Đượm nồng vị Tết nơi phương xa

[Wanderlust Tips 01/2020] Tính cả ngày Tết năm Canh Tý sắp tới là cũng gần tròn đủ một thập niên tôi lang bạc xứ người. Một nửa thời gian đó, tôi ở Melbourne, nơi có cộng đồng người Việt hùng hậu không kém gì với California bên kia đại dương. Có những năm, tôi chu du xuyên Tết, nào là Hồng Kông, Nhật Bản. Những năm gần đây, tôi ăn tết ở New Zealand xa xôi.

[rpi]

Tạp chí Du lịch Wanserlust Tips | Đượm nồng vị Tết nơi phương xa

Nếu xứ Cali nắng ấm có đến cả triệu người Việt, Melbourne xinh đẹp có vài trăm ngàn người, đó là chưa kể số lượng đông đảo du học sinh từ trong nước, cả nước New Zealand chỉ có hơn 10 ngàn người sống rải rác khắp nơi. Nếu bạn chưa từng ghé qua xứ chim Kiwi này thì để tôi kể cho mà nghe, nơi này nằm ở bán cầu Nam, nghĩa là ngược mùa với phía Bắc, lúc Việt Nam ta vào xuân thì bên này đã vào giữa cuối mùa hè. Mùa hè ở xứ này may quá không nóng đến cháy da như hồi ở Melbourne nhưng cũng nóng hừng hực và không khí oi nồng với từng đợt gió biển từ Thái Bình Dương. Kể ra thì những ngày Tết nơi đây cũng có cái không khí gợi nhớ Tết miền Nam lắm chứ, duy thiếu mỗi cành mai vàng cánh rụng ngoài sân.

NƠI PHƯƠNG XA NHƯNG CŨNG ĐỦ ĐẦY

Dù ở ngay California – thủ đô của người Việt tị nạn hay như ở xứ Úc với tổng số người Việt lên đến hơn triệu, Tết vẫn không phải là một ngày lễ chính thức, ngoại trừ trong cộng đồng. Vậy nên nếu may mắn, Tết rơi vào dịp cuối tuần hay ngày lễ thì năm đó người Việt ăn Tết lớn. Con nít được nghỉ học, người lớn cũng được nghỉ làm nên chợ Tết xôm tụ hơn, vui hơn, mâm cỗ Tết cũng đầy hơn. Còn chăng những năm Tết rơi vào ngày thường thì chúng ta làm cái tất niên trước Tết, một cỗ cúng giao thừa đầm ấm, giản tiện, rồi lại chơi Tết những ngày cuối tuần sau đó.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips |

Có năm, tôi ăn Tết ở San Jose, phía Bắc Cali. Trời cuối đông vẫn còn se lạnh nhưng xanh trong và có cả nắng đẹp rực rỡ. Chùa Việt đông đặc kín người. Còn trước các thương xá, người ta dành hẳn cả một khoảng sân rộng làm nơi đốt pháo Tết. Cứ hễ người này ném vào một dây pháo đì đùng, pháo vừa tàn là lại có người khác ném vào một dây pháo khác. Cứ thế, tiếng pháo mãi chẳng dứt làm tôi bùi ngùi dư vị của những năm xưa, khi đứa con nít háo hức ngày đầu năm, thức giấc vào cái buổi sáng trong lành đã thấy cả đường ngợp xác pháo đỏ. 

Năm Kỷ Hợi vừa qua, tôi ăn một cái Tết lớn ở xứ này. Mồng một Tết rơi vào lễ Waitangi nên cả nước được nghỉ. Vậy là tôi và đám bạn chung nhà cùng nhau tổ chức Tết lớn. Vì hầu hết cả nhà đều là người Bắc nên tôi nấu cỗ đúng điệu xứ Đàng Ngoài nhưng cũng phải thêm vào món thịt kho, canh khổ qua đặc biệt của miền Nam và cả món xào chay mà ba má tôi năm nào cũng làm để cúng bàn thờ Phật. Món măng chân giò tốn nhiều thời gian nhất vì cứ phải luộc măng nhiều lần mới ngon, mới không bị hăng. Còn món bóng thả là món cầu kỳ nhất vì phải tìm mãi mới có bóng bì để cuốn. Dưa giá tự tay tôi phơi cải, muối dưa, vừa đúng một tuần trước Tết. Còn con gà luộc thì đành không tìm được con gà còn đầu nhưng cũng làm được lớp da vàng óng, bóng bẩy, đặt lên mâm cỗ ngày 30 Tết cũng đẹp mắt thay.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Đượm nồng vị Tết nơi phương xa

