Du lịch biển đảo Việt Nam… con đường phía trước
- 19/06/2016
- ĐỐI THOẠI
- biển đảo Việt Nam, du lịch, GS. Hà Tôn Vinh, kinh nghiệm du lịch, thiên nhiên, tiềm năng
(#wanderlusttips) Với khoảng 3.500km đường bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia được thiên nhiên ưu ái. Khó có thể hình dung nơi nào dọc theo bờ biển Việt Nam mà không có một bãi biển đẹp. Từ miền Bắc với biển Trà Cổ, vịnh Hạ Long, đảo Quan Lạn và Cô Tô ở vịnh Bái Tử Long; đảo Cát Bà – Hải Phòng, biển Sầm Sơn – Thanh Hóa, Cửa Lò – thành phố Vinh…
[rpi]
Dọc theo bờ biển du khách sẽ vào đến miền Trung với rất nhiều bãi biển tuyệt đẹp như Lăng Cô – Huế; bán đảo Sơn Trà và bãi biển Đà Nẵng; Cù Lao Chàm – Hội An; Lý Sơn – Quảng Ngãi; Ghềnh đá – Quy Nhơn; rồi các bãi biển, đảo ở Nha Trang và vòng quanh vịnh Cam Ranh. Vào đến miền Nam, du khách sẽ có dịp đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh và bãi biển ở Mũi Né – Phan Thiết; Côn Đảo – Vũng Tàu; đảo ngọc Phú Quốc. Đi liền với các bãi biển là các món hải sản tươi ngon và nhiều di tích lịch sử và tâm linh. Tất cả là niềm tự hào riêng của Việt Nam.
Được thiên nhiên ưu đãi như thế nhưng tại sao du lịch biển đảo Việt Nam vẫn chưa thật sự khởi sắc?
Theo khảo sát, lượng du khách du lịch biển đảo hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam. Nhìn vào số lượng và thành phần khách du lịch đến Việt Nam chúng ta nhận thấy hầu hết khách du lịch chi phí ít, ở ngắn ngày, và “một đi không trở lại”. Đa số các khu du lịch biển đảo không có nhiều hoạt động có thể níu chân du khách hoặc khiến họ vui vẻ “móc hầu bao”. Nhiều nơi không có cảng hành khách cho du thuyền đại dương, hoặc nếu có thì cùng chung với cảng hàng hóa hay đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương. Ở những thành phố du lịch phát triển, giá cả đắt thậm chí có tình trạng “đội giá”, “chặt chém” du khách. Chính quyền và các công ty du lịch ở nhiều địa phương thường theo nhau làm du lịch cùng môt mô hình, với nhiều hoạt động gần như nhau, mà ít quan tâm đến các đặc thù của vùng miền hay nhu cầu của khách du lịch.
Trong khi các nước cùng khu vực như Thái Lan, ngành du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng những năm gần đây khá phát triển. Tôi lấy khu du lịch nghỉ dưỡng biển Pattaya làm một ví dụ, chúng ta sẽ thấy thách thức cho du lịch biển đảo Việt Nam như thế nào. Pattaya cách thủ đô Bangkok, Thái Lan 100km với hơn 100 ngàn dân cư địa phương, trước đây vào thập niên 60 cũng chỉ là một làng chài. Sau khi một số lính Hoa Kỳ được phép đến nghỉ dưỡng, Pattaya đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn công tác và khách du lịch Hoa Kỳ, rồi của toàn thế giới. Pattaya nay đón hơn 4 triệu du khách mỗi năm và là điểm du lịch biển lớn nhất Thái Lan. Du khách đến Pattaya không những vì biển đẹp, hải sản tươi ngon, mà còn vì có nhiều loại hình du lịch gắn với biển đảo, an ninh tốt và giá cả hợp lý. Tháng 2 vừa qua, nhân chuyến đi công tác ở Bangkok chúng tôi đã dành 2 ngày tham quan Pattaya, rồi đi tàu ra đảo san hô Ko Lam nổi tiếng. Không du khách quốc tế nào có thể tưởng tượng được chuyến tàu từ Pattaya ra đảo Ko Lam, đi 7km chỉ mất 30 Baht, gần 1 đô la Mỹ hay 20.000đồng.
Nhìn ra các nước trong khu vực để thấy du lịch biển đảo Việt Nam có lẽ đã đến lúc phải vượt qua chính mình để không chỉ tự hào với những gì thiên nhiên ưu đãi mà còn có thể tự hào với cách thức quản lý chuyên nghiệp, thân thiện, nhiều sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn, giá cả hợp lý phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch.
Hiện nay, chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực giúp nâng tầm du lịch biển đảo, điển hình là chương trình hành động và phát triển du lịch biển đảo Việt Nam đến năm 2020 đã nhấn mạnh đến việc đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng và quảng bá thương hiệu, đề ra một số các sản phẩm đặc thù cho du lịch biển đảo. Đây có thể coi như một tín hiệu đáng mừng với ngành du lịch Việt Nam nói chung cũng như du lịch biển đảo.
G.S. Augustine Hà Tôn Vinh | Wanderlust Tips | Cinet