Đảo Hòn Nghệ – viên ngọc thô trên vịnh Hà Tiên
- 20/05/2018
- E.MAGAZINE, ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- du lịch Hà Tiên, Editor picks, Hà Tiên, Hòn Nghệ, kinh nghiệm du lịch Hòn Nghệ, vịnh Hà Tiên, đảo Hòn Nghệ
[Wanderlust Tips tháng 5/2018] Nằm lẫn giữa 140 hòn đảo lớn nhỏ trên vịnh Hà Tiên, đảo Hòn Nghệ mang dáng hình bầu dục độc đáo được tạo thành từ đá sa thạch xen lẫn đá vôi karst có đỉnh cao hơn 300m. Với tổng diện tích 3,8km², được ôm trọn bởi một màu xanh của cây lá, những bãi cát trắng dài và làn nước trong xanh êm đềm, Hòn Nghệ như một viên ngọc quý thô sơ tuyệt đẹp ẩn mình giữa vòng tay bảo bọc của mẹ thiên nhiên.
[rpi]
Xuất phát bằng xe giường nằm từ Sài Gòn trong đêm hôm trước, sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi đã có mặt ở thị xã Ba Hòn, thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang để bắt kịp chuyến tàu ra đảo Hòn Nghệ. Tàu cá nhỏ chật ních người nhưng được sắp xếp chỗ ngồi một cách trật tự, tuyệt nhiên không ai lớn tiếng với ai, những khuôn mặt thoáng cười chân chất dù in hằn dấu hiệu khắc khổ của cuộc sống mưu sinh. Khoảng gần 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, chúng tôi lướt qua những hòn đảo nhỏ nằm rải rác có những cái tên nghe “sặc” mùi miền biển như Hòn Heo, Ba Hòn Đầm, Hòn Rễ Lớn, Hòn Rễ Nhỏ.
Đặt chân lên tới đảo khi mặt trời đã lên cao, tỏa hơi nóng lên trên khắp các ngả đường và rải hàng triệu những tia nắng lấp lánh lên mặt nước biển. Sau khoảng thời gian dài quay cuồng với cuộc sống bận rộn nơi phố thị, chúng tôi vui sướng hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành lẫn trong đó mùi thơm ngai ngái của cỏ cây và vị mằn mặn của muối biển.
Đón chúng tôi là anh Phúc, anh khoảng 50 tuổi, đậm người, nước da đen rắn rỏi của một người thường xuyên phơi mình dưới nắng nhưng gương mặt rất hiền lành. Vợ chồng anh Phúc chị Điệp là người ngoài Bắc, theo gia đình vào Nam làm kinh tế mới nên cuộc sống khá vất vả. Đến khi ra ngoài đảo làm bè nuôi cá và hải sản, nhờ chăm chỉ và nhanh nhẹn, anh chị chuyên thu mua và bỏ mối, cũng dành dụm đồng ra đồng vào nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Giờ đây con cái của anh chị đã lớn, đều học tập và lập nghiệp ở Sài Gòn. Nhà của vợ chồng anh Phúc rộng rãi, thoáng mát, phía sau có ban công hướng ra biển. Chúng tôi mang võng xếp ra hiên sau nhà, nằm nghe sóng vỗ vào vách đá ngay phía dưới dập dìu êm tai, gió thổi mát rười rượi. Có lẽ lâu rồi chúng tôi mới có được một buổi trưa yên bình và thi vị đến thế. Anh Phúc sau khi dặn do chúng tôi kỹ lưỡng về đường đi nước bước trên đảo, anh lại tất tả quay về bè cá ngoài biển chuẩn bị cho giờ thuyền ngư dân cập bến buổi chiều hôm. Anh còn không quên mời chúng tôi ra bè thưởng thức hải sản tươi và ngắm hoàng hôn, điều mà chúng tôi sẽ không thể bỏ lỡ.
Chiều hôm ấy, chúng tôi lái xe máy khám phá vòng quanh đảo. Vì diện tích đảo khá nhỏ nên chỉ mất nửa giờ chúng tôi đã chạy xe hết một vòng, lượn quanh những con dốc quanh triền núi, một bên là biển xanh trong vắt. Những cây bàng thấp tán rộng tỏa bóng mát, những chiếc ghe cũ đủ màu sắc nằm phơi bên đường chờ sửa chữa. Xóm nhỏ với những mái nhà thấp nằm san sát nhau. Một vài nhà mang chiếc phản gỗ cũ đặt trước hiên, hàng xóm túm tụm nhau trò chuyện rôm rả, gần đó trẻ con nô đùa chạy quanh gốc trứng cá. Khung cảnh giản dị, yên bình mà đã lâu chúng tôi không còn thấy được ở Sài Gòn nữa.
Hòn Nghệ trước đây không lâu vẫn còn rất hoang sơ, ít người. Đầu năm 2017, điện mới được mắc trên toàn đảo, vì vậy cuộc sống người dân đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, Hòn Nghệ vẫn chưa thu hút du lịch bằng các đảo khác mà chủ yếu tiếp những đoàn hành hương đến tham quan chùa Hang, miếu Bà Chúa Xứ, nên đảo vẫn còn giữ được vẻ yên tĩnh, đơn sơ vốn có.
