Du lịch chăm sóc sức khỏe – Cuộc hành trình tái tạo bản thân

Có những người đi để giải trí, có người đi để check-in, có người đi để khám phá những cung đường hay di sản, và cũng có người đi để cải thiện sức khỏe. Cuộc hành trình tái tạo bản thân đó, vốn lại không được gọi bằng một cụm từ hoa mỹ nào, mà chỉ đơn giản là “du lịch chăm sóc sức khỏe”.

wanderlust tips Du lich cham soc suc khoe cuoc hanh trinh tai tao ban than

HÀNH TRÌNH TÁI TẠO NĂNG LƯỢNG

Du lịch, theo nhiều dạng thức khác nhau, đã trở thành một lối sống đối với không ít người. Đi không chỉ để đi, càng không nên là một sự thể hiện “cái tôi” của mình nhằm khoe khoang với người khác, mà đi là để nhìn ngắm thế giới và tìm kiếm chính mình trong dòng chảy vô tận của nó, cũng như bao kiếp đời” – Câu nói của nhà báo Trương Anh Ngọc làm tôi nhớ đến bài viết của một nữ du khách người Anh có tên Anna Taylor, viết về nhưng trải nghiệm của mình khi đến Ấn Độ. Bài viết không đề cập đến những thành phố bận rộn, những di sản thế giới hay những bức ảnh checkin vội vã mà chỉ nói về hành trình tìm thấy chính mình, vỗ về bản thân trong một cuộc du ngoạn mà cô gọi là: Du lịch chăm sóc sức khỏe.

Cô viết: “Tôi tới Ấn Độ vốn ban đầu là để được tận mắt nhìn thấy những công trình vĩ đại như lâu đài Gió, đền Taj Mahal nhưng cuối cùng, trải nghiệm để đời mà tôi nhớ nhất lại là được tập Yoga cùng với 35.000 người tại Rajpath – Đại lộ Nhà vua (King’s Avenue) ở thủ đô Delhi nhân kỷ niệm Ngày Yoga Quốc tế vào sáng 21/06/2015. Có người thiền, có người thực hiện các động tác Yoga khó nhưng ai cũng mỉm cười nhẹ nhàng và tĩnh tâm. Giữa một biển người nhưng tôi thấy mình dường như thanh thản và hạnh phúc hơn, dòng chảy của sự sống đang len lỏi khắp tế bào.

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy loại hình du lịch này đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước khi những người hành hương Hy Lạp đi từ vùng Địa Trung Hải rộng lớn đến vùng lãnh thổ nhỏ bé thuộc vịnh Saronic có tên gọi Epidauria. Vùng đất này vốn là nơi thờ vị thần chữa bệnh Asklepios. Do đó, Epidauria trở thành điểm du lịch chăm sóc sức khỏe đầu tiên. Các suối nước khoáng cho bệnh nhân đến nghỉ ngơi, tắm và hồi phục cũng có thể được coi là dạng đầu tiên của loại hình du lịch này.

Cho đến nay, du lịch chăm sóc sức khỏe được hiểu là đi du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần (wellness tourism), phân biệt với du lịch chữa bệnh là đi du lịch kết hợp với mục đích khám và chữa bệnh bằng cả phẫu thuật và không phẫu thuật (medical tourism).

wanderlust tips Du lich cham soc suc khoe cuoc hanh trinh tai tao ban than 2

Du lịch vốn không phải chỉ là một lần “xê dịch”, trong khi trên mạng hàng ngày có hằng hà sa số những bài viết chỉ dẫn “40 triệu để du ngoạn châu Âu”, “Khám phá New York với 20 triệu” gây nên những cơn sốt du lịch giá rẻ thì du lịch chăm sóc sức khỏe nổi lên như một xu hướng khác biệt, hấp dẫn những người như Anna, những người đã quá mệt mỏi với cuộc sống bận rộn, ngộp thở của cuộc sống hiện đại. Họ lựa chọn cho mình những hành trình ít thời thượng hơn như: đến Israel để tắm biển Chết, đắp bùn trắng, đến Ấn Độ học thiền và yoga, đến Nhật Bản tắm onsen hay đến Trung Quốc tắm suối khoáng nóng.

