Nam Lào – những dấu ấn khó quên
- 01/05/2018
- E.MAGAZINE, ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- Bolaven, Du lịch Lào, Editor picks, Lào, Nam Lào, Naxone, Pakse, Tad Lo
[Wanderlust Tips tháng 3/2018] Những ngọn thác hoang sơ hùng vĩ, những vườn cà phê xanh mướt bạt ngàn, những nụ cười chân chất dễ mến là những trải nghiệm khó phai trong hành trình rong ruổi khám phá Nam Lào của chúng tôi.
[rpi]
HOÀNG HÔN Ở PAKSE
Từ Huế, tôi bắt chuyến xe khách buổi sáng sớm đi qua cửa khẩu Lao Bảo rồi thẳng tiến đến thị trấn Pakse thay vì dừng ở Savanakhet như dự định từ trước. Chuyến xe được chất đống những thùng hàng gia dụng và thực phẩm của các con buôn từ Việt Nam sang. Suốt buổi, cả xe xôn xao tiếng cười, tiếng Huế trọ trẹ, thỉnh thoảng ré lên tiếng trẻ con khóc. Xe giường nằm nhưng không có máy lạnh với các cửa sổ đều mở toang hứng hết cái nóng rẫy của miền Trung.
Đến Pakse vừa đúng lúc nửa đêm, tôi may mắn gọi được xe tuk tuk về nhà nghỉ trong trạng thái toàn thân mệt mỏi, chân tay bủn rủn, bụng đói rã rời. Nhà nghỉ nằm ngay gần Lãnh sự quán Việt Nam. Sau khi check-in xong, tôi đi bộ ra tiệm tạp hóa đầu đường mua mì gói chống đói. Chợt một cặp thanh niên trẻ nói chuyện với nhau bằng giọng quen thuộc ngay trước cửa tiệm. Sau một phút ngỡ ngàng, tôi nhận ra họ đang trêu đùa nhau bằng tiếng Việt. Cô gái tầm 20 tuổi, da ngăm, mặc chiếc quần short ngắn cũn cỡn nhảy phóc lên yên sau của cậu bạn trai ngang tuổi. Bà mẹ và cũng là chủ tiệm lật đật gào với theo tiếng rồ ga xa dần: “Về sớm nhé!” Tôi bật cười, cứ tưởng vẫn đang ở ngay nhà mình đây thôi.
Tôi ở Pakse trọn một ngày, lang thang qua các khu phố yên tĩnh với những mái nhà thấp lè tè được xây theo lối kiến trúc thuộc địa Pháp, tham quan ngôi chùa mái cong dát vàng rực rỡ. Trong sân chùa là những cái tháp nhỏ đựng tro cốt người chết xây thẳng hàng cũng được sơn son thếp vàng. Cây sứ nở đầy hoa tỏa hương ngào ngạt khiến cho ngôi chùa bên sông được bao bọc bởi một không khí u tịch. Ở đây yên tĩnh bao nhiều thì ngôi chợ Đào Hương tại trung tâm thị trấn náo nhiệt bấy nhiêu. Đây là ngôi chợ bề thế bậc nhất Pakse được xây dựng bởi một doanh nhân Việt kiều thành công trên đất Lào. Chợ khá khang trang, có đủ các mặt hàng, tiểu thương đa số là người Việt. Dạo một vòng ở đây, chẳng khác gì đang đi chợ Bến Thành. Các bà, các cô miệng nói chuyện tiếng Việt rôm rả, tay chân vẫn tất tả, bày dọn hàng, đon đả mời khách. Tôi tranh thủ mua vài gói bánh chuẩn bị cho chuyến khám phá cao nguyên Bolaven dài ngày bằng xe máy vào hôm sau.
Ở Pakse, bạn nhất định phải ghé thưởng thức món cá nướng muối bên dòng sông Mekong. Cá tươi được đánh bắt từ sông Mekong vào sáng sớm, sau đó ướp muối và nướng trên than hồng, da giòn rụm, còn lát thịt trắng mềm bốc khói cuốn với rau và bánh tráng, nhâm nhi với bia Lào hương vị đậm đà, khiến người ta dễ dàng đắm say trong sắc tím rịm của buổi chiều hoàng hôn. Đó dường như là một đặc sản của thị trấn đã từng là kinh đô của vương quốc Champasak này.
