Hachi8 – Khao khát chinh phục những đỉnh cao
- 13/09/2016
- ĐỐI THOẠI
- Bước chân Việt Nam - 4 cực 1 đỉnh, Editor picks, Hachi8, Hành trình cao nguyên đá, Ngô Huy Hòa, phượt thủ
(#wanderlysttips) Ngô Huy Hoà nổi tiếng trong cộng đồng những yêu du lịch, nhiếp ảnh và ưa dịch chuyển với nickname Hachi8. Niềm đam mê nhiếp ảnh cùng với tình yêu thiên nhiên đất nước đã thôi thúc anh chàng từng là kỹ sư xây dựng bước ra khỏi vòng tròn ổn định và đặt chân đến khắp mọi miền của Tổ quốc.
[rpi]
Những bức ảnh cùng với kinh nghiệm khám phá của anh được chia sẻ và lan truyền rộng rãi trên facebook và các diễn đàn du lịch là một nguồn động lực với những ai đam mê và chuẩn bị bước chân vào hành trình chinh phục vùng đất mới. Bên cạnh niềm đam mê du lịch, công việc viết sách, Ngô Huy Hòa hiện tham gia vào nhiều dự án nhiếp ảnh của cá nhân và các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, anh cũng ấp ủ dự định cho ra mắt một website riêng về du lịch khám phá Việt Nam.
PV: Chào anh Hachi, anh có thể chia sẻ cơ duyên đến với niềm đam mê du lịch tự trải nghiệm và khám phá? Mục đích của những chuyến đi đó là gì?
Từng là nhân viên văn phòng trong một thời gian dài, những chuyến đi dịp cuối tuần và kỳ nghỉ lễ đã trở thành một phần giúp tôi thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Qua những chuyến đi như thế, tôi dần nhận ra niềm đam mê thật sự của mình dành cho nhiếp ảnh và những chuyến trải nghiệm. Du lịch tự khám phá là một hình thức giúp tôi chủ động hơn với những điểm đến và hành trình của mình. Ban đầu là những chuyến đi ngắn ngày với bạn bè quen, sau dần có thể độc hành và những chuyến dài ngày hơn.
Ngoài việc “săn” được những khung hình đẹp, những chuyến đi khiến tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí báu cho bản thân thông qua những người bạn đồng hành, những vùng đất, con người, văn hóa nơi tôi đặt chân đến.
Đặc biệt, những chuyến đi đến các các vùng miền Việt Nam cũng khiến tôi sống có ý nghĩa hơn, ý thức sẻ chia và mong muốn kêu gọi cộng đồng cùng sẻ chia thông qua các hoạt động thiện nguyện hướng tới trẻ em vùng cao nói riêng và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước Việt Nam nói chung.
PV: Gần đây anh thường xuyên chia sẻ hình ảnh những ngọn núi hùng vĩ, tại sao anh lại khao khát chinh phục những đỉnh núi cao, hiểm trở như vậy?
Tôi yêu thiên nhiên và đặc biệt là những không gian hùng vĩ, nơi giao thoa đất trời. Ngoài ra, cảm giác được chinh phục, được đặt chân đến những nơi hiểm trở khiến tôi phấn khích hơn.
PV: Chinh phục nhưng ngọn núi hiểm trở ít người đặt chân tới ngay cả với những người bản địa đòi hỏi phải có niềm đam mê, sự quyết tâm và sức khỏe? Anh đã gặp những khó khăn trở ngại gì trên con đường chinh phục của mình? Có hành trình nào khó khăn tới mức khiến anh từng muốn bỏ cuộc?
Những vùng núi luôn hiểm trở và ít dấu chân người nên đòi hỏi người khám phá phải có bản lĩnh và kỹ năng. Trở ngại và khó khăn thì có nhiều từ việc: địa hình hiểm trở, địa mạo phức tạp, khí hậu bất thường… nhưng với tôi thì việc không xác định được phương hướng là nguy hiểm hơn cả. Nhiều vùng núi như Phàn Liên San, Tả Liên… dù đã mất nhiều công sức nghiên cứu bản đồ và tìm người dân bản địa đi cùng; tuy nhiên việc định hướng đường lên đỉnh núi khó khăn, đã khiến tôi nhiều lần muốn bỏ cuộc. Với khu rừng Tả Liên, việc tính toán mở lối sai đã khiến chúng tôi phải ngủ ngồi tại sườn núi trong điều kiện thiếu thốn vô cùng, hành trình kéo dài thêm 1 ngày đêm.
