Lễ Thất Tịch trong truyền thống văn hóa phương Đông

Chắc hẳn đối với rất nhiều người, lễ Thất Tịch là một ngày lễ vẫn còn khá xa lạ. Tuy nhiên, trong văn hóa phương Đông, lễ Thất Tịch được coi là một ngày lễ truyền thống, một trong những ngày lễ quan trọng trong năm. Đây là dịp bày tỏ tình yêu chân thành nên còn được xem là ngày lễ tình yêu ở một số nước Châu Á.

Thất Tịch là gì?

Thất Tịch, theo văn hóa phương Đông, nhất là các nước Đông Á (Trung Quốc, Việt Nam), là ngày lễ tình yêu được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm, đôi khi được người phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á. Lịch sử về ngày này gắn bó với câu chuyện cổ của Trung Quốc về Ngưu Lang Chức Nữ hay còn được gọi là vợ chồng ông Ngâu bà Ngâu, với nhiều dị bản.

Lễ Thất Tịch năm nay sẽ diễn ra vào thứ Bảy ngày 14 tháng 8 Dương lịch. Những năm gần đây, ngày lễ này được các bạn trẻ quan tâm rất nhiều vì ý nghĩa về tình yêu của nó.

Sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau vào ngày Thất Tịch hàng năm.
Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau vào ngày Thất Tịch hàng năm.

Nguồn gốc Lễ Thất Tịch

Lễ Thất Tịch có nguồn gốc từ câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ. Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng vì say mê Chức Nữ – một tiên nữ dệt vải nên đã bỏ bê việc chăn trâu và để trâu đi vào cung điện. 

Ngọc Hoàng tức giận nên đã bắt hai người phải xa cách nhau và mỗi năm chỉ được gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch. Khi tiễn biệt và phải rời xa nhau, cả hai đều khóc và nước mắt của họ đã rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa và được đặt tên là mưa ngâu.

Lễ Thất Tịch trong truyền thống văn hóa phương Đông

Lễ Thất Tịch ở Trung Quốc

Bắt nguồn từ Trung Quốc, nên ở đất nước này, Lễ Thất Tịch được coi là một trong những ngày lễ quan trọng nhất. Nó còn có các tên gọi khác như ngày Khất xảo tiết, Thất thư đản, Xảo tịch. Có rất nhiều hình thức tổ chức lễ hội trong dịp này và phong tục phổ biến nhất vẫn là vào đúng đêm ngày 7 tháng 7 Âm lịch.

Đây được xem là một dịp tốt để các cô gái còn độc thân tìm được nửa kia của mình, xin nàng Chức Nữ ban cho sắc đẹp và sự khéo léo, cặp đôi mới kết hôn mong con cái. Người Trung Quốc có rất nhiều tập tục độc đáo trong ngày này, ví dụ các lễ hội ghép đôi, hóa thân thành Ngưu Lang Chức Nữ được tổ chức trên đường phố, các cô gái thi ném một cây kim vào bát nước để chứng minh tài thêu thùa, may vá hay gội đầu bằng nhựa cây để trở nên xinh đẹp, hấp dẫn hơn trong mắt người khác giới.

sg
Lễ Thất Tịch được coi là một trong những dịp quan trọng nhất ở Trung Quốc.
Những cô gái thể hiện sự khéo léo trong Lễ Thất Tịch ở Trung Quốc.
Những cô gái thể hiện sự khéo léo trong Lễ Thất Tịch ở Trung Quốc.

Trong ngày Lễ Thất Tịch của Trung Quốc, bánh xảo là loại bánh truyền thống. Loại bánh này được làm từ các nguyên liệu như: bột mỳ, đường, mật ong và mè đen và nặn theo hình dạng khác nhau và rán. Mọi người tin rằng, ăn bánh xảo quả sẽ giúp vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ đoàn tụ trên cầu Ô Thước.

Bánh xảo - món ăn truyền thống của người Trung Quốc trong dịp Lễ Thất Tịch.
Bánh xảo – món ăn truyền thống của người Trung Quốc trong dịp Lễ Thất Tịch.

Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản

Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản còn có tên gọi là Lễ hội Tanabana. Thời Nara (710-784), khi văn hóa Trung Hoa bắt đầu du nhập vào Nhật Bản, người Nhật cũng có một truyền thuyết về nàng tiên dệt vải Orihime và anh chàng chăn trâu Hikoboshi tương tự câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ ở Trung Quốc.

