Kinh nghiệm “săn mây” ở Tà Chì Nhù
- 22/11/2016
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- Editor picks, kinh nghiệm du lịch Tà Chì Nhù, kinh nghiệm săn mây Tà Chì Nhù, săn mây, săn mây Tà Chì Nhù, Tà Chì Nhù, Yên Bái
(#wanderlusttips #tachinhu #Yenbai) Những ngày đầu đông với không khí se lành và ánh nắng rực rỡ là thời điểm lý tưởng để săn mây trên các đỉnh núi. Tà Chì Nhù ở Yên Bái cũng đang là điểm săn mây được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
[rpi]
Tà Chì Nhù còn có tên là Phu Song Sung theo cách gọi của dân tộc Thái, hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của dân tộc Mông. Với độ cao 2.979m, đây là đỉnh núi cao thứ 6 của Việt Nam. Nơi đây nằm trong địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Nằm sâu trong các dãy núi thuộc khối Pú Luông, dãy Hoàng Liên Sơn, địa hình phức tạp với nhiều dốc cao, một số đoạn gần như dựng đứng, khí hậu khắc nghiệt, nhưng Tà Chì Nhù lại thu hút bởi vẻ đẹp của mây ngàn, gió núi. Nơi đây được ví như một “đại dương mây”, là điểm đến lý tưởng cho những dân phượt săn mây cưỡi gió, khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời.
Bên cạnh đó, thời gian khám phá và leo núi Tà Chì Nhù cũng rất hợp lý cho những nhóm bạn muốn tận dụng các ngày nghỉ cuối tuần. Một chuyến đi từ Hà Nội tới Tà Chì Nhù chỉ mất khoảng 2 tới 3 ngày.
Thời gian lý tưởng để săn mây Tà Chì Nhù
Những ngày nắng đầu đông là thời điểm lý tưởng nhất để leo Tà Chì Nhù. Lúc này bầu trời trong xanh và những dải mây trắng muốt quả thực tạo nên khung cảnh say đắm lòng người. Bên cạnh đó, thời tiết mát mẻ và không quá lạnh cũng giúp bạn leo núi đỡ mệt và mất sức hơn.
Hành trình chinh phục Tà Chì Nhù
Để đến được Tà Chì Nhù bạn phải vượt qua một chặng đường tương đối gian nan và vất vả. Từ Hà Nội, bạn đi theo đường quốc lộ đến Yên Bái, qua Nghĩa Lộ, Trạm Tấu rồi băng qua những con đường ngoằn ngèo đến với bản Xà Hồ. Đây chỉ là điểm đến đầu tiên. Từ đây, bạn đi thêm khoảng gần 8km nữa rồi bắt đầu đi bộ để chinh phục đỉnh núi quyến rũ này.
Bắt đầu hành trình chinh phục thử thách đầy nguy hiểm này, bạn sẽ phải men theo con đường mòn dẫn lên đến đỉnh núi và một điều khó khăn là con đường này là độc đạo, và vách núi thì dựng đứng. Vào những ngày bình thường, mây đã bao phủ dầy đặc ở ngay chân núi, nên nếu leo theo đoàn thì các bạn phải leo nối tiếp nhau, đâm qua đám mây dầy đặc vì nếu không bạn khó lòng mà quan sát được đồng đội.
Càng leo lên cao, không khí càng loãng, gió càng mạnh và nhiệt độ càng thấp bạn sẽ cảm thấy từng đợt gió rít qua tai, táp thẳng vào mặt nên nếu không cẩn thận sẽ hết sức nguy hiểm. Bạn có thể cúi thấp xuống để tránh những con gió hung dữ đang lượn lờ xung quanh.
Bù lại với những khó khăn vất vả của quãng đường đi thì khung cảnh Tả Chì Nhù đẹp không sao kể xiết. Ngay từ trên đường đi, chỉ cần nhìn sang hai bên bạn đã có thể chiêm ngưỡng những cánh rừng nguyên sinh kỳ bí. Ra khỏi rừng già là rừng trúc đan xen, những cây trúc thẳng tắp ẩn hiện trong màn sương khói dày đặc tựa như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Ra khỏi rừng trúc là những triền đồi đầy cây cỏ, đàn ngựa nhởn nhơ gặm cỏ tựa khung cảnh trên một thảo nguyên du mục xa xôi nào đó chứ chẳng phải Việt Nam.
