Dạo chơi Wellington lộng gió
- 04/09/2019
- E.MAGAZINE, ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- du lịch New Zealand, Editor picks, Moore Wilson’s, Toà nhà Quốc hội New Zealand, vịnh cảng Wellington, Wanderlust Tips 08/2019, Wellington
[Wanderlust Tips 08/2019] Sau những ngày mưa gió, cuối cùng mặt trời cũng ló dạng, một ngày đông rực rỡ cho mộ chuyến dạo chơi không hề có dự tính. Máy bay đang hạ dần độ cao. Ngoài cửa sổ, những dãy núi cao, những mảng xanh ngút ngàn và sự sóng sánh của đại dương hiện ra trước mắt tôi. Và ở giữa tất cả những thứ đó, xuất hiện một thành phố, nơi kết nối những câu chuyện từ quá khứ, hiện tại và tương lại của Aotearoa – New Zealand, đó là Wellington.
[rpi]
Thủ đô Wellington bé nhỏ của New Zealand chỉ có chưa đến 450.000 dân, thua xa con số 2 triệu rưỡi của thành phố Auckland, nhưng lại mang đến một cảm giác không kém phần phồn hoa. Vì quá rộng nên công sở ở Auckland tản mác khắp nơi, ngoài khu trung tâm tài chính dọc phố Queen và bờ vịnh, Auckland còn có khu vực phía Tây Westgate xinh đẹp, khu Đông Tamaki mang đầy dấu ấn của người Māori, khu Nam Manukau bao bọc bởi những nông trang và khu vực bờ Bắc đang phát triển thịnh vượng. Wellington, trái lại, dù cũng chia thành từng khu nhỏ như khu vực trung tâm Wellington, Upper Hutt, Lower Hutt và Porirua, song đa số người dân làm việc ở trung tâm. Nhưng ai lại không muốn thế chứ, vì họ mỗi ngày sẽ được nhìn thấy vịnh cảng Wellington xanh biếc, đi dọc bờ nước yên ả và thả bộ vào khu công viên bao quanh toà nhà Quốc hội “tổ ong” nổi tiếng, nơi mà nữ thủ tướng đang được cả thế giới yêu quý – bà Jacinda Ardern làm việc?
Người ta còn gọi thành phố bé nhỏ này là Welly và đặt cho nó cái biệt danh Windy Welly (Welly lộng gió). Vì vị trí kết nối giữa những dãy núi cao trùng điệp, vịnh cảng Wellington và vịnh biển Fitzroy mà thành phố này là điểm tập trung của những cơn gió mạnh nhất với tần suất nhiều đến bất ngờ. Vừa bước khỏi sân bay, tôi đã được trải nghiệm đúng nghĩa cái tên Windy Welly khi phải dùng hai tay giữ lấy áo khoác và khăn choàng. Xe taxi đưa chúng tôi về khách sạn qua con đường dọc bờ vịnh. Những con mòng biển trắng chao liệng trên không. Mặt nước trong xanh như một tấm màn nhung phất phơ trong gió biển. Cảnh vật cứ như đang vào giữa mùa hè… cho đến khi cửa xe mở ra và những cơn gió tràn vào nhắc chúng tôi nhớ rằng tháng 7 là tháng lạnh nhất của năm tại đây và mùa đông vẫn còn rất dài.
LẠC VÀO “XỨ THẦN TIÊN” MOORE WILSON’S
Chuyến đi của chúng tôi không có dự tính từ trước. Mỗi người lại theo đuổi một lịch trình riêng với chỉ hai đêm ở Wellington nên ngay sau bữa trưa vội và tách cà phê thơm ở The Hangar – một quán cà phê nổi tiếng bên kia đường, chúng tôi chia tay nhau. Thật tiếc vì đã là Chủ nhật và chợ đêm Wellington sẽ không mở cho đến thứ Sáu tuần kế tiếp nên tôi nhất quyết đến thăm Moore Wilson’s – nơi mà tôi gọi là “Ikea của đồ bếp”, một vị giáo sư của tôi đã giới thiệu nơi này và nó là địa điểm chắc chắn phải đến cho những ai đam mê nấu nướng.
Lúc đầu, tôi định sẽ mua vé xe buýt ở đây nhưng lại lập tức nhận ra trung tâm Wellington khá nhỏ và có thể đi bộ từ đầu phía Bắc đến đầu phía Đông Nam trong chưa đến một giờ. Chủ nhật với người dân xứ này là ngày gia đình, là ngày “hồi sức” để chuẩn bị cho một tuần mới. Vậy nên thành phố cũng yên ắng hẳn, cả con phố Cuba nhộn nhịp cũng chìm vào màu xám xịt của mùa đông khi nắng tắt.
