Học hỏi bí kíp đi chợ Sapa của du khách nước ngoài

Hầu như mỗi ngày ở Sapa lại có một buổi họp chợ của đồng bào dân tộc, mang những nét độc đáo và hấp dẫn riêng.

Ngày nào ở Sapa cũng có một buổi họp chợ – nơi tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc đến buôn bán, trao đổi hàng hóa như rau củ, hoa quả, gia cầm. Mỗi chợ lại có nét thú vị và số lượng người tham dự khác nhau.

Những cách nhận biết trang phục dân tộc, cách trả giá, di chuyển và tham quan… ở một số chợ vùng cao tại Sapa được khách nước ngoài chia sẻ một cách chi tiết, rõ ràng trên chuyên trang du lịch Goasean của tổ chức ASEAN.

Dưới đây là 5 chợ vùng cao và một số mẹo vặt giúp cho chuyến đi khám phá của bạn tại Sapa thêm phần thú vị.

Các chợ nổi tiếng ở Sapa

Chợ Cốc Ly

Cứ mỗi dịp thứ ba, chợ phiên Cốc Ly lại khuấy động không khí vùng cao khi người Mèo, người Dao Đen, người Nùng và người Tày sinh sống gần bờ sông Chảy cùng tụ họp. Điều khiến chợ Cốc Ly trở nên sặc sỡ chính là những trang phục truyền thống rực rỡ, nhiều sắc màu của người Mèo.

Dù hàng hóa ở đây không mấy hấp dẫn du khách (đa phần là rau và gia cầm), bạn sẽ không thể ngừng háo hức khi dạo quanh những hàng may vá thêu thùa của người dân tại đây. Nếu thích hòa mình vào nền văn hóa dân tộc, bạn có thể trả giá tại khu chợ nhỏ nhưng không kém phần náo nhiệt này.

wanderlusttips-kinh-nghiem-di-cho-sapa-cua-khach-nuoc-ngoai

Chợ Bắc Hà

Chợ Bắc Hà thường bị than phiền là quá thương mại bởi lẽ đây là khu chợ lớn nhất Sapa, cũng dễ tiếp cận hơn các khu chợ vùng cao khác và là nơi lý tưởng cho những người ở Sapa tham quan trong một thời gian ngắn. Ở đây hội tụ đủ dân tộc thiểu số có mặt trong vùng, đặc biệt là người Mèo.

Một điểm khá thú vị là bạn sẽ tìm thấy những chú trâu và nghé con khá to béo – một mặt hàng độc đáo ở khu chợ. Chưa hết, nếu may mắn, bạn còn được xem những người chơi chim khoe tài với nhau trong tiếng hót véo von của loài chim.

Chợ Lùng Khấu Nhin

Điểm đặc sắc của chợ Lùng Khấu Nhin không thuộc về chợ mà nằm ở cảnh quan dọc đường tới đây. Từ Sapa, bạn sẽ đi qua đèo Trạm Tôn, cung đường cao nhất Việt Nam với độ cao 1.900 m. Tùy thuộc vào thời tiết, bạn sẽ cảm thấy nghẹt thở khi ngắm nhìn phong cảnh từ độ cao này.

Trong chợ Lùng Khấu Nhin, bạn sẽ có cơ hội trò chuyện với những tộc người ít được biết đến như Thái Trắng. Dù trang phục của cá dân tộc này không được sặc sỡ như người Dao Đen hay người Mèo, trò chuyện cùng họ trong chợ phiên nghĩa là bạn đã tiếp nhận sự hồn hậu, thân thiện của họ rồi.

wanderlusttips-kinh-nghiem-di-cho-sapa-cua-khach-nuoc-ngoai-1

Chợ Sín Chéng

Cách đây không lâu, chợ Sín Chéng vẫn còn biệt lập với khách bên ngoài – nhưng chính vì vị trí xa xôi mà du khách hiếm khi tới đây tham quan. Đường từ thị trấn Sapa tới đây, bạn sẽ băng qua những khung cảnh nguyên sơ vẫn chưa chịu sự tàn phá của con người.