Giữa trưa, cỗ Tết bày xong, mọi người quây quần khấn vái để mời ông bà cùng về hưởng mâm cơm nóng. Đêm đến, tôi còn có món chè, món bánh để cúng thêm cỗ giao thừa, đón ông Công, ông Táo, rồi còn xông đất, uống chén trà ngon giữa mùa hè xứ lạ mà ngẫm về cái Tết Việt đậm đà. Nhớ lại hai năm trước, tôi đón cái Tết đầu ở nơi này, chỉ một mình giữa xứ lạ. Tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ sống trong cộng đồng nên không quá quan trọng ở đâu, nhưng với một ngày như Tết, khó quá để phớt lờ một mâm cỗ nhỏ. Vậy là năm đó tôi nấu đúng những gì ba má tôi vẫn nấu cả ba chục năm qua: một nồi thịt kho nhỏ, một nồi canh khổ qua với nấm, một đĩa rau cải xào chay và thêm một nồi chè trôi nước the thé vị gừng ấm nồng.

Năm đó, lần đầu tôi tự tay gói bánh tét. Đêm trước giao thừa, bốn đòn bánh tét nhỏ đã treo lủng lẳng trên bếp, không khí cũng đượm mùi nhang, mùi gừng, mùi thịt kho thơm phức. Tết chỉ nhỏ bé thế thôi mà ấm áp, dù nơi ấy chỉ có một thằng người Việt lụi cụi học cách gói bánh khi đã lớn. Đêm giao thừa, có tiếng pháo hoa ở đâu đó xa xa, chắc có nhà người Hoa hay người Việt nào đó đang chúc tụng nhau một năm mới an vui.

CHÚT CẢM XÚC LẠ NGÀY TẾT

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Đượm nồng vị Tết nơi phương xa

Tết là cái gì đó vừa thân quen, vừa xa xỉ, vừa mang tính biểu trưng của dân Lạc Hồng xứ ngoại. Những năm đầu xa quê, tôi không để ý nhiều lắm, có chăng là ghé qua hội chợ Tết, ghé vào cái “chợ Việt” hay “chợ Tàu” nào đó mua miếng mứt, cái bánh, vậy là hết Tết. Nhưng càng đi lâu, càng có tuổi, tôi lại càng thấy Tết có một cái gì đó cuốn hút, có chút da diết, lưu luyến về những ngày Tết cũ, lại có chút hân hoan của một năm mới sắp tới, và lẫn đâu đó là lời ca mang đậm tình quê hương mà chỉ có kẻ xa xứ mới cảm nhận được sâu sắc đến buồn bã.

Cách đây 6-7 năm, bà ngoại mất lúc gần Tết. Tôi nghe tin mà lòng buồn dù cũng đã đoán được bà sẽ ra đi từ sớm. Thời gian đi học và đi làm của tôi bận kín cả những nỗi buồn. Rồi đột nhiên, Tết. Đêm giao thừa, tôi tản bộ vào trung tâm Melbourne, ăn một tô mì ngon rồi lẽo đẽo theo những đoàn lân trong phố Tàu. Phố Tàu ở đó bé tẹo, chỉ có vài con phố nối liền với nhau, đặc trưng bởi những cái cổng sặc sỡ có những con sư tử đá trấn giữ. Phố Tàu chủ yếu là các hàng ăn, người ta bỏ tiền cho những đoàn lân đến trước cửa để múa mua vui, đốt pháo lấy hên rồi lì xì chẳng khác gì ở Việt Nam. Vậy là cả tiếng đồng hồ, tôi cứ đi theo những đoàn lân đó vừa xem biểu diễn, vừa để ngửi cái mùi pháo Tết đậm vị xưa cũ, vừa để lòng vơi đi những phiền muộn của đứa con phương xa.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips |

Còn một giờ nữa là giao thừa, tôi vội ghé vào siêu thị mua hai trái bưởi và ít bánh ngọt. Giao thừa năm đó, trong căn hộ chật hẹp tầng 12 ở khu Carlton, một bàn thờ bé xíu xiu đặt ngay cửa sổ nơi máy báo khói đã bị “bịt miệng” bằng mấy miếng nylon và một đứa trẻ cầu khấn cho một năm mới bình yên. Tết xa xứ vậy mà cũng vui lắm, đầm ấm lắm. Có những năm, bộn bề công việc, vậy mà giao thừa đến, người ta lại thấy nhẹ lòng, ngửi hương nhang trầm, nghe mùi pháo, ăn một miếng bánh, chơi bản nhạc xuân dù đã cũ lắm bao năm từ lúc ta còn thơ bé. Mà có lẽ chính vì xa quê nên cái Tết càng ý nghĩa hơn, càng đậm đà hơn bởi nơi đấy, cành mai vàng nào đâu có ngoài một miền ký ức xa xôi bên mâm cỗ Tết giữa những tất bật của bươn chải, ngậm ngùi. Tết xa mà sao mặn mà hương Việt quá.

Alex Trần | Wanderlust Tips