Và đích đến cuối cùng là đỉnh Tả Chì Nhù thì thực sự khiến bạn chẳng thể thốt nên lời nữa. Biển mây bồng bềnh trắng muốt và bên trên là bầu trời trong xanh. Tất cả tựa như mơ, cảm giác như đang đặt chân chạm tới thiên đường.
Bạn nên cắm trại ở Tà Chì Nhù một đêm để ngắm nhìn bầu trời đêm lấp lánh và đón bình mình rực rỡ tại đây. Như vậy mới cảm nhận trọn vẹn hết sự thú vị và cái đẹp đến nghẹt thở của thiên nhiên đất trời Tà Chì Nhù.
Lịch trình tham khảo
Lịch trình 3 ngày 2 đêm xuất phát từ Hà Nội.
Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ (200km)
Cung đường Hà Nội – Nhổn – Sơn Tây – Qua cầu Trung Hà – Rẽ trái rẽ đường Thanh Thủy – Qua ngã 3 Thanh Sơn Thu Cúc – Tới đèo Khế – Vào Ba Khe – Rẽ trái là vào Nghĩa Lộ (từ đây còn khoảng 30km).
Ngày 2: Trạm Tấu – Xà Hồ – Tà Chì Nhù
Từ Nghĩa Lộ đi 35km lên Trạm Tấu. Khởi hành vào bản Xà Hồ.
Đường leo Tà Chì Nhù: Hỏi đường đến khu trại khai thác chì. Đường xấu, có sương mù nên cần cẩn thận. Tới nơi, qua cổng bảo vệ rồi vào gửi xe, bắt đầu leo núi.
Núi leo rất dốc, đường mòn nhỏ, trơn, sống núi nguy hiểm. Đường leo không có điểm bám, rất nhiều đoạn bạn sẽ phải bò. Núi trọc nên gió giật rất mạnh, cần hạ thấp trọng tâm để leo, đỡ mất sức.
Với tốc độ trung bình, cả ăn nghỉ trên đường sẽ mất khoảng 6-7 tiếng lên được đến lán ngựa, nơi có nước uống và có thể dừng cắm trại. Vì vậy nên cố gắng muộn nhất khoảng 10h xuất phát từ chỗ gửi xe. Nếu thấy trời bắt đầu tối mà chưa đến điểm lấy nước, tốt nhất nên dừng lại, kiếm chỗ kín gió, đủ rộng để cắm trại, không nên liều đi tiếp vì leo núi trời tối rất nguy hiểm.
Ngày 3: Đón bình minh lên
Sau khi ngắm bình minh, bạn dọn dẹp và xuất phát về Hà Nội. Xuống núi sẽ nhanh hơn rất nhiều, nhưng lưu ý buối sớm nhiều sương, dễ trơn trượt.
Lưu ý
– Trước khi đi ít nhất 2 tuần, bạn cần lên lịch trình cụ thể cho chuyến đi, chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết, và lên kế hoạch rèn luyện thể lực. Đối với cung leo núi Tà Chì Nhù, ngoài những đồ dùng cá nhân, bạn phải tự chuẩn bị cả lều và túi ngủ mang theo. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ trước với những người dân bản địa để nhờ họ dẫn đường và chuẩn bị một số đồ ăn.
– Để tiết kiệm thời gian di chuyển, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những chuyến xe khách đi vào buổi tối, nếu xuất phát từ Hà Nội. Sau khi đến thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), bạn có thể thuê xe máy để tiếp tục di chuyển đến mỏ khai thác chì, thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái (cách thị xã Nghĩa Lộ khoảng 50km), để bắt đầu leo núi.
– Một lưu ý nhỏ nữa mách bạn đó là nên mang theo quần áo ấm, một tấm chăn vì ban đêm trên đỉnh núi khá lạnh, mang theo ngô, khoai hoặc trà, cafe để có thứ nhâm nhi qua đêm dài.
Xem thêm các hình ảnh ấn tượng về Tà Chì Nhù
LN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet