền thờ, tu viện và tham gia vào các nghi lễ truyền thống tại đó. Nhiều người ở lại đền thờ cả ngày và thực hành Bát giới. Hầu hết tư gia Phật tử đều trang trí cờ Phật giáo, lồng đèn và đèn nến… Những nơi công cộng diễn ra nhiều chương trình lễ hội. Trong đó chương trình rước xá lợi gây ấn tượng và tạo nên xúc cảm nhất đối với người tham dự. Xá lợi Phật được tôn trí trên lưng những chú voi được trang điểm lộng lẫy với sắc màu mang phong cách Nam Á.  Theo sau kiệu rước là hàng ngàn Phật tử, diễn hành khắp những đường phố.

Trong những ngày lễ hội, việc bán rượu và thịt thường bị cấm, tất cả quán bia rượu và lò giết mổ phải đóng cửa. Cùng với đó, người dân nước này phóng sanh một số lượng lớn thú vật, chim, cá… Việc bố thí (Dana) cũng được xem rất trọng, họ thường đến thăm và phát quà cho trẻ mồ côi và người già neo đơn cũng như lập những quầy cung cấp miễn phí thức ăn uống cho khách qua đường.

MYANMAR

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đại lễ Phật đản Vesak tại các quốc gia châu Á

Tại Myanmar, lễ Vesak còn được gọi là ngày của Kason. Kason là tháng thứ 2 trong 12 tháng theo lịch Myanmar. Đây là tháng nóng nhất trong năm. Trong khuôn khổ lễ hội Vesak, người dân Myanmar thành kính đội những chậu nước tinh khiết trên đầu và đi đến những tự viện để tưới nước xuống cây bồ đề. Việc làm này được xem như lời cảm ơn giống cây này đã che chở cho đức Phật trong những ngày thiền định trước khi chứng đạo. Đồng thời người Myanmar cũng mang ước nguyện năng lực giải thoát luôn trưởng dưỡng trong họ.

INDONESIA

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips Đại lễ Phật đản Vesak tại các quốc gia châu Á

Tại Indonesia, lễ Vesak còn được gọi là ngày Waisak, được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch. Đây là ngày nghỉ lễ quốc gia mỗi năm, chính thức kể từ năm 1983. Tại đền Borobudur (Ba La Phù đồ), hàng ngàn nhà sư Phật giáo sẽ hội tụ với nhau để tụng các câu thần chú và câu kinh trong một nghi lễ gọi là “Pradaksina”. Các nhà sư kỷ niệm ngày đặc biệt này với việc hứng nước thánh (tượng trưng cho sự khiêm tốn) và vận chuyển ngọn lửa (tượng trưng cho ánh sáng và giác ngộ) từ vị trí này đến vị trí khác. Các nhà sư cũng tham gia vào nghi lễ “Pindapata”, nhận sự từ thiện và cúng dường từ người dân.

(còn tiếp)

Wanderlust Tips | Cinet