Machiya: Những nếp nhà truyền thống đầy giá trị của Nhật Bản

Đất nước Nhật Bản nổi tiếng với nền văn hóa phong phú, đa dạng, là những phong tục, tập quán, những công trình kiến trúc nổi bật… Một trong số đó phải kể tới Machiya – kiểu nhà gỗ truyền thống, biểu trưng cho những nét cổ xưa mang đầy giá trị của xứ Phù Tang.

Machiya: Những nếp nhà truyền thống nơi phố cổ Nhật Bản - Wanderlust Tips

Cái tên “Machiya”

Cái tên Machiya được tạo thành bởi chữ machi có nghĩa là thị trấn và ya có nghĩa là nhà hoặc cửa hàng. Kiểu nhà Machiya đã có từ lâu đời ở Nhật Bản, xuất phát từ những năm 794 thời Heian, và tiếp tục phát triển cho đến thời Edo (1603 – 1867) và cả thời Meiji (1868 – 1912). 

Nó được sử dụng trong kiến trúc nhà ở của các thương gia và các thợ thủ công thành thị. Họ sử dụng ngôi nhà vừa làm nơi ở, vừa làm nơi buôn bán, làm việc. Ngày nay, bên cạnh một số ít nhà theo kiểu này vẫn tiếp tục được sử dụng làm nơi ở, nhiều nơi đã được chuyển thành nhà hàng, cửa hiệu hoặc Ryokan (lữ quán).

r 6
Một lữ quán từ nhà Machiya ở Kyoto.

Kiến trúc Machiya

Kiểu nhà Machiya xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các khu phố cổ như Kyoto, Nara hay Kanazawa, và ở mỗi khu vực khác nhau sẽ có một số biến đổi để phù hợp với môi trường, nhiệt độ cũng như đặc điểm từng địa phương. Tuy nhiên, tất cả chúng đều sẽ có những điểm chung nhất định.

Machiya điển hình thường là một ngôi nhà sâu và dài bằng gỗ nằm ở trục đường chính, có cửa ra vào hướng ra mặt tiền đường. Gỗ là vật liệu chính yếu để xây nên ngôi nhà, tường được đắp bằng đất và mái lợp ngói. Các Machiya thường cao từ một hoặc một tầng rưỡi đến hai tầng, đôi khi cũng có những ngôi nhà cao đến ba tầng.

nc

Cửa lớn ra vào, vận chuyển hàng hóa được gọi là Odo, cửa phụ nhỏ hơn được gọi là Kugurido còn cửa sổ được gọi là Mushiko mado. Đi vào bên trong, căn nhà sẽ bao gồm 2 phần rộng và quan trọng nhất, đó là Mise/Omoteya tức không gian dành để buôn bán, trưng bày hàng hóa ở ngay bên ngoài và Omoya – khu vực sinh hoạt của gia chủ ở bên trong. Ở giữa 2 khu vực lớn này thường sẽ có khu vườn nhỏ hoặc các vách ngăn để phân biệt.

Bên cạnh đó sẽ là những yếu tố khác mang tính bổ trợ thêm cho ngôi nhà là một hành lang dài gọi là Toriniwa chạy từ khu vực nhà chính dọc theo sân trong, cho đến cuối khu đất của căn nhà, nơi đặt nhà kho Kura. Đây cũng chính là là con đường để vận chuyển hàng hóa từ kho đến cửa tiệm phía trước.

l 2
Cửa sổ Mushiko mado ở tầng hai của Machiya.

Ngôi nhà sinh thái

Machiya Không chỉ toát lên vẻ tinh tế về mặt thẩm mỹ mà còn là không gian sống vô cùng thoải mái, với khả năng điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, cũng như khả năng chống chọi với động đất khi sử dụng những nguồn nguyên liệu tự nhiên để tạo nên ngôi nhà.

