Độc đáo lễ hội người Khmer vùng Tây Nam Bộ
- 20/07/2023
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, Lễ hội Khmer, Tây Nam Bộ
Mỗi một dân tộc trong quần thể 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam đều có những đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán riêng biệt. Trong đó có thể kể đến đồng bào Khmer, những con người thấm nhuần tinh hoa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Và cũng như những dân tộc khác, người Khmer cũng có những lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn bản địa.
Dân tộc Khmer tại Việt Nam là một bộ phận trong 54 dân tộc Việt Nam. Phần đông người Khmer sinh sống rải rác khắp các tỉnh Tây Nam Bộ, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể kể đến như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu,… Ngôn ngữ được sử dụng nhiều trong cộng đồng là tiếng Khmer bản địa và tiếng Việt. Phật giáo là tôn giáo chính của đa số người Khmer. Điều này cũng ảnh hưởng sâu sắc tới những phong tục lễ nghi, thờ phụng của họ.
Lễ hội mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây: Tết cổ truyền của người Khmer
Chôl Chnăm Thmây được xem là lễ hội lớn nhất của người Khmer. Nếu người Kinh có Tết Nguyên Đán, người Hoa có Tết Đoan Ngọ thì với người Khmer, lễ hội Chôl Chnăm Thmây được xem như ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trong tiếng Khmer, “Chôl” có nghĩa là “vào”, “Chnăm Thmây” có nghĩa là “năm mới”. Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra vào thời điểm giữa tháng Tư, cũng là lúc chuẩn bị bắt đầu một mùa vụ mới. Người Khmer quan niệm đây là thời điểm đầu tiên của năm mới theo lịch Khmer. Những ngày này, người dân Khmer dù ở nhà hay ở ngoài đường, đều luôn tất bật sắm sửa và trang hoàng nhà cửa, chùa chiền để chuẩn bị đón một năm mới an lành.
Tết Chôl Chnăm Thmây ngày nay diễn ra trong vòng ba ngày do rút gọn bớt những nghi lễ cổ xưa. Ba ngày này diễn ra rất nhiều hoạt động quan trọng gắn liền với văn hóa của đồng bào Khmer. Ngày đầu tiên (Chôl Sangkran Thmây) sẽ diễn ra lễ rước Đại Lịch và đón chào vị thần cai quản năm mới. Đây được xem như là giao thừa của dân Khmer. Ngày thứ hai (Wonbơf) là lễ dâng cơm và lễ đắp núi. Với lễ dâng cơm, dân chúng sẽ thực hiện nghi lễ dâng cơm lên cho các sư thầy. Còn ở lễ đắp núi cát lại mang ý nghĩa cầu siêu cho những vong linh tội lỗi và hồi hướng công đức đến Phật tổ. Vào ngày cuối cùng (Lơng Săk), dân chúng sẽ tiến hành nghi lễ tắm tượng Phật nhằm gột rửa những điều cũ và lễ cầu siêu cho linh hồn của những vị sư và người thân của mình đã mất.
Lễ hội Sen Dolta – ngày lễ hướng về cội nguồn
Diễn ra vào ngày 29/8 – 1/9 Âm lịch hằng nay, Sen Dolta là ngày lễ vu lan của người Khmer để thành tâm tưởng nhớ công ơn của cha me và ông bà tổ tiên của mình. Tên gọi Sen Dolta theo tiếng Khmer là “ông bà”. Từ tục lệ Khmer ngàn xưa hay đi làm nông ở vùng sông nước một thời gian dài, nên hễ có dịp hay thời gian rảnh họ ưu tiên về thăm người thân của mình. Khi về đến có người còn, có người mất. Để tưởng nhớ những người quá cố trong gia đình, cộng thêm tín ngưỡng Phật giáo du nhập vào trong văn hóa bản địa, lễ hội Sen Dolta được thành lập.
Cũng như tết năm mới của người Khmer, Sen Dolta cũng được tổ chức trong vòng ba ngày, mỗi ngày mang một ý nghĩa khác nhau. Ngày thứ nhất là ngày các thành viên trong nhà quây quần bên nhau để cùng tưởng nhớ vong linh của người thân qua tục cúng cơm, trà, rượu,… và cùng nhau thưởng thức những bữa cơm gia đình ấm áp. Ngày thứ hai, gia đình sẽ thỉnh các vị sư đến cúng cơm và tụng kinh thuyết giảng Phật pháp. Đến ngày cuối cùng cũng là ngày tiễn đưa tổ tiên về thế giới bên kia. Các buổi còn lại trong ngày người dân Khmer sẽ đi lễ chùa và cúng Phật nhằm tại công đức cho ông bà tổ tiên. Vật phẩm cúng kiếng sẽ được đặt trong một chiếc thuyền làm bằng lá chuối rồi thả ra sông, ra suối để tổ tiên trở về bình an.
Lễ hội dâng y Kathina – tấm lòng của những đứa con hướng về đức Phật
Lễ dâng y Kathina là một trong những ngày lễ thể hiện rõ sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo vào đời sống của người dân Khmer. “Kathina” bắt nguồn từ Phật giáo Nam tông có nghĩa là bền vững, kết chặt. Thời gian diễn ra lễ hội là tròn một tháng (16/9 – 15/10 Âm lịch) sau thời điểm an cư kiết hạ. Vào thời điểm này, các tín đồ Phật tử sẽ quy tụ về các chùa để dâng lên cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), những bộ y Kathina (cà sa) để mong cầu cho quá trình tu tập của họ trở nên thuận lợi và viên mãn. Ngoài y Kathina, Phật tử còn có thể dâng những lương thực, nhu yếu phẩm hằng ngày, các dụng cụ học tập,… Không những thế, việc dâng lên những vật phẩm tu bổ cho chùa cũng được ghi nhận như một cách để tạo phước đức cho đời và tỏ lòng biết ơn đối với các vị chư Phật.
Một số nghi thức chính trong lễ dâng y Kathina bao gồm: diễu hành xe hoa trên khắp đường phố; dâng y Kathina; dâng bông,… Cần lưu ý rằng trong quá trình dâng y, Phật tử không nên dâng trực tiếp lên Tam bảo mà phải đặt trước mặt các vị chư tăng. Chư tăng sau đó sẽ im lặng như là một cách biểu đạt của sự đồng ý.
Còn rất nhiều những lễ hội khác của người Khmer diễn ra xuyên suốt năm. Bản sắc dân tộc đậm đà kết hợp cùng dấu ấn Phật giáo đặc sắc đã khiến cho lễ hội nơi đây linh thiêng và nhộn nhịp hơn cả.