Đến Hà Giang đi trên con đường Hạnh Phúc

Ở Hà Giang, người ta vẫn đi về và kể cho nhau nghe câu chuyện về con đường Hạnh Phúc, đó là con đường thể hiện ý chí sức mạnh của con người trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ.

[rpi]

Con đường Hạnh Phúc bắt đầu khởi công vào tháng 9/1959 có chiều dài khoảng 185km chạy từ Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn, qua đỉnh Mã Pí Lèng rồi đến Mèo Vạc. Khi khánh thành, người ta đồng lòng mà đặt tên cho nó là con đường Hạnh Phúc. Con đường ngoằn nghèo bởi những khúc cua tay áo, khi di chuyển xe máy sử dụng tay côn phải cài lại số liên tục, xe tải bò chậm từng chút một, xe đạp chẳng có, đâu đó những người Mèo bước lầm lũi bên đường, đôi vai trĩu nặng bắp ngô và bó cỏ, một bên cheo leo vách đá, một bên thăm thẳm vực sâu, một chút ngó nghiêng cũng đủ làm xe mất lái. Chắc vì vậy mà cả chuyến đi tôi nghĩ nhiều về con đường ấy, tìm đọc lại những câu chuyện đã cũ, mới biết sao người ta gọi tên nó như vậy.

Tạp chí Wanderlust Tips Đến Hà Giang đi trên con đường Hạnh Phúc

Theo tài liệu ghi lại, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi dẫn đến Cách mạng tháng Tám thành công. Đồng bào các vùng Tây Bắc được độc lập để bắt đầu sống một cuộc sống tự do. Tuy nhiên vào thời điểm đó đường xá đi lại hết sức khó khăn, hầu hết đường là những con đường mòn cheo leo nơi vách núi. Để có thể phát triển và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, Trung ương Đảng đã quyết định khởi công xây dựng con đường Hạnh Phúc. Để mở đường, lúc bấy giờ, hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô… đã phải đục khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng những dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, chỉ có búa, xà beng. Một ngày công của họ chỉ tương đương khoảng 1kg gạo. Mọi điều kiện sinh hoạt đều rất khó khăn và thiếu thốn, tuy vậy con đường vẫn được xây dựng rất hăng say bằng tất cả ý chí và quyết tâm của mọi người.

Đoạn đường hiểm trở và khó khăn nhất trong suốt chiều dài của con đường chính là đoạn đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa” để đặt tên cho con đèo. Khi xây dựng con đường Hạnh Phúc đi qua đoạn đèo này, tổ xây dựng đã làm lễ truy điệu sống và thành lập ra một đội cảm tử phụ trách việc khoét đá mở từng centimet đường. Năm 1965 con đường hoàn thành và được đặt tên là con đường Hạnh Phúc. Để có được con đường Hạnh phúc, rất nhiều mồ hôi, xương máu của thanh niên xung phong đã đổ xuống và 14 thanh niên xung phong đã nằm lại nơi này.

Ngày nay con đường Hạnh Phúc được xem như huyết mạch nối trung tâm thành phố Hà Giang với những làng bản xa xôi nhất ở Đồng Văn, Mèo Vạc… Đây cũng là cung đường làm say lòng những phượt thủ bởi vẻ đẹp đứng ở trên cao nhìn xuống và cả sự quanh co như lời thách thức đầy hấp dẫn đối với các tay lái.

Tạp chí Wanderlust Tips Đến Hà Giang đi trên con đường Hạnh Phúc

Tôi từng nhớ trong một giờ giảng bài, thầy vẫn hỏi chúng tôi thế nào là con đường hạnh phúc. Hôm ấy cả lớp lặng im, không trả lời được. Nhưng hôm nay, khi đi trên con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang, tôi nghĩ có nhiều bài học về nó. Về những hạnh phúc và hy sinh trong cuộc sống. Ra là vậy, con đường hạnh phúc chẳng phải tự nhiên mà thành, là cố gắng, là tin yêu, là bền bỉ, là chấp nhận, là bao dung, là nụ cười, là nước mắt. Ra là vậy, con đường hạnh phúc phải đâu cứ bước giữa đại lộ thênh thang, cứ kéo ga lao vút thật nhanh, con đường hạnh phúc có đôi khi rất nhỏ, vừa đủ cho người ta bước những bước thật chậm, bình yên với những tin yêu trong đời.

Vào những mùa hoa tam giác mạch hay những ngày ruộng bậc thang chín vàng, các bạn trẻ, khách du lịch nước ngoài và những người yêu phong cảnh núi non hùng vĩ vẫn thường hẹn nhau đi Hà Giang, ngắm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và không quên lưu giữ lại những khoảnh khắc của riêng mình trên cung đường mang tên Hạnh Phúc.

Tạp chí Wanderlust Tips Đến Hà Giang đi trên con đường Hạnh Phúc

Wanderlust Tips | Cinet