LỄ HỘI TÊN LỬA Ở NAXONE
Sáng hôm sau, tôi và Julie, cô bạn người Pháp gặp ở nhà nghỉ, cùng đến tiệm cho thuê xe máy trên con đường trung tâm Pakse hỏi thông tin đi Bolaven Plateau. Chủ tiệm là một người đàn ông Pháp tầm 30 tuổi, kết hôn với cô vợ người Lào và sinh sống ở đây đã được nhiều năm. Anh phát cho chúng tôi mỗi người 1 tấm bản đồ vẽ cung đường đi Bolaven bằng xe máy kèm những lời dặn dò kỹ lưỡng.
Cao nguyên Bolaven nằm ở phía Tây Bắc nước Lào, thuộc tỉnh Champasak. Đây là vùng đất tương đối bằng phẳng, có đất bazan màu mỡ hơn Đắk Lắk và khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Do điều kiện thuận lợi, Bolaven còn là thủ phủ giống cà phê Arabica nổi tiếng của Lào. Bên cạnh đó, Bolaven này còn thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến khám phá và chinh phục những con thác hùng vĩ được hình thành từ những nhánh sông chảy vắt qua địa tầng cao nguyên, tạo nên những bức tranh phong cảnh thiên nhiên thơ mộng tuyệt đẹp.
Do địa hình con đường vòng cung nhỏ hẹp nên phương tiện khám phá tiện lợi nhất là xe máy. Có hai loại xe có thể thuê là xe Wave Thái và xe tay ga – loại xe dành cho khách du lịch chưa quen với loại phương tiện chỉ phổ biến ở Đông Nam Á này. Chúng tôi thuê xe Wave với giá là 50.000Kips/ngày, với lịch trình tổng cộng là 5 ngày trên cung đường nhỏ qua 4-5 ngọn thác khác nhau.
Tuy nhiên, sáng hôm trước, khi ghé qua trung tâm thông tin du lịch Pakse ven sông, cô nhân viên trẻ tuổi có mời chúng tôi ghé qua làng của cô tham gia lễ hội Tên lửa (Rocket Festival) chỉ 3 năm mới có một lần. “Sẽ vui lắm!”- Cô tinh nghịch nháy mắt với tôi. Vậy là trước khi lên đường đi Bolaven, chúng tôi quyết định đi theo hướng ngược lại thẳng tiến đến làng Naxone, cách Pakse 20km với tâm trạng háo hức vô cùng.
Theo truyền thống, lễ hội Tên lửa thường tổ chức vào tầm cuối mùa khô, những quả tên lửa do dân làng tự chế với đủ loại kích cỡ được bắn lên trời để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Dân làng ăn mừng lễ trong 3 ngày với nhiều màn biểu diễn, nhảy múa nhộn nhịp kéo dài từ sáng đến tối.
Ngày thứ nhất dân làng lập đội thi đua múa hát, hóa trang. Ngày thứ hai nhà nào cũng bày một mâm cỗ, rượu thịt ê chề, cứ ai đi ngang qua bất kể người quen hay khách lạ đều được mời vào nhà, chúc tụng ăn uống thỏa thuê, không say không về.
