Đi tìm những huyền thoại bị lãng quên ở thung lũng Ziro

Bộ tộc Apatani đã di cư tới và sinh sống trong thung lung Ziro, bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ trong nhiều thế kỷ qua và để lại những dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo trên mảnh đất xinh đẹp này. Song, Ziro cũng là một vùng đất nhạy cảm và ít người đặt chân đến. Tất cả những yếu tố đó đã thôi thúc chúng tôi lên đường để khám phá những bí ẩn về một vùng đất huyền thoại.

[rpi]

wanderlust tips di tim nhung huyen thoai bi lang quen o thung lung ziro 1

wanderlust tips di tim nhung huyen thoai bi lang quen o thung lung ziro 2

Sau bốn chặng bay vật vã cả quốc tế lẫn nội địa, chúng tôi hồ hởi tiến về thung lũng Ziro (bang Arunachal, Ấn Độ). Nhưng tất cả đã bị chặn đứng ngay tại sân bay Guwahati (bang Assam) bởi Ziro thuộc khu vực “nhạy cảm”. Muốn vào Ziro, khách du lịch phải được chính quyền sở tại chấp thuận bằng một tờ giấy thông hành.

Chúng tôi được một nữ nhân viên văn phòng lữ hành giải thích: “Đây là vùng biên giới nhạy cảm nên có nhiều chốt chặn không cho người “lạ” xâm nhập vào Ziro. Không có giấy thông hành sẽ không vào được. Còn đi chui nếu phát hiện sẽ bị phạt rất nặng trước khi bị trục xuất. Muốn có giấy thông hành phải làm ở Guwahati.

Vâng, nếu hỏi tôi thành phố đó nó như thế nào, tôi sẽ trả lời bằng thứ cảm xúc đau thương. Sau một hành trình dài với bốn chặng bay vật vã cả quốc tế lẫn nội địa, mong muốn xa hoa nhất lúc bấy giờ của chúng tôi là được ngồi bên ly cà phê trong một quán cà phê tĩnh lặng có điều hoà mát mẻ. Nhưng thật kỳ quái, Guwahati không có quán cà phê nào cả. Chỉ có những quán ăn lụp xụp, nóng nực, nhếch nhác. Mà khổ nữa, ở cái quốc gia đông dân nhì thế giới này, dù có quán cà phê đi nữa cũng lấy đâu ra chỗ mà tĩnh với lặng. Vậy là những ngày bị lấn, xô, va, đẩy của chúng tôi bắt đầu. Đôi khi còn bị “đụng chạm” một cách có vẻ vô tình khi va quệt qua nhau trên đường phố. Mà thôi, chưa bị ai đó vô tình khạc và nhổ một cái vào người đã là may mắn lắm rồi.

Guwahati là thế đó, một thành phố ngột ngạt, đông đúc, ồn ào, lộn xộn, nhếch nhác. Người dân ở đây ngồi, nằm, đứng, đi, chạy,… rồi nói oang oang khắp nơi, trên đường, trên vỉa hè, những ánh mắt chăm chăm tìm kiếm thời cơ.

Kinh khủng vậy mà chúng tôi lại bị “bó chân” quanh quẩn ở Guwahati mất 4 ngày, chỉ để chờ đợi. Vâng, chúng tôi chờ 2 ngày để đến ngày hành chính đi xin giấy phép vào khu vực biên giới, rồi chúng tôi chờ 1 ngày để được cấp giấy phép, rồi chờ thêm 1 ngày để đến giờ lên tàu tới Ziro. 4 ngày đó là 4 ngày mệt mỏi và chán chường khủng khiếp. Tất cả khiến nguồn hứng khởi về một trong bốn cái nôi văn hoá của nhân loại ít nhiều phai nhạt. Chúng tôi đếm từng giờ để được lên tàu đến Ziro – nơi hứa hẹn sẽ chứa đựng nhiều điều kỳ thú.

wanderlust tips di tim nhung huyen thoai bi lang quen o thung lung ziro 3

Sau khi đã có trong tay giấy phép vào khu vực Ziro, chúng tôi bắt đầu ngược lên thị trấn Intalagal thuộc bang Arunachal bằng chuyến tàu hỏa đêm trước khi đến Ziro. Sau hơn tám giờ đồng hồ di chuyển xuyên đêm, thị trấn Intalagal hiện ra trong làn sương trắng lẫn khuất trong núi đồi lô nhô. Từ Intalagal, cả nhóm phải di chuyển thêm 15km bằng xe buýt đông nghẹt người mới đến được trung tâm thị trấn Nahalagal. Từ đó chúng tôi mua vé xe khách đến Ziro. Suốt chặng đường từ Intalagal đến Ziro chúng tôi liên tục gặp những chốt chặn kiểm tra giấy phép. Anh tài xế gốc Tạng điển trai tiết lộ: “Khu vực này không cho phép người Trung Quốc đi vào nên binh lính kiểm tra rất kỹ”.

