Hà Giang: Giấc mơ miền đá núi của tôi
- 01/11/2019
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- du lịch Hà Giang, Mã Pì Lèng, Tây Bắc
Tôi đến Hà Giang vào thời điểm không phải mùa nước đổ, cũng chưa đến những ngày nhuộm vàng ruộng bậc thang hay bung nở sắc hương tam giác mạch. Người bạn miền Bắc của tôi thấy tiếc, bạn ước cho tôi có thể ghé vào những tháng ngày Hà Giang đẹp nhất trong năm ấy thì tuyệt biết bao. Nhưng tôi chẳng tiếc đâu, bởi tháng 8 Hà Giang cũng vẫn đẹp đến ngỡ ngàng, cỏ cây xanh mướt bên những núi đá hùng vĩ, ruộng nương trải dài tít tắp, chợ phiên nhộn nhịp và men say rượu ngô ấm nồng… tôi gọi chuyến đi Hà Giang ấy là hành trình về với giấc mơ miền đá núi, một giấc mơ mà tôi đã ấp ủ suốt nhiều năm tháng.
[rpi]
VỀ MỘT CON ĐƯỜNG MANG TÊN HẠNH PHÚC TẠI HÀ GIANG
Con đường từ trung tâm thành phố Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn và đèo Mã Pí Lèng rồi đến Mèo Vạc dài 185km, người ta gọi nó là con đường Hạnh Phúc, là chữ “Hạnh Phúc” viết hoa. Con đường Hạnh Phúc chạy dọc theo những dãy núi trùng điệp, một bên là núi non hùng vĩ, một bên là thăm thẳm vực sâu, một chút ngó nghiêng cũng đủ làm xe lạc tay lái. Con đường Hạnh Phúc rất nhỏ, vừa đủ cho hai làn xe ngược chiều nhau, thậm chí có những đoạn đường một xe phải dừng lại nhường đường cho xe ngược chiều di chuyển trước. Con đường Hạnh Phúc chỉ toàn khúc cua tay áo, xe ga ì ạch lên dốc, xe máy tay côn phải cài lại số liên tục, xe tải bò từng chút một. Thi thoảng, bên vệ đường, những người Mông lặng lẽ đi bộ, trên lưng gùi nặng những bắp ngô và bó cỏ… Tôi ngạc nhiên và đã nghĩ nhiều về con đường ấy trong suốt những ngày ở Hà Giang.
Hà Giang là nơi địa đầu tổ quốc, địa hình là một quần thể núi non hiểm trở với độ cao trung bình từ 800-1.200m so với mực nước biển. Thêm vào đó, với 300km đường biên giới với Trung Quốc, nơi đây trở thành một vị trí quan trọng của cả nước. Vậy nên, từ những năm 50 của thế kỉ trước, Hà Giang bắt đầu đổi mình nhờ những công trình xây dựng, bước đầu tiên chính là xây dựng đường xá. Nhưng với vị trí địa lí chỉ toàn núi non hiểm trở, địa hình cao và dốc, việc xây dựng không chỉ cần đến nguyên vật liệu mà cần đến cả niềm tin, hy vọng, sự cố gắng, đồng lòng và cả sự hy sinh. Con đường Hạnh Phúc chính là mình chứng cho điều đó, là biểu tượng mạnh mẽ cho ý chí và cần lao. Hàng ngàn thanh niên xung phong từ dưới xuôi và trong các bản làng đã góp công sức để mở từng centimet đường. Có những đoạn hiểm trở như Mã Pí Lèng, trước mỗi buổi sáng bắt đầu làm việc, tổ phụ trách xây dựng đoạn này được đội trưởng làm lễ truy điệu sống bởi chính sự nguy hiểm của nó, chỉ sẩy chân một chút là rớt xuống vực sâu. Cho tới ngày khánh thành, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt rơi xuống, bao nhiêu máu và bao nhiêu cuộc đời đã mãi mãi yên nghỉ để làm nên hình hài con đường. Biết bao nhiêu ấy để đổi lấy hạnh phúc cho ngày sau…
Ngày nay, con đường Hạnh Phúc trở thành một tuyến đường giao thông quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa từ dưới xuôi lên miền núi. Nó cũng là cung đường mê đắm hàng đầu tại Việt Nam mời gọi các phượt thủ thử thách những góc cua tay lái. Còn các nhiếp ảnh gia không thôi lưu luyến nơi đây bởi vẻ đẹp ngoạn mục của nó với những đoạn uốn lượn mềm mại qua núi non hùng vĩ, qua những thửa ruộng bậc thang tăm tắp, nương ngô mây mẩy hay bản làng bình yên trong nắng mai… Có những lúc di chuyển trên con đường Hạnh Phúc tôi đã nín thở bởi sự quanh co của nó, một cảm giác mạo hiểm như lúc đu dây quăng mình xuống dãy núi cao vậy. Nhưng cũng có những đoạn tôi lặng người bởi khung cảnh thiên nhiên mở ra trên đường, với những áng mây lơ lửng trên dãy núi đồi trùng điệp, bên dưới là dòng sông Nho Quế uốn quanh ôm trọn chân núi. Tôi chợt nhận ra rằng không phải cứ bước rộng dài trên những đại lộ thênh thang mới là hạnh phúc, hạnh phúc có đôi khi là bước trên con đường của chính mình dù có khó khăn, bước những bước thật chậm, bình yên với những tin yêu trong đời, bước như cái cách mà người Mông, người Dao nơi đây vẫn gùi những bó cỏ, lùa những đàn trâu bình thản, thong dong giữa cuộc đời đầy bận rộn, hối hả.