Moore Wilson’s nằm ở gần cuối đầu phía Đông Nam (trung tâm Wellington như chữ L, bao quanh vịnh cảng). Đằng sau bức tường bọc sắt gỉ đỏ chính là một khu “siêu thị” với tất cả các nguyên liệu từ khô đến tươi mà bạn có thể mơ tới. Những hàng dài trái cây và rau củ mùa đông đủ màu khiến tôi choáng ngợp. New Zealand không có văn hoá chợ tập trung như nhiều nước khác. Đa phần, bạn sẽ thấy những khu chợ nông dân nhỏ nhóm họp vào cuối tuần hoặc các siêu thị lớn, hay các cửa tiệm châu Á như Taiping, Fresh and Save, Lim Choi. Moore Wilson’s mặc dù vẫn là siêu thị đấy, nhưng có lẽ nó là thứ gần nhất với “chợ” mà tôi đã quen trong những năm sống ở Melbourne. Tôi như Alice lạc vào mê cung của “xứ thần tiên” với những tủ lạnh chứa đầy các bánh phô mai to như cái bánh xe, những dãy gia vị đủ loại, những con tôm hùm còn sống nhăn, những chai rượu vang chất cao đến tận trần nhà… Tôi mua một bộ ba loại mật ong được sản xuất ở New Zealand, một chai dầu nấm truffle đen địa phương, một thanh sô cô la làm chính tại Wellington và 2 chai bia tươi được “xịt” thẳng từ vòi với giá rất hời chỉ 15USD cho 1 bình 1 lít rưỡi. Wellington thật biết làm người ta say.
Đêm xuống. Thành phố chìm dần vào giấc ngủ. Những tiếng chim tan tác cuối đường trong một chiều đông lạnh.
CHUYẾN THĂM TÒA NHÀ QUỐC HỘI
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và quyết định thăm thú toà nhà Quốc hội ở đầu phía Bắc. Toà nhà Quốc hội New Zealand được kể đến như một kiến trúc đặc biệt và được người dân đặt biệt danh “tổ ong”. Kiến trúc này được bắt đầu xây dựng từ thập niên 60 để mở rộng toà nhà Quốc hội gốc được xây vào đầu thế kỷ 20. New Zealand là đất nước non trẻ nhưng rất chú ý đến tính văn hoá bản địa của mình. Vật liệu xây dựng toà nhà “tổ ong” đều được khai thác nội địa, bao gồm cả những tảng đá granit được lấy từ những ngọn núi lửa cuồng nộ và những phần gỗ ốp cũng là loại gỗ đặc trưng của quốc đảo này, thứ không thể tìm được ở bất kỳ nơi nào khác. Như các nước khác trong khối Thịnh Vượng Chung, New Zealand tuân theo hiến pháp gốc của Westminster và xem Hoàng gia Anh là người đứng đầu quốc gia. Đương kim nữ hoàng Elizabeth đệ nhị vào năm 1977 đã khánh thành toà nhà “tổ ong” này, tuy các phần khác của nó còn mất thêm nhiều năm nữa để hoàn thành.
Tôi quyết định tham gia chuyến tham quan miễn phí toà nhà Quốc hội. Chuyến tham quan dài 1 giờ sẽ dẫn khách đi qua 3 trong 4 toà nhà của Quốc hội: toà nhà “tổ ong” nơi các chính khách đặt văn phòng cũng như tiếp đãi các nguyên thủ quốc gia; toà nhà Quốc hội nơi có nghị trường, và cũng là nơi quốc hội sẽ bàn bạc, thảo luận hoặc thậm chí tranh cãi về các sắc luật; toà nhà thư viện Quốc hội là toà nhà Quốc hội gốc nhưng đã được chuyển đổi công năng. Toà nhà thứ tư là tòa nhà Bowen, nơi không bao gồm trong chuyến tham quan, là một toà nhà công sở được kết nối với hệ thống các toà nhà Quốc hội qua một đường ngầm. Chuyến tham quan này không cho phép ghi hình hay chụp ảnh vì lý do an ninh, thế nhưng nó mang lại những trải nghiệm rất thú vị. Vậy nên nếu bạn có ghé thăm Wellington xinh đẹp, nhất định hãy tham gia chuyến tham quan miễn phí này.
