Jean Verly: Hành trình thú vị hơn điểm đến
- 29/06/2017
- ĐỐI THOẠI, E.MAGAZINE
- du lịch leo núi, Editor picks, Jean Verly, leo núi, VietClimb
Sinh ra tại Paris vào năm 1981, Jean Verly là một tay leo núi chuyên nghiệp, và là người sáng lập VietClimb, một phòng leo núi trong nhà và câu lạc bộ leo núi có trụ sở tại Tây Hồ, Hà Nội. Khi không đi leo núi, chạy bộ hay bận rộn với email công việc, anh dành thời gian đọc truyện thiếu nhi chế, nghe nhạc electro thật chất, hoặc theo dõi một số hiện tượng văn hoá mới nổi ở Hà Nội. Wanderlust Tips đã có một cuộc trò chuyện Jean để tìm hiểu lý do vì sao anh lại yêu loại hình thể thao này nhiều đến vậy.
[rpi]
Từ khi nào anh bắt đầu leo núi và tại sao anh lại yêu thích loại hình thể thao này đến vậy?
Lần đầu tiên tôi thử leo núi là khi 10 tuổi trong một chuyến đi thực tế dành cho thanh thiếu niên. Từ 10 đến 21 tuổi, trong hầu hết các dịp nghỉ lễ, tôi thường leo núi cùng với bạn bè trên dãy Alps, miền Nam nước Pháp hay Fontainebleau. Tôi nhanh chóng bị bị thu hút bởi môn thể thao này vì leo núi dạy tôi cách thử thách và kiểm soát cơ thể và tâm trí mình trên từng độ cao, ngoài ra tôi còn có cơ hội ngắm nhìn cảnh đẹp tuyệt vời nơi thiên nhiên hẻo lánh. Thực vậy khi đa phần các vách đá và núi cao thường nằm ở những khu vực khó tiếp cận, chính điều này bảo vệ thiên nhiên khỏi những áp lực về môi trường do luồng du khách khổng lồ mang lại.
Có phải anh đã chinh phục nhiều ngọn núi ở Pháp như Mont Blanc, Baire des Eccrius, hay Roche Codier ở tuổi 15?
Nước Pháp có lịch sử leo núi lâu đời và truyền thống leo núi Alpes, do đó, leo những ngọn núi ở độ cao hơn 3.000 mét không phải điều gì đặc biệt cả, ngay cả đối với các thanh thiếu niên. Các đỉnh núi mà bạn đề cập (Rocher Cordier, Barre des Ecrins) không yêu cầu nhiều về kỹ thuật leo núi. Cách tư duy không ngại nỗ lực và mệt mỏi cùng 1 cuốn sách hướng dẫn leo dãy Alpes là tất cả những gì bạn cần.
Anh nghĩ gì về việc để các em nhỏ được tham gia vào các hoạt động thể thao (hay tốt hơn là giữ chúng an toàn trong vòng tay cha mẹ)?
Tôi tin rằng các hoạt động thể chất như leo núi là cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các hoạt động này sẽ dạy trẻ sự kiên cường, tự chủ, và trang bị cho chúng những kỹ năng cần thiết để vượt qua thách thức. Tôi không nghĩ nó liên quan đến sự an toàn vì mọi người đều biết rằng giao thông ở Việt Nam còn nguy hiểm hơn bất kỳ môn thể thao nào, theo tôi đó chỉ là những quan niệm bảo thủ.
Anh có thể chia sẻ với chúng tôi thời điểm và lý do vì sao anh đến với Việt Nam được không? Tại sao anh lại đưa ra ý tưởng thành lập Vietclimb?
Sau khi tốt nghiệp ngành Văn học tại La Sorbonne, sau đó là Quản trị Kinh doanh tại Rouen, tôi đã ghé thăm Việt Nam năm 2005. Tôi thích nơi đây nên đã quyết định ở lại lâu hơn so với kế hoạch. Tôi bắt đầu làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước tại Đại sứ quán Pháp, sau đó chuyển sang khu vực tư nhân trong một công ty kiến trúc và kỹ thuật. Trong năm 2009, tôi cảm thấy muốn tự chủ kinh doanh và tự quyết định công việc hàng ngày, do đó VietClimb được
thành lập với 4 phần chính là: leo núi trong nhà, các chuyến di dã ngoại, xây dựng tường leo núi và bán lẻ đồ dùng ở tầng trên.
Anh đã gặp khó khăn gì trong việc thành lập và điều hành Vietclimb?
Khi bạn tạo ra một thị trường và tập hợp một cộng đồng, sẽ luôn có những thời điểm suôn sẻ và khó khăn, những khoảnh khắc thành công xen kẽ với những nốt trầm. Nhưng vào cuối ngày, nhận thức về thể thao và sức khoẻ vẫn tiếp tục phát triển.