HƠI MEN RƯỢU NGÔ, TIẾNG KHÈN THA THIẾT VÀ ĐIỆU NHẢY LỬA MÊ HOẶC
Có một lần đọc đâu đó trong hồi kí của Tô Hoài, ông viết về những người Mông sống vùng rẻo cao Tây Bắc vẫn luôn giữ lấy lời thề như dao găm vào đá núi. Tôi không nhớ hết quyển hồi kí ấy, nhưng hình ảnh dao găm vào đá núi thì nhớ mãi đến giờ, nó gợi lên một sự chắc chắn và đầy vững chãi giữa một cuộc đời ăm ắp những đổi thay này. Và sau chuyến đi Hà Giang tôi mới thấu hiểu, hóa ra dao găm vào đá núi không chỉ là sự tin tưởng của con người đối với nhau mà còn là sự cần lao, sự miệt mài và cố gắng.
Hà Giang là vùng núi non trùng điệp, những khoảnh đất bằng phẳng hiếm hoi là những khoảnh đất được san bằng bởi mồ hôi và nước mắt. Địa hình còn lại là những dốc và dốc, lẫn trong lớp đất mùn toàn đá là đá. Tưởng chẳng thể có lấy một sự sống nơi đây nhưng ngược lại, sự sống ở đây mãnh liệt và kiên gan lạ kì, những ruộng lúa nương ngô trải dải từ chân núi đến đỉnh đồi như minh chứng cho một khát vọng nơi miền đá núi. Cây ngô ở Hà Giang không cao như vùng đồng bằng, thân cây còi cọc, thấp ngắn, bắp bé nhưng cho hạt chắc mẩy. Sống ở vùng núi đá, hình như ngô cũng như con người, đầy nghị lực và dẻo dai thì phải.
Và đến khi thu hoạch, người ta gọi những hạt ngô ấy là “hạt ngọc của trời”, người ta chắt chiu cho ra một thứ rượu ngô với hương thơm nồng đặc biệt dường như chỉ Hà Giang mới có. Khách phương xa ghé thăm, bạn lâu ngày không gặp, những vui mừng, những lắng lo, những tâm sự, người ta đều mời nhau một chén rượu ngô đầu tiên. Vị rượu ngô từ từ tan trong miệng, nghe ấm nóng thương yêu.
Vào những ngày lễ Tết, sau những chén rượu ngô, người ta mời nhau thổi một điệu khèn, hay biểu diễn một điệu nhảy lửa. Trước khi thổi khèn, người ta lấy rượu ngô rải lên khèn như để hồn khèn và hồn người hòa chung là một. Tiếng khèn bắt đầu ngân lên, tiếng khèn không réo rắt như tiếng đàn T’rưng, không trầm bổng như tiếng sáo, tiếng khèn da diết mà trầm ấm, khắc sâu vào lòng người. Giữa một vùng núi non, tiếng khèn vang lên hòa với hơi men rượu ngô cay nồng, dễ thường làm người ta nghĩ nhiều về những điều “khắc cốt ghi tâm” trong cuộc đời.
Nếu tiếng khèn là bản sắc của người H’ Mông thì điệu nhảy lửa là nét riêng của người Pà Thẻn mà họ mang ra giao lưu trong những ngày hội họp làng bản. Họ thực hiện các động tác điêu luyện, sinh động một cách thản nhiên trên những đống than hồng rực và trên cả ngọn lửa bùng bùng cháy. Với người Pà Thẻn, đó không chỉ là một điệu nhảy lửa, đó còn là lòng biết ơn thần linh đã cho họ một mùa màng bội thu, là mong ước xua đuổi được ma quỷ, là hy vọng lửa có thể sưởi ấm được những nơi giá lạnh nhất bản làng, sưởi ấm được nơi sâu thẳm nhất của con người.
