Kinh nghiệm du lịch an toàn bằng tàu, thuyền

(#wanderlusttips) Mùa hè đồng thời là mùa du lịch biển đảo. Khi tham quan các đảo bạn không thể không di chuyển bằng tàu thuyền. Tuy nhiên, nếu không trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, bạn sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm khi di chuyển bằng loại phương tiện này.

[rpi]

wanderlust_tips_kinh_nghiem_du_lich_tau_thuyen_1

1. Trước khi lên tàu, thuyền

Nguyên tắc sống còn bạn cần ghi nhớ khi du lịch bằng tàu, thuyền là luôn mặc áo phao ngay khi bước chân lên tàu. Chiếc áo phao là thứ quan trọng nhất giúp bạn sống sót khi bị rơi xuống nước. Do đó, đừng lười biếng hay ngần ngại chỉ vì những du khách khác không mặc áo phao. Đặc biệt, nếu đi du lịch cùng trẻ nhỏ, hãy ưu tiên mặc áo phao cho bé để bảo đảm an toàn.

Một lưu ý khác mà bạn cần nhớ là khi tàu di chuyển trên sông hoặc biển sẽ rất chòng chành. Vì vậy, cùng những người đồng hành nên phân bố chỗ ngồi, chia đều sang hai phía và tránh những hoạt động mạnh như nhảy, chạy vì sẽ khiến cho tàu, thuyền mất trọng tâm và có thể bị lật.

2. Trường hợp tàu, thuyền bắt đầu chìm và có xuồng cứu hộ

Khi nước tràn vào tàu, phần đáy tàu sẽ là nơi đầu tiên bị ngập. Tuy vậy, nếu tốc độ nước tràn vào đáy tàu chậm, bộ phận bơm của tàu sẽ bơm nước ra ngoài nên bạn không cần quá hoảng hốt.

Nếu như nước tràn vào quá nhanh và nhiều, lúc này máy bơm không kịp bơm nước ra thì tàu mới bắt đầu chìm. Hãy bỏ tất cả những vật dụng không cần thiết ở lại và nhanh chóng kiểm tra áo phao, giúp cho những người phụ nữ và trẻ em xung quanh bạn mặc áo phao càng nhanh càng tốt. Đồng thời, cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống bởi bình tĩnh là yếu tố vô cùng quan trọng giúp bạn đưa ra những quyết định xử lý tình huống một cách sáng suốt.

Bước tiếp theo, hãy nhanh chóng tìm và leo lên phao cứu sinh. Khi con tàu bắt đầu chìm xuống, nên bỏ một ít đồ đạc cần thiết như thực phẩm, nước uống… lên xuồng cứu hộ và thả xuống nước. Lưu ý không chen lấn, xô đẩy khi lên xuồng để tránh việc bị mất thăng bằng và dẫn tới lật xuồng.

Khi đã ổn định chỗ, bạn cần điều khiển xuồng ra xa khỏi khu vực tàu đắm để xuồng không bị hút xuống dòng xoáy của nước. Nếu bạn đi trên một tàu khách lớn, sẽ sớm có tàu cứu hộ đến để ứng cứu nên hãy quanh quẩn ở gần khu vực tàu bị đắm để tàu cứu hộ có thể dễ dàng tìm ra bạn.

3. Trường hợp tàu chìm nhưng không có xuồng cứu hộ

Nếu như khi tàu bắt đầu chìm nhưng không có xuồng cứu hộ, việc bạn cần làm là tìm cho mình một chiếc phao hoặc bất cứ thứ gì có thể nổi được và ôm thật chặt trước ngực. Điều này sẽ đảm bảo rằng khi rơi xuống nước, người bạn sẽ nằm đè lên phao.

Khi nhảy xuống nước, bạn nên nhảy theo phương thẳng đứng nhưng cần lưu ý chọn hướng gió để nhảy. Hãy nhảy xuôi theo chiều gió chứ không nhảy ngược gió và không nhảy bên phía mà tàu đang nghiêng, chìm.

Bơi khỏi nơi tàu chìm nhưng không đi quá xa khỏi khu vực đó để đội cứu hộ có thể tìm thấy bạn. Hãy cố gắng tìm kiếm những thứ có thể tận dụng được như lương thực, nước uống… Ngoài ra, bạn nên cuộn tròn mình lại hết hết mức để giảm sự tiếp xúc cơ thể với nước biển và giữ được nhiệt.

Bạn có thể phải lênh đênh trên mặt nước khá lâu nên hãy cố gắng giữ sức, ăn uống tiết kiệm và phân bố lương thực một cách hợp lý. Nếu như gặp trời mưa, hãy cố gắng tìm bất cứ thứ gì có thể để hứng nước mưa. Nước sẽ giúp cho bạn duy trì sự sống của mình nhưng nên nhớ tuyệt đối không uống nước biển bởi nó sẽ khiến bạn bị mất nước và khát hơn.
Trong khi đang lênh đênh trên mặt nước, hãy cố gắng quan sát xung quanh, chú ý những loài chim biển đang bay để tìm hướng về đất liền. Hướng mà chim bay sẽ là đất liền. Nếu phát hiện có vết dầu loang từ tàu bị đắm, bạn cần tìm cách rời xa khu vực đó vì những đám cháy có thể xuất hiện và lan theo vết dầu loang này rất nhanh.

Nếu như phát hiện bóng dáng của tàu khác hay máy bay, hãy sử dụng bất cứ thứ gì mà bạn có như pháo sáng, quần áo có sắc màu sặc sỡ, âm thanh… để báo hiệu cho họ.

Wanderlust Tips | Cinet