PV: Anh có thể kể về những kỷ niệm đặc biệt trên những cung đường anh đã đi qua?
Đó có thể là đêm tối mò mẫm nơi rừng thiêng biên giới Việt – Trung, đường từ đỉnh Pu Si Lung về mốc 42. Những tiếng động lạ mà các chiến sĩ biên phòng lo ngại là thú dữ khiến những đôi chân mỏi mệt trở nên nhanh hơn bao giờ hết. Đó là hành trình leo núi Nhìu Cồ San những ngày băng tuyết. Những thân cây thảo quả bị hóa băng thật huyền ảo và thú vị trong con mắt của kẻ khám phá. Đó có thể là những giây phút sinh tử, bị ngã vào vót chông khi chạy trú mưa đá và sấm chớp trên đỉnh Nam Kang Hô Tao. Dù có rất nhiều khó khăn nhưng trên tất cả là những khoảng khắc đẹp về những chặng đường đã đi của tôi.
PV: Được biết, anh đã xuất bản cuốn “Bước chân Việt Nam – 4 cực 1 đỉnh”, một trong số ít những cuốn sách mà dân ưa dịch chuyển nằm lòng, anh có thể chia sẻ thêm về cuốn sách và thông điệp anh gửi gắm thông qua cuốn sách này.
“Bước chân Việt Nam – 4 Cực, 1 đỉnh” là một cuốn sách kể về hành trình khám phá 4 điểm cực của Tổ quốc, đó là cực Bắc (Lũng Cú, Hà Giang); cực Tây (Apa Chải, Điện Biên); cực Đông (Mũi Đôi, Khánh Hòa); cực Nam (Năm Căn, Cà Mau) và đỉnh Fansipan nơi cao nhất Đông Dương. Bên cạnh những điểm đến, những khung hình đẹp là những kinh nghiệm thực tế tôi tích lũy được và mong muốn chia sẻ với bạn đọc, những người yêu du lịch. Trên tất cả, tôi đặc biệt muốn truyền tình yêu quê hương Tổ quốc tới các bạn trẻ Việt Nam.
PV: Từng là một kỹ sư xây dựng, công việc này có hỗ trợ anh trong những hành trình tự trải nghiệm? Việc viết sách có gặp khó khăn với một chàng trai kỹ sư? Anh sắp xếp thời gian thế nào để cân đối giữa công việc và niềm đam mê?
Như đã chia sẻ trong sách “Bước chân Việt Nam”, công việc kỹ sư xây dựng trước đây giúp tôi có một tư duy logic trong mọi vấn đề, biết đọc hiểu và phân tích địa hình, bản đồ từ đó dễ dàng hơn trong việc định hướng, lên lịch trình, kế hoạch hợp lý, và đã tạo nên thành công của tôi trong mỗi chuyến đi. Đó còn là việc phân bổ công việc, xin nghỉ phép kết hợp nghỉ lễ, các hành trình cũng kết hợp nhiều phương tiện giao thông khác nhau từ máy bay đến đi bộ… Hiện tại thì công việc chụp hình cũng giúp tôi chủ động hơn với các chuyến đi.
PV: Theo anh yếu tố nào đảm bảo cho sự an toàn trong những chuyến khám phá mạo hiểm?
Tôi nghĩ đó là sự hiểu biết về vùng đất mà mình sẽ đặt chân tới. Khi đã hiểu thì bạn sẽ lường trước được những mối hiểm nguy để có phương án chuẩn bị tốt. Đó không chỉ là chuẩn bị về hành trang, sức khỏe và kỹ năng mà quan trọng nhất là tinh thần.
PV: Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn trẻ cũng có cùng đam mê? Những vật dụng cơ bản nên mang theo trong chuyến leo núi?