SAU CHỢ PHIÊN NHỘN NHỊP LÀ TẠM BIỆT HÀ GIANG CHẲNG NỠ CẤT LỜI
Trước khi trở lại Hà Nội, tôi không quên dành một buổi để đi chợ. Chợ phiên là một cái gì đó khiến người ta đầy tiếc nuối nếu không đến được khi ghé thăm nơi này. Hà Giang rải rác nhiều phiên chợ, nhưng phiên chợ nổi tiếng và đông nhất là chợ phiên Đồng Văn. Chợ chỉ họp vào một ngày duy nhất trong tuần là Chủ nhật. 3 giờ sáng khi trời còn mờ sương đã thấy người dân vượt núi để bắt đầu đi chợ, những cô gái xúng xính trong bộ trang phục đẹp nhất, mọi người vừa đi vừa cười nói rộn ràng. Phiên chợ dường như trở thành dịp đầy mong ngóng và háo hức trong lòng mỗi con người nơi đây. Bởi, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi chuyện trò, hỏi han, gặp gỡ của mọi người. Ở đó, người ta kể cho nhau đủ mọi câu chuyện, chuyện ngày cũ, chuyện mùa màng, chuyện gia đình, chuyện nương rẫy. Chợ ồn ào nhưng không huyên náo, người uống rượu cứ uống, người mua bán cứ mua bán, không ai đôi co trả giá.
Phiên chợ bắt đầu tàn vào 2 giờ chiều, dẫu còn nhiều lưu luyến nhưng người ta vẫn phải về sớm bởi con đường về nhà đầy cheo leo và cách trở. Người ta cạn nhau một chén rượu ngô trước khi chia tay, bắt tay thật chặt, cười với nhau thật tươi và không quên hẹn nhau vào một phiên chợ khác. Tôi ngồi ở phiên chợ ấy, lâu thật lâu khi mọi người đã bắt đầu gồng gánh ra về, vẫn nhớ da diết những cái vẫy tay của họ, có người chẳng quen tôi nhưng vẫn vẫy tay chào và mỉm cười thân thiện. Sau những nhọc nhằn vất vả, người ta vẫn cười thật tươi, vẫn lạc quan, vẫn hy vọng. Chắc vì vậy mà ở nơi đây, dẫu mới chỉ đến lần đầu, ít nhiều ai cũng thấy lòng mình thật ấm áp, rồi cứ để mơ mộng bay theo những giấc mơ giản đơn trong đời.
Sau phiên chợ, tôi cùng cả đoàn cũng về khách sạn thu dọn đồ đạc để sớm mai lên đường trở về Hà Nội sau hơn cả tuần rong ruổi Hà Giang. Sau chuyến đi, có nhiều người nhớ về những danh thắng nổi tiếng bậc nhất Hà Giang, lẽ tất nhiên rồi Hà Giang đẹp quá đỗi, vẻ đẹp hùng vĩ mà nên thơ. Còn tôi, tôi cũng ấn tượng sâu sắc với những điều đó, nhưng hơn cả tình yêu của tôi dành trọn cho con người Hà Giang, cho những nét văn hóa dân tộc đặc sắc và vẻ đẹp tâm hồn họ hiển hiện trên những con đường, những ruộng nương hay những nếp sinh hoạt thường ngày.
Ngày trở về, đoàn chúng tôi dừng chân ở một trạm nghỉ trên con đường Hạnh Phúc, ngắm nhìn những đứa nhóc chơi đùa. Đó là những đứa trẻ người Mông, Dao, Giáy, chúng cười hồn nhiên và vô tư lự. Kiếm lấy mấy viên kẹo trong balo cho chúng, chúng cảm ơn lại chúng tôi bằng những bó hoa hái trên rừng về. Mọi thứ quá đỗi nguyên sơ và chân thành.