Chúng tôi đến đúng ngày thứ 3, ngày cuối cùng và cũng là ngày vui nhất của lễ hội độc đáo này. Cả làng kéo nhau ra cánh đồng đã xới đất, chuẩn bị cho mùa giao mới. Thanh niên túm tụm lại mang theo những quả tên lửa tự chế nhiều màu sắc, buộc chặt vào đầu một cái sào tre, thi nhau xem tên lửa của ai nổ to hơn và bay xa hơn. Bầu trời vằn vện những đường khói màu đen xám. Cả cái cánh đồng rộng thênh thang trở nên cực kỳ “nguy hiểm”, pháo nổ bùm bụp khắp nơi làm chúng tôi giật mình thon thót. Các bà các cô trang điểm lòe loẹt, tụ thành từng nhóm, uống loại rượu gạo truyền thống từ sáng sớm nên ai cũng ngà ngà say, vừa cười vừa hát, nhảy múa tưng bừng. Chúng tôi đứng gần đó được mời vào tham gia nhảy múa cùng. Có cô cứ nắm tay tôi cười hoài, mặt đỏ như gấc. Còn có bác gái cứ ngồi một chỗ vì không đi nổi, tuy nhiên tay vẫn khư khư chai rượu gạo đã vơi một nửa và nụ cười dường như không bao giờ tắt. Duy chỉ có đôi mắt lờ đờ như đang lạc vào một chiều không gian nào khác.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội, ngoài truyền thống bắn tên lửa còn có nghi thức tắm bùn. Dân làng sẽ chuẩn bị một khoảng đất bùn sạch giữa cánh đồng để trẻ con hay người lớn đều có thể trượt vào đó, đầm mình trong bùn rồi đánh trống reo hò rộn ràng cả góc trời. Một ông chú tầm 50 tuổi lân la đến hỏi tôi từ đâu tới bằng tiếng Anh, khi tôi trả lời Việt Nam, ông ồ lên và chào tôi bằng giọng Quảng Trị đặc sệt. Ông sang đây với gia đình từ nhỏ, sinh sống bằng nghề làm ruộng. Nhân dịp lễ hội này, cả làng được nghỉ suốt 3 ngày để ăn mừng. Tôi hỏi chẳng lẽ dân làng phải làm suốt 3 năm mới nghỉ một lần ư? Ông phá lên cười bảo rằng, thật ra người Lào có nhiều lễ hội lắm, có dịp là chỉ thích ăn chơi thôi.
Trước khi rời làng Naxone, tôi gặp lại cô nhân viên làm việc tại trung tâm du lịch hôm trước. Cô mời tôi vào nhà ăn món bún sốt cay và thịt viên truyền thống ngon nức tiếng của Lào. Vị ớt cay xè làm tôi suýt xoa chảy nước mắt nhưng trong lòng cảm thấy thật sự vui và may mắn. Không biết mình còn cơ hội tham gia một lễ hội thú vị như thế này nữa không. Rời Naxone trong trạng thái lâng lâng bởi lúc nãy tôi không nỡ từ chối ly rượu gạo từ ông chú người Việt, chúng tôi đi ngược lại Pakse, hướng về phía cao nguyên Bolaven.
CUỘC SỐNG YÊN BÌNH TRÊN CAO NGUYÊN BOLAVEN
Hành trình 5 ngày khám phá các làng dân tộc bên cạnh những ngọn thác hùng vĩ ở Nam Lào là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ, không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ mà chúng tôi còn ấn tượng bởi tấm lòng ấm áp của người địa phương, tan chảy trong những đôi mắt to sáng và đen lay láy của những em bé Lào.
Trong tiếng Lào, thác có nghĩa là Tad. Cao nguyên Bolaven là nơi tập trung nhiều ngọn thác tự nhiên và hoang sơ nhất, cũng thuộc vào hàng đẹp cuốn hút nhất ở đất nước Triệu voi. Hành trình của chúng tôi dự kiến là 3 ngày, qua Tad Pampasak, Tad Lo, Tad Yuang, Tad Champee và Tad Fane. Mỗi ngọn thác đều có nét riêng không lẫn vào đâu nhưng chúng đều có một điểm chung là chưa được ngành du lịch khai thác nên quang cảnh vẫn còn nguyên sơ. Cung đường trên Bolaven rất đẹp, uốnlượn quanh những cánh đồng ngô trải dài, những dải đồi núi chập chùng ngút tầm mắt. Đôi khi đường vào sâu trong thác nhỏ hẹp và khó đi do bùn lầy nhưng điều đó không thể ngăn được chúng tôi chùn bước bởi càng khó khăn, chúng tôi lại cảm thấy bản năng thôi thúc muốn khám phá càng mạnh.
