Dân dã ốc gạo miền Tây

Ốc gạo, cái tên lạ mà quen, món ăn dân dã này nổi tiếng ở miền Tây sông nước Việt Nam, nhiều nhất là cù lao Tân Phong (Tiền Giang), cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách – Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ).

[rpi]

Miền Tây sông nước vốn được thiên nhiên ưu ái, ban tặng những món quà tự nhiên vô cùng quý giá. Hầu hết các tỉnh miền Tây được bao bọc trong vòng tay hiền hòa của các con sông lớn, quanh năm nhận bồi đắp phù sa trù phú, hình thành nên nhiều miền đất là những cồn bãi gắn liền với vô vàn sản vật quý giá. Ốc gạo chính là một trong số những món quà mà tự nhiên tặng cho vùng sông nước này.

Dân dã ốc gạo miền Tây - Wanderlust Tips
Ốc gạo – đặc sản của miền Tây sông nước.

Sở dĩ có tên gọi là ốc gạo là vì vỏ ốc màu trắng xanh xoáy tròn, khi nấu chín dưới phần yếm lồi ra một hạt mỡ trắng như hạt gạo nên gọi là ốc gạo. Còn có truyền thuyết kể rằng, khi xưa người dân miền Tây đói khổ, lam lũ, ông trời thương tình mới ban thưởng cho một loài ốc ngon để giúp người dân địa phương khai thác rồi đem bán lấy tiền đổi gạo. Từ đó, con ốc này mới có tên là ốc gạo.

Đặc điểm của ốc gạo là sinh sản rộ vào khoảng tháng 7 hàng năm và sống ở vùng đáy sông, ăn phù sa, động vật phiêu sinh. Ốc gạo tuy nhỏ nhưng ai đã từng thưởng thức đều nhớ vì vị béo, thơm, ngọt và giòn đến lạ kỳ. Đặc biệt ốc vào mùa sinh sản luộc chín thường có một lớp như mỡ trắng dưới yếm, khều lên ăn sẽ thấy những con ốc con trắng tinh bên trong, nhai giòn rụm.

Đây là món đặc sản dân dã, quen thuộc với người dân nơi đây nhưng cũng vô cùng nổi tiếng với khách du lịch. Thịt ốc gạo trắng ngần, thơm ngon. Sống và quen thuộc với con ốc gạo, nên người dân bản địa có cách biến tấu ốc gạo thành nhiều món ăn ngon như: Ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào sả ớt, nấu lẩu mắm, hay thậm chí là đổ bánh xèo, trộn gỏi,…Nhưng món ăn du khách thích nhất nhất vẫn là ốc luộc, bởi vị ngọt thanh của ốc vẫn còn được giữ nguyên.

Ốc gạo luộc

Chế biến món ốc gạo luộc rất dễ dàng và nhanh gọn. Đây cũng là món ăn mà các đấng mày râu mỗi khi gặp nhau rất thích.

Trước hết, ốc đem đổ vào chậu ngâm với nước lạnh có pha một ít ớt đâm giập (khoảng 30 phút) cho ốc nhả những chất bẩn ra ngoài. Dùng bàn chải chà xát rong rêu, xả với nước lạnh nhiều lần cho sạch, đổ ốc ra rổ cho ráo nước.

Kế tiếp, cho ốc vào nồi cùng với vài tép sả đâm giập cho có mùi thơm (có thể sử dụng lá ổi để thay thế), dùng nước sôi rưới một ít lên ốc rồi trộn đều. Việc này giúp thịt ốc trắng và ngọt khi luộc xong. Tiếp đó bắc lên bếp luộc chừng 10 phút. Khi thấy mùi thơm bốc lên, ốc hở mặt là chín. Khi đó, chỉ cần dùng nhể, tăm nhọn nhể ruột ốc ra, thêm bát nước chấm sả ớt thì quả là tuyệt vời.

Ốc gạo luộc là món ăn được ưa chuộng nhất vì món ăn nay giữ nguyên được vị nguyên bản của ốc, không bị lai tạp đi vì cách chế biến cũng như các nguyên liệu khác.

