Istabul đang là nơi nguy hiểm đối với du khách

Vụ nổ ngày 12/1 tại điểm du lịch nổi tiếng ở Istabul vừa qua nhắm trực tiếp đến ngành công nghiệp tỷ đô của Thổ Nhĩ Kỳ và hướng đến nhóm khách du lịch phương Tây.

[rpi]

Một kẻ đánh bom tự sát đã giết chết 10 người và làm bị thương 15 người, đa phần là công dân nước ngoài, nhiều người trong số đó là người Đức.

Tất cả những người bị giết đều chỉ cách Nhà thờ Hồi giáo Blue vài bước chân. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tiết lộ kẻ đánh bom gốc Syria là thành viên Nhà nước Hồi giáo IS và cam kết sẽ chiến đấu lại nhóm chiến binh cực đoan này cho tới khi “nó không còn là mối đe dọa” cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cả thế giới.

Nhưng đằng sau vụ tấn công, câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất là liệu Istabul có còn là nơi an toàn cho du khách hay không?

wanderlusttips-Istabul-tho-nhi-ky

Istabul là thành phố đón số lượng khách du lịch nhiều thứ 6 trên thế giới nhờ vị trí địa lý nối giữa châu Âu và châu Á cùng một bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời. Khoảng 12,5 triệu lượt khách đã đến thành phố này năm 2015.

Đây là lần đầu tiên tổ chức IS đánh trực tiếp vào ngành công nghiệp không khói của Thổ Nhĩ Kỳ mà ước tính đem lại doanh thu khoảng 30 tỷ USD mỗi năm. Ngay sau vụ tấn công, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Istabul yêu cầu công dân Mỹ tránh tới khu vực này và “cần duy trì cảnh giác cao độ, đồng thời tăng cường an toàn cho mỗi cá nhân”.

Tuy nhiên, theo báo cáo được đưa ra, chính quyền chỉ cho đóng cửa nhà ga xe lửa vào buổi sáng hôm xảy ra tấn công và mở cửa lại vào chiều hôm đó. Tất cả nhà hàng và khu vực kinh doanh đều hoạt động bình thường.

Vụ nổ hôm thứ 3 vừa qua không phải là vụ đánh bom đầu tiên. Trước đó năm 2015 đã có 3 vụ đánh bom khác khiến 136 người thiệt mạng và làm bị thương 550 người. Sau các cuộc tấn công, cả Đức và Nga đã ban hành quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt đối với công dân có ý định tới nước này du lịch.

“Cuộc tấn công trong tương lai nhiều khả năng sẽ nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu là khách du lịch (trong khi nhóm chiến binh người Kurd và Marxist thường nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của chính phủ). Nhiều người vẫn đi du lịch mà không ý thức được sự nguy hiểm từ các cuộc tấn công”, Joseph Mroszczyk, làm việc cho công ty quản lý khủng hoảng và rủi ro du lịch Global Rescue cho hay.

Ông cho biết thêm: “Trước đây, tôi cho rằng mối đe dọa lớn nhất tới ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đến từ các cuộc biểu tình. Tuy nhiên sự kiện ngày 12/1 đã nâng cấp độ nguy hiểm mới cho Istabul”.

Mặc dù đang trong tiến trình giải quyết bạo lực leo thang xảy ra giữa nước này và nhóm chiến binh người Kurd, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường bảo vệ công dân và du khách khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra. Tăng số lượng máy dò kim loại và thắt chặt an ninh tại nhiều bảo tàng, điểm tham quan nổi tiếng và các trung tâm mua sắm. Số lượng cảnh sát tuần tra cũng tăng cường hơn so với trước.

Tuy nhiên, các nhà thờ Hồi giáo không được áp dụng những biện pháp an ninh này và vị trí thường ở khu vực công cộng như quảng trường quận Sultanahmet – nơi vụ đánh bom xảy ra nên khách du lịch cần hết sức chú ý.

Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh cáo các cuộc tấn công trong tương lai đa phần sẽ nhắm vào khách du lịch phương Tây, đồng thời đăng tải lời cảnh báo đối với công dân nước mình trên trang web chính thức: “Dù an ninh được thắt chặt nhưng kẻ khủng bố có thể tìm kiếm mục tiêu thay thế, tập trung vào những địa điểm có nhiều người Mỹ và châu Âu sinh sống, tụ tập hoặc tham quan mua sắm”.

VnExpress | Wanderlust Tips | Cinet

Leave A Comment