Lễ Vu Lan: Đại lễ của những người con
- 31/08/2020
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, lễ Vu Lan, truyền thống, văn hóa
Từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thiêng liêng của người Việt.
[rpi]
Bao đời nay, Vu Lan đã trở thành một nét ứng xử mang giá trị nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Chính vì thế, cứ mỗi mùa Vu Lan đến cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các bậc cha mẹ bằng những việc làm, cách thể hiện khác nhau nhưng đều mong muốn cầu chúc bậc sinh thành luôn sống khỏe mạnh, thanh bình và an nhiên.
TÍCH CHUYỆN LỄ VU LAN
Theo kinh Vu Lan xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Khi mẹ ông – bà Thanh Đề qua đời, để tưởng nhớ bậc sinh thành nên ông đã dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm kiếm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải vào ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng, nhưng khi bà đưa thức ăn lên miệng thì lập tức hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Đức Phật để hỏi cách cứu đỡ mẹ, Phật dạy rằng: “Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu. Ngày rằm tháng bảy là thời gian thích hợp để cung thỉnh chư tăng”. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người nên biết trân trọng những gì mình đang có, nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.
Ý NGHĨA NHÂN ĐẠO NGÀY LỄ VU LAN
Với bề dày 2.000 năm lịch sử của Phật Giáo, đây không chỉ là lễ hội lớn của những người theo đạo Phật mang truyền thống sâu đậm mà còn là nét văn hóa của người dân Việt Nam. Vu Lan có ý nghĩa là báo hiếu, là ngày cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời được giải thoát khỏi những cảnh khổ và cứu khổ – giải đảo huyền (nạn bị treo ngược) cho mọi sinh linh trong cuộc sống. Phật tử quan niệm có 4 ân lớn đó là ân Cha mẹ, ân Thầy tổ, ân Quốc gia và ân Chúng sinh. Ngày này cũng là dịp tri ân và báo ân của người con Phật bằng cách đến chùa tụng kinh, lễ Phật, phóng sinh, bố thí làm nhiều điều thiện lành để đền đáp bốn ân nặng của Phật. Ngày lễ Vu Lan như lời nhắc nhở tất cả mọi người rằng phải sống thuận thảo với cha mẹ, bà con nhất là trong những lúc cha mẹ ốm đau, già yếu cả vật chất và tinh thần.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA
Vào dịp lễ Vu Lan, các Phật tử thường đến chùa cầu kinh, cầu nguyện với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, những người đang sống có sức khỏe tốt để ở mãi bên gia đình. Ngoài ra, mỗi nhà đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất cho ngày lễ Vu Lan dâng lên gia tiên, thần linh, cửa Phật và cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành.
Ăn chay cũng là một cách cầu nguyện và tích đức. Trong ngày lễ Vu Lan, những người con xa quê đều cố gắng thu xếp thời gian về tụ họp với gia đình. “Bông hồng cài áo” là nghi thức đặc biệt trong lễ Vu Lan để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế, đồng thời tôn vinh những người mẹ đương còn vui sống bên gia đình, con cháu. Hoa hồng chính là biểu tượng của sự cao quý và tình yêu bất diệt. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, mọi người khi tham dự lễ sẽ được cài hoa hồng màu đỏ cho những người còn cha mẹ và hoa hồng màu trắng cho những người đã mất mẹ. Chính nghi lễ này đã thức tỉnh bao người con về đạo hiếu với cha mẹ và giúp thế hệ trẻ luôn sống đúng đạo nghĩa.
Wanderlust Tips | Cinet