Ốc gạo trộn gỏi bắp chuối

Dân dã ốc gạo miền Tây - Wanderlust Tips
Ốc gạo trộn gỏi bắp chuối – món ăn được du khách yêu thích khi tới với miền Tây sông nước.

Món gỏi ốc gạo trộn gỏi bắp chuối hơi nhọc công một chút vì phải trải qua nhiều công đoạn và chuẩn bị một ít nguyên liệu trước như: Bắp chuối xiêm, rau răm, đậu phộng…

Sau khi ốc luộc xong, đợi ốc nguội, ta nhể ruột ông rồi để ra bát. Bắp chuối xiêm xắt mỏng ngâm vào nước lạnh có vắt chút nước cốt chanh, vớt ra để ráo. Phi dầu (có thể dùng mỡ) với tỏi cho thơm rồi cho thịt ốc vào xào sơ, để ra chậu.

Trộn đều hỗn hợp bắp chuối, ốc, rau răm cùng gia vị (nước cốt chanh, đường, nước mắm). Phần gia vị nêm nếm tùy theo sở thích của mỗi người. Sau khi đã trộn và gia vị, các nguyên liệu đã đều, quyện vào với nhau thì lấy ra đĩa, thêm một chén nước mắm chanh, tỏi ớt và rắc đậu phộng rang giã giập là xong!

Ốc gạo trộn gỏi bắp chuối là món ăn phổ biến và được yêu thích, có thể ngồi lai rai trên bàn nhậu đấy!

Bánh xèo ốc gạo

banh xeo oc gao ben tre
Bánh xèo ốc gạo – món ăn kì lạ, độc đáo.

Bánh xèo ốc gạo là món ăn có cách chế biến khá công phu, phức tạp, đòi hỏi người nắm vững kỹ thuật mới có được những chiếc bánh ngon và hấp dẫn, chuẩn vị miền Tây. Ngoài ốc gạo đã luộc sẵn, nhể ruột, cần chuẩn bị các nguyên liệu chính để làm bánh xèo như bột gạo, nghệ, nước cốt dừa, hành lá… Dĩ nhiên phần nhân không thể thiếu củ sắn xắt sợi, hành tây xắt mỏng cùng rau sống, nước mắm tỏi ớt ăn kèm.

Trước hết, cho bột gạo vào bát cùng với bột nghệ (với tỉ lệ vừa đủ), nêm nếm gia vị sao cho vừa khẩu vị. Nếu muốn cho bột bánh mềm, béo ngon, khi bánh chín dễ gỡ không bị rách thì pha thêm vào bột một quả trứng vịt.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu làm vỏ, bắc chảo lên bếp, thoa đều dầu, đợi nóng thì cho ốc cùng hành tây xắt mỏng vào xào vừa chín tới. Dùng vá múc bột cho vào chảo, xoay vòng một cách nhẹ nhàng sao cho bột tráng đều thành một hình tròn để có được phần vỏ hoàn hảo nhất. Tiếp đến, cho củ sắn, giá, hẹ vào, cùng với ốc và hành tây thì đây chính là phần nhân của món bánh xèo ốc gạo.

Đợi cho các nguyên liệu trên chảo chín hẳn thì tắt bếp và dọn ra đĩa thôi. Chú ý chỉnh lửa bếp vì nếu quá tay thì bánh sẽ bị cháy đó nhé.

Đặt miếng cải bẹ xanh vào lòng bàn tay, gắp miếng bánh xèo có lẫn thịt ốc gạo cùng vài cọng rau sống cuốn lại, chấm vào chén nước mắm, cho vào miệng nhại chầm chậm. Vị ngọt, giòn của thịt ốc hòa lẫn vị béo, thơm của bột gạo tạo thành một món ăn dân dã đặc trưng Nam bộ thật vô cùng hấp dẫn, “ăn là ghiền”!

Đến miền Tây sông nước, đặc biệt là những tỉnh, thành phố như Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ thì đừng bỏ lỡ thức đặc sản dân giã nhưng vô cùng đặc sắc này nhé!

Ảnh: Internet.

Wanderlust Tips | Cnet.