Henna, nghệ thuật vẽ hình đặc trưng của văn hóa Ấn Độ
- 06/04/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Ấn Độ, du lịch Ấn Độ, Editor picks, vẽ Henna
Ấn Độ nổi tiếng là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại, đất nước Nam Á này có cả một kho tàng văn hóa khổng lồ cực kỳ đa dang và đặc sắc. Một trong những nét văn hóa đặc trưng và nổi bật cho con người Ấn Độ là Henna, những hình vẽ nhỏ đầy nghệ thuật, vô cùng độc đáo.
[rpi]
Nguồn gốc của nghệ thuật vẽ Henna
Môn nghệ thuật này ra đời vào khoảng thế kỷ XII và đã tồn tại được gần 900 năm cho đến nay. Đây là môn nghệ thuật phổ biến trên khắp thế giới, tuy nhiên nó lại phát triển mạnh mẽ và được biết đến nhiều hơn ở khu vực Trung Đông và Ấn Độ.
Theo sử sách, nghệ thuật vẽ Henna ở Ấn Độ được những người Hồi giáo của Ả Rập truyền bá, sau đó nhanh chóng trở thành một nét đặc trưng văn hóa riêng cực kỳ độc đáo của Ấn Độ.
Nguyên liệu vẽ Henna
Sở dĩ Henna là tên của một loài thực vật từng dùng làm thuốc nhuộm từ hàn ngàn năm trước. Đây là một loại cây có hoa mọc thành từng chùm nhỏ màu trắng, khi già chuyển màu đỏ có mùi thơm hăng hắc.
Ban đầu, Henna được dùng như một thứ thuốc nhuộm đơn thuần. Sau này người ta lấy lá cây phơi khô, nghiền thành bột, sau đó trộn với nước trà đặc hay nước cốt chanh cho đến khi thu được chất giống như kem đánh răng, rồi dùng nó vẽ những đường nét hoa văn nghệ thuật lên cơ thể.
Từ đó loại cây này trở thành nguyên liệu chính để chế tạo màu vẽ Henna. Ngày nay, người ta còn làm nhiều loại mực vẽ từ phẩm màu, hoá chất hay các chất phụ gia. Vì vậy, màu sắc cũng đa dạng hơn, ngoài màu nâu đỏ tự nhiên thì còn có màu đen, màu trắng,…
Người Ấn Độ vẽ henna vào dịp gì?
Vẽ Henna là một kiểu trang điểm đặc trưng của người Ấn Độ. Kiểu vẽ nghệ thuật này thường được thực hiện với mục đích tôn giáo và xuất hiện trong các dịp lễ hội.
Ở Ấn Độ, những người phụ nữ (kể cả những cô gái chưa lập gia đình) đều vẽ Henna để làm đẹp. Tuy nhiên, vào một số dịp đặc biệt thì đàn ông cũng có những hình vẽ này.
Bên cạnh đó, đây cũng là một nghi thức truyền thống bắt buộc trong lễ cưới. Trước lễ cưới của mình, các cô dâu sẽ vẽ lên mặt trước và sau của lòng bàn tay, cẳng tay, cho đến trên khuỷu tay, và trên bàn chân cho đến dưới đầu gối.
Điều này không bắt buộc với chú rể, nhưng họ cũng có thể tham gia với hình thức vẽ đơn giản.
Vẽ Henna trong đám cưới tượng trưng cho một tình yêu trung thủy và ước mong vào cuộc hôn nhân bền vững lâu dài. Cũng từ nét văn hóa độc đáo này mà người ta có cụm từ “The night of Henna” để chỉ thời điểm quan trọng của một cô gái trẻ trước khi lập gia đình.
Cách vẽ Henna
Hiện tại, có rất nhiều công cụ để vẽ Henna. Trong đó phải kể đến khuôn hình nón giống dụng cụ vẽ chữ trên bánh sinh nhật.
Khi vẽ, người ta cho màu vào dụng cụ này, sau đó bóp màu đều tay nhằm tạo ra những đường nét hoa văn sắc sảo. Để hình vẽ có màu đẹp và tự nhiên, người được vẽ phải kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ cho đến khi màu khô lại.
Ban đầu, hình vẽ có màu đen, đợi khi màu khô lại, nó sẽ thành màu đỏ nâu. Và chỉ duy nhất màu đỏ nâu là màu mực tự nhiên, các màu khác đều không phải.
Môn nghệ thuật này đòi hỏi người vẽ phải thưc sự tỉ mị, cẩn thận và có độ tập trung cao. Để vẽ được những họa tiết henna hoàn hảo, người vẽ phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Tùy diện tích vẽ lớn hay nhỏ mà thời gian để hoàn thành henna cũng khác nhau, trung bình phải mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh.
Lòng bàn tay và chân là những nơi có lớp da dày nhất, vì thế sẽ giúp màu của hình vẽ giữ được lâu hơn. Sau khi vẽ, henna sẽ giữ nguyên màu trong tuần đầu tiên rồi nhạt dần và phai hẳn.
Ý nghĩa của nghệ thuật Henna
Henna có rất nhiều họa tiết, mỗi họa tiết lại có ý nghĩa khác nhau. Ngoài công dụng làm đẹp, mỗi họa tiết Henna đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc với người Ấn Độ hoặc là những lời chúc tốt đẹp mà người ta dành cho nhau.
Có lẽ chính bởi vậy mà nghệ thuật vẽ henna còn được biết đến với cái tên khác là “nghệ thuật cầu may”. Một số những họa tiết phổ biến và mang ý nghĩa sâu sắc của nghệ thuật henna là:
- Hình hoa sen nở: Sự thức tỉnh của tâm hồn, ngây thơ, đẹp đẽ, sáng tạo, nữ tính và tinh khiết.
- Hình vuông: Bảo vệ và chống lại bệnh tật
- Họa tiết Paisley: Khả năng sinh sản và may mắn.
- Chồi, nụ: Sự sinh sôi, nhất là sau cơn hạn hán hay sự bắt đầu của một tình yêu mới và một cuộc sống mới.
- Cây và lá nho: Tuổi thọ, sự tận tâm, kiên trì, sức sống bền bỉ.
- Mặt trời: Tình yêu sâu đậm và bền vững.
- Bông hoa: Niềm vui và hạnh phúc.
- Hình gợn sóng: Tượng trưng cho nước, thanh lọc và mang lại sự sống. Hình vẽ này cũng tượng trưng cho cảm xúc con người.
Wanderlust Tips | Cnet