Buổi chiều, khi nắng đã chuyển sang màu vàng cam, chị Điệp đưa xuồng máy đến bến tàu đón chúng tôi ra bè nổi, cách bờ chỉ khoảng 5 phút. Nắng rực rỡ tráng một lớp vàng óng lấp lánh trên mặt nước biển. Chúng tôi đến bè đúng lúc thuyền ngư dân vừa cập vào bè, kéo lên những lưới đầy tôm, cá nhảy tanh tách. Bè của anh chị khá lớn so với những bè nổi khác xung quanh, gắn những chiếc lồng cá mú nằm sâu dưới mặt nước. Những con cá mú nặng tầm vài ký bơi chen chúc trong lồng. Chị Điệp luộc cho chúng tôi vài con ghẹ vừa lấy từ lưới lên, thịt trắng tươi và thơm ngon vô cùng, vị khác hẳn ghẹ chúng tôi ăn ở thành phố. Chúng tôi ngồi ngay trên mặt những chiếc lồng cá, nhâm nhi thịt ghẹ tươi và ngắm chiều rơi trên vai. Mặt trời đỏ ối từ từ lặn xuống biển, bỏ lại cả khoảng trời đã chuyển sang màu tím hoàng hôn.
Tối hôm ấy, chúng tôi nán ở lại thêm một chút để xem anh chị thu mua hải sản từ các thuyền đánh cá. Đủ loại từ tôm tít, cua ghẹ, các loại cá biển…, thậm chí cá ngựa cũng được thu mua. Tất cả đều tươi rói được đổ đầy ra sàn bè gỗ, đua nhau nhảy tanh tách. Anh chị phân loại hải sản, trả giá và cất giữ vào các thùng giữ lạnh một cách nhanh chóng và thuần thục. Rổ cá ngựa khoảng vài cân được để riêng ra, anh Phúc bảo vì cũng hiếm nên để dành ngâm rượu uống. Hôm đó đúng là một ngày rất đặc biệt, ánh hoàng hôn rực rỡ và hương vị hải sản tươi mùi biển đi cả vào giấc ngủ của chúng tôi.
Cả ngày hôm sau, chúng tôi dành thời gian đi thăm miếu Bà Chúa Xứ, từ đó đi vòng lên núi đến chùa Hang, leo hàng chục bậc thang lên đến tượng Phật Bà Quan Âm to lớn. Tượng Phật Bà được đặt hướng ra biển để cầu bình an cho ngư dân trên đảo. Từ chỗ chân tượng, chúng tôi có thể nhìn toàn cảnh hòn đảo, phóng tầm mắt ra ngoài khơi ngắm biển dạt dào và những con sóng ngang dọc. Phong cảnh đẹp hệt như một bức tranh. Từ hang Gia Long, chúng tôi có thể nhìn thấy những vách đá vôi dựng đứng, đỉnh nhọn hoắt kỳ vĩ vươn thẳng lên trời.
Chúng khiến tôi liên tưởng đến quần thể núi đá Pinnacles trên đảo Borneo, là một trong những kỳ quan nổi tiếng của UNESCO. Phong cảnh ở đây đẹp không kém, chỉ tiếc là nó vẫn chưa được khai thác du lịch một cách hợp lý. Thế nhưng, một phần trong tôi lại muốn Hòn Nghệ ít được khách du lịch biết tới, để hòn đảo nhỏ vẫn mãi giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như thế này.
Trên đảo có rất nhiều hang động tự nhiên lớn nhỏ, bên trong các vách hang đã được bào mòn bởi nước và thời gian, phủ lớp nhũ bóng dưới tia nắng le lói qua kẽ đá tạo nên những cảnh đẹp kỳ ảo. Như chùa Hang, hang Phật Cô Đơn nơi chúng tôi ghé thăm đều được đặt rất nhiều pho tượng Phật và La Hán, mùi nhang trầm toả ra trong không khí ẩm ướt khiến không gian trong hang bớt phần tịch liêu. Một cảm giác ấm áp, yên bình dâng lấy toàn bộ cơ thể chúng tôi. Thật kỳ lạ! Phía ngoài hang động vẫn còn rất nhiều loài cây cổ thụ nguyên sinh to lớn, rễ dài phủ lên vách hang và đá. Tôi còn có thể bám vào những rễ cây đó leo lên miệng hang thay vì đi theo các bậc thang vào cửa chính, cảm giác như đang mạo hiểm khám phá những hang động cổ xưa ở một vùng xa xôi nào đó.
