Đừng vội bước ở Jeonju

Được mệnh danh là “thành phố sống chậm”, Jeonju hẳn nhiên không có vẻ hối hả thường thấy ở các đại đô thị như Seoul hay Busan. Và tôi cũng muốn bạn bước thật chậm ở Jeonju bởi nếu vội vã, bạn có thể sẽ bỏ qua những điều thú vị mà nơi này cất giấu.

Đừng vội bước ở Jeonju

Jeonju là nơi xuất thân của Thái tổ Taejo, người sáng lập nên vương triều Joseon tồn tại trong suốt 500 năm. Trong giai đoạn này, đất nước đạt tới cực thịnh và phát triển với nhiều cải cách vượt bậc trong lịch sử, trong đó có chữ quốc ngữ Hangul. Ngay cả khi sụp đổ, triều đại Joseon vẫn để lại một di sản văn hóa, tư tưởng, quan điểm đồ sộ, ảnh hưởng đậm nét đến bản sắc Hàn Quốc ngày nay.

Đừng vội bước ở Jeonju

Quay trở lại nơi khởi nguồn, những dấu tích Joseon ở Jeonju luôn được tôn vinh và bảo tồn, như một cách trân trọng quá khứ. Điện thờ Gyeonggijeon (trong tiếng Việt có nghĩa là ngôi điện trên mảnh đất hạnh phúc) được xây dựng vào năm 1410 theo lệnh của Thái tổ Taejo.

Mặc dù bị tàn phá nhiều lần trong lịch sử, các kiến trúc và cổ vật vẫn được phục dựng nguyên vẹn. Chúng sẽ đưa bạn ngược dòng thời gian, trở về với quá khứ vàng son. Từng thiết kế, đường nét, chi tiết đều thể hiện sự tinh tế, khát vọng về trường tồn và hưng thịnh của một triều đại.

Đừng vội bước ở Jeonju

Lịch sử ghi lại rằng, vào thế kỷ thứ I, giấy được vận chuyển từ Trung Quốc sang bán đảo Triều Tiên. Đến thế kỷ thứ bảy, người Hàn đã làm chủ kỹ thuật làm giấy và tự chế tạo ra giấy hanji. Nguyên liệu để sản xuất giấy hanji là vỏ cây dướng. Cây dướng được gia công một cách tỉ mỉ và phải trải qua nhiều giai đoạn công phu mới cho ra sản phẩm giấy hanji đúng chuẩn.

Ngày nay, mặc dù đã có sự trợ giúp của máy móc, những khâu quan trọng nhất vẫn được thực hiện thủ công. Bởi giấy làm bằng máy sẽ dày gấp bốn lần so với làm bằng tay trong khi độ bền giảm chỉ còn một nửa. Nhờ đặc tính của cây dướng và kỹ thuật chế tạo khéo léo, giấy hanji vừa mềm mại vừa bền chắc, có khả năng hấp thụ màu sắc và tính thẩm thấu tuyệt vời đối với không khí và độ ẩm.

Đừng vội bước ở Jeonju

Giấy hanji có nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống: làm nhà, chăn gối, vật dụng trang trí,… Đặc biệt, giấy hanji còn được dùng làm quần áo cho người đã qua đời. Người Hàn quan niệm khi chết là trở về với tự nhiên, nên những thứ họ mang trên người đều được làm từ thiên nhiên. Bạn hãy ghé thăm một xưởng sản xuất và tự tay trải nghiệm các công đoạn làm giấy, để thấy được sự tinh tế của người thợ gửi gắm trong mỗi tờ giấy cũng như lòng nhiệt tâm của họ trong việc gìn giữ một nét đẹp truyền thống.

Đừng vội bước ở Jeonju

Xa lạ hoàn toàn với những đường nét bê tông thô cứng, bảy trăm ngôi nhà truyền thống (gọi là hanok) sẽ gợi lại nếp sinh hoạt khi xưa của người Hàn. Hanok được xây dựng từ gỗ, đất, đá và các vật liệu tự nhiên. Mái nhà lát gạch Giwa màu đen xám đặc trưng, thể hiện thứ bậc và giai tầng xã hội. Cạnh cong của mái nhà (Cheoma) còn có thể điều chỉnh độ dài để kiểm soát lượng ánh sáng mặt trời vào nhà.

Kết cấu dầm hoàn toàn bằng gỗ và ghép khớp với nhau mà không cần dùng một chiếc đinh nào cả. Giấy hanji tẩm dầu đậu được dán lên các khung cửa, có tác dụng chống thấm nước và thoáng khí. Ngôi làng cổ tựa như một viên bảo ngọc của Jeonju, nơi guồng quay của nhịp sống hiện đại vẫn chưa thể chạm tới. Thật thú vị khi thấy những người Hàn thường ngày vẫn hối hả trên chuyến tàu điện giờ đây dạo bước thảnh thơi giữa những ngôi nhà cổ kính và hít thở bầu không khí trầm mặc.

Đừng vội bước ở Jeonju

Ở Hanok Jeonju có lẽ tôi chẳng cần đến một tấm bản đồ bởi bước chân trên con đường lát đá sẽ đưa đẩy tôi đến những góc nhìn thú vị về ngôi làng. Tôi yêu Jeonju trong làn sương se lạnh buổi sớm, trong ánh đèn vàng ngái ngủ lúc đêm muộn, hay khi ánh hoàng hôn từ bên kia dải đồi dịu dàng choàng lên những mái nhà cổ. Và tôi sẽ còn nhớ mãi giấc ngủ êm đềm trong căn nhà gỗ nhỏ.

