Không chỉ Hà Nội, Thành Nam cũng có một khu phố cổ bình yên
- 28/06/2018
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- 36 phố phường, Editor picks, Nam Định, phố cổ Hà Nội, phố cổ Thành Nam, Thành Nam
Thành Nam xưa cũng có các con phố cùng tên vời phố cổ Hà Nội như: Phố Hàng Đường, Hàng Mắm, Hàng Gà, Hàng Thùng… Nếu về Thành Nam ngày nay du khách vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh phố cổ giữa những đổi thay của thành phố mang nét văn hóa đặc trưng vùng Nam sông Hồng.
[rpi]
Không chỉ có 36 phố hàng như ở Hà Nội, theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì Thành Nam xưa có tới 35/38 phố Hàng cùng 4 phố Bến, 4 phố Cửa nức tiếng sầm uất một thời. Bản đồ thành phố tỉnh Nam Định do Hăng-ri Ri-vi-e (Henri-Rivière) vẽ sau khi quân Pháp chiếm đóng Nam Định năm 1883 cho thấy thành phố cổ kính này đến trước cuối thế kỷ 19 đã có một hệ thống đường phố ngang dọc. Thời kỳ này thành phố đã có hơn một vạn dân.

Thành phố Nam Định xưa thuộc huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, lộ Thiên Trường, có làng Tức Mặc – quê hương của nhà Trần, có sông Vị Hoàng và quân doanh Vị Hoàng bảo vệ cho hành cung Thiên Trường.
Ở phía Đông trên bờ sông Vị, dân thôn Thi Thượng làng Vị Hoàng lập ra dãy phố ở ven sông cho người buôn bè: luồng, nứa, tre, đan cót, bồ, sọt, thúng… đặt tên là Hàng Cót, rồi Hàng Nâu (củ nâu nhuộm vải). Người Bát Tràng ở Gia Lâm đưa hàng xuống bán thì lập Hàng Bát. Các phố tiếp theo là Hàng Mâm (mâm gỗ, chòng tre), Hàng Song (song, mây, lá gồi), cuối thế kỷ 19 các phố này có tên chung là phố Vinh Thuận, sau khi Pháp chiếm thành đặt là Protectorat nay là phố Minh Khai.

Con phố người Hoa chạy giặc đến sinh sống từ thời Lê được gọi là Hàng Sắt. Đoạn cuối sông Vị Hoàng xưa là bến thuyền của vua nhà Trần thì gọi là phố Bến Ngự. Sau khi lấp sông Vị Hoàng lập ra kho hàng Hòn Gai thì gọi là phố Hòn Gai.
Do nhu cầu hàng hóa của thị dân và cả vùng hạ lưu sông Hồng ngày càng cao nên có nhiều phường thợ thủ công từ các nơi đến, sản xuất ra nhiều mặt hàng phục vụ cho đời sống. Chợ là nơi tiêu thụ tập trung nhiều hàng hoá, chợ ven sông là chợ Vị Hoàng, chợ Đò Chè, rồi chợ Cửa Trường. Chợ to, đông vui nhất là chợ Rồng, vì thế trên những con đường từ bờ sông vào chợ đã thành nơi sinh sống và sản xuất của các gia đình làm nghề thủ công.

Từ chợ Rồng ra bờ sông Vị Hoàng là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện rồi đến Hàng Cấp. Ra bờ sông Vị Hoàng còn một đường phố gồm: Hàng Đường và Hàng Đồng. Phía Bắc Chợ Rồng có phố Hàng Mắm, Hàng Gà, về sau hai phố này gọi là phố Móng Cáy (nay là phố Lý Thường Kiệt).

Từ bờ sông vào chân tường thành có một dãy phố chạy song song với Hàng Đồng gồm: Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm (nay là phố Bắc Ninh). Về phía Nam thành phố, trên bờ sông có các phố bến thuyền như: Bến Củi (nay là phố Ngô Quyền), Bến Gỗ (nay là phố Phan Chu Trinh), phố Bến Thóc. Lùi vào phía trong là phố Hàng Nồi (nay là phố Nguyễn Thiện Thuật). Song song với bờ sông Đào là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế(nay là phố Phan Đình Phùng) và phố Hàng Thao.

Từ trong thành đi ra sông Vị Hoàng là phố Cửa Đông (nay là đoạn đầu từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến gốc đa Hàng Sắt phố Lê Hồng Phong). Từ Cửa Nam ra sông Đào gọi là phố Cửa Nam (nay là đường Tô Hiệu), cổng phía Bắc thành có phố Cửa Bắc (nay là Thành Chung). Thành Nam có cửa Tây, nhưng không có phố Cửa Tây do ở phía này không có sông để vận chuyển hàng hoá (vì thời ấy giao thông đường thủy là chủ yếu). Về sau, phía Tây thành cũng không phát triển bởi tư bản Pháp đã chiếm vùng đất phía Tây (Năng Tĩnh) để xây nhà máy Sợi.

Con đường nối các phố với nhau chạy theo hướng Bắc Nam từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn (Vải Màn), Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn và Hàng Cau (nay thuộc phố Hai Bà Trưng). Song song với dãy phố này còn một dãy phố nữa gồm: Hàng Mã, Hàng Mũ (năm 1921 Pháp đặt là phố Hà Nội), tiếp đến Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu (nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ).

Thành phố Nam Định chủ yếu nằm ở phía Bắc sông Đào, theo sách ghi lại, thành phố Nam Định là một đô thị có từ thế kỷ thứ XIII. Ngày 17/10/1921, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Trong quá trình phát triển, thành phố từng là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc sau thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Duy chỉ còn một vài con phố còn mang tên cổ như: Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Sắt, … còn lại phần lớn đã được đổi tên. Chính vì thế cho đến nay ít ai biết rằng phố cổ Thành Nam cũng đẹp và sầm uất không kém Hà Nội 36 phố phường.
Wanderlust Tips | Cinet