Hành hương tới núi Koya: Thánh địa Phật giáo Nhật Bản hơn 100 ngôi đền

Đến núi Koya, ngọn núi thiêng với hơn 100 ngôi đền ở Nhật Bản, du khách được tận hưởng không khí tĩnh lặng, yên bình tại vùng núi được mệnh danh là Thánh địa Phật giáo “đất nước Mặt trời mọc”.

[rpi]

Hành hương tới núi Koya - thánh địa Phật giáo Nhật Bản với 117 ngôi đền - Wanderlust Tips

Núi Koya là một ngọn núi tại tỉnh Wakayama, phía Nam Osaka, Nhật Bản, có niên đại lên đến 1200 năm. Thế kỷ thứ 9, một nhà sư tên là Kukai (Không Hải Đại Sư) đã đến vùng núi Koya với hy vọng tìm địa điểm thích hợp cho việc tu hành của Chân Ngôn Tông (Shingon). Cuối cùng, ông đã chọn được thung lũng sâu 800m, được bao quanh bởi 8 đỉnh núi giống như cánh hoa sen tám cánh.

Hiện nay, núi Koya là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Nhật Bản với mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng tụng kinh của các nhà sư và nghĩa trang lạnh lẽo trong những cánh rừng già. Bên sườn núi hình thành một thị trấn Koya trên đỉnh núi với một trường đại học nghiên cứu, giảng dạy tôn giáo và hơn 100 ngôi đền, chùa. Vùng núi thiêng của Nhật Bản được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2004.

Hành hương tới núi Koya - thánh địa Phật giáo Nhật Bản với 117 ngôi đền - Wanderlust Tips

Nhờ ảnh hưởng của Thiên hoàng Saga, vùng núi Koya bắt đầu nổi tiếng trên lãnh thổ Nhật Bản. Trong thời đại Edo (1603-1868), có khoảng 1.000 đền thờ được xây dựng tại ngọn núi này. Núi Koya là một phần trong tuyến đường hành hương cổ xưa gọi là Kumano Kodo. Du khách sẽ đi bộ xuyên những rừng cây tuyết tùng, cây bách cao chót vót, vượt qua thác nước tung bọt trắng xóa và tham quan các ngôi đền lơ lửng trong biển mây. 

Không giống như hầu hết các nơi khác ở Nhật Bản ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn cho các du khách nhờ việc luôn nâng cấp, cải thiện hệ thống giao thông hay các phương tiện di chuyển, núi Koya vẫn nằm ẩn mình, không xô bồ.

Người ta chỉ có thể đến đây bằng các chuyến tàu hỏa địa phương hoặc xe buýt. Sau đó sẽ có cáp treo dài 900m từ chân núi lên thị trấn Koya, đi qua Daimon cao hai tầng được bảo vệ bởi những bức tượng thần Kongorikishi oai nghiêm. Một số người hành hương vẫn đi bộ trên đường mòn Choishimichi dài 21 km đến núi Koya như truyền thống.

Trước năm 1872, phụ nữ không được đặt chân vào thị trấn Koya vì đây là vùng đất thiêng của samurai, thay vào đó họ sẽ cầu nguyện tại hội trường Nyonin-do dưới chân núi.

Mặc dù nó tương đối gần với Osaka – Thành phố du lịch nổi tiếng của Nhật Bản nhưng để đến núi Koya có thể mất khá nhiều thời gian.

Vùng đất linh thiêng

Hiện nay ở núi Koya có tới 117 ngôi đền, chùa linh thiêng, đón khoảng 2 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Chính vì thế, nó được mệnh danh là Thánh địa Phật giáo “đất nước Mặt trời mọc”. Mỗi ngôi đền, ngôi chùa đều rất cổ kính và đẹp đẽ từ những cánh cổng đầu tiên cho tới những chi tiết bên trong. Đặc biệt nhất phải kể đến 20 công trình ở Danjo Garan (Đàn Thượng Già Lam) – một tổ hợp các đền chùa, tượng tạc trên núi Koya.

Danjo Garan là một khu phức hợp bao gồm nhiều công trình kiến ​​trúc tôn giáo, cả Phật giáo và Thần đạo. Bao gồm một điện thờ, tháp chuông, chùa, khu vực lưu trữ kinh sách cổ, phòng hành lễ dành riêng cho các vị thần khác nhau và địa điểm chỉ có Kobo Daishi – người sáng lập nổi tiếng của nơi tâm linh này – được phép thiền định, là một kho báu thắng cảnh thần thánh. Đi lang thang trong khu phức hợp rộng lớn này là một cuộc hành trình tráng lệ qua một số lịch sử đáng kính nhất Nhật Bản.

d5 1

Ngay kế bên Danjo Garan là ngôi chùa hai tầng Konpon Daito cao 47m. Tại đây, du khách có thể thanh lọc tâm hồn bằng cách thoa hương liệu lên tay và cầu nguyện trước bức tượng đồng Dainichi Nyorai (Đại Nhật Như Lai), tác phẩm nghệ thuật biểu tượng của Kim Cương thừa. Bức tượng được che chắn bởi 4 bức tượng và 16 cột sơn tạo nên bản đồ ba chiều của vũ trụ.

