Khám phá Côn Đảo hoang sơ với lịch trình 3 ngày 3 đêm
(#wanderlusttips) Giữa tháng 7, tôi có chuyến khám phá Côn Đảo, nơi “địa ngục trần gian” một thời với lịch trình khá ưng ý, chi phí rẻ, hy vọng với những kinh nghiệm của tôi sau chuyến đi sẽ giúp các bạn có một kế hoạch vi vu Côn Đảo thật vui vẻ.
[rpi]
Di chuyển
Từ TP HCM, bạn có thể bắt các chuyến xe bus đến thành phố Vũng Tàu, sau đó di chuyển đến cảng Cát Lở để ra bến tàu. Bạn nào thích chạy xe máy, cứ vi vu thoải mái với quãng đường chừng khoảng 100km. Nếu chạy xe, bạn nên đi theo hướng phà Cát Lát về Đồng Nai, khu công nghiệp Nhơn Trạch sẽ gần hơn. Lưu ý luôn đảm bảo tốc độ đúng quy định trên cung đường này.
Đặt vé tàu, vé máy bay ra đảo
Bạn nên đặt vé tàu qua mạng và thanh toán bằng chuyển khoản, sau đó phải gọi cho phòng vé để xác nhận thanh toán. Dù đã thanh toán, bạn vẫn cần đến cảng trước 5 tiếng lấy vé. Nếu bạn tới trễ hơn, vé sẽ được bán cho người khác, dù bạn đã thanh toán tiền. Website đặt vé: vetaukhachcondao.com
Nếu lịch trình của bạn có cụ thể ngày đi và về, nên đặt vé ngày về luôn, và lấy một lượt ở bến tàu Cát Lở, tránh mất thời gian chờ mua vé tại hai cảng.
Trong quá trình đặt vé, thanh toán xong xuôi, bạn cũng nên kiểm tra lịch tàu chạy, xem có bị hủy chuyến hay không, có đổi tàu không. Nếu có, bạn nên gọi đến phòng vé xác nhận, và đặt lại vé, vì nếu thời tiết xấu, tàu không chạy, phía phòng vé cũng không thông báo cho bạn.
Vé ngồi là 85.000 – 125.000đồng/lượt (tàu CD909 – CĐ10) và giường nằm 150.000 – 200.000 đồng/lượt (tàu CD909 – CĐ10). Tôi khuyên nên mua vé nằm vì vé ngồi ở gần buồng máy nổ, rất ồn ào khó ngủ.
Nếu lịch trình ngắn, bạn nên gửi xe máy ở cảng Cát Lở, hoặc có thể mang xe máy qua đảo với vé xe máy 50.000đồng lượt, phí bốc xếp lên và xuống 60.000đồng lượt.
Nếu có điều kiện hơn, bạn có thể chọn máy bay, mất 45 phút di chuyển ra đảo với chi phí 1,7 triệu đồng/lượt. Hiện tại chỉ có Vietnam Airlines kinh doanh tuyến này.
Ăn uống trước khi lên tàu
Vì tàu chậm, di chuyển ra đảo mất khoảng 10 – 12 tiếng, thường xuất bến vào lúc 17h và đến nơi tầm 7h hôm sau, bạn nên mua theo thức ăn, thức uống. Tại các bến cảng đều có bán đồ. Trên tàu chỉ phục vụ nước uống và mì tôm, nên bạn cần cân nhắc trước khi chọn ăn trên tàu hay mang theo.
Nhà nghỉ, lưu trú
Côn Đảo không giống như một vài đảo khác. Nơi này dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, khu cắm trại, resort đầy rẫy, tập trung nhiều trên đường Tôn Đức Thắng. Đợt mình đi đã đặt phòng tại nhà nghỉ Thanh Long, chi phí 200.000đồng/phòng đơn, 300.000đồng/phòng đôi. Bạn nên trả giá thấp khoảng 50.000 đồng so với giá chủ nhà nghỉ đưa ra.
Di chuyển trên đảo
Nếu đi máy bay, bạn sẽ đáp xuống sân bay Cỏ Ống cách thị trấn 12km. Bạn có thể di chuyển bằng taxi tập trung gần sân bay.
