Halloween: Ngày lễ ma quỷ đã đến

Cứ đến những ngày gần cuối tháng 10, cả thế giới từ phương Tây đến các nước phương Đông đều hào hứng chờ đến một mùa lễ hội Halloween kỳ bí. Ngày lễ ma quỷ hoàn toàn chìm trong một màu tăm tối với những lâu đài rùng rợn, nghĩa địa hoang vắng, những linh hồn “vất vưởng” và rất nhiều câu truyện, truyền thống độc đáo thu hút mọi người.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Halloween: Ngày lễ ma quỷ đã đến

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Halloween: Ngày lễ ma quỷ đã đến

Halloween (viết đầy đủ là “All Hallows’ Evening”) hay còn được biết đến với tên gọi Hallowe’en có niên đại khoảng năm 1745, bắt nguồn từ Kitô giáo. Từ “Halloween” có ý nghĩa một buổi tối linh thiêng hay thánh thiêng bắt nguồn từ thuật ngữ Scotland All Hallows’ Eve (buổi tối vọng Lễ Chư Thánh). Thời gian trôi đi, All Hallows’ Eve dần biến đổi và cuối cùng trở thành Halloween. Tại Anh Quốc, ngày lễ Halloween đôi khi được gọi là Nutcrack Night hoặc Snap Apple Night vì mọi người trong gia đình sẽ ngồi quanh lò sưởi, kể cho nhau nghe những câu chuyện và cùng ăn đậu phộng rang hoặc nhai táo.

Vào năm 43 (theo Tây lịch kỷ nguyên), người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (bây giờ là Anh Quốc). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt, một trong hai lễ đó là Feralia được cử hành vào cuối tháng Mười để vinh danh những người đã chết, lễ thứ hai dành cho Pomona – nữ thần La Mã về cây và quả. Sau ngày lễ Chư Thánh, tại Anh Quốc còn có ngày “Các vong hồn” diễn ra vào ngày 2 tháng 11. Vào ngày 1/11 hàng năm, người Celt sẽ tổ chức lễ hội Samhain để đánh dấu cho sự kết thúc của mùa hè và thời tiết chuyển dần sang đông, đây cũng là thời điểm để khởi đầu một năm mới. Họ tin rằng khi mùa hè kết thúc và mùa đông lạnh lẽo, tràn đầy bóng tối bắt đầu kéo đến thì vào đêm trước của năm mới (tức ngày 31/10), ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt, khiến những linh hồn đã khuất tìm đường về cõi sống. Do đó vào ngày này, người dân thường dập tắt các đám lửa trong nhà của họ, biến bản thân trở nên lạnh lẽo và hy vọng các linh hồn sẽ bỏ qua. Đồng thời, họ cũng có tục lệ mặc các trang phục mô phỏng ma quỷ, diễu hành ồn ào quanh các khu phố để trấn an nỗi lo sợ các linh hồn.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Halloween: Ngày lễ ma quỷ đã đến

Đốt lửa

Trong ngày lễ Halloween suốt cả trăm năm qua, người ta vẫn thường đốt lửa với hi vọng mặt trời của ban ngày lại chiếu sáng và lưu lại trong không gian lâu hơn, giúp cho mùa màng bội thu. Đống lửa rực sáng này thu hút nhiều muỗi, cú và dơi – những động vật cấu thành sự tích đêm các Thánh và cũng là ánh sáng giúp con người tránh xa linh hồn quỷ dữ. Trong khoảnh khắc đó, mọi người sẽ hóa trang thành hình dạng khác với niềm tin rằng chỉ vậy mới giúp họ sống như một con người khác, không còn là bản thân mình nữa. Ngoài ra, những bộ trang phục và mặt nạ sẽ làm cho các linh hồn quỷ dữ nhầm lẫn và góp phần xua đuổi chúng.

Trang trí lồng đèn

Lễ hội đèn lồng vốn bắt nguồn từ tập quán của người Ireland. Theo truyền thuyết kể lại, Jack là người nổi tiếng nghiện rượu nhưng lại có tư chất thông minh. Ông đã lừa con quỷ Satan hết lần này đến lần khác, lúc “quỵt” tiền rượu, lúc lại lừa trói quỷ lên gốc cây và chỉ chịu thỏa hiệp khi nó bằng lòng không đi theo, trêu chọc anh nữa. Do ngày còn sống quá tinh ranh nên lúc chết đi, ông không được lên thiên đàng hay xuống địa ngục, phải lang thang nhiều nơi tìm kiếm một chỗ trú chân qua ngày. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho ông trong giá lạnh là ngọn nến leo lét trong củ khoai tây thối và sau này, trẻ em thường chơi trò đục khoét quả bí ngô, củ khoai tây hoặc bí đao, sau đó khắc hình thù những khuôn mặt lên đó, đặt nến vào bên trong để thắp sáng. Những chiếc lồng đèn này được gọi là “Jack O’Lantern”.

