Khám phá tục cúng người âm trong tháng cô hồn ở các nước

(#wanderlusttips) Tháng 7 âm lịch hàng năm, tại một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… thường có tục cúng “tháng cô hồn” với những nghi thức trang trọng dành cho người đã khuất.

[rpi]

1. Việt Nam

Tháng 7 âm lịch là thời điểm người Việt cúng các vong hồn lang thang, không nơi lương tựa. Tục cúng cô hồn ở Việt Nam không ấn định thời gian cụ thể mà tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền. Người ta có thể làm mâm cỗ cúng cô hồn vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch. Đồ cúng gồm có: hương, hoa, đèn, gạo, muối, nước lã kèm theo các món ăn… Đặc biệt, không thể thiếu cháo loãng (cháo hoa) trong mâm cúng cô hồn.

Kết thúc lễ cúng cô hồn, người Việt thường rải gạo và muối ra sân (hoặc đường) và đốt vàng mã cho những người đã khuất. Ở nhiều địa phương, sau khi cúng xong, người dân thường cho phép trẻ con cướp cỗ cô hồn.

wanderlust_tips_thang_co_hon_cac_nuoc_1

2. Nhật Bản

Người Nhật Bản đón tháng cô hồn với “ngày của người chết” để tưởng nhớ tổ tiên của mình. Đó là lễ hội Obon (nghĩa là treo ngược lên), mang ý nghĩa: “Linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở về trần thế”. Người Nhật tin rằng vào ngày này, những người chết có thể thoát khỏi cảnh bị treo ngược dưới địa ngục do những tội ác mà họ đã làm khi còn sống và trở về nhân gian gặp con cháu mình.

Theo truyền thống, lễ hội Obon được tổ chức vào tháng 7 âm lịch, nhưng từ khi người Nhật lấy lịch dương làm lịch chính thống thì lễ hội này được tổ chức từ ngày 13-16/8, tùy theo từng địa phương.

Lễ vật dâng lên người âm trong lễ hội Obon là những chiếc bánh khảo (làm từ bột gạo nhiều màu sắc, hình hoa sen cùng với những giỏ hoa quả) đặt trên bàn thờ gọi là Obon-dana hoặc Tama-dana.

Đồ cúng người âm trong lễ hội Obon cũng thay đổi theo từng ngày, từ ngày 13 đến ngày 16. Ngày 13 là Mukaedango (bánh đón linh hồn), ngày 14 là Ohagi (bánh bột gạo), ngày 15 là Soumen (bún làm bằng bột mì) và ngày 16 là Okuridango (bánh tiễn linh hồn).

Bên cạnh những đồ thờ cúng, người Nhật còn say sưa thể hiện vũ điệu Bon-Odori – truyền thống với ý nghĩa chào đón các vong linh trở về dương gian. Đặc biệt, để kết thúc lễ Obon, người dân tại thủ đô Kyoto còn đốt lửa trong khoảng 1 tiếng đồng hồ ở 5 ngọn núi xung quanh thành phố nhằm soi sáng đường cho các linh hồn quay về trời.

wanderlust_tips_thang_co_hon_cac_nuoc_22

3. Singapore

Người Singapore tin có ma quỷ trong tháng cô hồn. Do đó, tháng 7 âm lịch hàng năm, người Singapore thường đốt hình vị thần bảo trợ các hồn ma bằng giấy rồi nhìn cách vị thần cháy để đoán vận mệnh tương lai của mình. Năm ngoái, họ đã đốt một vị thần bảo trợ bằng giấy cao hơn 8m trong lễ hội.

4. Trung Quốc

Người Trung Quốc tin rằng, con người gồm có phần hồn và phần xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người được đầu thai kiếp khác, nhưng cũng có người thì bị đầy xuống địa ngục làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.

Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng cô hồn bắt nguồn từ việc Diêm Vương cho mở Quỷ môn quan vào ngày 2/7 âm lịch hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian.

Vì vậy, người dương gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ vào ngày 14/7 âm lịch để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Có những nơi ở Trung Quốc, người dân gọi quỷ đói là “anh em tốt”, “thần cửa sau” để lấy lòng những linh hồn này.

Một trong những hoạt động đặc biệt nhất ở Trung Quốc trong tháng cô hồn là các nam thanh niên sẽ xuống đường sờ ngực các cô gái mà không sợ phán xét, đánh giá.

Theo truyền thuyết, linh hồn của những người lính chết trẻ trên chiến trường (những người chưa lập gia đình) không được siêu thoát bởi trước khi qua đời, họ chưa từng sờ ngực phụ nữ. Vì thế, thầy cúng đã yêu cầu chọn ra 10 người thiếu nữ trong trắng, chưa bị nam giới đụng chạm ngực để làm vật tế linh hồn sang thế giới bên kia. Để không bị chọn làm vật tế, những thiếu nữ trẻ đã nhờ các chàng trai trong bộ tộc sờ lên ngực họ. Dần dần, tục lệ đặc biệt này được lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc và tồn tại cho đến ngày nay.

