Dinh Độc Lập: Chứng nhân cho lịch sử hào hùng

Dinh Độc Lập là biểu tượng của chiến thắng, của thống nhất Bắc – Nam, của độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đây là một điểm đến du khách không thể bỏ qua khi du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

[rpi]

VÀI NÉT VỀ DINH ĐỘC LẬP

Dinh Độc Lập hay Dinh Thống Nhất được xây dựng dựa trên Dinh Norodom của chính quyền Pháp, gắn với nhiều sự kiện lịch sử có liên quan đến cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước của quân và dân ta. Dinh Norodom được bắt đầu xây dựng vào năm 1868 và chính thức khánh thành vào năm 1871. Đây chính là nơi ở và làm việc của nhiều đời toàn quyền Pháp ở Đông Dương, chính quyền Nhật cũng như chính quyền Ngô Đình Diệm và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1962, sau khi bị ném bom dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Dinh được thiết kế và xây lại bởi Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Kiến trúc của Dinh Độc Lập kết hợp hài hòa giữa triết lý truyền thống, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc Việt Nam với kiến trúc hiện đại.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dinh Độc Lập: Chứng nhân cho lịch sử hào hùng

DINH ĐỘC LẬP – CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ

Từ lúc được xây dựng và đưa vào hoạt động, Dinh Độc Lập đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính liên tiếp. Mặc dù được xây dựng lại dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng trong quá trình này, Mỹ đã tiến hành cuộc đảo chính loại gia đình Ngô Đình Diệm. Ngày 2/11/1963, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết nên gia đình Diệm – Nhu không được ở trong dinh thự mới này. Thay vào đấy, Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa đã đến ở tại dinh thự này.

Lúc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền và chiếm Dinh Độc Lập cũng là thời kỳ mà đế quốc Mỹ liên tiếp nhận thất bại trong cuộc “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào năm 1973, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và rút quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ đã sử dụng quân ngụy Sài Gòn như là xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến hành phá hoại Hiệp định Paris.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 bắt đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, phát triển mạnh mẽ sang Chiến dịch Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuộc tổng công kích của quân giải phóng phối hợp với nhân dân Sài Gòn đã tấn công và đánh chiếm được Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập trở thành nơi hội tụ của chiến thắng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dinh Độc Lập: Chứng nhân cho lịch sử hào hùng

Cũng tại đây, ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh (Tổng thống cuối cùng Việt Nam Cộng hòa sau khi  Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương từ chức, tại vị trong 3 ngày từ 28-30/4/1975) và toàn bộ nội các của chính quyền ngụy Sài Gòn bị bắt sống và đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ do đế quốc Mỹ dựng nên.

Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, ngày 15/11/1975, tại Dinh thự này đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Nam – Bắc để bàn về vấn đề thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước. Cũng từ đó, Dinh được gọi là Dinh Thống Nhất.

Ngày nay, Dinh Độc Lập trực thuộc Văn phòng Chính phủ vừa phát huy tác dụng một di tích lịch sử- văn hóa, vừa là nơi đón tiếp các đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước ở phía Nam Tổ quốc, đồng thời là nơi tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế. Sau khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Dinh Độc Lập ngày càng được quan tâm và thu hút rất đông khách đến tham quan.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dinh Độc Lập: Chứng nhân cho lịch sử hào hùng

TỔNG THỂ KIẾN TRÚC

Dinh Độc Lập có diện tích sàn lên đến 120.000m² nằm ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và được giới hạn bởi 4 trục đường chính là Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Đông Bắc), Nguyễn Thị Minh Khai (Tây Bắc), Huyền Trân Công Chúa (Tây Nam), và Nguyễn Du (Đông Nam).

Khi thiết kế, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình nên mọi sự sắp đặt đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương đông và cá tính của dân tộc, đồng thời kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dinh Độc Lập: Chứng nhân cho lịch sử hào hùng

Khu nhà chính của Dinh Độc Lập có 3 tầng lầu, 2 gác lửng, 1 sân thượng, 1 tầng nền và tầng hầm với tất cả 95 phòng. Mỗi phòng đều có chức năng riêng cùng với kiến trúc và cách trang trí phù hợp. Sau năm 1975, một số phòng trong khu nhà chính này tiếp tục được sử dụng trong khi số còn lại được dùng vào mục đích phục vụ du khách tham quan như:

  • Phòng khánh tiết: Phòng có sức chứa khoảng 500 người, thường được dùng để tổ chức các cuộc họp, chiêu đãi.
  • Khu ở của gia đình Tổng thống: Người có thời gian sống lâu nhất là Tổng thống dưới chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975).
  • Phòng trình quốc thư: Nổi bật với bức tranh “Bình Ngô đại cáo” gồm 40 miếng ghép nhỏ ghép lại, miêu tả cuộc sống thanh bình của người dân Việt Nam thế kỷ XV.
  • Tầng hầm: Nơi có đầy đủ các phòng truyền tin, phòng in ấn…. nhằm bảo đảm việc phát mệnh lệnh của Tổng thống ra bên ngoài.

Ngoài ra, tham quan Dinh Độc Lập, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật lịch sử như chiếc trực thăng UH-1 của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hay Xe Jeep M152A2 được lực lượng Cách mạng giải phóng dùng để chở ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng vào trưa ngày 30/4/1975

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dinh Độc Lập: Chứng nhân cho lịch sử hào hùng

Những tác phẩm nghệ thuật có giá trị như Bức tranh sơn dầu miêu tả khung cảnh làng quê của đất nước Việt Nam; Bức tranh sơn dầu thể hiện cảnh chị em Thúy Kiều, Thúy Vân gặp Kim Trọng trong ngày Tết Thanh minh… cũng là những yếu tố thu hút khách du lịch.

Trong khuôn viên của Dinh còn có nhiều cây cổ thụ được trồng từ giai đoạn Pháp thuộc và đặc biệt là một nhà bát giác, xây trên một gò đất cao, làm nơi hóng mát, thư giãn.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Dinh Độc Lập: Chứng nhân cho lịch sử hào hùng

Dinh Độc Lập:

  • Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM
  • SĐT: 080. 85037 – 080. 85038 – 080. 85039 – 083.822365
  • Email: dinhdoclap@dinhdoclap.gov.vn
  • Website: http://ditich.dinhdoclap.gov.vn/vi-vn/trang-chu.aspx
  • Giá vé:
    • Người lớn: 40.000đ/người/lần
    • Sinh viên: 20.000đ/người/lần
    • Học sinh (từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi): 10.000đ/người/lần

Wanderlust Tips | Cinet