Quốc hội New Zealand có thể xem là một Quốc hội khá đặc biệt vì nó không bao gồm thượng viện (vốn từng tồn tại nhưng đã bị bãi bỏ). Hệ thống bầu cử ở đây tương tự như ở Đức, với sự cấp tiến của mình, nó cho phép các đảng phái nhỏ tham gia chính trường thay vì hoàn toàn bị gạt hẳn ra mà chỉ bao gồm hai đảng chính, điều này giúp tăng sự có mặt của các nghị sĩ da màu và người Māori đến từ tất cả các bộ tộc bản địa ở đây. New Zealand cũng là một trong số ít nước cho phép khách tham quan vào những ngày Quốc hội làm việc và vào cả nghị trường lúc đó. Chính sách này cũng bao gồm việc đăng kí dự thính các buổi làm việc của Quốc hội, vốn chiếm khoảng 1/3 số ngày trong năm. Cũng bởi những điều đó mà New Zealand luôn nằm trong top những quốc gia có hệ thống chính trị minh bạch nhất thế giới. Một điểm đặc biệt khác, New Zealand là đất nước đầu tiên cho phép phụ nữ tham gia bầu cử.
Sau khi rời khu vực Quốc hội, tôi quyết định tản bộ dọc bờ nước về phía bảo tàng New Zealand Te Papa Tongarewa. Lại một ngày tươi sáng, vịnh cảng Wellington hiện ra hiền hoà đến không ngờ. Đi dọc bờ cảng, một phần, nó làm tôi nhớ đến những ngày tản bộ dọc các bến tàu ở San Francisco, nhưng mặt khác nó cũng làm tôi nhớ đến Melbourne bởi không khí yên ả kết hợp với lối sống năng động nơi đây. Lúc ấy đã là giữa trưa, tôi thấy những thanh niên ngồi ăn trên các bậc thềm, trên những băng ghế hay ở những chiếc bàn công cộng. Tôi thấy mặt vịnh lấp lánh sóng bạc, nơi những con mòng biển chao liệng và chực chờ một miếng ăn từ ai đó vô ý để lộ sơ hở. Tôi thấy những đứa trẻ cùng cha mẹ hoặc bạn bè vui chơi dưới cái nắng mùa đông và những cơn gió biển lạnh. Tôi thấy những người già chầm chậm rảo bước, không vội vã, không nhọc nhằn. Tôi thấy một cuộc sống êm đềm đến đỗi đáng ghen tị. Dù trước đó tôi rất may mắn khi đã dành cả nửa đời ở Sài Gòn – hòn ngọc viễn đông, đã sống nhiều năm ở Melbourne – một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, đã leo những con dốc và đi xuyên rừng ở bờ Bắc Auckland, đã dành những ngày chỉ để loanh quanh dòng Leith êm đềm ở Dunedin, đã đi lại giữa New York đô hội, San Francisco phồn hoa, Los Angeles sôi động… nhưng chỉ một buổi trưa tản bộ dọc mép nước ở Wellington đã phải khiến tôi ghen tị với sự êm đềm và an yên nơi đây.
HẸN GẶP LẠI WELLY NGÀY LỘNG GIÓ
Một buổi sáng nữa, Wellington quyết định nổi gió. Những con phố dài chìm trong những cơn gió lồng lộng thổi bay đám lá vàng còn sót lại trên cây. Tuy nghe thật dữ dội nhưng buổi sáng mùa đông ở đây thực sự đẹp vô cùng, dù là ở phía xa, nơi những ngọn đồi xanh bao quanh hay ngay giữa trung tâm, nơi người dân Wellington đang hối hả cho ngày mới. Họ bước đi với cặp táp, túi vải, dù Blunt (một sản phẩm nổi tiếng thế giới của New Zealand – được quảng cáo là “đã được thử nghiệm với sức gió bần bật ở Wellington”) và những ly cà phê không-sử- dụng-một lần. Cảnh tượng hàng người đi mua cà phê sáng mà đa phần đều mang một chiếc ly nhựa tái sử dụng hay ly thuỷ tinh giữ nhiệt là một điều mà ngay đến Auckland cũng khó có được như vậy. Còn con người Wellington thì hiền hoà và dễ mến đến ngạc nhiên.
Tôi quyết định dành buổi sáng cuối cùng bằng cách đi xe cáp lên khu đồi ở Kelburn. Xe cáp Wellington là một điểm du lịch của thủ đô này, tuy không nổi tiếng như xe cáp ở San Francisco nhưng cũng là một hành trình lý thú. Chuyến đi rất ngắn, chỉ bao gồm vài trạm dừng và trong vòng 15 phút, chiếc xe cáp đỏ đã đưa tôi lên đỉnh dốc, nơi bạn có thể phóng tầm nhìn ra xa bao quát vịnh cảng. Từ đây, bạn có thể mua một vé đi chuyến “khứ hồi đưa bạn về với trung tâm Wellington. Tôi lại chọn một cách khác là tản bộ dọc đường núi.