Không gian trong phòng chỉ đủ để đặt hai – ba bộ chăn nệm, chiếc tủ gỗ nhỏ cùng vài vật dụng đơn giản. Cửa sổ và cửa ra vào đều bằng gỗ kiểu kéo rãnh với chốt thủ công hình tròn bằng đồng đen. Đẩy cánh cửa bước ra là có thể bắt gặp khoảng sân vườn yên tĩnh xanh mướt cỏ cây. “Những vị khách dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi, tĩnh tâm và trò chuyện”, bác chủ nhà giải thích. Đó cũng chính là tinh thần “sống chậm” mà thành phố Jeonju hướng đến.

Đừng vội bước ở Jeonju

Đừng tiếc chút thời gian thưởng thức tô bibimbap ấm nóng khi cơn đói đã cồn cào. Bạn có thể tìm thấy món cơm trộn này trên khắp đất nước Hàn Quốc nhưng hương vị ở nơi khai sinh ra nó sẽ đặc biệt hơn cả. Điều làm nên sự khác biệt của Jeonju bibimbap là số lượng nguyên liệu sử dụng và sự tỉ mỉ, cầu kỳ khi chế biến. Một tô cơm trộn được tạo nên từ hơn ba mươi nguyên liệu khác nhau. Các nguyên liệu này được xếp riêng biệt, tạo thành một vòng tròn đầy màu sắc.

Điều đặc biệt là Jeonju bibimbap không thể thiếu giá đỗ tương, hwang po-muk (một loại thạch làm từ đậu xanh) và yuk-whey (thịt bò sống kiểu Hàn đã được tẩm ướp). Giá đỗ tương phải là loại từ vùng Imsil, tỉnh Jeollabuk, khi nấu kỹ thân mềm nhưng vẫn giữ nguyên độ giòn sựt của hạt giá vàng tươi. Thay vì dùng nước trắng thông thường, gạo được nấu trong nước hầm xương bò, do đó, hạt cơm dẻo và ngọt hơn hẳn.

Đừng vội bước ở Jeonju

Jeonju bibimbap đúng chuẩn được đựng trong những chiếc bát bằng đồng thau để giữ trọn sự ấm nóng đến cuối cùng, ăn kèm một bát canh giá đỗ tương. Nhớ trộn đều các nguyên liệu với nhau rồi thưởng thức bản hòa tấu hương vị đầy ấn tượng mà bạn sẽ không thể nào quên. Không chỉ món bibimbap, những món ăn Jeonju: mì tương đen jajangmyeon, bánh hải sản tẩm bột rán haemul pajeon, chè đá bào đậu đỏ patbingsu, rượu gạo makgeolli,… luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Tôi đã kể cho bạn chưa nhỉ? Rằng Jeonju là một trong ba thành phố sáng tạo của Hàn Quốc: Jeonju – thành phố tinh hoa ẩm thực, Seoul – thành phố thiết kế đột phá và Incheon – thành phố của mỹ nghệ và văn hóa dân gian. Tôi luôn cảm thấy đúng đắn khi quyết định đón chuyến xe bus từ Seoul đến Jeonju để thấy một Hàn Quốc rất khác. Những điều thú vị nho nhỏ tạo nên nét “duyên ngầm” cho Jeonju và là món quà dành tặng cho những ai đủ kiên nhẫn với thành phố này. Vậy nên, nhớ nhé, đừng bước vội ở Jeonju!

W.TIPS

Đừng vội bước ở Jeonju

Visa

– Visa du lịch Hàn Quốc cho người mới đi lần đầu là loại visa thông thường C-3 có thời hạn 3 tháng và chỉ được nhập cảnh một lần.

– Thời gian lưu trú tối đa sẽ do Đại sứ quán quyết định, thông thường là 15 ngày.

– Thời gian xin và xét duyệt hồ sơ là 8 ngày làm việc, không kể ngày nhận hồ sơ. Bạn nên nộp hồ sơ xin cấp visa trước thời điểm xuất phát 2 tháng để tránh gặp phải tình trạng ùn tắc vào mùa cao điểm.

Di chuyển

Di chuyển bằng xe bus: Seoul Express Bus Terminal – Jeonju Express Bus Terminal

– Giá vé: 12.800 -187.000 won.

– Thời gian: 2,5 giờ.

Di chuyển bằng tàu siêu tốc: KTX Seoul Station – Jeonju

– Giá vé lẻ: 31.000 won/chiều.

– Giá thuê xe đạp khám phá Jeonju: 10.000 won/ngày.

Tiền tệ

– Đơn vị: Đồng Won (1 KRW = 20 VNĐ).

– Đô la Mỹ (USD) được chấp nhận tại các cửa hàng miễn thuế.

– Thẻ tín dụng quốc tế rất phổ biến ở Seoul và các thành phố lớn khác.

Lưu trú

– Trải nghiệm lưu trú tại các ngôi nhà cổ Hanok

– Giá phòng: 35.000 won/đêm/phòng 2 – 4 người

– Địa điểm tham quan:

· Điện thờ Gyeonggijeon

· Cổng Pungnammun

· Làng Hanok Jeonju

· Nhà thờ Jeondong

· Bảo tàng giấy Hanji

· Đồi Omokdae

Đừng vội bước ở Jeonju

Bài: Minh Phạm