Đạo Thành Á Đinh: Đi tìm Shangri La đã mất
- 05/05/2021
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- du lịch Trung Quốc, Đạo Thành Á Đinh
Rộng lớn, mê hoặc và tráng lệ, đó là tất cả những mĩ từ tôi có thể dùng để miêu tả Đạo Thành Á Đinh, nơi đã mang đến cho Cam Tư và cả Vân Nam danh xưng “Shangri La huyền thoại”. Chỉ lưu lại trong 2 ngày ngắn ngủi nhưng ấn tượng về danh thắng bậc nhất Tứ Xuyên đến giờ vẫn cứ khiến trái tim tôi không khỏi bồi hồi.
[rpi]
MỘT THẾ GIỚI TÁCH BIỆT
Xuất hiện trên tạp chí National Geographic lần đầu tiên vào năm 1931, khu bảo tồn danh thắng Á Đinh đã khiến bao người đứng ngồi không yên trước cảnh đẹp siêu thực vào mùa thu chỉ qua 60 trang báo ảnh do ngài Joseph Rock thực hiện. Nếu cả thế giới khi ấy chẳng có khái niệm gì về vùng đất này thì với riêng người Tạng bản địa, Á Đinh vẫn mãi là chốn linh thiêng trong suốt 800 năm dài.
Mỗi rừng cây, mỗi rặng thông và thậm chí tới từng ngọn cỏ ở Á Đinh đều khiến tôi thán phục trước vẻ rực rỡ của chúng vào những ngày cuối Thu. Bước từng bước trong khu thắng cảnh, tôi cảm nhận rõ sự bình yên, trong lành từ thiên nhiên. Ở khắp mọi nơi, chim chóc, những chú sóc tinh nghịch hay đủ các loài động vật nhỏ cứ chạy nhảy tung tăng ngay trước mắt. Đó chẳng phải là minh chứng điển hình cho việc Á Đinh thực sự là một thế giới tách biệt với những khu du lịch đông đúc khách và ô nhiễm vì rác thải hay sao!
Thuộc huyện Đạo Thành của tỉnh Tứ Xuyên, Á Đinh nằm trên độ cao gần 4.000m rất kén khách du lịch và cũng là một trong rất ít những thắng cảnh xếp hạng 4A của Trung Quốc. Để đến được khu thắng cảnh này, tôi đã đi cả một đoạn đường kéo dài 14 tiếng trên xe buýt từ Thành Đô tới Đạo Thành. Cái khó ở đây không chỉ là cảm giác uể oải khi phải ngồi trên xe lâu mà còn là sự thay đổi đột ngột của nền nhiệt khi càng đi càng lên cao. Nghe thì có vẻ khó khăn nhưng với riêng tôi, niềm hào hứng khi sắp đặt chân tới một miền đất khác xa với phần còn lại của thế giới cũng đủ để quên đi những phút giây mệt tới mức muốn bỏ cuộc.
TÌM THẤY TRÙNG CỔ NGƯU TRƯỜNG
Chúng tôi bắt đầu hành trình tiến vào khu thắng cảnh trên chuyến xe kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Dọc đường xe qua là những dãy núi cao thấy rõ cả vực sâu hun hút, là những tia nắng đầu ngày chiếu rọi và áng mây bồng bềnh ôm trọn cả thung lũng. Từng hàng cây vụt qua khung cửa khi đằng xa là núi tuyết hùng vĩ khiến ai nấy đều ngất ngây, trầm trồ. Chưa kịp nguôi lòng thổn thức, xe dừng lại và thả chúng tôi tại trạm Trát Khoáng Băng. Từ đây, mọi người bắt đầu đi dọc theo con đường gỗ với một bên là suối chảy róc rách, một bên là rừng thông trong cái lạnh tê tái dù nắng vẫn cứ rực như mùa hè. Và cuối cùng, chúng tôi đã đến điểm bắt đầu của đoạn đường chinh phục Á Đinh: Trùng cổ Ngưu Trường.
Hiện ra trước mắt tôi lúc đó là đồng cỏ nhỏ bình yên, ngọn núi Chana Dorje phía xa như một lời nhắc nhở với những người Tạng: “Hãy luôn trân trọng món quà thiên nhiên và thần linh đã ban tặng”. Khi ấy, còn gì tuyệt hơn khi tìm cho mình một bãi cỏ nhỏ khuất lấp, ngồi xuống và chiêm nghiệm lại cuộc sống cũng như vẻ mỹ lệ của Á Đinh. Đứng trước cảnh thiên nhiên hoàn hảo, con người ta thường dễ bộc lộ cảm xúc nhiều hơn đến những thứ mà trước đây, dù mảy may cũng không hề nghĩ tới. Chợt làn gió lạnh cắt ngang dòng miên man, kéo tôi về buổi trưa với ánh nắng ngày càng gay gắt hơn dù nhiệt độ ở Á Đinh lúc ấy vẫn là 0oC.
