Khám phá phong tục đón Tết độc đáo của một số dân tộc Việt

(#wanderlusttips) Không khí xuân đang tràn ngập khắp các bản làng với hoa đào, hoa mận nở trắng rừng. Và Tết của đồng bào các dân tộc ở Việt Nam cũng luôn đậm sắc màu và đầy sức cuốn hút, làm rộn ràng thêm không khí ngày xuân.

[rpi]

Tết nhảy của người Dao

Vào ngày Tết, những người Dao ngày thường cần mẫn làm việc trên ruộng nương bỗng chốc trở thành những vũ công làm rộn ràng những ngày đầu năm mới, người Dao gọi là “Nhiang chằm Ðao”, nghĩa là tết nhảy. Trước tết Nguyên đán vài ba hôm, thanh niên người Dao hăng say tập luyện các điệu múa, điệu nhảy, thậm chí còn làm gươm đao bằng gỗ để múa. Cả mùa Tết, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã, vang động khắp bản.

Theo tục lệ, những ngày đầu năm, người Dao không phải làm gì cả, mà chỉ vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Nhà nào cũng đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân.

wanderlust_tips_phong_tuc_don_tet_cua_cac_dan_toc_viet_1

Gói bánh chưng với người Mường

Giống như người Kinh, bánh chưng là món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong cái Tết của người Mường. Trước Tết từ 2 đến 3 ngày, mọi người trong bản, trong họ tộc hẹn lịch nhau, tập trung gói bánh hết từ nhà này sang nhà khác. Thời gian này thực sự là ngày hội, tuy bận rộn nhưng rất vui của trai, gái trong bản mường.

Nếu như người Kinh lì xì trẻ em bằng tiền, ngày Tết của người Mường, chủ nhà phát bánh chưng cho nhiều người, nhất là trẻ em đến chúc Tết. Nếu khách là người già hay bề trên trong hệ, quà Tết của chủ nhà còn kèm theo gói thịt băm.

Người Mường chuẩn bị ăn Tết rất kỹ. Trong nhiều thức, ngoài bánh chưng còn phải có món cá ướp chua. Cá đi bắt đem về mổ bụng moi ruột, cắt khúc nhỏ bằng hai ngón tay, bỏ đầu đuôi, ướp muối, đem xôi, sau đó thêm một ít cơm nguội, ít men rượu, trộn đều rồi cho vào hũ, được 15 ngày thì bỏ thính vào. Cá ướp chua để từ 3 đến 6 tháng, bày lên mâm là ăn ngay. Món này gắn liền với câu nói cửa miệng của người Mường: “Ăn một miếng cá chua, sáng mắt cả năm”.

Cũng theo tục lệ của người Mường, vào đêm 29 và 30 tháng chạp, nhà nhà đều thắp hương, sắm mâm rau, quả, rượu, trầu cau, và hoàn toàn không có thịt cá. Nghi lễ này gọi là ăn chay để đón “ma nhà”, tức tổ tiên ông bà về ăn Tết.

wanderlust_tips_phong_tuc_don_tet_cua_cac_dan_toc_viet_2

Tết NaoX-Cha của người H’mong

Người H’Mông ở vùng cao Tây Bắc ăn Tết, gọi là NaoX-Cha, rất thịnh soạn. Ðể đón chào xuân mới, nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn một con lợn béo và một vò rượu. Ngoài ra, có bánh bằng bột nếp. Trong nhà, người H’mong trang hoàng nhiều màu sắc, nhưng màu phổ biến nhất thường là màu đỏ.

Người H’mong có tục lệ độc đáo là vào đêm giao thừa, các gia đình thường cử con trai đi “mở nước”, tức là đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên, xem như phúc lộc may mắn của đất trời.

wanderlust_tips_phong_tuc_don_tet_cua_cac_dan_toc_viet_3

Đánh chiêng gọi Tết về của người Thái

Sau phiên chợ cuối cùng trong năm cũ, thường là vào ngày 25 tháng Chạp, người Thái bắt đầu nghỉ ngơi để chơi Tết. Tối 29, nhà nhà sửa soạn gói bánh chưng và chuẩn bị đồ Tết, không khí rộn ràng khác hẳn thường ngày.

Sáng 30 tháng Chạp, các nhà nấu bánh chưng và thịt lợn để đến tối là bữa cơm tất niên. Trong bữa cơm vào thời khắc giao thừa, thường có sự góp mặt của bà con, bạn bè đến ăn tiệc, uống rượu đến thâu đêm. Đặc biệt, sau lễ cúng giao thừa, với thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén…, nhà nào có cồng, chiêng thì mang ra đánh ngay tại nhà.

Sáng mùng 1, người Thái dậy sớm, múc nước nấu bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Phụ nữ trong nhà thì đem xôi đã đồ ra quạt ở giữa gian cúng “ma nhà”, tức tổ tiên, gồm tổ tiên nhà chồng và tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, phụ nữ sẽ được nhường phần ăn trước, và chỉ được như vậy vào ngày mùng 1 Tết (còn ngày thường, phụ nữ Thái thường ăn sau hoặc ăn cùng với cánh đàn ông).

wanderlust_tips_phong_tuc_don_tet_cua_cac_dan_toc_viet_4

Người Hà Nhì khai lễ “làm lý”

Được gọi là Hồ Sự Chà, ngày Tết truyền thống của người Hà Nhì ở Mường Tè (Lai Châu) thường diễn ra 3 ngày trong tháng Tý, lúc mùa màng đã thu hoạch xong, tức là khoảng từ đầu tháng 12 dương lịch.