Lễ hội hóa trang

Hóa trang là phong tục phổ biến nhất đồng thời cũng là nét đẹp vào ngày lễ ma quỷ Halloween, đặc biệt với những đứa trẻ luôn ngập tràn ý tưởng sáng tạo. Nếu ngày xưa, trẻ nhỏ thường hóa thành phù thủy, quá vật, hồn ma thì giờ đây, các nhân vật đã được “nâng cấp” thêm, trở thành đủ những siêu anh hùng, sinh vật siêu nhiên hay các con vật nổi tiếng trong bộ phim hoạt hình được ưa chuộng. Hóa trang cho tới nay vẫn là hoạt động nổi bật nhất trong ngày hội ma quỷ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Halloween: Ngày lễ ma quỷ đã đến

Trick – or – Treat

Trong suốt lễ hội Samhain của dân tộc Celt, vị thần Druids cho rằng người chết sẽ tìm đến, mang theo hoang mang, lo sợ và phá hoại con người. Những hồn ma đi lại, ăn xin và đến bất cứ nhà nào, gia chủ cũng phải cung cấp thức ăn cho chúng. Chính vậy trong suốt tuần lễ Halloween, trẻ em phương Tây rất hứng thú với trò “gõ cửa xin ăn” này. Chúng mặc trang phục hóa trang, đeo mặt nạ, cầm đèn lồng bí ngô rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói câu “trick-or-treat”. “Trick” nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm, “Treat” là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Câu này có nghĩa: “Nếu không muốn chúng tôi chơi xấu, hãy đãi cái gì đi.” Thông thường những người láng giềng luôn muốn tránh trò đùa nghịch (trick) nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong).

“Đớp táo”

Trong thời kỳ La Mã xâm chiếm, nhiều phong tục của người La Mã theo đó đã du nhập vào đất Celtic, trong đó có lễ hội thờ nữ thần mùa màng Ponoma – vị thần thường “ẩn náu” trong giỏ hoa quả. Trong đó, táo là một thứ hoa quả linh thiêng dùng để thờ cúng thần linh để từ đó, nhiều trò chơi có liên quan đến loại quả này xuất hiện trong lễ hội Samhain. Có rất nhiều hình thức giải trí liên quan đến táo trong đêm Halloween, phổ biến nhất là cuộc ganh đua, thi nhau lấy được thật nhiều quả táo trong thau nước hoặc thi gọt vỏ táo, nếu lớp vỏ càng dài thì càng sống lâu đó… Phong tục lấy táo vào đêm các Thánh không phải là trò chơi mà vốn là một nghi lễ lấy may, người nào càng lấy được nhiều táo, người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới. Thiếu nữ nào bắt được quả táo chắc chắn cô ấy sẽ kết hôn năm đó.

Ý nghĩa

Đối với các quốc gia châu Âu và châu Mỹ, ngày Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hàng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ngày lễ ma quỷ không có nghĩa tôn vinh “thế lực xấu xa” mà thay vào đó giáo dục con người sống phải có lòng từ bi, lương thiện, không nên ích kỷ, tham lam và biết giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Hơn thế, Halloween còn như một lời khuyên răn, nhắc nhở loài người đừng nên chơi đùa với quỷ dữ. “Quỷ dữ” ở đây có thể hiểu là những trò lừa lọc, giả dối làm hại đến người khác. Chính sự tinh quái tai hại đó sẽ lôi kéo bạn vào con đường tội lỗi, ngập đầy cám dỗ. Chính vậy, lễ hội Halloween mỗi năm chỉ có một ngày duy nhất để cảnh tỉnh mọi người về cái thiện, các ác dẫu vẫn luôn tồn tại song song nhưng đến cuối cùng, chỉ ánh sáng tốt đẹp mới tồn tại mãi mãi.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Ngày hội ma quỷ đã đến

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Ngày hội ma quỷ đã đến

Treat-or-Treat từng bị tạm ngưng: Trong Thế chiến II, phong tục Treat-or-Treat đã từng phải hoãn lại do các con đường bị hạn chế di chuyển. Đến năm 1952, trò chơi này mới quay trở lại phổ biến với sự giúp đỡ của truyện tranh Peanuts và tạp chí Jack and Jill của trẻ em.

Mèo đen không được xuất hiện: Trong ngày lễ Halloween, mèo đen – thuộc hạ thân cận của phù thủy tuyệt đối không được xuất hiện trong nhà. Thậm chí, việc nhìn thấy mèo đen trong suốt tháng 10 còn được tin sẽ mang đến điều xui xẻo.

Củ cải thay thế bí ngô: Với các quốc gia phương Tây, bí ngô là biểu tượng cho ngày lễ Halloween nhưng riêng nước Anh, người dân lại chọn củ cải để làm lồng đèn, còn người Ireland và Scotland lại lấy khoai tây hoặc củ cải thay thế bí ngô phổ biến.

Ngày lễ với doanh thu khổng lồ: Lễ hội Halloween đem lại nguồn doanh thu lớn chỉ đứng sau mùa Giáng sinh hàng năm.

Samhainophobia: Nghe thật kỳ lạ nhưng đây là tên gọi của hội chứng sợ Halloween.

Cú – hình ảnh phổ biến trong Halloween: Tại châu Âu thời Trung cổ, người dân tin rằng cú là phù thủy và nghe tiếng chúng kêu có nghĩa ai đó sắp chết.

Niềm tin của các cô gái Scotland: Họ tin rằng có thể nhìn thấy hình ảnh của chồng tương lai nếu treo những tấm khăn ướt trước bếp lửa vào ngày Halloween. Các cô gái khác lại tin họ sẽ nhìn thấy khuôn mặt của bạn trai nếu nhìn vào gương khi đi xuống cầu thang vào lúc nửa đêm trong ngày Halloween.

Lễ Halloween tại Hồng Kông: Được gọi là Yue Lan hoặc “Lễ hội của những con ma đói”, ngày lễ nổi bật với ngọn lửa cháy sáng và thức ăn, quà tặng được cung cấp để xoa dịu những con ma có thể đang tức giận tìm cách trả thù.

Halloween không được chào đón: Ở nhiều quốc gia như Pháp và Úc, Halloween được coi là một ảnh hưởng không mong muốn và quá thương mại từ Mỹ.

Wanderlust Tips | Cinet

Comments are closed.