Vòng vèo 4 tiếng trên đường với những đoạn đèo dốc, chúng tôi đều mềm nhũn vì mệt. Dù còn thấm mệt sau nửa ngày nghỉ ngơi, chúng tôi đã gặp được anh Michi Tajo – hướng dẫn viên của mình và khởi
đầu hành trình khám phá nền văn hóa hàng trăm năm của bộ lạc Apatani để rồi phải say mê không chỉ bởi vẻ đẹp, mà còn bởi những câu chuyện dễ thương của vùng đất và con người nơi đây.

Tajo lái xe đưa chúng tôi len lỏi vào những ngôi làng cổ của người Apatani, tôi cảm tưởng như đang đi vào một mê cung của những ngôi nhà bằng tre với những hàng tre cao chót vót, xanh mướt trải dọc hai bên đường. Vẻ thanh bình và trong lành của nơi đây hoàn toàn đối lập với sự xô bồ, ồn ã mà chúng tôi vừa trải qua. Điều đó càng khiến tôi tò mò hơn về tộc người Apatani – những người đã giữ gìn được một Ziro xinh đẹp và an lành đến vậy trong hàng trăm năm qua.

Người Apatani có cách trồng lúa nước đặc biệt. Họ đã biết cách tạo ra một hệ thống kênh dẫn nước ngoằn ngoèo từ trong lòng núi chảy ra. Và nguồn nước này có thể cung cấp đủ nước cho toàn bộ cánh đồng tại thung lũng Ziro. “Hệ thống dẫn nước của chúng tôi là thành tựu rất lớn trong nông nghiệp. Người Apatani không giống như các bộ tộc khác là sống du mục và phá rừng làm nương rẫy.” – chàng hướng dẫn viên người Apatani nói một cách đầy tự hào.

Quả thực, người Apatani vô cùng “khác biệt” trong cách họ lao động mưu sinh và bảo tồn tự nhiên, đặc biệt là các khu rừng. Họ chọn cách xây dựng đất nông nghiệp trên đất phẳng, do đó họ tận dụng việc canh tác lúa nước kết hợp với nuôi cá ngay trên đồng ruộng. Người ta vẫn ngạc nhiên khi năng suất lúa của người Apatani rất cao nhưng không hề dùng sức động vật, phun hóa chất hay máy móc công nghiệp. Thay vào đó họ tạo ra các phương pháp nông nghiệp hiệu quả và bền vững và họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Vào tháng 4/2014, thắng cảnh văn hoá Apatani được thêm vào danh sách xem xét công nhận di sản thế giới của Unesco. Điều đó hoàn toàn xứng đáng với những gì người Apatani đã và đang nỗ lực làm để bảo vệ thung lũng tuyệt đẹp của mình. Hai ngày ở cùng gia đình của Tajo, tôi hiểu rằng với những người Apatani, vạn vật tồn tại trên thế giới đều có linh hồn, đều mang một vai trò nào đó với con người, nên người Apatani sống rất hoà hợp và gần gũi với tự nhiên. Chẳng thế mà, họ vẫn sống trong những ngôi nhà bằng tre đơn giản được dựng trên một sàn gỗ vững chãi chống mưa lũ. Ở căn phòng chính của mỗi căn nhà vẫn còn lưu lại những nét văn hoá cổ đại với bếp lửa hồng, những cây giáo, áo giáp, đầu sừng mithun và những tảng thịt gác bếp khổng lồ được dự trữ hàng chục năm. Căn nhà của họ dù đơn sơ song vẫn đầy đủ tiện nghi và sạch sẽ đến bất ngờ khiến tôi phần nào xấu hổ về cách mà chúng ta trong những đô thị hiện đại vẫn hàng ngày tiêu dùng và mưu sinh mà chẳng hề quan tâm tới hệ lụy cho các thế hệ tương lai.

wanderlust tips di tim nhung huyen thoai bi lang quen o thung lung ziro 4

Không ngôn từ nào có thể miêu tả được cảm xúc của tôi khi được tận mắt nhìn thấy những người phụ nữ Apatani cổ với hai nút lớn trên mũi và những hình xăm quái dị trên mặt. Đó là một cảm giác bồi hồi khó tả khi được chạm vào những “huyền thoại” mà nghe như cách mình cả một chiều dài không gian, thời gian vô định. Tương tự như những người phụ nữ Chin “xăm mặt” ở miền tây Myanmar, câu chuyện về những người phụ nữ “khoét mũi” Apatani cũng chỉ còn được truyền miệng lại. Nghe kể lại rằng, cũng vì sắc đẹp được mệnh danh là “xinh nhất bang Arunachal” mà những người phụ nữ Apatani
lọt vào tầm ngắm của đàn ông ở các bộ tộc khác. Vì thế họ thường xuyên bị bắt cóc. Do đó, để tự bảo vệ mình, nhiều phụ nữ trong làng đã nghĩ cách ngụy trang, tự làm xấu mình bằng việc xăm mặt và khoét mũi. Dần dần, người phụ nữ Apatani nào cũng trở nên xấu xí với hai lỗ mũi “khủng” dị dạng và khuôn mặt loang lổ mực xăm. Rồi chẳng biết tự khi nào, khuôn mặt ấy lại trở thành tiêu chuẩn cho vẻ đẹp của riêng phụ nữ Apatani. Những cô gái không có hai nút lớn trên mũi thậm chí còn bị đánh giá là xấu xí, kém hấp dẫn và có nguy cơ đối diện với việc… ế chồng.

