Mộc mạc bánh quai vạc Phan Thiết
- 26/06/2018
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- ẩm thực Phan Thiết, bánh quai vạc, Editor picks, Phan Thiết
Cắn miếng bánh quai vạc, bạn sẽ cảm nhận được vị dai sần sật từ lớp vỏ, vị mặn của tôm thịt trong nhân và vị chua chua ngọt ngọt của nước chấm.
[rpi]
Không ai biết chính xác món bánh quai vạc xuất hiện từ khi nào ở Phan Thiết, chỉ biết rằng nó gắn liền với ẩm thực đường phố địa phương và đến Phan Thiết mà không ăn bánh quai vạc thì vẫn chưa khám phá trọn vẹn văn hóa ẩm thực nơi đây.
Bánh quai vạc có lớp vỏ dai, mềm, trong suốt, để lộ nhân tôm và hấp dẫn nhờ hương vị của nước chấm ngon. Nhìn thoáng qua bánh quai vạc khá giống há cảo của người Hoa, nhưng thực sự đây lại là một món ăn thuần Việt, đầy sức hút. Rất nhiều người nhanh chóng bị món ăn đường phố này thu hút ngay từ lần đầu thưởng thức.
Sở dĩ gọi là quai vạc, vì đường viền trên bánh được người thợ khéo léo nắn tạo hình nhìn giống như quai của chiếc vạc. Tuy nhiên, ngày nay người ta ít chú trọng tới việc tạo hình vạc cho viền bánh, vì sẽ tốn thời gian nên chiếc bánh bây giờ trông giống như một cái gói nhỏ.
Nhìn bánh nhỏ xinh thế này thôi, nhưng công đoạn chế biến lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, kinh nghiệm và sự đầu tư nghiêm túc. Bột làm bánh được trộn lẫn giữa bột mì và bột năng theo tỷ lệ tùy khẩu vị từng vùng. Bánh làm ra ngon hay dở chính là khâu nhồi bột quy định. Tùy theo loại bánh mà người nhồi bột sẽ quyết định nhồi bao lâu, lực tay mạnh hay yếu, nhồi phải đều tay để tránh tình trạng bột nở không đều. Sau đó đó dùng tay vo tròn, rồi cán mỏng tạo ra một miếng bột mỏng tròn, miếng bột phải có độ mỏng tương đối, dày quá bánh sẽ đục không thấy nhân, mỏng quá khi luộc sẽ rách lòi nhân ra ngoài.
Phần nhân của bánh gồm tôm hoặc thịt ba rọi được cắt nhỏ, cho nước mắm, muối tiêu, đường vào trộn chung và đem xào chín. Múc một chút nhân vừa phải cho vào giữa miếng bột đã được cán mỏng và xếp đôi chiếc bánh lại. Khi hoàn tất, bánh sẽ được luộc trong nồi nước sôi đến khi bánh chuyển màu trong thì vớt ra xả nước lạnh, trộn chung với chút dầu ăn để bánh không bị dính.
Linh hồn của món bánh quai vạc chính là nước chấm, được pha hơi sệt sệt bằng các nguyên liệu là nước mắm, đường, ớt xiêm cắt mỏng và một số gia vị khác cho đậm đà.
Khi ăn, bạn chỉ việc chan chút nước chấm vào bánh quai vạc, cho thêm hành phi và hành lá lên trên để tạo thêm hương vị cũng như giúp chiếc bánh thêm phần bắt mắt. Bánh dai nhẹ, nhân có hương vị thơm. Nếu bánh nhân tôm thì nhai sẽ có cảm giác giòn vì được làm từ những chú tôm nhỏ giữ nguyên vỏ, cùng với nước chấm đậm đà mang lại một sự kết hợp gây ngạc nhiên cho vị giác. Còn nếu bánh nhân thịt nạc thì sẽ ngọt vừa ăn, và béo ngậy nếu nhân là ba rọi thịt mỡ.
Bánh quai vạc cũng có thể ăn kèm bánh mì, nem, chả lá hoặc chả cá chiên tùy vào khẩu vị ăn uống của thực khách. Ngoài ra còn có bánh quai vạc chiên hoặc nướng, đặc biệt khi được chiên lên lớp quai vạc cắn vào giòn rụm, rất đã.
Du khác có thể thưởng thức món bánh quai vạc ở bất kì đâu trên đường phố ở Phan Thiết với giá khoảng 15.000đ đến 20.000đ một hộp.
Wanderlust Tips | Cinet