Trong những chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe, tôi tái tạo lại năng lượng cho bản thân để sẵn sàng những hành trình tiếp theo” – Nguyễn Hải, cô gái nhỏ nhắn đam mê những cuộc du hành vừa trở về từ chuyến đi Nha Trang chỉ để lướt sóng và tắm bùn khoáng hào hứng cho hay. Không nổi bật nhưng đang phát triển mạnh mẽ, du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng cho thấy sức mạnh của mình. Theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, năm 2013 có khoảng 586,5 triệu lượt khách lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng trên thế giới, tăng 12% so với năm 2012. Tổng thu ngành chăm sóc sức khỏe hoạt động trong các khu nghỉ dưỡng trên toàn thế giới là 563 tỉ USD năm 2015. Thị trường toàn cầu của du lịch chăm sóc sức khỏe đạt 489 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 679 tỷ USD vào cuối năm 2017.

MỘT HÀNH TRÌNH, NHIỀU LỢI ÍCH

Đã có lần, khi tôi nói về việc du lịch chăm sóc sức khỏe đang là một xu hướng mới được nhiều người đón nhận thì vấp phải một ý kiến phản bác: loại hình du lịch này có phần… nhạt nhẽo, nhất là đối với những người đi du lịch để mở mang kiến thức, đi với mục đích khám phá thế giới thay vì cứ đắm chìm trong cuộc sống bon chen và khép kín ở nhà.Không bàn đến việc đúng hay sai, bởi tôi cho rằng, mỗi khi bắt đầu một hành trình mới, chính bạn mới là người có quyền lựa chọn rằng bạn trải qua hành trình ấy như thế nào. Lấy ví dụ, nếu như trong cả chuyến đi 3 ngày, bạn chỉ dành thời gian hết tắm bùn rồi đến tắm nước khoáng nóng thì với những người muốn “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” dường như có phần hơi… đơn điệu.

Tuy vậy, trên thực tế các hình thức du lịch chăm sóc sức khỏe không phải chỉ là tận hưởng, chúng còn là tấm gương phản ánh văn hóa và bản sắc ở mỗi quốc gia. Nếu bạn đến Thái Lan và trải nghiệm phương pháp massage cổ truyền của đất nước Chùa Vàng thì điều cuối cùng bạn nhận được không chỉ là việc áp lực thể chất và tinh thần được giải tỏa mà còn hiểu thêm về nguyên lý hòa hợp giữa năng lượng của cơ thể với năng lượng của vũ trụ, hệ thống kinh mạch trong cơ thể và thậm chí, ở một số nơi nếu có hứng thú thì bạn còn có thể học được một vài “tuyệt chiêu” massage Thái kiểu mới để đem về nhà. Nếu bạn tới Israel để những lớp muối biển bám đầy khắp cơ thể và đắp lớp bùn trắng được cho là có nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, thì có thể bạn sẽ biết rằng, rất lâu trước đây, biển Chết ở Israel còn được nữ hoàng Cleopatra coi là spa đầu tiên của thế giới, nơi bà không quản ngại xa xôi tới thăm để chăm sóc sức khỏe và cải thiện sắc đẹp bằng các phương pháp tự nhiên.

