Kẹo bông cô tiên
- 13/07/2019
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- kẹo bông, kẹo bông kẹo, kẹo tuổi thơ, kí ức về kẹo
Có những thức quà ngày nhỏ vẫn mãi theo ta đến những tháng năm trưởng thành, kẹo bông có lẽ là một thức quà như thế.
[rpi]
Hồi trước tôi chỉ gọi là kẹo bông, mà tên của nó cũng chỉ có vậy thôi. Đến một ngày, tôi xem bộ phim hoạt hình Nhật Bản “Nhóc Maruko”, Maruko rất thích ăn kẹo bông và có một lần thích quá nhưng không được mua, Maruko nằm trên bãi cỏ nhìn những đám mây trên bầu trời, miệng lẩm nhẩm “ôi, mình muốn ăn kẹo bông cô tiên”. Từ ấy, tôi bắt đầu gọi món kẹo bông bằng một cái tên riêng gắn với những sự kiện tuổi thơ ngọt ngào ấy – kẹo bông cô tiên.
Cho tới giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về những ngày còn bé thường chạy ra đầu ngõ ngóng bà bán kẹo bông. Bà không bán ở quầy, bà bán trên chiếc xe, không biết cả ngày bà bán ở những đâu, chỉ biết chiều chiều bà sẽ về lại đầu xóm tôi bán. Ngày nào bà cũng chỉ đứng chỗ ấy vì nó gần trường học, gần cả sân đá banh, lũ trẻ bao giờ cũng tíu ta tíu tít.
Kẹo của bà có hai màu, màu trắng và màu hồng. Màu hồng là được nhuộm thêm màu, còn màu trắng là màu tự nhiên của đường. Chỉ với ít đường mà bà có thể làm ra những cây kẹo “khổng lồ” đến hay. Bà làm trong một cái nồi để ở đuôi xe máy. Mỗi lần bà nhấn nút công tắc, tiếng kêu ù ù phát ra từ cái khối nhỏ nhỏ ở giữa nồi, máy quay tròn, bà cho đường vào, máy quay chừng nào thì đường được kéo ra thành sợi chừng ấy. Bà nhanh tay lấy một thanh tre nhỏ như cây đũa dài khoảng 25cm để xoay vòng tròn theo máy, chớp mắt là được một cây kẹo bông cô tiên.
Kẹo bông ngọt, phồng lên như bông vậy. Cắn một miếng vào miệng, bông xẹp xuống, tan nhanh, đến giờ vẫn chưa có loại kẹo nào cho vào miệng mà khiến tôi cảm thấy thích thú như vậy. Hương vị kẹo không quá đặc sắc, chỉ đơn thuần là vị ngọt của đường nhưng vui miệng, ăn kẹo cảm giác như đang ăn cả một cục bông gòn vậy.
Món kẹo bông cô tiên cứ thế mà mang theo bao kí ức của bọn con nít ngây dại chúng tôi ngày ấy. Như khi mấy đứa cùng chung nhau một cây kẹo, tay véo từng miếng kẹo bông mà miệng cười hì hì; hay một ngày trời mưa nào đó cả lũ ngóng mãi mà chẳng thấy bà bán kẹo bông đâu… Chắc vì những điều nhỏ xíu như vậy nên khi đã lớn lên rồi, người ta vẫn không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp những cây kẹo bông được bán trên đường, dường như cả một bầu trời kí ức ùa về.
Có đôi lần bước vội dưới phố, tôi thấy những người du khách Tây đứng chăm chú xem bà bán kẹo bông làm kẹo, tôi không nghĩ họ chờ đón một cái gì cao lương mĩ vị, tôi nghĩ họ chờ đón một điều kì diệu, một điều kì diệu từ những hạt đường nhỏ bé. Tôi cũng thấy cả những người bố dẫn con đi dạo, bố dừng lại cho đứa con “nghiên cứu” chọn lấy một cây kẹo bông. Người bố cười tươi nhìn đứa con ngó nghiêng những cây kẹo. Đứa nhỏ chọn lấy một cái, tít mắt vui như Tết, trên đường về nhai một miệng đầy kẹo bông và luyên thuyên chuyện lớp, chuyện trường. Không như thời của chúng tôi, thời của những cậu nhóc tì ấy đã có nhiều kiến thức hơn về sức khỏe và khoa học, đồng nghĩa với việc ăn kẹo bông nhiều thì không tốt, vì nó chỉ toàn là đường. Nhưng ăn ít thì không sao, thế nên những giờ tan học, các bố mẹ vẫn nán lại mua cho con một cây kẹo bông trước cổng trường. Và kẹo bông cũng cứ thế mà đi vào hồi ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Tháng 7 một năm nào đó, những ngày hè, bọn học sinh nghỉ cả, sân đá banh cũng vắng hoe, bà bán kẹo chẳng đứng đó nữa, không biết bà bán ở đâu. Chúng tôi đi về, mặt buồn xo, bảo nhau cất tiền đợi tháng 9 khai trường bà bán kẹo lại xuất hiện, mỗi đứa mua chục cây ăn cho đã đời, cả đám cười vang. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy vui, hóa ra những điều rất ngọt ngào lại được xây lên từ những thứ vô cùng nhỏ bé như vậy, như là kẹo bông cô tiên.
Ảnh minh họa: Internet
Wanderlust Tips | Cinet