Hina Masturi: Lễ hội búp bê đặc sắc của Nhật Bản
- 24/06/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, Hina Masturi
Nhật Bản gây ấn tượng với thế giới bởi nền văn hóa lâu đời và những lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn dân tộc. Một trong đó có một lễ hội Hina Matsuri bắt nguồn từ phong tục cổ xưa dành cho các bé gái, diễn ra vào ngày 3 tháng 3 hàng năm.
[rpi]
Lễ hội Hina Matsuri có nguồn gốc từ đâu?
Trong văn hóa Nhật Bản, búp bê đại diện cho đời sống tâm linh sâu sắc, mang tính chất và phẩm giá của những con người tại đất nước mặt trời mọc.
Vào thế kỷ III, khi điều kiện y tế còn thiếu thốn tại Nhật Bản, tỷ lệ trẻ em tử vong do bệnh truyền nhiễm là rất cao. Để cầu xin cho con cái của họ vượt qua “cửa tử”, các gia đình Nhật Bản đã tạo ra những hình người giấy nhỏ, thả chúng trôi sông với hy vọng sẽ mang đi những điều xui xẻo cho con gái của họ. Đến thời Edo (1603 – 1868), phong tục trưng bày búp bê Hina Matsuri tại nhà đã trở nên phổ biến.
Ngày nay, lễ hội Hina Masturi vẫn được người Nhật duy trì. Khi đến đầu tháng hai, mỗi gia đình đều trang trí những con búp bê để chúc mừng và cầu mong sự bình an sẽ đến với những đứa trẻ trong gia đình.
Vài điều thú vị về búp bê Hina Matsuri
Hina được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, là hình ảnh đại diện cho văn hóa búp bê Nhật Bản dành cho các bé gái. Tuy nhiên, búp bê Hina truyền thống được làm từ gỗ hoặc bằng vải độn rơm bao bọc bởi những trang phục cầu kỳ nhiều lớp. Đây là loại búp bê mô phỏng lại những nhân vật trong thời kỳ phong kiến như Vua, Hoàng hậu và các vị cận thần phục vụ cho triều địa. Một bộ đầy đủ thường phải có 15 con, trong số đó phải có một cặp búp bê nam nữ đại diện cho Vua và Hoàng hậu.
Búp bê Hina thường được trưng bày tại căn phòng đẹp nhất của gia đình vào dịp lễ hội. Sau đó sẽ được cất giữ cẩn thận trong những chiếc hộp cho đến lễ hội năm sau. Tại một số gia đình Nhật Bản, búp bê Hina được truyền từ đời này sang đời khác, một số búp bê còn là phần hồi môn của cô dâu khi cưới. Kệ trưng bày búp bê càng hoành tráng càng thể hiện được sự giàu có của gia tộc.
Phân loại búp bê Hina Matsuri
Dựa vào cách chế tạo búp bê, các nghệ nhân đã tạo ra hai dòng búp bê với những nét đặc sắc khác nhau và phù hợp với từng đối tượng cũng như sở thích của người mua búp bê.
- Kimekomi: Đây là loại búp bê với trang phục được làm bằng cách khắc và dán vải trực tiếp vào hình nhân.
- Ishochaku: Là loại búp bê có y phục được làm riêng và sau đó thì mặc vào cho các hình nhân.
Làm gì vào lễ hội Hina Matsuri?
Vào đầu tháng hai, không khí của lễ hội đã bắt đầu nhộn nhịp. Người Nhật luôn chọn vị trí trang trọng nhất trong nhà để đặt đài trang trí (còn được gọi là Hina ningyo) nhằm thể hiện sự tôn kính của họ.
Đài trang trí búp bê có nhiều loại khác nhau đài 2 tầng, đài 3 tầng hoặc đài 7 tầng tùy theo từng vùng miền tại Nhật Bản. Theo phong cách truyền thống, búp bê Hina sẽ được trang trí trên đài 7 tầng, có phủ một tấm nhung đỏ.
Trên tầng cao nhất là vị trí của búp bê Dairi đại diện cho Vua và Hoàng hậu. Nhìn từ chính diện thì Vua được đặt ở vị trí bên trái, Hoàng hậu nằm bên phải. Sau lưng là tấm bình phong Byobu, hai bên còn có hai cây đèn in hoa văn Bonbori, trước mặt 2 búp bê trưng bày hai lọ hoa đào Momo, hai đĩa bánh mochi và rượu ngọt Shirozake.
Tầng thứ hai, tầng thứ 3 được trang trí lần lượt là 3 búp bê nữ quan Sannin Kanjo và 5 nhạc công cung đình Gonin Bayashi (trong đó có 3 người chơi trống, 1 người cầm quạt và 1 người thổi sáo).
Tầng thứ tư và thứ năm được trang trí 2 búp bê đại thần Daijin, 3 búp bê lính cận vệ Eji thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho Vua và Hoàng hậu.
Hai bậc cuối cùng được sử dụng để trang trí các đồ vật như cỗ xe cung đình Goshoguruma, hộp đựng thức ăn nhiều tầng Jubako và kiệu rước Okago.
Món ăn đặc trưng của lễ hội Hina Matsuri
Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong suốt lễ hội búp bê Hina Matsuri. Các gia đình sẽ dành thời gian để thưởng thức những món ăn đặc biệt trong ngày lễ. Trong đó, phổ biến nhất là ăn bánh Hina Arare, một loại bánh tượng trưng cho lễ hội và mang ý nghĩa “cầu chúc cho các bé gái nhận được nguồn năng lượng tích cực để trường thành một cách khỏe mạnh”. Bánh được chia thành 3 màu gồm trắng, xanh lá, hồng với những ý nghĩa khác nhau.
Ngoài ra, các phụ huynh còn nấu món cơm Chirashi Sushi và súp nghêu cho con cái của họ. Những nguyên liệu tươi mới được trộn chung lại với nhau nhằm mang lại ý nghĩa “cầu cho tương lai của con cái luôn đủ đầy và hạnh phúc”.
Đây quả thật là một lễ hội đầy ý nghĩa, đem lại sự hào hứng không chỉ cho trẻ em mà còn cho những người Nhật trưởng thành. Từng công đoạn chuẩn bị đều sẽ trở thành những kỉ niệm khó phai trong kí ức của những đứa trẻ. Khi trưởng thành, những đứa trẻ đó lại tiếp tục giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa mà ông cha để lại.
Wanderlust Tips | Cnet