Trong những dòng chia sẻ rất vui vẻ về chuyến đi đến đất nước Phù Tang của mình trên Tripadvisor, Michael Aiden, một du khách đến từ Anh đã viết: “Tắm onsen là một trong những hoạt động tôi thích nhất khi ở Nhật Bản. Nó vừa giúp cơ thể, tinh thần được thoải mái vừa hỗ trợ chữa một số bệnh về thần kinh, xương khớp và đặc biệt là có tác dụng làm đẹp da. Ngoài ra, tôi còn biết thêm được những nét văn hóa thú vị như phong tục tắm chung giữa nam – nữ hay trước khi bước vào onsen phải tắm thật kĩ, và thật may tôi không sở hữu hình xăm lớn nào trên người, nếu có thì tôi có thể bị nhầm thành yakuza (thành viên băng đảng mafia) và có khả năng bị mời ra ngoài”.

wanderlust tips Du lich cham soc suc khoe cuoc hanh trinh tai tao ban than 1

Ngoài việc tìm hiểu về những nét văn hóa bản địa đặc sắc, một chuyến du lịch kết hợp giữa thưởng lãm phong cảnh và chăm sóc sức khỏe cũng là một sự lựa chọn lý tưởng, đơn cử như thành phố Bad Münstereifel của Đức. Vào thế kỷ 16-17, người ta đã cho xây dựng một bức tường xanh cao vài mét ở đây để nước muối không ngừng chảy xuống và dùng cách này để lấy được muối. Quá trình nước muối chảy qua tường xanh thật ra là quá trình làm sạch không khí, không khí xung quanh bức tường có nhiều ion âm, ẩm và sạch sẽ, vì vậy hiện nay nơi đây đã trở thành nơi để nghỉ dưỡng thanh lọc phổi lộ thiên, rất phù hợp với những người mắc bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, Bad Münstereifel còn là thành phố đẹp như tranh vẽ.

Vì nằm trong một thung lũng nên nơi đây không những ngập tràn màu xanh của thiên nhiên, cây cỏ mà còn có những công trình kiến trúc phục hưng được tôn tạo sau chiến tranh như khu chợ cổ hay các lâu đài cổ kính. Bởi vậy, thành phố này là một địa điểm “đi trốn” tuyệt vời, vừa giúp thanh lọc phổi vừa được thỏa mãn về thị giác.

Ngoài tắm biển, lần nào đến Vũng Tàu tôi cũng đi tắm bùn. Khác với những nơi khác là thường tắm bùn ướt thì ở Bình Châu – Vũng Tàu là tắm bùn khô tẩm dầu tràm. So với Nha Trang, giá tắm bùn ở Bình Châu có phần đắt hơn đôi chút, nhưng bù lại tôi được trải nghiệm tắm bùn trong không gian rừng nguyên sinh rất đẹp” – chị Lan Anh, một du khách đến từ TP HCM cho biết.Du lịch chăm sóc sức khỏe vì thế không phải là một cuộc dạo chơi buồn tẻ, mà là một hành trình nạp đầy năng lượng, một hành trình để nhìn nhận và nâng niu bản thân, khám phá những bí ẩn sâu kín về tự nhiên, lịch sử và văn hóa của nhân loại – một hành trình với vô vàn lợi ích.

Chẳng thế mà, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ đã đạt mức tăng trưởng tới 22% và có tới 3 triệu lượt khách tới đây để nghỉ dưỡng, trị liệu sức khỏe năm 2016, đưa về cho quốc gia này hàng tỉ đô la. Việt Nam hiện nay cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những trung tâm chăm sóc sắc đẹp, phục hồi sức khỏe quy mô lớn với các sản phẩm chủ yếu là tắm suối nước nóng, tắm bùn, tắm lá thuốc, bấm huyệt, yoga, thiền, khí công, xoa bóp, châm cứu… Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các dịch vụ này ở khá nhiều khu du lịch như Nha Trang – Khánh Hòa, Bình Châu – Vũng Tàu, Phước Nhơn – Đà Nẵng…

Thế giới đang ngày càng rộng mở và đường biên giới không còn là một ngăn trở lớn lao đối với những người đang muốn đi. Cho dù bạn thiền, yoga ở Ấn Độ đa sắc màu hay chăm sóc làn da, sắc đẹp ở xứ sở kim chi thì ngoài lợi ích về sức khỏe bạn cũng có thêm cho riêng mình những bài học về cuộc sống, văn hóa và kiến thức trên mỗi chặng đường.

Thu Hoài | Wanderlust Tips