Khách đi bằng tàu sẽ cập bến cảng Bến Đầm cũng cách thị trấn 12km. Bạn có thể nhờ phía nhà nghỉ đã đặt trước ra đón, chi phí 40.000đồng/người. Ngoài ra, tại đây có xe ôm, xe 16 chỗ chở khách vào rất đông, chi phí khoảng 40.000đồng/người. Nếu đi đông theo đoàn, nên trả giá khoảng 30.000đồng/người.
Bạn có thể thuê xe máy tham quan vòng quanh đảo với chi phí 100.000đồng/ngày, chưa bao gồm xăng. Có thể thuê xe tại nhà nghỉ cho tiện. Với lịch trình tham quan này, bạn chỉ đổ khoảng 30.000đồng tiền xăng là có thể thoải mái vi vu.
Lịch trình tham quan 3 ngày 3 đêm cuối tuần
Ngày 1: Cảng Cát Lở (Vũng Tàu) – Côn Đảo
Chúng tôi có mặt tại cảng Cát Lở lúc 13h để lấy vé và dạo chơi, uống cà phê chờ đợi tàu chạy lúc 17h.
Bạn có thể tham quan boong tàu, ngắm cảng từ trên tàu và thưởng ngoạn hoàng hôn rực hồng trên nền trời thành phố biển.
Lúc 19h hoặc 20h, tàu chạy cũng không xa lắm, đủ để bạn chiêm ngưỡng thành phố Vũng Tàu lên đèn rực rỡ và thật lung linh, xa xa là những chiếc giàn khoan dầu khổng lồ, sáng rực.
21h: Nghỉ ngơi trên tàu
Ngày 2: Khám phá “địa ngục trần gian”
7h hôm sau, tàu cập bến cảng Bến Đầm trong sự đón chào, tụ tập đông vui, náo nhiệt của người dân xứ đảo, một phần để nhận hàng từ đất liền chở ra, một phần đón khách vào thị trấn. Tôi loay hoay đón xe ra thị trấn khoảng 8h, cất hành lý ở nhà nghỉ và bắt đầu 15 -30 phút thư giãn, gột rửa sau một đêm dài lênh đênh biển cả.
9h: Ăn sáng xong, chúng tôi dạo quanh một vòng tham quan các di tích lịch sử của Côn Đảo như nhà tù, chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ, Bảo tàng Côn Đảo, Lò Vôi, cầu tàu 914, dinh Chúa Đảo…
Một số địa danh ở đây nếu không có đoàn thì không mở cửa, nếu đi khách lẻ hãy chờ các đoàn đến và vào cùng tham quan. Bạn không chỉ không tốn vé tham quan mà còn được nghe thuyết minh miễn phí, vì phí này khách đoàn đã chi rồi.
Đã quá giờ trưa, chúng tôi di chuyển ra bãi Đầm Trầu để tham quan, tắm biển. Thật bất ngờ, cung đường ra biển có rất nhiều view đẹp. Con đường quanh co uốn lượn, những hòn đảo nhỏ xa xa, nước biển xanh ngắt, có nơi đến 2-3 màu, bãi đá cao ngút tầm mắt, rất đẹp.
Chúng tôi dừng chân chụp ảnh khá lâu dưới trời nắng dù ai nấy đều rất đói, mãi cho đến hơn 13h mới di chuyển ra bãi Đầm Trầu.
Khu vực Đầm Trầu có hai quán hải sản, nhưng giá khá đắt. Các món ăn chế biến thông thường khoảng 150.000-200.000đồng, các loại ốc giá cũng cao dao động 120.000đồng trở lên, không có nhiều loại cá và giá cũng rất đắt. Trước khi ra đảo, nếu muốn tiết kiệm chi phí bạn nên mang theo đồ ăn.
Tại đây, bạn có thể tắm biển, chụp ảnh, tổ chức picnic tự do theo đoàn, hoặc có thể lặn biển khám phá đại dương. Ở đây cũng có cho thuê ca nô để bạn lướt sóng vài vòng.