Từ Tad Pamsasak đến Tad Lo, chúng tôi dừng lại ở một homestay thuộc làng dân tộc Katu nghỉ ngơi. Lũ trẻ trong xóm tụ tập ngay cổng làng chơi đá bóng, mặt đen nhẻm, chân tay nhem nhuốc nhưng đôi mắt sáng lấp lánh và miệng cười thật tươi chào khách lạ. Chủ homestay là Mệ khoảng chừng hơn 60 tuổi sống cùng con gái. Katu homestay là một nhà sàn thật lớn, nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê xum xuê tươi tốt. Khoảng sân được lấp đầy bởi những rổ hạt cà phê Arabica đang đượcphơi khô. Mùi cà phê rang xay thơm phức quyện trong bầu không khí se lạnh khiến chúng tôi sảng khoái và thư giãn một cách kỳ lạ. Tôi đi theo Mệ vào trong nhà để xem mệ pha cà phê và ngạc nhiên khi nhìn thấy kệ gỗ lớn trưng đủ loại bình và máy pha café kiểu Ý. Tôi không nghĩ nơi vùng sâu xa này lại có một quán café đặc biệt như thế. Mệ cười khi thấy tôi hết “à”, đến “ồ”, hàm răng nhai trầu của Mệ đen bóng, đôi mắt hằn lên vết chân chim ngang dọc. Cà phê có màu nâu nhạt, vị hậu của nó ngòn ngọt nơi cổ họng khiến tôi ngẩn ngơ. Sao cà phê ở đây lại ngon thế nhỉ. Tôi đã không thể ngăn mình uống thêm một ly thứ hai bất chấp tối nay có khả năng mất ngủ.
Tạm biệt Mệ và ngôi nhà sàn thơm mùi cà phê, chúng tôi tiếp tục lên xe máy rong ruổi đến Tad Lo, một trong những thác nổi tiếng đẹp nhất nhì ở Bolaven.
Bên cạnh thác Tad Lo là một ngôi làng nhỏ với những mái nhà sàn yên ả và bình dị, điều kiện có chút thiếu thốn. Ngoàimỗi chuyện lang thang, lên rừng xuống thác, nghe tiếng nước lúc róc rách, lúc ầm ào cả đêm lẫn ngày thì Tad Lo chả có gì nhiều. Ấy vậy mà cái vẻ buồn tẻ của nơi này lại khiến cho người ta thấy lười nhác, thảnh thơi, cứ lần lữa “ừ thôi thì ở thêm 1 ngày nữa có sao đâu…” Thật ra đã có nhiều người ở luôn không về nữa rồi đấy, chẳng hạn như cô gái người Tây Ban Nha xinh đẹp, 4 năm trước khi đi du lịch bụi ghé qua đã phải lòng một anh trai làng và ở lại mở quán bar, sống với nhau hạnh phúc cho đến giờ.
Còn chúng tôi cũng phải lòng cái đơn giản và thơ mộng ở đây, lúc rời đi cứ thấy tiếc ngơ tiếc ngẩn, vậy mà cũng ráng lưu lại đến 2 ngày mới chịu rời đi.
Đặc biệt, suốt chuyến đi này, ở đâu tôi cũng gặp đồng hương. Nào là bà chủ nhà nghỉ tên Mai bên thác Tad Lo, cô chủ quán ăn Thảo Trang người Huế sống cùng chú đại bàng 2 năm tuổi ở thị trấn Paksong, chị Liên bán phở ngay đầu chợ, và anh Chiêu chủ rẫy cà phê ở Paksong. Mọi người đều rất nhiệt tìnhkhi tôi hỏi đường và mau mắn kể đủ chuyện. Anh Chiêu bảo cộng đồng người Việt qua đây làm ăn nhiều, nhưng gặp khách du lịch người Việt qua đây là quý hóa lắm. Có một số resort nằm rải rác xung quanh thác, đẹp và yên tĩnh, phòng nằm riêng biệt từng khu, nghe tiếng nước cả ngày lẫn đêm, bạn lại còn có thể đi bộ thẳng ra đầu ngọn thác chỉ cách phòng vài bước chân. Giá cả cũng tạm, không đắt lắm, khoảng 15USD/đêm, thật lý tưởng cho những ai thích hòa mình với thiên nhiên.
