Lễ hội Gion: Nét đẹp văn hóa xứ sở Phù Tang
- 07/10/2019
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- du lịch Nhật Bản, du lịch Nhật Bản tháng 7, lễ hội Gion, lễ hội Nhật Bản, văn hóa Nhật Bản
Lễ hội Gion không đơn thuần chỉ là lễ hội, mà nó còn ẩn chứa trong mình nét đẹp văn hóa của con người Nhật Bản. Bởi thế, nếu du lịch xứ sở Phù Tang vào những ngày tháng 7, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào lễ hội, tìm hiểu đời sống cũng như văn hóa của người dân nơi đây.
[rpi]
LỊCH SỬ LỄ HỘI GION
Lễ hội Gion, hay còn được biết đến với tên gọi là Gion Matsuri, là một trong ba lễ hội lớn của Nhật Bản, bên cạnh lễ hội Tenshin của Osaka và Kanda của Tokyo. Lễ hội này thường diễn ra trong suốt tháng 7, với vô số hoạt động sôi nổi, thu hút du khách từ khắp nơi tìm về tham quan.
Ngược dòng lịch sử nhìn về quá khứ, người ta cho rằng lễ hội Gion bắt đầu được tổ chức vào năm 970. Và vào thời nội chiến Onin (1467 – 1477) lễ hội dừng hoạt động, cho đến năm 1500 hoạt động trở lại. Lễ hội Gion được tổ chức tại đền Yasaka, cố đô Kyoto.
Bởi thế, đến Yasaka được xem là cái nôi của lễ hội nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản này. Nằm ở phía đông Kyoto, nơi đây sở những thắng cảnh đẹp bình yên và là nơi thờ 3 vị thần là Susanoo-no-mikoto, Kushiinadahime-no-mikoto và Yahashira-no-mikogami. Mục đích ban đầu của lễ hội là cầu xin thần linh để tránh thiên tai, bệnh dịch và mãi cho đến ngày nay, mục đích này cũng không hề thay đổi.
HÒA MÌNH VÀO LỄ HỘI
Lễ hội Gion mang tên của quận Gion ở Kyoto nhưng các sự kiện chính của lễ hội không diễn ra trong quận này mà là ở Shijyo-kawaramachi và Khu vực Shijyo-karasuma. Người ta thắp sáng những chiếc đèn lồng rực rỡ, các hoạt động bắt đầu, đánh dấu mùa hè đã bắt đầu chạm ngõ.
Sự kiện chính của lễ hội Gion là hai buổi lễ diễu hành truyền thống được gọi là Yamaboko-junko được tổ chức vào ngày 17 và 24/7. Lễ diễu hành truyền thống có hai loại kiệu đặc trưng là Hoko và Yama. Người ta trang trí kiệu bằng những món đồ thủ công tinh xảo, chiếc kiệu được xem là một tác phẩm văn hóa đặc sắc được bảo vệ và lưu giữ. Buổi diễu hành sẽ có tất cả 32 kiệu, trong đó có 23 kiệu Yama và 9 kiệu Hoko.
Hoko là loại kiệu hai tầng, trọng lượng khoảng từ 7 – 9 tấn, chiều cao lên đến 25m, bao gồm 4 bánh xe. Để có thể di chuyển loại kiệu khổng lồ này, người ta cần 40 – 50 người kéo kiệu gọi là Hikiko, 4 người ngồi trên mái của kiệu để kiểm soát di chuyển gọi là Yanekata, 2 người đứng trước hô khẩu hiệu gọi là Ondori, ngoài ra tầng hai còn có đến 35 – 40 người đứng trên kiệu chơi nhạc cụ để lễ hội thêm phần khí thế. Không giống Hoko, kiệu Yama nhỏ hơn. Kiệu Yama được 14 – 24 người vác trên vai, tùy theo vật liệu, đồ trang trí trên kiệu như búp bê, dù giấy, cây trừ tà… mà kiệu có trọng lượng khác nhau, thường là vào khoảng từ 0,5 – 1 tấn.
Trải nghiệm, đi dạo quanh các khu phố, thưởng thức ẩm thực phong phú, tham quan Yamaboko để chiêm ngưỡng những chiếc kiệu được trang trí tuyệt đẹp, nghe nhạc truyền thống, tìm kiếm một món quà lưu niệm đặc biệt… là những điều bạn không nên bỏ lỡ khi ghé chân qua lễ hội Gion nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào.
Wanderlust Tips | Cinet