Một hành trình leo núi sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự chuẩn bị. Ngoài những đồ dùng thiết yếu cho chuyến đi dài ngày thì vật bất ly thân chính là dụng cụ sinh tồn. Đó là một con dao tốt, một bộ đánh lửa trong mọi điều kiện thời tiết và những viên thuốc giảm đau, hạ sốt, tiêu hóa… Đặc biệt là thiết bị định vị, đó có thể là máy GPS hay điện thoại đã cài đặt bản đồ và đừng quên pin dự phòng. Dụng cụ sinh tồn và thiết bị định vị là những vật bắt buộc phải có trong hành trình leo núi của tôi.
PV: Anh đã đi nhiều và thường chia sẻ kinh nghiệm về những nơi đã đến. Anh yêu vùng đất nào nhất trên dải đất quê hương? Đầu năm 2016 anh đã đi những đâu?
Tôi đi nhiều và cũng dành tình cảm với mọi vùng đất quê hương nhưng với tôi đặc biệt nhất đó là vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Mảnh đất nơi cực Bắc Tổ quốc này có địa hình phức tạp nhưng lại luôn mang tới nhiều xúc cảm với dân ưa xê dịch như tôi. Chính vì thế, cuối tháng 6 vừa qua, tôi đã xuất bản cuốn sách “Hành trình cao nguyên đá” – một cuốn cẩm nang du lịch thú vị về mảnh đất này và tôi rất vui vì nhận được nhiều ủng hộ của bạn bè cũng như nhưng phản hồi tích cực từ phía độc giả đặc biệt là những bạn trẻ đam mê du lịch và dành tình yêu đặc biệt với mảnh đất Hà Giang.
Ngoài ra, trong năm 2016, tôi đã khởi đầu bằng hành trình đi thuyền dọc dòng Sông Đà kỳ vĩ tại Lai Châu, khám phá Tây Trường Sơn, về miền đất cô đô Huế, chạy xe máy dọc biển Nam Trung Bộ và khám phá vùng núi Đà Lạt, Lâm Đồng…
PV: Được biết, mục tiêu đầu năm 2016 của anh là chinh phục 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam? Kế hoạch đó của anh đã hoàn thành? Từ tháng 10 là thời điểm thích hợp nhất để khám phá những đỉnh núi, chắc chắn anh đã chọn được mục tiêu cho mình ?
Hiện tại, chỉ có 5 đỉnh núi cao trên 3.000m được khám phá tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều khu vực núi dù thấp lại có địa hình hiểm trở cũng như cảnh quan độc đáo hơn cả. Vào tháng 3 năm nay với hai chuyến lên đỉnh Phàn Liên San và Pu Ta Leng đã khép lại nhóm 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà tôi đã lên kế hoạch từ lâu. Leo núi thích hợp vào mùa khô là từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, khi đó thời tiết ổn định giúp cho việc trekking dễ dàng, trải nghiệm được nhiều hơn. Hành trình của tôi đôi khi ngẫu hứng, tôi sẽ tiếp tục khám phá những đỉnh cao và chia sẻ với cộng đồng.
PV: Dự định xa hơn của anh là gì, xuất bản một cuốn sách về hành trình chinh phục những đỉnh núi chăng? Anh là một trong những phượt thủ dày dạn kinh nghiệm, có thể coi như lớp phượt thủ dẫn dắt, tạo xu hướng, anh có nghĩ lựa chọn của anh chính là định hướng với nhiều bạn trẻ đam mê khám phá? Anh muốn nhắn nhủ điều gì với những bạn trẻ đam mê du lịch?
Đúng vậy, tình yêu với những ngon núi luôn thôi thúc tôi khám phá, chinh phục và tôi muốn xuất bản một cuốn sách về những đỉnh cao trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Qua đó, tôi muốn truyền tình yêu thiên nhiên, yêu mảnh đất quê hương tới không chỉ giới trẻ Việt Nam mà còn bạn bè quốc tế. Khi có tình yêu thì các bạn sẽ đi có ý thức hơn, những nhà quản lý sẽ có tâm hơn với việc giữ gìn thiên nhiên và bản sắc văn hóa mỗi vùng miền.
PV: Cảm ơn anh về những chia sẻ đậm chất khám phá. Chúc anh có thêm nhiều hành trình thú vị và thành công với những dự án đang ấp ủ.
HanHan | Wanderlust Tips | Cinet