Tất cả những người phụ nữ Apatani nhiều tuổi trong làng đều không nhớ mình bao nhiêu tuổi, nhưng họ đều khẳng định chắc chắn rằng năm lên 8 – 10 tuổi, họ chính thức được gia đình khoét mũi. Và sau một thời gian ngắn, những thiếu nữ vùng Apatani lại được mẹ của mình thay cho một miếng tre lớn hơn vào chỗ bị khoét, khiến chiếc mũi xinh đẹp dần biến dạng. Mãi đến khi miếng tre trên mũi to bằng đồng xu thì sẽ được thay thế bằng miếng gỗ mây để tồn tại cho đến cuối đời.

Cứ mỗi lần vào bếp, phụ nữ Apatani phải đưa tay quẹt nhọ nồi rồi thoa đều lên thớ gỗ mây để nó trở nên bóng nhẵn và nổi bật trên chiếc mũi to bè.

Nhưng tất cả những điều đó đã trở thành quá khứ. Kể từ năm 1975, sự hội nhập bắt đầu len lỏi vào thung lũng Ziro, kéo cộng đồng người Apatani về gần với cuộc sống vốn được xem là “văn minh” ở các đô thị lớn của Ấn Độ. Lúc ấy, những chiếc mũi to bè có hai thớ gỗ đen bóng trên khuôn mặt người phụ nữ vô tình trở thành vật cản cho công cuộc hội nhập của cộng đồng người Apatani.

Khi vẻ đẹp khoét mũi, xăm mặt không còn “hợp thời” thì cũng là lúc những người phụ nữ già nua chấp nhận cuộc sống cô đơn, quanh quẩn trong những ngôi làng xưa cũ ở thung lũng Ziro.

Hôm chúng tôi đến nhà bà Ruliing ở làng Tajang, bà bảo rằng đã hơn hai tháng rồi mới có người ghé thăm. Từ ngày chồng mất bà cũng như bao nhiêu người phụ nữ khoét mũi khác sống một mình trong căn nhà tre đầy bóng tối. Thời tiết lạnh dần khi những tia nắng cuối ngày sắp khuất dần sau chân núi. Tự tìm pha cho mình một cốc rượu uống chống lạnh, bà Ruliing nói rằng con cái bà đã chuyển hết ra thị trấn Hapoli sống từ lâu. Đó là một cuộc sống sôi động nơi phố thị chứ không ẩn dật trong những ngôi làng cũ.

wanderlust tips di tim nhung huyen thoai bi lang quen o thung lung ziro 5

W.TIPS

>> Giá cho một giấy phép vào Ziro là 3.500 rupee (khoảng 1,1 triệu VND). Bạn chỉ cần điền vào một tờ đơn, rồi nộp phí và chờ đợi. Ngoài ra, chỉ có thể xin giấy phép vào ngày làm việc từ 9h – 18h từ thứ 2 đến thứ 6. Nên tốt nhất tránh đến Guwahati vào cuối tuần để mất thêm thời gian chờ đợi ở đó.

>> Giá vé tàu ở Ấn Độ rất rẻ, chỉ khoảng vài chục ngàn đến hơn 300.000VND cho vé bình dân đến vé vip. Bạn có thể mua vé giường nằm điều hòa để thoải mái hơn.

>> Homestay ở Ziro rất nhiều. Hầu như guide nào ở Ziro cũng có homestay tại nhà ngay trong làng của người Apatani cho du khách trải ngiệm cuộc sống bản địa. Ngoài ra nếu thích thoải mái tiện nghi thì khách sạn Blue Pin là lựa chọn sáng suốt nhất cho bạn.

>> Giá cả sinh hoạt ở Ziro đều rất rẻ nên bạn có thể thoải mái trải nghiệm ẩm thực nơi đây mà không cần trả giả.

>> Khi đến Ziro bạn nên nếm thử một số món ăn truyền thống của người Apatani như: muối tapyo (loại muối thảo dược truyền thống do người Apatani tự làm), thịt gác bếp (có tuổi thọ hàng chục năm), măng rừng nướng, gà nướng ống tre,…

>> Ở Ziro không có wifi nhưng bạn có thể dùng internet từ sim data Ấn Độ 3G hoặc 4G.

Mai Hương | Wanderlust Tips | Cinet