Bên cạnh nguyên liệu chính là gỗ, người Nhật Bản thông tin tận dụng cả rơm, rạ hay tre để hoàn thành các phần khác nhau của nhà Machiya. Sau vài năm sử dụng, một phần các nguyên liệu này có thể bị hỏng thì họ có thể dễ dàng tìm kiếm và thay thế chúng. Những thứ gì được thay thế này sau đó được đem đi làm chất đốt trong bếp, tro thì được người nông dân sử dụng làm phân bón. Chính điều này đã khiến những ngôi nhà Machiya tạo ra một lối sống bền vững về mặt sinh thái.

Ngay cả khi không khí bên ngoài trở nên ẩm ướt thì bên trong nhà vẫn khô hơn. Đó là nhờ shinkabe-zukuri, phương pháp xây dựng khiến cột đỡ nhà vẫn được để lộ ra bên ngoài phần tường trát. Điều này đặc biệt hiệu quả trong điều chỉnh độ ẩm. Ví dụ, trong mùa mưa, lớp giấy phủ cửa trượt shōji trở nên ẩm, nặng, khi đó, những cây cột sẽ hấp thụ hơi ẩm, khiến ngôi nhà được thông thoáng hơn.

c 6

Ngoài ra Machiya còn được thiết kế để tăng khả năng đón ánh mặt trời, cũng như không khí. Mái hiên rộng giúp tránh ánh nắng chói chang của mùa hè nhưng lại cũng vừa đủ để không gian ấm áp khi mùa đông tới. Trong khi đó, phần hành lang bên ngoài cửa trượt tạo hiệu ứng cách nhiệt. Còn khu vườn nhỏ đặt trong khuôn viên nhà thì chịu trách nhiệm lấy ánh sáng và thông khí.

vfc

Cuộc sống ở Machiya

Machiya là nơi để người Nhật vừa sinh sống, vừa buôn bán và làm việc. Bằng việc sử dụng linh hoạt các cửa trượt giấy, vách ngăn trong ngôi nhà mà không làm phá vỡ tính truyền thống của căn nhà,những không gian chính rộng lớn đã được phân chia một cách khéo léo, phù hợp với từng mục đích sử dụng.

Khi bạn di chuyển từ không gian này sang không gian khác của căn nhà, giữa hai thế giới có sự chuyển mình và giao thoa lẫn nhau, hay nói cách khác, bạn ở bên trong mà đồng thời cũng đang ở bên ngoài.

Nỗ lực bảo tồn Machiya

Những nếp nhà gỗ Machiya được coi là một phần di sản của văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, qua dòng chảy của thời gian, số lượng của nếp nhà nay đang bị suy giảm nhanh chóng trong những thập kỉ gần đây,nhiều ngôi nhà bị phá bỏ để cung cấp không gian cho các tòa nhà mới. 

Người ta đưa ra nhiều lí do để minh chứng cho sự suy giảm này như khó bảo trì và tốn kém, chính vì làm bằng những nguyên liệu tự nhiên nên có nguy cơ thiệt hại do hỏa hoạn hoặc động đất cao hơn các tòa nhà hiện đại, một số ý kiến lại cho rằng chúng đã quá lỗi thời.

str

Với nỗ lực để bảo tồn nét đẹp truyền thống này, một tổ chức đã được thành lập với mục tiêu khôi phục và bảo vệ các Machiya còn sót lại ở Kyoto – Nhật Bản. Năm 2005, “Quỹ Machiya Machizukuri” đã được thành lập để cùng với những chủ sở hữu Machiya khôi phục lại ngôi nhà của họ, giúp kiến trúc này được chỉ định là “Cấu trúc có tầm quan trọng của cảnh quan”.

Theo đó, các Machiya được bảo vệ khỏi việc phá dỡ mà không có sự cho phép của thị trưởng Kyoto, và chính quyền thành phố cũng cung cấp một khoản phụ cấp cho các chủ sở hữu để hỗ trợ việc duy trì tòa nhà.

Nếu bạn yêu thích nét đẹp cổ kính và những giá trị văn hóa lâu đời của Nhật Bản, thì chắc chắn những ngôi nhà gỗ cổ Machiya sẽ là điểm đến hoàn hảo, không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình tới với xứ sở Hoa anh đào.

str 2

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cnet