Hoạt động đặc biệt này diễn ra từ ngày 14-16/7 âm lịch hàng năm. Đối tượng tham gia là những nam thanh nữ tú chưa lập gia đình.

wanderlust_tips_thang_co_hon_cac_nuoc_2

5. Hong Kong

Lễ cúng cô hồn ở Hong Kong được tổ chức theo phong tục của người Trung Quốc. Lý do là có khoảng 1,2 triệu người Hong Kong có nguồn gốc từ Triều Châu (Quảng Đông, Trung Quốc).

Tuy nhiên, người Hong Kong có cách cúng cô hồn riêng. Họ cúng cô hồn trong cả tháng 7 âm lịch, phong tục này kéo dài hơn 100 năm và được coi như một di sản văn hóa của nơi đây.

Đến Hong Kong dịp này, du khách sẽ thấy người dân tập trung ở công viên, quảng trường, ven sông hay một vùng đất rộng để cúng tế tổ tiên, cô hồn, những bóng ma lang thang trên đường. Người Hong Kong đốt hương, vàng mã và phân phát gạo miễn phí, thậm chí biểu diễn nhạc kịch hoặc chiếu phim để phục vụ… các hồn ma.

6. Đài Loan

Tục cúng tháng cô hồn ở Đài Loan thường diễn ra vào đúng ngày 15/7 âm lịch theo nghi lễ cúng bái truyền thống. Nghi lễ gồm 3 phần: mời các vong hồn, cúng tế cho họ ăn vào ngày 15 và đưa tiễn họ vào ngày 29.

Theo truyền thống, trong ngày cúng cô hồn, mỗi gia đình Đài Loan sẽ chuẩn bị thịt, hoa quả, hoa tươi… tại miếu, chùa hoặc trước sân nhà mình. Những gia đình có điều kiện có thể mời các nhà sư đến nhà để cầu nguyện và làm lễ cầu siêu cho vong linh tổ tiên và các linh hồn còn vất vưởng, không nơi nương tựa.

Người Đài Loan cũng thường tổ chức lễ hội rước ma quy mô lớn ở nhiều nơi trên cả nước. Lễ hội rước ma gồm 2 phần chính là dùng các xe chở hình nộm, hoa quả để rước ma và múa lân.

Bên cạnh đó, người Đài Loan cũng có tục thả đèn hoa đăng trong tháng cô hồn như ở Việt Nam. Tục thả đèn hoa đăng tại Đài Loan có nghĩa soi sáng đường cho linh hồn những người chết trong nước, gọi các vong linh lên mặt đất để hưởng đồ cúng và cầu nguyện cho các vong linh được đầu thai sang kiếp khác. Người Đài Loan quan niệm rằng, đèn càng trôi xa thì càng được nhiều tài lộc.

7. Malaysia

Giống ở Việt Nam, tháng 7 âm lịch là dịp để người Malaysia cúng tế các vong hồn không có người thân chăm sóc. Quan niệm dân gian của người Malaysia cho rằng, những vong hồn này dễ làm điều ác trong 30 ngày địa ngục mở cửa nên con người thường không gặp may mắn. Để vỗ về những vong hồn đó, họ thường thắp nhang trên bàn thờ và đốt giấy cúng ngoài đường.

wanderlust_tips_thang_co_hon_cac_nuoc_3

8. Mexico

Ở khu vực châu Mỹ-Latinh, phổ biến nhất ở Mexico có lễ hội Día de los Muertos dành cho người âm nhằm mục đích tưởng nhớ thời gian chung sống với những người quá cố. Lễ hội thường niên này diễn ra trong 2 ngày 1 – 2/11.

Vào ngày này, các gia đình Mexico sẽ lập một bàn thờ riêng được trang trí bằng hoa (phổ biến là cúc vạn thọ), ảnh, nến kèm theo thực phẩm và đồ uống yêu thích của người đã khuất. Các cuộc diễu hành, nhảy múa cũng được tổ chức để các linh hồn có thể chung vui cùng với người sống.

Ngoài ra, người dân Mexico sẽ mặc quần áo sặc sỡ, kèm theo hình ảnh bộ xương, đầu lâu theo truyền thống Aztec (đầu lâu tượng trưng cho cái chết và sự tái sinh). Món ăn yêu thích của người Mexico trong ngày hội Día de los Muertos là “bánh mì dành cho người đã khuất” giống hình đống xương đặt trên mộ.

9. Campuchia

Tháng 9 dương lịch hàng năm được coi là “tháng cô hồn” của người Campuchia. Trong tháng này có ngày lễ Pchum Ben – một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong lịch tôn giáo Khmer. Ngày lễ Pchum Ben kéo dài 15 ngày. Người Campuchia sẽ mặc quần áo trắng, tập trung tại chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cũng như cúng dường phẩm vật lên chùa để các chư tăng “gửi” cho các linh hồn của người đã khuất.

Người Campuchia tin rằng, khoảng thời gian diễn ra lễ hội, các linh hồn sẽ tìm đến những người thân còn sống của mình để chuộc lại những lỗi lầm từ kiếp trước của họ.

Timeout | Wanderlust Tips | Cinet