16h: Chúng tôi về thị trấn, thưởng thức cà phê ở quán Côn Sơn vang danh từ lâu và tắm biển ở bãi An Hải, dạo cầu tàu, cầu cảng, xem người dân câu cá…
18-19h: Nghỉ ngơi và ăn tối
20h: Dạo phố biển trên đường Tôn Đức Thắng và tám đủ chuyện đời.
Trời càng về khuya, chúng tôi đi mua hoa quả, đồ cúng viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương, thắp nén nhang bên mộ cô Võ Thị Sáu và các anh hùng, liệt sĩ tại đây.
Ngày 3: Vườn Quốc gia Côn Đảo – Miếu Bà Phi Yến – Chùa Núi Một – Bãi Nhát
5h: chúng tôi ra cầu tàu 914 ngắm bình minh, để cảm nhận một ngày mới tươi đẹp hơn.
Nguyên buổi sáng ngày thứ 3, chúng tôi dành hết thời gian khám phá một vài địa điểm đặc trưng trong vườn quốc gia Côn Đảo. Hai điểm chúng tôi nhắm đến đó là Sở Rẫy và bãi Ông Đụng. Hai khu vực này phải phải đi bộ trekking đường rừng núi mới có thể tiếp cận, tham quan được. Bạn có thể đi trekking theo hai hướng: Trung tâm vườn – Bãi Ông Đụng – Sở Rẫy hoặc ngược lại, nhưng cung ngược lại có vẻ hợp lý vì dễ đi hơn, khi đường xuống dốc khá nhiều.
Ngoài việc được ngắm nhìn thỏa thích phong cảnh rừng núi, tắm biển ở bãi Ông Đụng, khám phá di tích Sở Rẫy – nơi thực dân Pháp bắt người tù lên đây làm nương rẫy thời xưa, bạn còn có thể bắt gặp loài khỉ, vượn, loài sóc đen quý hiếm, chim muông…
Buổi chiều, chúng tôi di chuyển tham quan Miếu Bà Phi Yến – miếu thờ bà vợ thứ của chúa Nguyễn Ánh xưa kia đi lánh nạn lúc quân Tây Sơn đánh đuổi, và chùa Núi Một rất đẹp. Đây là hai điểm đến tâm linh, tín ngưỡng rất thu hút du khách đến cầu nguyện, tham quan.
15h: Chúng tôi chạy ra bãi Nhát tắm biển và ngắm đỉnh Tình Yêu, chụp hình check in mũi Cá Mập.
16h: Chúng tôi khăn gói về nhà nghỉ trả phòng và ra bến tàu cảng lên tàu ra về, kết thúc hành trình tham quan Côn Đảo.
Ăn uống trên đảo
Trên đường Tôn Đức Thắng có hai quán cà phê, buổi tối bạn có thể nhâm nhi ở đây, vừa thưởng thức, vừa ngắm biển reo hò.
Một số quán ăn, quán cơm tập trung trên đường Nguyễn Huệ, gần Tôn Đức Thắng. Dù là quán bình dân nhất, nhưng món ăn giá thấp nhất là 30.000đồng. Nếu muốn thưởng thức hải sản, hãy ghé vựa mua và nhờ các quán cơm chế biến, họ chỉ tính tiền chế biến mà thôi.
Bạn cũng có thể la cà ăn vặt ở chợ đêm Côn Đảo.
Điều đặc biệt ở nơi này, đó là các món ăn thức uống khi gọi bạn đều mất khoảng 10-20 phút cho họ chế biến, pha chế từ món ăn hay cà phê. Ngay cả cà phê cóc, bạn cũng phải đợi pha phin mới bán ly mang đi.
Đặc sản, quà mang về
Đảo nổi tiếng nhất với hạt bàng và ốc vú nàng. Hạt bàng được chế biến có nhiều vị như rang muối, đường, không vị, được đóng gói chân không 200gr/bịch, dễ dàng mua làm quà biếu.
Côn Đảo có 4 loại ốc chính: vú nàng, ốc đá, ốc đụng, ốc bàn tay và các loại hải sản đắt tiền như cua mặt trăng, tôm hùm. Nếu bắt gặp nhiều loại ốc khác, thì đó là ốc nhập từ đất liền ra, có giá cao hơn.
Zing | Wanderlust Tips | Cinet