Như đã đề cập trước đó, VietClimb có 4 ngành nghề kinh doanh chính. Chúng tôi có phòng tập leo núi ở An Dương (Tây Hồ, Hà Nội). Về công tác xây dựng, chúng tôi đã xây tường leo cho Vingroup, Ecopark hay các trường quốc tế như BVIS. Chúng tôi tổ chức các chuyến đi dã ngoại, đồng thời nhập khẩu các bộ dụng cụ leo núi và làm việc trên cao của Châu Âu để phục vụ cho mục đích thể thao hoặc công nghiệp.
Ngoài những khó khăn về chính sách vĩ mô như chính sách đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng, có một điểm đặc biệt rằng leo núi trong nhà là một hoạt động hoàn toàn mới vừa được biết đến vài năm trở lại đây. Vì hầu hết các nhà leo núi nước ngoài đều sẽ luân chuyển mỗi 1 hoặc 2 năm nên phân nửa cộng đồng leo núi ở Việt Nam đổi mới theo các chu kỳ ngắn hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, bộ phận cốt lõi những tay leo núi người Việt, những người thực sự đam mê và gắn bó với loại hình thể thảo này, vẫn đang tiếp tục phát triển.
Bao giờ Vietclimb sẽ tổ chức leo núi ngoài trời và nơi nào sẽ là địa điểm ngoài trời tốt nhất cho leo núi ở Việt Nam?
Chúng tôi thường tổ chức các chuyến đi dã ngoại một hoặc hai lần một tuần tại 2 địa điểm chính mà chúng tôi đã phát triển: Quốc Oai, cách Hà Nội 25km để làm quen với tuyến leo, leo dây (top-rope) và leo dẫn (lead climbing) và Hữu Lũng nằm cách đó 100km với hơn 60 tuyến leo chất lượng và cơ hội trải nghiệm leo nhiều điểm dừng (multi-pitch). Vào mùa hè, chúng tôi tổ chức một vài chuyến đi thuyền ở Cát Bà để tránh nóng và trải nghiệm leo núi đá bằng tay trên biển (deep water solo).
Leo núi đá bằng tay trên biển được coi là một môn thể theo mạo hiểm. Những kỹ năng nào là cần thiết cho bộ môn này?
Leo núi đá không dây trên biển (DWS) là một hình thức leo núi một mình chỉ dựa vào lớp đệm nước tại chân điểm leo để bảo vệ tránh khỏi các chấn thương khi ngã khỏi vách đá trong những tuyến leo khó khăn. Như mọi hoạt động ngoài trời, điều quan trọng nhất là khả năng của bạn trong việc đặt ra giới hạn giữa những kỹ năng sẵn có đã học được và những rủi ro khách quan. Đối với DWS, bạn cần có kỹ năng leo cơ bản, kỹ năng bơi, chèo thuyền và kỹ năng nhảy.
Ngoài leo núi, được biết anh cũng rất thích đi phượt đến các vùng núi hùng vĩ của Việt Nam. Đâu là các điểm đến thường xuyên của anh trong các chuyến đi như vậy? Tại sao anh lại yêu thích đi du lịch?
Paul Beaver (tác giả cuốn Diary of Amazon Jungle Guide) từng nói: “Cuộc sống thật ngắn ngủi, thế giới rộng lớn đang chờ bạn khám phá. Không dám mạo hiểm chính là lãng phí cuộc đời.” Tôi thích khám phá những địa điểm chưa ai biết đến để tránh sự đông đúc và để có cơ hội tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên ban sơ, tôi hay đến vùng núi vì niềm đam mê của tôi hướng về leo núi hơn các hoạt động ở biển. Để tìm được các địa danh này, chúng tôi phải thám hiểm khá nhiều, đây cũng là một phần thiết yếu của du lịch. Đôi khi cuộc hành trình mang lại cho bạn nhiều kỷ niệm hơn chính điểm đến và cũng đòi hỏi một số kỹ năng nhất định từ trekking trong khu vực hoang dã, leo lên vách núi hay chèo xuồng kayak trên sông. Những con đường khó khăn thường dẫn đến các địa điểm đẹp. Không nhất thiết cứ phải đi xa mới tìm được những địa điểm hoang dã. Ví dụ như, Hữu Lũng là một điểm leo núi mà tôi đã phát hiện và phát triển với một vài người bạn. Chỉ cách Hà Nội 110km về phía bắc, nơi đây có những thung lũng ẩn chứa nhiều vách đá hùng vĩ, cánh đồng lúa đầy màu sắc và chỉ có một con đường mòn duy nhất, đây thực sự là một nơi lý tưởng cho leo núi hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời như xe đạp leo núi hoặc đi bộ.
Wanderlust Tips | Cinet