Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

Nếu như Lăng Tự Đức là một bức tranh sơn thủy hữu tình, Lăng Khải Định độc đáo với nét văn hóa Đông Tây thì Lăng Minh Mạng lại thể hiện được nghệ thuật lịch sử, triết lý nhân sinh và bộc lộ đầy đủ cá tính của một ông vua đắc đạo.

[rpi]

VUA MINH MẠNG

Vua Minh Mạng tên là Nguyễn Phúc Đảm, là hoàng tử thứ tư, con của vua Gia Long và thứ phi Trần Thị Đang. Ông lên ngôi vào năm 1820, khi  chế độ quân chủ trung ương tập quyền nhà Nguyễn đã được củng cố một cách triệt để. Vua Minh Mạng vốn là một người có tinh thần Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh và không thích phương Tây. Do đó mà kiến trúc Lăng của ông được xây dựng trên cơ sở tư tưởng Nho học. Với sự thông minh tài trí của mình, trong suốt khoảng thời gian tại vị, Minh Mạng đã đưa Đại Nam phát triển vững mạnh về mọi mặt.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

ĐÔI NÉT VỀ LĂNG MINH MẠNG

Lăng Minh Mạng (còn được gọi là Hiếu Lăng) nằm ở quốc lộ 49, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, tọa lạc trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng. Do ảnh hưởng của tư tưởng “sống gửi thác về” của Nho giáo mà các vị vua triều Nguyễn lúc còn tại vị đều xây cho mình một “ngôi nhà vĩnh cữu” để sống ở thế giới bên kia. Sau khi lên ngôi được 7 năm, vua Minh Mạng đã bắt đầu cho người đi tìm đất để xây lăng cho mình nhưng khi công trình chưa được hoàn tất thì ông lâm bệnh qua đời vào năm 1841. Vua Thiệu Trị sau khi lên nối ngôi đã huy động gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng ý của Vua cha để lại.  Đến thăm Lăng Minh Mạng, du khách sẽ ngỡ như đang lạc vào một không gian kết hợp cả hội họa, thi ca và triết học, thể hiện được sự uy nghiêm cùng với tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

QUY MÔ VÀ CẤU TRÚC LĂNG MINH MẠNG

Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc với khoảng 40 công trình lớn nhỏ như cung điện, lầu đài, đình tạ,… được bố trí một cách cân đối trên một trục dọc từ Đại Hồng Môn cho đến chân thành của La Thành sau mộ vua. Hình thể của Lăng giống như dáng người đang nằm nghỉ trong tư thế vô cùng thoải mái với đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.

Đại Hồng Môn

Đại Hồng Môn là cổng ra vào Lăng được xây bằng vôi gạch, cao hơn 9m và rộng 12m, thiết kế tiêu biểu cho loại cổng tam quan đời Nguyễn với 3 lối đi và 24 mái lô nhô cao thấp được trang trí đẹp mắt với họa tiết cá chép hóa rồng, long vân… Phần cổng ở chính giữa chỉ được mở đúng một lần lúc đưa quan tài vua Minh Mạng vào lăng, mọi người muốn ra vào lăng phải đi qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

Bi Đình

Sau khi qua Đại Hồng Môn, du khách sẽ đứng ở sân Bái Đình rộng 45x45m, được lát bằng gạch Bát Tràng với hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu ở hai bên. Ở cuối sân chính là Bi Đình với bia “Thánh đức thần công” bằng đá ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

Khu vực tẩm điện

Mở đầu khu vực tẩm điện là chính là Hiếu Đức Môn, giới hạn trong một lớp thành hình vuông tượng trưng mặt đất. Trung tâm chính là điện Sùng Ân thờ bài vị của Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, xung quanh bốn phía có Tả, Hữu Phối Điện và Tả, Hữu Tùng Phòng. Hoàng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện và mở ra một không gian thiên nhiên với hoa lá và mây nước ở phía sau. Tất cả những công trình trong khu vực này đều mang tính hiện thực.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

Lầu Minh Lâu

Sau khi đi qua 3 cây cầu Trung Đạo, Tả Phụ, Hữu Bật bắc qua hồ Trường Minh, du khách sẽ đến với lầu Minh Lâu. Đây là một tòa nhà hình vuông có 2 tầng và 8 mái được xây dựng trên quả đồi có tên là Tam Đài Sơn. Minh Lâu có nghĩa là lầu sáng, đây là nơi nhà vua đi dạo vào những đêm trăng thanh gió mát. Hai bên lầu Minh Lâu, ở phía sau chính là hai trụ biểu uy nghi với ý nghĩa nhà vua đã “bình thành công đức” trước khi về cõi vĩnh hằng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

Bửu Thành

Bước qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt, du khách sẽ vào thăm nơi yên nghỉ của nhà vua, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Hình tròn này nằm giữa và được bao quanh bở hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non cùng với đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm lấy cả thế giới và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của Minh Mạng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

TRIẾT LÝ NHÂN SINH CỦA LĂNG MINH MẠNG

Khi tham quan Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng), hầu hết du khách đều cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa, sự yên tĩnh nhưng ẩn chứa nhiều sự sống tiềm tàng. Đó không phải là một không khí u tịch, tang khóc mà là sự thanh lọc, hồi sinh giữa sự sống và cái chết. Với Minh Mạng, chết không phải là hết mà là bước sang một thế giới mới với nhiều hạnh phúc và nhiều điều tốt đẹp. Thế nên, Lăng Minh Mạng chính là công trình kiến trúc thể hiện kết nối giao hòa giữa trời đất và con người, cân đối hài hòa để tạo nên linh hồn.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Lăng Minh Mạng: Nơi hội tụ của nghệ thuật lịch sử và triết lý nhân sinh

Lăng Minh Mạng:

  • Địa chỉ: Quốc lộ 49, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
  • SĐT: 0234 3523 237
  • Website: http://hueworldheritage.org.vn
  • Giá vé:
    • Người lớn: 100.000đ
    • Trẻ em: 20.000đ

Wanderlust Tips | Cinet