Sáng sớm ngày đầu tiên của tết Hồ Sự Chà, những chàng trai Hà Nhì bắt một chú lợn để làm thịt, đây cũng là dấu hiệu của Tết, gọi là lễ “làm lý”. Khi làm thịt, người ta lấy nước pha rượu, gạo trộn với muối mang ra rắc vào tai, mõm lợn, mà theo họ như thế để lứa lợn năm sau sẽ ăn nhiều, ăn tốt hơn năm trước. Điều này cũng mang ý nghĩa trình báo với thánh thần, cầu mong một năm mới làm ăn sung túc. Ngay sau lễ “làm lý”, các gia đình Hà Nhì thường treo “pín” lợn (nếu là lợn đực) trước nhà, báo hiệu đã mổ lợn ăn Tết.

Lợn có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong ngày Tết của người Hà Nhì. Hơn thế, thịt lợn là món ăn truyền thống không thể thiếu trong tất cả ngày tế của người đồng bào nơi đây. Với tài năng và sự khéo léo của mình, người phụ nữ Hà Nhì có thể chế biến thành hàng chục món ăn độc đáo từ thịt lợn.

Người Hà Nhì cư trú tập trung đông nhất ở các tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Người Hà Nhì có nhiều họ, mỗi họ gồm nhiều chi. Cứ thế mỗi năm, cả dòng họ tụ tập lại nghe người già kể tộc phả của mình, như một cách “ôn cố tri tân” nhân dịp Tết đến.

Tết Bỏ Mả của dân tộc Gia Rai

Tết Bỏ Mả của người Gia Rai ở tỉnh Gia Lai cũng tương tự như tết ăn nhà Mả của đồng bào Ba Na nhưng được tổ chức lớn hơn nhiều. Trong suốt thời kỳ Bỏ Mả, bà con trong buôn làng kéo nhau đi viếng từng nhà để thưởng thức của ngon vật lạ. Mỗi khi nghe tiếng thanh la, trống, cồng vang lên ở ngoài nghĩa địa là báo hiệu lễ Bỏ Mả.

Người trong buôn nối đuôi nhau, tay cầm đuốc cháy sáng rực tiến về nghĩa địa để chia sẻ cùng người thân gia chủ. Mọi người không quên mang theo rượu, thịt để góp cùng gia đình gia chủ trong suốt cuộc lễ. Tuy theo gia cảnh của từng người mà chủ lễ tổ chức đơn giản hay phức tạp. Gia chủ đứng trước ngôi mả có cắm cây nêu thường làm bằng cây gạo treo nhiều lá bùa xanh đỏ bay phấp phới theo chiều gió và đưa tay lên trời lâm râm khấn vái Yàng (trời).

Tết của đồng bào dân tộc Hrê

Tết của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi kéo dài trong vài tháng. Mỗi gia đình phải lo nấu bánh tét, làm rượu cho thật nhiều. Nhà giàu có phải nấu từ 20 đến 40 nồi bánh tét, ủ hàng trăm ché rượu cần, làm thịt vài con trâu để đãi khách và bà con trong buôn làng. Tất cả mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác. Họ vừa ăn uống vừa múa hát. Đàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng nhạc điệu bập bùng…

Người Hrê thích trò chơi nhảy kẹp. Hai người một nam, một nữ dùng một đòn nhảy dài chừng hai mét, trơn láng rồi dập vào nhau và tách ra một cách nhịp nhàng. Cứ hai người ngồi đập thì hai người nhảy, thay đổi cho nhau.

Tết Yang Pa của người Chơ Ro

Người Chơ Ro và Chu Ru sinh sống tại Ðồng Nai, Lâm Ðồng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hai tết lớn của đồng bào Chơ Ro là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch. Ngày cúng thần lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dày… Sau lễ cúng thần lúa tại nhà là bữa ăn tập thể do gia chủ đứng ra khoản đãi tại nơi hành lễ. Thường thường nơi cúng lễ là gốc cây cổ thụ trong buôn làng. Họ quan niệm thần lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.

wanderlust_tips_phong_tuc_don_tet_cua_cac_dan_toc_viet_5

Tết Nhô Lir Bông của người Cơ Ho

Người Cơ Ho hay sinh sống ở Lâm Ðồng. Họ ăn tết sau tết Nguyên Ðán của người Kinh ở miền xuôi khoảng một tháng, gọi là Nhô Lir Bông, tức tết mừng lúa về nhà. Tết này kéo dài cả tháng. Hai chữ Lir Bông có nghĩa là cót thóc. Người Cơ Ho rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Yàng ban phát. Lễ cúng mừng lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, bắt đầu từ xế chiều với sự tham dự của chủ làng và nhiều gia chủ khác. Người ta lấy máu gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ, các con mối đất. Cỏ tranh giã nhỏ để bôi lên ngực, lên trán những thành viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên những đồ gia dụng.

Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui, cứ thế cho đến cả tháng trời mới mãn.

Trang Nguyen (TH) | Wanderlust Tips | Cinet