Tối đó là đêm rằm, trăng sáng vằng vặc soi rọi xuống những con đường dốc trong xóm. Dân trên đảo tụ tập kín cả sân Miếu Bà ăn uống tưng bừng, họ còn dựng cả một sân khấu nhỏ để ca hát, tiếng vang vọng cả một góc biển. Tối đó anh chị Điệp nấu một bữa hải sản tại nhà, có người bạn là chú Ba làm nghề đánh cá đã gần cả đời người ghé chơi. Da chú đen nhẻm, hàm răng nâu xỉn thiếu một vài chiếc nhưng rất hay cười. Chú kể về nghề cá và nhiệt tình mời chúng tôi đi thăm những hòn đảo khác quanh đó. Khi đã qua vài chén rượu, chú nổi hứng ca vọng cổ cho chúng tôi nghe. Buổi tối hôm ấy tiếng nói, tiếng cười rộn rã hoà chung cùng tiếng sóng vỗ sau nhà cho đến tận khuya.
Sáng hôm sau chúng tôi tạm biệt vợ chồng anh Phúc chị Điệp, rời nhà thật sớm ra bến cho kịp chuyến tàu về lại Ba Hòn. Gió lạnh, trời mới ửng hồng và vẫn còn lấp lánh ngàn vì sao trên cao. Chúng tôi ngồi co ro ngay cầu tàu, ngắm bức tượng Phật Bà uy nghi lần cuối và thầm cầu mong một cuộc sống yên bình cho nơi đây, mong rằng người dân sẽ luôn giữ được vẻ hồn hậu, nhiệt tình như bây giờ cho dù sau này cuộc sống có hiện đại phát triển đến đâu.
W. TIPS:
DI CHUYỂN
- Từ Sài Gòn để đến được Hòn Nghệ cũng không quá khó. Bạn có thể di chuyển bằng tàu cao tốc, tàu khách (tàu thường) hoặc xe khách. Nếu đi xe khách, các bạn có thể ra bến xe Miền Tây mua vé đi Hà Tiên chuyến xe tối để tranh thủ ngủ (khoảng 200.000VND/vé). Nếu đi theo dạng phượt bụi bạn có thể mang theo xe máy với phí là 250.000VND/xe. Sau khi đến Hà Tiên, các bạn tranh thủ ăn sáng và lên xe di chuyển đến Ba Hòn để lên tàu ra Hòn Nghệ.
- Ở Ba Hòn có 2 tàu cho bạn lựa chọn đó là tàu Thanh Tùng và Thành Tâm. Tàu chạy ra Hòn Nghệ khoảng 1 tiếng rưỡi với giá vé là 35.000VND/người. Một số thông tin bạn nên lưu ý là tàu Thanh Tùng chạy chuyến: Hòn Nghệ về Ba Hòn lúc 8h, và Ba Hòn tới Hòn Nghệ lúc 11h (ĐT: 0982172717). Thời gian tàu chạy có thể sớm hay muộn hơn, tùy lượng hàng và khách trên tàu, các bạn nên gọi điện hỏi trước.
CHỖ Ở
- Hòn Nghệ không có khách sạn, nhà nghỉ nhưng người dân nơi đây rất mến khách, vì vậy bạn có thể liên hệ với các nhà dân trên đảo để hỏi chỗ nghỉ qua đêm, chỗ trọ. Hoặc bạn cũng có thể xin tá túc lại tại chùa.
- Phần lớn nhà dân trên đảo đều đã được xây tường khang trang. Du khách đến Hòn Nghệ lần đầu sẽ không khỏi ngạc nhiên vì ban đêm nhiều nhà dân không đóng cửa. Trên đảo hoàn toàn không có trộm cắp hay các tệ nạn khác.
THỜI ĐIỂM
Hòn Nghệ có khí hậu trong lành, mát mẻ. Đặc biệt do vị trí nằm trong vịnh nên ít chịu ảnh hưởng của gió bão, du khách có thể ghé thăm nơi này bất kỳ thời điểm nào trong năm.
TRẢI NGHIỆM
Hòn Nghệ có cảnh vật yên tĩnh, đặc biệt là hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng hầu hết đều còn hoang sơ với nhiều nét độc đáo riêng. Tới đây du khách sẽ có vô số trải nghiệm thú vị:
- Tắm biển: bãi tắm ở Hòn Nghệ nhỏ nhưng rất đẹp với cát trắng mịn màng và nước xanh trong.
- Lái xe vòng quanh đảo, ngắm nhìn cảnh quan và tìm hiểu cuộc sống đời thường của người dân địa phương.
- Thăm các địa điểm nổi tiếng: hang Phật Cô Đơn, chùa Linh Sơn cổ tự có tượng Phật Bà Nam Hải cao 20m, hang vua Gia Long, miếu Bà Chúa Xứ, và miếu Vinh Ông Nam Hải có trưng bày xương cá ông.
- Ra bè nổi thưởng thức hải sản.
- Buổi tối thuê thuyền đi câu mực.
ẨM THỰC
Những món ngon nổi tiếng ở Hòn Nghệ phải kể tới là: chả trứng cá ngát, mực nướng, tôm tít luộc, ốc nướng chao, vọp nướng mỡ hành…
LỄ HỘI
Hòn Nghệ một năm có 2 dịp lễ hội: lễ Nghinh Ông (16 tháng Chạp Âm Lịch) và lễ Miếu Bà Chúa Xứ (20 tháng 2 Âm lịch), đón hàng ngàn du khách về dự.
Tôn Quỳnh Hương | Wanderlust Tips