Chúng tôi chọn ở homestay của một đôi vợ chồng trẻ có một có con gái nhỏ khoảng tầm 4-5 tuổi. Đó là dãy nhà sàn đơn sơ, chỉ có một chiếc giường tre và bộ chăn nệm, nhà tắm dùng chung, không có nước nóng, khoảng 20.000VND/đêm. Nhưng mà chủ nhà thì rất tử tế, nhiệt tình, tiếng cười vang lên rộn ràng suốt bữa cơm. Sáng tôi thích dậy thật sớm khi mặt trời vừa lên, ra ban công ngồi hít mùi khói bếp thơm ngai ngái, xem anh chồng thử chiếc máy cày nổ giòn giã, chị vợ phơi đồ, còn cô bé con thì tung tăng chạy nhảy ngoài sân, đàn lợn gà tíu ta tíu tít. Cuộc sống yên bình hạnh phúc khiến trong lòng tôi dậy lên một cảm giác nhớ nhà.
W. TIPS
Phương tiện: Đi Lào không cần visa cho người Việt Nam. Từ Việt Nam đi sang Lào có thể đi bằng máy bay, tàu hỏa. Từ Hà Nội và Hồ Chí Minh, bạn có thể mua vé máy bay của hãng Vietnam Airline và Lao Airline đến Luang Prabang và Viêng Chăn, sau đó đi ô tô đến Pakse. Từ Huế, bạn có thể mua vé xe giường nằm đến thẳng Pakse, đi qua cửa khẩu Lao Bảo, mất khoảng 10 tiếng xe chạy.
Tiền tệ: Tiền Lào lớn gấp 3 lần tiền Việt nên khi chi tiêu bạn sẽ cảm thấy giá cả bên Lào đắt đỏ hơn. Bạn nên đổi tiền ở nhà trước khi sang Lào, phí rút tiền tại ATM cũng cao. Ở Pakse có ngân hàng VietinBank.
Khí hậu: Khí hậu Lào giống ở Việt Nam, miền Nam Lào tương tự như miền Trung Việt Nam, mùa hè vô cùng nắng nóng. Bạn nhớ mang theo kem chống nắng, kem dưỡng da, thuốc chống muỗi. Khi đi Bolaven bạn nhớ mang theo áo gió đề phòng trời trở lạnh vào ban đêm.
Di chuyển nội địa: Ở Lào ít xe máy nên người dân phóng xe rất nhanh và ẩu, bạn nhớ cẩn thận nếu khám phá bằng xe máy. Chuẩn bị sẵn những vật dụng y tế cần thiết. Ở Pakse, phương tiện tham quan tiện lợi và rẻ nhất là thuê xe máy và bạn phải tự đổ đầy bình xăng. Bạn có thể thuê xe máy tham quan cụm đền chùa Wat Phou là di tích một quần thể đền thờ Khmer ở Nam Lào. Wat Phou tọa lạc dưới chân núi Phu Cao, tỉnh Champasak, cách sông Mekong 6km, cách Pakse 50km, cách thủ đô Viêng Chăn 670km về phía nam. Đi dạo ở đây sẽ cho bạn cảm giác đang tham quan quần thể Angkor Wat ở Campuchia, tuy nhiên, diện tích của Wat Phou nhỏ hơn.
Lưu trú: Ở Pakse có nhiều khách sạn bình dân nhưng hiếm khách sạn có máy lạnh, bạn nên tham khảo kỹ trước khi đặt phòng. Khách sạn 3 sao Champasak Palace Hotel ngay bên sông và có buffet khá ngon. Trên cao nguyên Bolaven, bạn không cần đặt trước, đến nơi có thể đi một vòng các resort và homestay tham khảo. Trong các làng dân tộc bên cạnh khu vực thác có nhiều homestay nhà sàn, điều kiện cơ bản nhưng tương đối sạch sẽ, giá rẻ. Bạn sẽ có trải nghiệm thú vị khi ở cùng các gia đình địa phương.
Quà lưu niệm: Quà lưu niệm ở Nam Lào chủ yếu là những vật dụng dệt bằng vải thổ cẩm như túi, ví, móc khóa…
Quỳnh Hương | Wanderlust Tips