Trong ngày này, các địa điểm như sân nhà, trường học,… thường sẽ được trang trí bằng các cây trúc nhỏ. Người Nhật viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc, được xếp theo 7 hình thông dụng như cánh hạc, Kimono rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu khấn Orihime sẽ giúp họ khéo léo hơn trong công việc may vá, viết chữ đẹp cũng như mong muốn Hikoboshi sẽ mang đến những vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng.

Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện cho tình yêu được bền đẹp, hạnh phúc, người độc thân sẽ cầu cho sớm tìm được ý trung nhân.

Một trong những biểu tượng đáng nhớ của Tanabata ở thành phố Sendai, Nhật Bản là những cột giấy Fukinagashi với 5 màu sắc sặc sỡ: xanh lục, vàng, hồng, trắng, đen, được ví như những sợi chỉ may vá của Orihime. Với độ cao trung bình từ 5 – 6m, Fukinagashi là 1 trong 7 vật trang trí được xem như vật trung gian mang lời cầu nguyện của con người đến với tổ tiên và thần linh.

Cột giấy Fukinagashi - biểu tượng của lễ hội Tanabana Nhật Bản.
Cột giấy Fukinagashi – biểu tượng của lễ hội Tanabana Nhật Bản.

Vào Lễ Thất Tịch này ở Nhật Bản, người ta thường ăn món mì Somen lạnh.

Mì Somen lạnh - món ăn đặc biệt trong Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản
Mì Somen lạnh – món ăn đặc biệt trong Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản.

Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc

Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc còn được gọi là Chilseok. Cũng bắt nguồn từ truyền thuyết của Trung Quốc, song ở Hànn Quốc, ngày lễ này lại có ý nghĩa vô cùng khác biệt.

Chilseok rơi vào khoảng thời gian khi thời tiết nóng nực qua đi và mùa mưa bắt đầu, mưa rơi trong ngày này được gọi nước Chilseok. Vào ngày này, người Hàn Quốc theo truyền thống tắm để có sức khỏe tốt, cùng với đó là tổ chức những buổi diễu hành, trò chơi đắc sắc. Bí ngô, dưa chuột và dưa hấu bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian này, vì vậy chúng được dùng rất nhiều trong lễ hội.

Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc.
Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc.

Đây cũng được xem là hội cuối cùng để thưởng thức các món ăn làm từ lúa mì, vì những cơn gió lạnh sau Chilseok đã làm hỏng hương thơm của lúa mì. Bánh kếp lúa mì gọi là miljeonbyeong hay bánh giầy phủ đậu đỏ là những món ăn truyền thống trong dịp này ở Hàn Quốc.

sssss
Món ăn truyền thống Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc.

Lễ Thất Tịch ở Việt Nam

Ngày Lễ Thất Tịch đã tồn tại trong văn hóa người Việt Nam từ khá lâu. Truyện Ngưu Lang Chức Nữ hay còn được gọi với tên khác là ông Ngâu bà Ngâu để giải thích về thời tiết Việt Nam là mưa ngâu vào tháng 7 âm lịch.

Trong ngày lễ, các đôi lứa yêu nhau thường đến những ngôi chùa nổi tiếng (chùa Hà…), làm lễ và cầu mong những điều tốt đẹp, sự bình an và gặp thuận lợi trong con đường tình duyên. Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.

Đi chùa cầu duyên vào Lễ Thất Tịch ở Việt Nam
Đi chùa cầu duyên vào Lễ Thất Tịch ở Việt Nam

Ngoài ra, món ăn đặc biệt được chú ý đó là món chè đậu đỏ. Giới trẻ cũng thường truyền miệng nhau rằng ăn chè đậu đỏ để hi vọng tình yêu đôi lứa thêm bền vững hay người độc thân tìm được tình duyên cho bản thân, hay còn gọi vui là “thoát ế”.

Chè đậu đỏ - món ăn được truyền miệng rất nổi tiếng trong Lễ Thất Tịch ở Việt Nam.
Chè đậu đỏ – món ăn được truyền miệng rất nổi tiếng trong Lễ Thất Tịch ở Việt Nam.

Bạn thấy Lễ Thất Tịch ở Quốc gia nào là đặc sắc nhất, cùng chia sẻ với Wanderlust Tips nhé!

Ảnh: Internet

Wanderlust Tip | Cnet.