Kỹ năng lái xe khi băng đường sắt

[Wanderlust Tips tháng 1/2018] Lái xe trên đường du lịch, điều đầu tiên bạn luôn luôn phải nhớ là: hãy nhường đường cho tàu hỏa, tuyệt đối không cố vượt qua đường ray khi đã thấy tàu dù bạn nghĩ bạn có đủ thời gian.

[rpi]

wanderlust tips Ky nang lai xe khi bang duong sat3

Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến đường sắt, trong đó không ít những chiếc xe ô tô bị tàu húc thành đống sắt vụn. Tàu hỏa vốn là phương tiện đặc biệt, không chỉ vận hành trên đường ưu tiên mà còn quãng phanh cực lớn khiến tàu không thể dừng ngay khi phát hiện chướng ngại vật. Trung bình, quãng đường tính từ lúc tàu bắt đầu phanh khẩn cấp đến khi dừng hẳn có khi lên tới gần 1km tùy thuộc vào tốc độ chạy tàu. Với những trường hợp phát hiện vật cản quá gần, lái tàu cũng sẽ không phanh khẩn cấp được bởi có thể làm lật hoặc trật đường ray ảnh hưởng tới hàng trăm hành khách trên tàu.

Chính vì thế, lái xe băng qua đường sắt ở những đoạn không có gác chắn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ đó gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, vượt xa một vụ tai nạn thông thường. Nhiều tài xế kinh nghiệm vẫn có thể mắc sai lầm, do đó việc trang bị kiến thức và kỹ năng lái xe băng qua đường sắt an toàn là vô cùng cần thiết.

Điều đầu tiên bạn luôn phải ghi nhớ là: luôn luôn nhường đường cho tàu hỏa, bạn chẳng thể và hoàn toàn không nên tranh thủ vài giây để cố vượt qua đường ray dù quan sát thấy tàu ở đằng xa. Đó là điều “ngu xuẩn” nhất và đó cũng có thể là lần cuối cùng bạn còn được lái xe. Hãy nhớ: luôn nhường đường cho tàu trước.

Wanderlust Tips tổng hợp những sai lầm cũng như kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra khi lái xe băng qua đường sắt với mong muốn bạn luôn có những chuyến đi an toàn:

wanderlust tips Ky nang lai xe khi bang duong sat1

1. Với xe số sàn, nhiều người lười không chuyển về số thấp dẫn tới việc chết máy giữa đường ray. Lúc này, người lái sẽ dễ mất bình tĩnh từ đó chuyển nhầm số hoặc chuyển số không chuẩn xác, ra côn không hợp lý khiến xe càng không vượt qua nổi. Chính vì thế, nếu sử dụng xe số sàn thì bạn nên chuyển về số thấp mỗi khi băng qua đường sắt để xe có đủ lực kéo bởi hầu hết đường lên đều là dốc.

2. Xử lý khi bị chết máy giữa đường ray: nếu bạn bị kẹt giữa đường ray và đã cố khởi động lại xe mấy lần mà vẫn không đưa xe vượt qua đường thì hãy nhanh chóng rời khỏi xe, giúp đỡ tất cả hành khách rời khỏi xe. Nếu không thấy tàu tới thì nhanh chóng báo cho ngành đường sắt hoặc nhân viên tuần đường, gác chắn hoặc báo ngay cơ quan công an để họ có thể liên lạc trực tiếp với lái tàu. Trong trường hợp tàu đang tới, sau khi ra khỏi xe nhanh nhất có thể, không mang theo bất cứ hành lý nào, cố gắng chạy càng xa khỏi đường ray càng tốt. Nếu tàu quá gần, hãy chạy ngược lại hướng tàu đang tới bởi nếu bạn chạy cùng chiều tàu đến thì có thể những mảnh vỡ khi tàu va chạm với xe sẽ gây sát thương cho chính bạn.

3. Tuyệt đối không cố băng qua đường sắt khi thấy tàu đang tới mặc dù bạn nghĩ có đủ thời gian để đi qua được. Nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi bạn cố băng qua như xe chết máy, bị kẹt giữa đường ray, hay tính toán thời gian của bạn là sai. Nên nhớ, luôn băng qua đường sắt theo phương vuông góc.

4. Không băng qua đường sắt nếu khoảng trống ở bên kia đường sắt không đủ cho xe bạn, ngay cả khi bạn không nhìn thấy có tàu đến gần. Trong một số trường hợp tai nạn được ghi nhận, ôtô bị kẹt khi đứng chờ thông xe trên đường sắt và bất lực nhìn tàu hỏa đâm vào mình. Chính vì vậy, hãy kiên nhẫn chờ nếu phía bên kia đường sắt đang bị ùn tắc hoặc có chướng ngại vật, mà khoảng trống từ hành lang an toàn đường sắt tới chướng ngại vật không đủ cho xe của bạn. Đừng bị cuống nếu có xe phía sau bấm còi giục bạn.

wanderlust tips Ky nang lai xe khi bang duong sat2

5. Cuối cùng, nhưng lại có tầm quan trọng số một, là quan sát kỹ cả hai hướng của đường ray trước khi băng qua và đặc biệt cảnh giác với những góc khuất do bụi cây hoặc nhà dân ven đường khiến bạn không thể quan sát đường sắt. Bên cạnh đó, thói quen “đường ta, ta đi” có vẻ như đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người khi tham gia giao thông, không những khiến họ bị chết oan, mà còn liên lụy đến người khác. Rất nhiều trường hợp, cả ôtô xe máy, bị tàu hỏa đâm chỉ vì “hồn nhiên” và coi thường tính mạng khi băng qua đường sắt.

6. Năm bước bắt buộc thực hiện khi băng qua đường sắt: Đầu tiên, bạn cần giảm tốc độ mỗi khi tới đoạn giao cắt với đường sắt; tiếp theo là dừng hẳn xe lại cách đường ray hơn 5m nếu cả hai bên đều bị khuất tầm nhìn; thứ ba là phải quan sát thật kỹ cả hai hướng, cần thiết thì xuống hẳn xe nhìn kỹ, nếu đèn tín hiệu báo có tàu đến bật sáng, đừng cố vượt qua dù bạn chưa nhìn thấy tàu, bạn cũng có thể lắng tai nghe tiếng tàu tới, chỉ băng qua khi đảm bảo mọi thứ đã được quan sát kỹ và an toàn; thứ 4 là cần cẩn trọng khi băng qua đường ray, chuyển về số thấp nếu là xe số sàn; cuối cùng hãy băng qua một cách dứt khoát, đừng chần chừ hay do dự.

Trần Giáp | Wanderlust Tips