Ngưu Trường được đặt tên theo ngôi cổ tự linh thiêng duy nhất giữa đồng bằng rộng bao la như muốn bày tỏ lòng thành kính của người Tạng trước ngọn núi Chenresig phía sau. Ngoài cổ tự, người ta xếp những gò đá thành nhiều chồng lớn nhỏ, mỗi một viên đá là một chữ hoặc một chuỗi ký tự trong những lời kinh Mật Tông Tây Tạng, tạo nên khung cảnh lạ kỳ mà linh thiêng. Tiến vào bên trong, tôi ấn tượng với bức tượng Phật màu trắng hướng ánh mặt ra núi Chenresig ngay trước chính điện. Ngôi chùa không chỉ là nơi Phật tử Tạng truyền tụ tập và hành lễ mà du khách phương xa cũng thường dừng chân nghỉ ngơi trước chặng đường đến Hồ Trân Châu (hay Zhuoma La) phía trước.
NHỮNG BẤT NGỜ TRÊN ĐƯỜNG TỚI TRÂN CHÂU HỒ
Đoạn đường dẫn tới Trân Châu Hồ lại là một bất ngờ khác chờ đón chúng tôi ở phía trước. Từ bên ngoài, rừng thông vàng trông như một miền đất hứa trong phim ảnh. Bước nhẹ trên những ván gỗ mỏng lót dưới nền đất, ngước nhìn hàng thông tỏa sắc trong nắng, lòng tôi chợt cảm thấy thư thái và yêu đời hẳn.
Càng về chiều, nhiệt độ lại có phần ấm hơn chút khi tăng lên mức 2oC, dù cái nắng vẫn còn khá gắt. Rồi chợt, Trân Châu Hồ đã ở ngay trước mắt, đích đến đầu tiên cho cả ngày hôm ấy của chúng tôi. Nước Trân Châu hồ tĩnh lặng và xanh. Màu xanh của dòng nước mát tan chảy từ núi băng trong khu vực đã tạo nên một tuyệt tác chốn trần thế. Hồ Trân Châu lấp lánh giữa cái nắng 3 giờ chiều không khỏi khiến mọi người ngưỡng mộ trước vẻ đẹp khó tả. Dạo một vòng quanh hồ, tôi nhìn rõ dưới đáy nước trong veo là những nhánh cây, ngọn cỏ để thấy nơi đây được bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào, không có dù chỉ là một mảnh rác rất nhỏ.
CHẶNG ĐƯỜNG GIAN NAN NHẤT TRONG ĐỜI
Ngày thứ hai, chúng tôi đánh dấu chặng đường xa và gian nan nhất mình từng trải qua. Đoạn đường từ Trùng Cổ Ngưu Trường đến Lạc Nhung Ngưu Trường và tiếp tục đến hồ Sữa Bò thực sự là một thử thách đối với những ai ít vận động hoặc hiếm có cơ hội trải nghiệm trekking như tôi.
Lạc Nhung Ngưu Trường sỡ dĩ có tên như vậy cũng vì cỏ ở đây mịn và mượt như nhung, cấm tuyệt đối khách du lịch bước vào. Ở đây có lượng lớn các loài động vật như sơn dương, chim trĩ, thỏ và ngựa được nuôi thả tự do. Rồi con suối nhỏ chảy qua tạo nên cảnh tượng nên thơ với ngọn núi Jampeyang sừng sững phía sau – ngọn núi cuối cùng trong cụm 3 ngọn núi thiêng đặt tên theo các vị thần của trường phái Tạng Mật Tông. Càng đi về phía hồ Sữa, tôi càng tiến gần đến ngọn núi thiêng hơn, thậm chí nơi đây còn to lớn hơn cả ngọn Chenresig trước đó.
Từ hồ nước cuối cùng của Lạc Nhung Ngưu Trường, con đường đi bắt đầu dốc và thoải hơn. Những con ngựa thồ du khách cũng không thể vượt qua buộc phải dừng lại. Muốn tiết kiệm sức lực để đến hồ Sữa Bò thì thuê ngựa là biện pháp tốt nhất nhưng bạn phải chi tận 300NDT cho 1 chuyến cưỡi ngựa như thế.
Việc chinh phục hồ Sữa Bò cần nhiều hơn là sức lực. Có những đoạn dốc đứng đến nỗi tôi phải đi bộ từng bước nhỏ, cứ khoảng 10 bước lại dừng để nghỉ lấy sức vì nhiệt độ thì lạnh còn độ cao ngày càng tăng. Với tôi, đây thực sự là trải nghiệm mang tính chinh phục bản thân. Có những đoạn, đầu mũi dường như muốn bong ra vì quá lạnh và khó chịu, chân thì mỏi vì phải đi quá nhiều, hai bàn tay lạnh cóng nhưng vẫn cố gắng không bỏ cuộc.
Sau khoảng 4 tiếng đi bộ, tôi vỡ òa khi cuối cùng cũng đến được hồ Sữa Bò. Sự rộng lớn và hùng vĩ của hồ Sữa Bò khiến tôi hiểu lý do vì sao nhiều người muốn đặt chân đến đây dù đường đi chẳng dễ dàng. Hồ nước trong xanh, rộng và lộng gió. Bao quanh là những dãy núi còn vướng đầy tuyết phủ. Khi những tia nắng xuất hiện sau quầng mây mù, mặt hồ lại càng lấp lánh hơn, ánh lên một màu xanh hy vọng. Có người hô to “Nắng lên rồi” nhiều lần, người lại hát vang bài ca tuổi trẻ, thậm chí có người còn kêu to tên mình và xúc động vì cuối cùng đã chinh phục được Á Đinh. Quang cảnh lúc đó ngập trong tiếng vui hân hoan còn tôi cũng chọn một góc trên cao, ngồi đó mặc cho gió rít, mặc cho tay tê lạnh để lắng nghe bài hát mình thích ở một nơi vô cùng vô tận như thế, một nơi có mơ cũng không nghĩ sẽ có thể đặt chân đến.
Trên chuyến xe cuối cùng từ làng Á Đinh trở về với Đạo Thành, tôi có dịp trò chuyện với vài người Tạng làm việc ở đây thì biết, nguồn du lịch ở Á Đinh đã cải thiện đời sống của người dân địa phương rất nhiều. Họ vừa lướt chiếc điện thoại nhỏ xíu, vừa đưa tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh quá đỗi tuyệt vời trên con đường về nhà. Nhìn biểu cảm của họ tôi chợt nhận ra, có lẽ Á Đinh đã và sẽ ngày càng nổi tiếng, người dân sẽ có nhiều công ăn việc làm hơn nhưng đâu đó trong sâu thẩm trái tim họ, Á Đinh đã không còn là Á Đinh của những năm 1931, khi Joseph Rock lần đầu tiên giới thiệu địa điểm này đến với thế giới nữa. Rồi một ngày nào đó, khi những dãy núi vĩnh cửu không còn tuyết, khi những đồng cỏ trở nên trơ trọi, khi những rặng thông biến mất, liệu người ta còn nhớ gì đến Á Đinh nữa không?
Xe từ từ tiến về cổng khu thắng cảnh, bỏ lại phía sau màn mưa tuyết nhẹ như chào tạm biệt những con người từ phương xa có lần gặp gỡ chóng vánh.
W.TIPS
THỜI TIẾT
Là vùng núi cao với nhiệt độ thấp quanh năm có thể xuống đến âm độ vào cuối thu và mùa đông, bạn phải chuẩn bị áo ấm, những vật dụng giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh. Những ngày ở Á Đinh, nhiệt độ thay đổi liên tục từ 1oC – 3oC vào ban đêm cùng lượng không khí thấp buộc tôi phải mở cửa sổ phòng lúc ngủ, hạn chế gây ra hội chứng sốc độ cao.
DI CHUYỂN
Có 2 loại hình phương tiện đến Á Đinh:
- Ngồi xe buýt từ Thành Đô, Tứ Xuyên mất 14 tiếng hoặc xuất phát từ Shangri La ở Vân Nam mất 6 tiếng.
- Bay tới sân bay Đạo Thành Á Đinh với mức vé khoảng 1.500.000 – 3.000.000VNĐ. Từ sân bay, bạn phải đi tiếp 120km để đến được Á Đinh.
Ngoài ra, từ Trùng Cổ Ngưu Trường đến Lạc Nhung Ngưu Trường và tiếp tục đến hồ Sữa Bò có chiều dài khoảng 16km cả đi và về nên tôi quyết định đi xe điện để tiết kiệm thời gian và sức lực.
LƯU TRÚ
Tôi đã ở lại Á Đinh một đêm tại làng Á Đinh để tiết kiệm thời gian di chuyển. Khách sạn và phòng trọ ở đây giá khá đắt vì khu làng cũng không có nhiều hộ dân làm dịch vụ nhưng đổi lại là cơ hội ngắm cảnh bầu trời đêm đầy sao tuyệt đẹp.
MÓN ĂN
Một tô canh nóng và tách trà bơ bò Yak – đặc sản của vùng đất Tạng là lựa chọn hoàn hảo trong tiết trời đêm lạnh giá.
LƯU Ý
- Trang bị đồ dùng cần thiết: quần áo mỏng nhẹ có nhiều lớp chắn gió, mũ, găng tay, giày leo núi, balo chuyên dụng, gậy leo núi, túi ngủ…
- Mang theo các loại thực phẩm thích hợp.
- Chuẩn bị dụng cụ y tế cơ bản như bông băng, gạc, thuốc sát trùng, thuốc chống côn trùng…
- Luôn mang theo các loại giấy tờ tùy thân.
Wanderlust Tips | Nguyễn Quốc Thái