Còn có ngôi đền Kongobuji – ngôi đền đứng đầu trong hệ phái Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản. Giữa rất nhiều đền thờ và lăng mộ nằm rải rác khắp thị trấn, đền Kongobuji nổi bật là một trong những công trình kiến ​​trúc hùng vĩ nhất. 

Ban đầu ngôi chùa được Kobo Daishi, cha đẻ của Phật giáo Shingon, tạo ra vào năm 816. Hồi đó, nó có nhiều điểm khác biệt về tên gọi và diện mạo so với thời điểm hiện tại. Ngôi đền sau đó đã thay đổi diện mạo nhiều lần, đặc biệt nhất là vào năm 1593 bởi Toyotomi Hideyoshi, một lãnh chúa phong kiến ​​nổi tiếng đã dựng lại nó như một đài tưởng niệm người mẹ đã khuất của mình.

de 1

Ngôi đền còn có vườn đá Banryutei, nơi có hơn 100 viên đá granit lớn rải rác trong khu vườn rộng 2.340 mét vuông, mô tả hai con rồng bay lên từ biển mây, được coi là có nhiệm vụ bảo vệ ngôi đền. Khu vườn này chỉ mới được xây dựng vào năm 1984, nhưng quy mô và vẻ đẹp của nó đã tạo nên sự nổi tiếng vô cùng lớn trên khắp Nhật Bản.

Tuy nhiên, đỉnh cao của bất kỳ cuộc hành trình nào đến núi Koya chính là Okunoin, lăng của Kobo Daishi – nơi được vinh danh là địa điểm thiêng liêng hơn cả. Muốn đến đền Okunion, du khách phải đi qua cây cầu Ichinohashi. Tại đây, bạn phải cúi đầu thể hiện sự thành tâm của mình trước Kobo Daishi trước khi đặt chân lên cầu. Bên kia cầu là khuôn viên nghĩa trang Okunoin, nghĩa trang lớn nhất Nhật Bản với hơn 200.000 bia mộ nằm dọc con đường dài gần 2km. Cuối con đường là lăng của Kobo Daishi.

Các lãnh chúa, samurai xưa kia của Nhật Bản rất kính trọng Kobo Daishi nên thường xuyên thăm mộ của ngài, mong muốn được chôn cất tại nghĩa trang Okunoin sau khi họ qua đời. Người dân Nhật tin rằng Kobo Daishi không qua đời, ông chỉ đang ngồi thiền giữa chốn thanh tịnh và chờ đợi Đức Phật, đồng thời phù hộ độ trì cho những người dân đến cầu ban phúc lành.

nt 4

Ngay trước lăng mộ của Kobo Daishi là sảnh Torodo. Trong sảnh có treo hơn 10.000 chiếc đèn lồng luôn được thắp sáng suốt bao nhiêu năm qua, không bao giờ tắt. 2 lần 1 ngày tại đây còn diễn ra nghi lễ dâng thức ăn đến Kobo Daishi, được gọi là “Shoujingu”.

Đặc sắc văn hóa

Tại Nhật Bản, một số giáo phái Phật giáo không quá nghiêm ngặt như ở Thái Lan hay Bhutan – nơi mà mọi người bị cấm uống rượu khi ở gần đền, chùa. Ngoài ra, theo sử sách, các thầy tu cũng được phép kết hôn, sinh con đẻ cái và không bị ép buộc chỉ được ăn chay trường. Truyền thống đó được các nhà sư tiếp nối cho đến ngày hôm nay. 

Tuy được uống bia, nhưng các món ăn tại chùa lại hoàn toàn là đồ chay đạm bạc, phù hợp với tinh thần Phật giáo. Thịt, cá, trứng là những món ăn không có trong thực đơn. Người Nhật gọi phong cách ẩm thực này là Shojin ryori – món ăn chay trong đền, chùa. Sau mỗi bữa ăn, du khách thường được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Phật giáo Nhật Bản cũng như phong tục tập quán, văn hóa của đất nước này.

a

Một trong những trải nghiệm độc đáo du khách không nên bỏ qua khi đến núi Koya là ngủ tại shukubo. Ở shukubo, khách du lịch được tận hưởng những tiện nghi gần giống ryokan (nhà trọ kiểu Nhật), với gian phòng trải chiếu tatami và nệm futon. Bên cạnh việc ngủ lại ở ngọn núi này, du khách còn được phát cho hai bản đọc bằng tiếng Nhật hoặc Anh nếu muốn tham gia tụng kinh, cầu nguyện cùng các sư thầy.

s 3

Núi Koya sẽ là một địa điểm thích hợp để bạn tìm về sự bình yên, thanh tịnh, nơi có những giá trị văn hóa, lịch sử linh thiêng của xứ Phù Tang. Đây sẽ là một hành trình đầy giá trị cả về mặt trải nghiệm với những con đường mòn trên núi và cả về tinh thần khi tiếp nhận nhưng nét văn hóa, kiến trúc đặc sắc nơi đây.

Ảnh: Internet

Wanerlust Tips | Cnet.