Ngay bên dưới trạm xe cáp chỉ vài trăm mét chính là cơ sở Kelburn của đại học Victoria của Wellington (Victoria University of Wellington), đại học duy nhất ở đây. Thế rồi từ đây, tôi “từ chối” đi đường phố mà quyết định đi xuyên một khu rừng nhỏ ngay cạnh trường. Đây có lẽ là một điểm mà tôi thích nhất khi sống ở New Zealand. Ngay cả trong khu dân cư, cứ đi một đoạn, bạn sẽ bắt gặp một mảnh rừng nhỏ được gọi là “khu bảo tồn” và có khi chỉ bé như một công viên nhỏ. Khác với các công viên rộng lớn tôi đã gặp ở nhiều quốc gia khác, nơi cây cối được trồng một cách có quy hoạch, New Zealand quyết định giữ lại hoàn toàn các cấu trúc thiên nhiên của mảnh rừng “bảo tồn” với những loài thực vật bản địa và cũng là nơi cư trú của các động vật bản địa (bao gồm các loài chim và côn trùng vì New Zealand không có bò sát hoặc động vật hữu nhũ bản địa). Cuộc sống ở mảnh thiên đường còn sót lại này làm người ta cũng chậm lại, bớt đi sự ganh đua mà nhớ rằng, con người, dù có tiến hoá đến đâu, cũng là những đứa con của Mẹ tự nhiên.
Chúng tôi dừng lại ở quán cà phê có tầm nhìn đẹp nhất Wellington – Spruce Goose để nhấm nháp ly rượu trước chuyến bay. Biển hôm ấy nắng thật vàng. Wellington còn quá nhiều nơi để đi, quá nhiều nhà hàng để ăn, quá nhiều những bãi biển để dạo. Tôi vẫn chưa leo núi Victoria, vẫn chưa đến xưởng phim của đạo diễn Peter Jackson, vẫn chưa tham quan các nhà máy làm sô cô la, bia tươi, vẫn chưa bắt chuyến phà vượt eo biển ngăn cách đảo Nam và đảo Bắc… Thôi đành hẹn lại một dịp khác, khi Welly vẫn lộng gió, khi trái tim kẻ lữ hành vẫn còn đượm tình yêu với sự êm đềm và đôi chân vẫn còn cuồng những ngày lang thang bất định.
W.TIPS
ĐỊA LÝ
New Zealand là một đảo quốc gồm hai đảo chính là đảo Bắc và đảo Nam. Wellington là thủ đô của New Zealand, toạ lạc ở cuối đảo Bắc, là nơi có chuyến phà vượt biển đến đảo Nam.
NGÔN NGỮ
New Zealand sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chính. Tuy nhiên, quốc ngữ của đảo quốc này là tiếng Māori. New Zealand còn được biết đến với tên tiếng Māori là Aotearoa – vùng đất với dải mây trắng dài bao phủ.
KHÍ HẬU
New Zealand có khí hậu ôn đới biển. Mùa hè không quá nóng và mùa đông không quá lạnh. Tuy nhiên, dù nền nhiệt độ không quá thấp, mùa đông New Zealand (từ tháng 6 đến đến hết tháng 8) lại có cái rét tương tự miền Bắc Việt Nam.
TIỀN TỆ
New Zealand sử dụng đô la New Zealand. Các tiền tệ phổ biến khác có thể được đổi dễ dàng ở sân bay hoặc các điểm đổi tiền tư nhân. Thanh toán thẻ có mặt khắp mọi nơi, ngay cả các sạp hàng chợ trời. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng chấp nhận thẻ tín dụng.
SÂN BAY
Wellington có sân bay quốc tế, tuy vậy, hầu hết chuyến bay đến New Zealand đều dừng ở sân bay Auckland. Từ Auckland, chặng bay nội địa đến Wellington chỉ mất 1 giờ đồng hồ.
DI CHUYỂN
Phương tiện công cộng ở Wellington là xe buýt. Nhưng vì trung tâm thành phố khá nhỏ, bạn không nhất thiết phải sử dụng xe buýt mà cũng có thể đi bộ. New Zealand lái xe tay lái nghịch. Ngoài taxi truyền thống, dịch vụ Uber cũng có mặt ở đây.
Alex Trần | Wanderlust Tips