Một thành viên trong đoàn bắt nhịp ca khúc “Vùng trời bình yên”: “…khuất lấp những đêm dài, mặt trời luôn chiếu soi cho em yêu đời, nắm tay ta về vùng trời bình yên…”. Có lẽ vậy, vùng trời bình yên chính là nơi chốn này đây, là khoảnh khắc này đây. Khẽ hít một hơi thật sâu, nghe đâu đó những nhánh lan rừng tỏa hương thoang thoảng. Lan rừng không rực rỡ như hồ điệp hay vũ nữ, lan hoa nhỏ, cánh trắng ngà, thơm nhè nhẹ. Qua những bản làng hay những ngôi nhà cheo leo nơi miền đá núi, tôi vẫn thấy người ta treo lấy mấy giỏ trước cửa. Một người bản Mông kể với tôi rằng, sở dĩ người Mông thích làm nhà như vậy để có thể nghe được tiếng gió thổi, tiếng núi rừng reo vang, để tâm hồn thuộc về đất trời tự do. Hình như từ ngàn đời nay nơi này vẫn thế, vẫn là một bản nhạc nhưng ngân nga theo cách riêng của mình. Bạn hỏi mai này tôi có trở lại Hà Giang nữa không, có chứ, nhất định tôi sẽ trở lại. Nếu một ngày vì những mải miết ngoài kia mà đánh rơi những điều đẹp đẽ nhất cuộc đời, tôi sẽ lại xách balo lên và về với Hà Giang, về với những giấc mơ miền đá núi, về với nơi khởi nguồn sự sống, về với con đường Hạnh Phúc.
W.TIPS
DI CHUYỂN
Di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội tới thành phố Hà Giang mất khoảng 7 tiếng, vì vậy nếu đi xe khách bạn nên đi vào buổi tối để sáng hôm sau có thể chào bình minh ở Hà Giang. Tại TP. Hà Giang cũng có nhiều dịch vụ cho thuê xe máy để du khách trải nghiệm các cung đường và khám phá các địa danh nổi tiếng.
THỜI ĐIỂM DU LỊCH
Bạn có thể ghé thăm Hà Giang bất cứ thời điểm nào trong năm vì mỗi mùa Hà Giang đều mang một vẻ đẹp riêng. Tháng 1-2 là thời gian diễn ra nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc nơi đây. Tháng 3, Hà Giang lãng mạn hơn với sắc hồng của hoa đào và sắc trắng hoa mận. Tháng 5-6 là mùa nước đổ trên các thửa ruộng bậc thang. Tháng 8-9 là mùa lúa chín nhuộm vàng. Tháng 10-11, Hà Giang mơ màng mùa hoa tam giác mạch. Tháng 12 là mùa hoa cải vàng sưởi ấm khung cảnh mùa đông dài nơi đây.
THỜI TIẾT
Từ tháng 7-9 là mùa mưa ở Hà Giang, vì vậy bạn nên chú ý theo dõi tình hình thời tiết khi di chuyển vào thời điểm này. Từ tháng 9 đến cuối năm bắt đầu là mùa đông ở Hà Giang, nhiệt độ có thể xuống đến 0oC vì vậy bạn nên chuẩn bị đồ ấm đầy đủ trước khi bắt đầu hành trình khám phá vùng đất núi non này.
CÁC ĐỊA ĐIỂM THĂM QUAN
>> Thị trấn Phó Bảng nằm sát nơi biên giới Việt – Trung, cách tuyến đường Yên Minh – Đồng Văn gần 5 km. Nơi đây mang vẻ đẹp cổ kính, huyền bí với những ngôi nhà đất mái ngói rêu phong đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa cổ.
>> Rừng thông Yên Minh: Di chuyển qua xã Cán Tỷ và núi đôi Quảng Bạ khoảng 40km, bạn sẽ đến được rừng thông Yên Minh xanh mướt, nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam.
>> Phố cổ Đồng Văn hơn 100 tuổi nằm ở thị trấn Đồng Văn với vỏn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau. Trải qua những thăng trầm thời gian nhưng những ngôi nhà phố cổ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp xưa cũ của nó.
>> Dinh thự vua Mèo hay còn gọi là dinh thự họ Vương có diện tích gần 3.000m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó. Dinh thự mang kiến trúc độc đáo, ảnh hưởng của ba phong cách kiến trúc: Trung Quốc, Pháp và của người dân tộc H’Mông.
>> Đèo Mã Pí Lèng là một đoạn dài 20km nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây xem là cung đường đẹp nhất vùng cao nguyên đá và cũng là cung đường hiểm trở thử thách độ can đảm của các phượt thủ. >> Làng văn hóa Lũng Cẩm nằm giữa thung lũng thơ mộng, với 61 hộ dân của ba dân tộc Lô Lô, Mông và Hán cùng sinh sống ở đây.
>> Nhà của Pao là bối cảnh chính trong bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”
>> Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Nơi đây có cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo và lưu dấu nền văn hóa ngàn đời của các dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao.
>> Dốc Thẩm Mã là con đường đèo có 9 khúc uốn lượn nổi tiếng, nằm trên quốc lộ 4C chạy từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc.
ẨM THỰC
Một số món đặc sản nổi tiếng của vùng đất này phải kể tới: cháo ấu tẩu, thắng cố, thịt gác bếp, thịt lợn cắp nách, phở chua, lạp xưởng, chè shan tuyết…
Đài Trang | Wanderlust Tips