Thêm vào đó, chợ là nơi tụ họp người Mèo Trắng, Mèo Hoa, Dao Trắng và người Giáy tạo nên sự kết hợp những trang phục dân tộc vô cùng đa dạng. Bạn sẽ cảm thấy háo hức khi quan sát từng tốp người dân tập tụ tập bàn tán, trò chuyện với nhau, tạo nên bầu không khí giao tiếp đang dần mất đi tại những thành phố hiện đại ở Việt Nam.

Chợ Mường Hum

Tọa lạc gần biên giới Trung Quốc, đây có lẽ là khu chợ xa xôi nhất nhưng có phong cảnh đẹp nhất ở Sapa. Các dân tộc thiểu số tới phiên chợ này gồm: người Hà Nhì, người Phù Lá, người Dao Đen, người Giáy, người Mèo Đỏ, người Mèo Đen. Vì cách Sapa khá xa, bạn sẽ hiếm gặp các du khách tại đây, giúp cho bầu không khí thêm phần yên tĩnh hơn rất nhiều.

Đi lên một chút nữa, bạn sẽ đến với hang động Mường Vi. Hệ thống hang đá vôi ở đây khá giống với khung cảnh tuyệt đẹp mà bạn có thể gặp ở Vịnh Hạ Long.

wanderlusttips-kinh-nghiem-di-cho-sapa-cua-khach-nuoc-ngoai-2

Những điều cần biết trước khi xuất phát

Chụp ảnh

Điều đầu tiên cần ghi nhớ chính là, dù các địa điểm này không cấm khách du lịch, luôn nhớ bạn được góp mặt ở đây là nhờ lòng hiếu khách, không phải nghĩa vụ của người dân, do vậy hãy tôn trọng họ.

Nếu bạn muốn chụp hình, hãy xin phép người dân trước khi bấm máy. Nếu đi cùng hướng dẫn viên, hãy yêu cầu họ giúp bạn làm điều này – bằng cách chỉ bạn nói tiếng dân tộc, hoặc giúp bạn phiên dịch. Trường hợp xấu nhất, bạn chỉ cần đưa máy ảnh tới gần cằm và biểu cảm mắt. Người dân tộc sẽ hiểu dấu hiệu này và sẽ bày tỏ thái độ chấp thuận hay khó chịu nếu bị chụp hình.

Trả giá

Nếu đặt chân đến khu chợ buôn bán hàng dệt may và hàng thủ công, bạn sẽ tìm thấy cả các mặt hàng dệt tay và dệt máy (đặc biệt ở Bắc Hà). Hàng dệt tay, từ se sợi đến nhuộm vải, có thể mất từ vài giờ đến vài tháng để làm.

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra hàng dệt tay vì chúng mềm hơn và có những hoa văn lạ mắt ở trên mặt thêu. Một số hàng dệt của người H’Mông cũng có màu sắc trầm như xanh thẫm, đen và màu chàm, sẽ mất thời gian nhuộm lâu hơn. Đừng ngại trả giá, nhưng cũng đừng quá ki bo vài đồng lẻ với người dân ở đây.

Trang phục

Một số chợ như Bắc Hà có đường đi khá thuận tiện và khách du lịch có thể đi xe hơi tới đây. Tuy nhiên các chợ phiên khác sẽ tiêu hao của bạn không ít năng lượng và sức lực. Nếu đang nhắm tới những khu chợ xa xôi như Sín Chéng, Lùng Khấu Nhin, bạn nên chuẩn bị giày đi bộ và cả tâm lý thám hiểm.

Thời tiết Sapa khá thất thường, vừa nắng đó mà đã mưa ngay được. Chưa kể, nhiệt độ cũng lên xuống với biên độ lớn và có sự thay đổi về áp suất. Do vậy, bạn nên mang theo áo mưa vào áo khoác nhẹ để mặc khi leo núi.

Ngôi Sao | Wanderlust Tips | Cinet

Leave A Comment