Du lịch mùa nước nổi, trải nghiệm nét đẹp lênh đênh

Với những ai vốn say đắm phong cảnh, sản vật mùa nước nổi miền Tây hẳn đã không khỏi lo lắng khi thời gian gần đây, giới truyền thông lẫn các nhà khoa học liên tục cảnh báo về tình trạng lượng nước sông Mekong đang ngày càng kém đi bởi thượng nguồn đã, đang và sẽ bị ngăn dòng bởi hàng chục đập thủy điện lớn nhỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa những mùa nước nổi rồi sẽ biến mất trong tương lai không xa.

cho noi2

Với hành trình khám phá miền Tây mùa nước nổi , du khách đặc biệt là những “fan” của mùa nước nổi, sẽ có cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp này trước khi quá muộn.

Đứng giữa mây, nước,…và hoa

Theo lịch trình tour Long Xuyên – Cù lao Ông Hổ – Chợ nổi Long Xuyên, trên đường đi Long Xuyên, du khách sẽ được ghé thăm làng hoa Sa Đéc, một trong những làng hoa kiểng lớn nhất Việt Nam. Tại đây, du khách chiêm ngưỡng nhiều loại hoa đẹp, trong số đó có nhiều giống hoa ngoại nhập rất lạ, cùng những loài kiểng bonsai có tuổi thọ trên 100 năm tuổi. Vì đây là thời điểm đỉnh lũ, nên khi vào làng hoa, ai đó lãng mạn sẽ có cảm giác như đang lạc bước cõi mơ bởi cách trồng hoa khá đặc thù của người dân nơi đây. Hoa được trồng trên giàn, đến mùa nước nổi, cả cánh đồng hoa như nổi trên nước. Muốn chăm sóc hoa, người ta chỉ còn cách chống xuồng len lỏi giữa các giàn hoa, trông xa như một bức tranh thủy mặc. Và dường như, trước cái đẹp, ranh giới giữa thực và mơ đôi khi cũng bị xóa nhòa.

cho noi3

Sống lại thời mở cõi

Người Long Xuyên có câu: “Đến Long Xuyên mà chưa tới cù lao Ông Hổ, coi như chưa đến Long Xuyên”. Nói như thế không hẳn vì xã Mỹ Hòa Hưng (tên gọi hành chính của cù lao Ông Hổ) vẫn là một xã trực thuộc thành phố Long Xuyên, chỉ cách Long Xuyên chưa đầy 4 cây số và cũng chỉ mất 15 phút đi phà. Mà trên hết vì đó chính là điểm nhấn của thành phố này và là niềm tự hào của người dân An Giang. Với người phương xa, câu nói ấy như càng thôi thúc những bước chân khám phá.

cho noi4

Điều khám phá trước tiên có lẽ bắt đầu từ nguồn gốc tên gọi của địa danh này. Tương truyền 300 năm trước, vào thời vùng đất phương Nam đi đâu cũng thấy cảnh “dưới sông cá lội, trên bờ cọp đua”, có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi, khi trở về thấy trên mảng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét, bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hằng năm, tới ngày giỗ ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ. Người cù lao còn tạc hai bức tượng hổ bằng đá uy nghi đứng trấn ngay ngôi cổng vào làng, trở thành biểu tượng của vùng đất này suốt 300 năm qua.

Vào cổng làng không xa là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nếu như cù lao Ông Hổ là điểm nhấn của Long Xuyên thì khu lưu niệm này chính là điểm nhấn của cù lao Ông Hổ. Đây là một trong số 23 di tích Việt Nam đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 10/5/2012.

cho noi

Nét đẹp lênh đênh

Vốn là chợ đầu mối, chuyên cung cấp hàng nông sản cho Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên nằm trên sông Hậu rất gần với thành phố tỉnh lỵ của An Giang. Đây là một trong những chợ nổi hiếm hoi ở miền Tây còn giữ được những nét sinh hoạt nguyên sơ của vùng sông nước. Dù không lớn và sầm uất như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ nhưng khi đến với chợ nổi Long Xuyên, du khách vẫn cảm thấy như đang hòa mình vào nét sinh hoạt bình dị của người dân ở đây. Đang vào mùa đỉnh lũ, những sản vật “chính hiệu mùa nước nổi” như cá linh, bông súng, bông điên điển… được bày bán trên những xuồng chèo len lỏi giữa chợ.

cho noi1

Nằm kế bên chợ nổi là làng nổi Long Xuyên. Như hình ảnh thu nhỏ của hồ Tonle Sap, với những ai từng tham quan Biển Hồ ở Campuchia, chắc chắn sẽ không khỏi cảm nhận như thế khi đến đây. Người và hoa cùng thú nuôi “chung sống hòa bình” và cùng lênh đênh trên mặt nước. Chính vì thế mà mọi sinh hoạt thường nhật cùng những công việc mưu sinh của dân làng như giăng câu, chài lưới, mua bán… cũng đều diễn ra trên nước. Đây chính là cơ hội hiếm có để chúng ta chiêm ngưỡng cận cảnh, cùng nắm bắt những khoảnh khắc chân thật và sinh động nhất mà nét đẹp mùa nước nổi ban tặng…

Trong khi đó, theo tuyến Cao Lãnh – Tràm chim Tam Nông – KDL Đồng Sen, du khách có cơ hội khám phá khung cảnh kỳ thú vào mùa nước nổi ở Vườn quốc gia Tràm Chim – một trong 8 khu vực bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam và là vùng đất ngập nước (Ramsar) thứ 2.000 của thế giới cùng với phong cảnh hoang sơ của đồng sen bát ngát trong khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười. Nếu chọn tuyến Châu Đốc – Rừng tràm Trà Sư – làng cá bè, du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng “bức tranh màu nước” tuyệt đẹp của rừng tràm Trà Sư và làng cá bè trên sông Hậu.

Theo Cinet

Leave A Comment